Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Bài 72: Mathiơ 19:13-15: "CHÚA JÊSUS YÊU THƯƠNG CON TRẺ"

MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Chúa Jêsus yêu thương con trẻ
Mathiơ 19:13-15
1. Trẻ con không còn được đánh giá cao trong xã hội của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta nghe những bậc cha mẹ và người lớn “đáng tin cậy” khác đang ngược đãi trẻ con bằng lời nói, bằng thể xác và bằng tình dục. Quả là tệ hại, trẻ con thường không được đánh giá cao trong Hội Thánh! Thường thì các chức vụ dành cho thiếu nhi bị đẩy vào sân sau của nhà thờ, ngân khoản bị rút nhỏ lại và các nhân sự của chúng bị xem là những người giữ trẻ hộ thay vì là những nhân sự. Nếu phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta có nói gì về Chúa Jêsus, phân đoạn ấy dạy rằng Ngài yêu thương "con trẻ" và vì cớ đó chúng phải được gần gũi với tấm lòng của chúng ta.
2. Tôi muốn xưng tội trước mặt quí vị về lãnh vực nầy. Là Mục sư và là nhà truyền đạo, tôi có khuynh hướng xem công việc của mình là công việc quan trọng nhất trong Hội Thánh. Đây là thái độ khó có thể chịu nổi. Còn có việc gì quan trọng hơn việc dịu dàng hướng dẫn một con trẻ đến với đức tin nơi Đấng Christ? Tôi mắc nợ nhiều về tri thức Kinh Thánh cơ bản của tôi và đức tin như con trẻ của tôi đối với các giáo viên tin kính, họ không mệt mõi dạy dỗ tôi từ khi còn nhỏ. Thường thì các giáo viên dạy thiếu nhi trong Hội Thánh nầy đang nuôi dưỡng con cái tôi về mặt thuộc linh còn nhiều hơn cả tôi nữa.
3. Có phải quí vị là một chi thể trong Hội Thánh đã xem thường tầm quan trọng của con trẻ không? Tôi có thể chỉ cho quí vị thấy các loại người như thế trong Hội Thánh. Chúng đang dãy chết.
4. Trong xã hội Do thái mà Kinh Thánh ghi lại, con trẻ đã được đánh giá rất cao.
A. Rachên đã ganh tỵ với khả năng của chị mình là Lêa khi có nhiều con và nói: "Hãy cho tôi có con, bằng không, tôi chết” (Sáng thế ký 30:1).
B. Giacốp nói với Êsau: "Ấy là con cái mà Đức Chúa Trời đã cho kẻ tôi tớ anh” (Sáng thế ký 33:5).
C. Khi Giacốp đã già cho đòi Giôsép đem hai con mình đến, ông đáp: "Ấy là những con trai của con mà Đức Chúa Trời đã cho tại xứ nầy" (Sáng thế ký 48:9).
D. Anne đã cầu nguyện xin cho có một đứa con. Khi Đức Chúa Trời nhậm lời, nàng đã gọi con trai mình là Samuên: "Đức Giêhôva đã nhậm lời tôi" (I Samuên 1:20, 28).
E. Văn chương trong Kinh Thánh chỉ ra giá trị của con trẻ.
· Thi thiên 127:3 chép: "Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng".
· Thi thiên 127:4-5 chép: "Con trai sanh trong buổi đang thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ. Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình! Người sẽ không hổ thẹn, khi nói năng với kẻ thù nghịch mình tại cửa thành".
· Châm ngôn 17:6 chép: "Mão triều thiên của ông già, ấy là con cháu; Còn vinh hiển của con cái, ấy là ông cha".
· Chúa Jêsus thuật lại câu chuyện nói tới người con trai hoang đàng, người cha trung tín của nó đã nói khi nó quay trở về: "Hãy bắt bò con mập làm thịt đi. Chúng ta hãy ăn mừng, vì con ta đây đã chết mà bây giờ lại sống, đã mất mà bây giờ lại thấy được" (Luca 15:23-24).
· Êphêsô 6:4 dạy bậc làm cha mẹ: "Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó".
5. Nôi dung phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta là sự dạy của Chúa Jêsus trong "xứ Giuđê bên kia sông Giôđanh" hay xứ Bêrê về hôn nhân, ly dị, tái hôn và sống độc thân (các câu 1-12). Ở cùng địa điểm đó, "người ta đem con trẻ đến". Mác 10 cho rằng họ đang ngồi trong một ngôi "nhà" và có nhiều bậc cha mẹ liên tục đem con cái của họ đến với Chúa Jêsus.
6. Trong phân đoạn nầy, có ba hành động minh chứng tình yêu thương của Chúa Jêsus dành cho con trẻ.
I. Chúng ta biết Chúa Jêsus yêu thương con trẻ vì cái chạm của Ngài (câu 15a).
A. Cha mẹ đem con trẻ đến với Chúa Jêsus.
1. Có người "đem" những đứa trẻ nầy đến với Chúa Jêsus. Chúng ta có thể quyết chắc rằng đấy chính là cha mẹ của chúng.
2. Ai cũng biết Chúa Jêsus rất yêu thương trẻ con. Ngài đã đuổi quỉ ra khỏi chúng. Trong 18:2, Ngài đã bồng một đứa trẻ trong hai cánh tay của mình như một tấm gương cho các môn đồ về con trẻ thuộc linh. Ở Giăng 4, Ngài đã làm cho con trai của quan thị vệ sống lại.
3. "Con trẻ" ra từ chữ paidia, có ý nói tới một đứa trẻ đang chịu sự dạy dỗ. Đây là một từ phổ thông thường mô tả con trẻ từ sơ sinh đến thiếu niên. Luca 18:15 chép: "Người ta cũng đem con trẻ [brephos, đặc biệt nói tới trẻ sơ sinh] đến cùng Đức Chúa Jêsus…".
4. Kinh Talmud của người Do thái dạy cha mẹ đem con cái của họ đến với các rabi đạo đức cao  để được chúc phước cho. Thường một người cha sẽ đem con trẻ đến với đền thờ cầu thay cho nó. Kế đó ông sẽ trao nó cho các trưởng lão để họ cũng cầu nguyện chúc phước cho đời sống của nó. Chúng ta vẫn làm theo hình thức của tục lệ nầy khi chúng ta dâng con trẻ cho Đức Chúa Trời trong các buổi thờ phượng của chúng ta.
5. Bậc cha mẹ nầy đã đem con cái đến với Chúa Jêsus “đặng Ngài đặt tay trên mình và cầu nguyện cho chúng nó”. Mặc dù chúng chưa biết rõ Chúa Jêsus là Đấng Mêsi, hãy tưởng tượng tư tưởng của Đấng Chịu Xức Dầu của Đức Chúa Trời đang bồng ẳm con cái của quí vị trong vòng tay của Ngài và chúc phước cho nó xem.
6. Tôi hình dung một hàng dài những bậc phụ huynh với con cái bé mọn của họ đang vây qaunh ngôi nhà trong xứ Bêrê đó.
7. Khi Chúa Jêsus "đặt tay Ngài trên chúng" đấy không phải để cho chúng được cứu, chịu phép báptêm hay chữa lành gì cả đâu. Sự cứu rỗi chỉ diễn ra khi một người nhơn đức tin mà đến với Chúa Jêsus. Phép báptêm là một hành động nhúng mình xuống nước sau khi được cứu, là bước đầu tiên của đời sống Cơ đốc. Nếu Chúa Jêsus đang chữa lành cho chúng một bịnh tật gì đó, Kinh Thánh sẽ nói ra điều đó. Không, Ngài đang chúc phước cho chúng.
8. Chúa Jêsus đang làm theo những truyền thống của các vị tộc trưởng. Ysác đã chúc phước cho Giacốp và Êsau mặc dù Giacốp đã cướp lấy quyền con trưởng của Êsau, anh người. Trong lúc tuổi già, Giacốp đã đặt hai tay mình trên đầu hai con của Giôsép là Épraim và Manase, rồi chúc phước cho chúng.
9. Hãy tưởng tượng Cứu Chúa đang ẳm bồng một đứa nhỏ, đặt tay trên mình chúng, mỉm cười, ngước nhìn lên trời và chúc phước cho từng đứa một.
10. Ngài biết rõ mấy đứa trẻ nầy không những là vô tội và theo bản chất là hạng tội nhân. Tuy nhiên, Ngài yêu thương và vẫn yêu thương tính cởi mở và đáng tin cậy của chúng.
B. Cha mẹ vẫn còn đem con cái họ đến với Chúa Jêsus.
R.C.H. Lenski đã viết: "Giống như chiếc bông hoa trong vườn khoe sắc dưới ánh sáng mặt trời, cũng một thể ấy có trong đứa trẻ một khuynh hướng mầu nhiệm đối cùng sự sáng đời đời. Bạn có để ý thấy điều mầu nhiệm nầy không, khi bạn nói cho đứa trẻ nhỏ nhất về Đức Chúa Trời, nó không hề tra hỏi với sự lạ lùng và ngạc nhiên: ‘Đức Chúa Trời là ai hay Ngài làm gì? Con chưa hề trông thấy Ngài’ – nhưng lắng nghe câu chuyện với gương mặt rạng ngời mặc dù đấy chỉ là những âm thanh dịu dàng yêu thương phát ra từ con người?" (MacArthur, p.180).
Truyện bằng tranh trong tạo chí Forbes phô diễn một người cha mẫu mực đang trò chuyện với cậu con trai nhỏ bé của mình, ông đang dạy nó tri thức của người làm cha: "Nầy con, hãy nhớ, đây là những năm tháng miễn thuế của con. Hãy tận hưởng chúng". Khi con cái chúng ta còn nhỏ, chúng ta phải tận dụng tối đa mọi cơ hội chúng ta có.
1. Bậc cha mẹ có thể đem con mình đến với Chúa Jêsus bằng cách nào!?! Hãy đưa chúng đến với Hội Thánh. Hãy trò chuyện với chúng về Chúa. Hãy cầu nguyện với chúng. Hãy cung ứng cho chúng ảnh hưởng thuộc linh mà quí vị có thể cung ứng.
2. Chúng ta hãy lưu ý một số lý do cụ thể phải đem con cái chúng ta đến với Chúa Jêsus:
a. Phụ huynh phải đem con cái mình đến với Chúa Jêsus để học biết về Đức Chúa Trời.
b. Phụ huynh phải đem con cái mình đến với Chúa Jêsus để học biết các giá trị đạo đức của Đức Chúa Trời đã được dạy dỗ trong Lời của Ngài.
c. Phụ huynh phải đem con cái mình đến với Chúa Jêsus để được Đức Chúa Trời chúc phước cho.
d. Phụ huynh phải đem con cái mình đến với Chúa Jêsus để chúng sẽ được cứu.
e. Phụ huynh phải đem con cái mình đến với Chúa Jêsus hầu cho chúng sẽ trở thành hạng môn đồ biết đầu phục.
f. Phụ huynh phải đem con cái mình đến với Chúa Jêsus hầu cho chúng biết truyền đạt Tin lành cùng các giá trị Cơ đốc cho thế hệ hầu đến.
3. Bậc cha mẹ phải cảm tạ Đức Chúa Trời vì các chức vụ dành cho con trẻ!
II. Chúng ta biết Chúa Jêsus yêu thương con trẻ vì mạng lịnh của Ngài (các câu 15b-16a).
A. Các môn đồ quở trách con trẻ (câu 15b).
1. Thậm chí khi Chúa Jêsus đang rờ đến và chúc phước cho "con trẻ", các môn đồ đã "quở trách" chúng và bố mẹ chúng.
2. Động từ Hy lạp dùng cho “quở trách” có ý nghĩa "khiển trách hay cấm đoán". Từ nầy mang ý tưởng đe doạ. Họ đang cố gắng hù doạ mấy đứa trẻ với một tư thế khó chịu.
3. Tại sao chứ? Tại sao họ muốn ngăn trở mấy đứa trẻ nầy không được ngồi gần Chúa Jêsus? Cho phép tôi đưa ra ba lý do.
a. Họ đang bảo vệ cho Chúa Jêsus. Họ biết rõ Ngài cần nghỉ ngơi và ở riêng một mình.
b. Họ không cảm thấy con trẻ là quan trọng. Nếu Ngài nhìn xem ai đó, Ngài sẽ thấy họ đang ở trong cảnh có cần thực sự.
c. Họ lấy làm mệt mỏi vì trẻ con. Họ không muốn rắc rối và ồn ào. Đây là lý do thành thực nhất.
4. Kỳ quặc làm sao, các môn đồ nầy đã sống gần gũi với Chúa Jêsus đến nỗi họ có thể cảm nhận được nhịp đập của quả tim trong lồng ngực Ngài, thế mà họ thực sự chẳng nhận biết được tấm lòng của Ngài.
B. Chúa Jêsus quở trách các môn đồ (câu 16a).
1. Mác 10:14 chép: "Đức Chúa Jêsus thấy vậy, bèn giận…". Bản Kinh Thánh NIV dùng từ "indignant" (căm phẫn). Đây là một từ rất mạnh chỉ được sử dụng ở đây trong toàn bộ Tân ước. Từ nầy đến từ một từ kép có nghĩa là "buồn nhiều lắm". Bầy trẻ đứng xếp hàng dọc kia đã làm cho Chúa Jêsus nổi giận.
2. Tại sao Chúa Jêsus nổi giận như thế chứ? Bởi vì Ngài yêu thương trẻ con. Ngược lại với những gì các môn đồ đã tin, Ngài mong muốn được ở với chúng. Ngài vui hưởng tình bầu bạn của chúng! Ngài yêu thương con trẻ. Vài phân đoạn Kinh Thánh khác nói điều nầy rất rõ ràng.
a. Trong Giăng 16:21, Ngài phán về niềm vui mừng của người mẹ sau khi sanh đứa con của mình.
b. Trong Luca 11:7 ở Thí dụ nói tới người bạn bền đỗ, Ngài phán về tình cảm của người cha đang ấp ủ con mình trong lúc ban đêm.
c. Ở một trong những bối cảnh cảm động nhất của Tin lành, Mác 5:41 ghi lại thể nào Ngài đã bước tới giường ngủ của con gái đã chết của Giairu. Ngài cầm lấy tay nó rồi phán: "Talitha cumi" "Hỡi con gái nhỏ, ta truyền cho mầy, hãy chờ dậy!"
3. Trở lại với phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: "Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở".
C. Chúa Jêsus quở trách những kẻ ngăn trở con trẻ.
1. Có bao giờ quí vị nghe nói có ai đó than phiền về sự ồn ào, lộn xộn và các hành động của bầy trẻ nhỏ ở trong nhà thờ chưa? Có bao giờ quí vị đưa ra những lời than phiền đó chưa? Tôi thực sự tin rằng những âm thanh ấy là những âm điệu vui vẻ trong lỗ tai của Chúa Jêsus.
2. Có nhiều nhà thờ, ở đó họ lấy làm bực mình vì con trẻ. Tất nhiên những nhà thờ đó đang dãy chết và có nhà thờ đã chết rồi.
3. George MacDonald từng nói rằng ông lấy làm hồ nghi Cơ đốc giáo của con người nếu trẻ con không thấy chơi đùa trước ngưỡng cửa của ông!
III. Chúng ta biết Chúa Jêsus yêu thương trẻ con vì sự dạy của Ngài (các câu 16b-17).
A. Chúa Jêsus dạy rằng muốn bước vào Nước Thiên Đàng chúng ta phải trở nên giống như Con trẻ.
1. Chúa Jêsus phán khi thấy các môn đồ quở trách chúng: "Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy".
2. Chúa đang cũng cố mọi điều mà Ngài đã dạy dỗ rồi ở 18:3: "…nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu".
3. Điều nầy không có nghĩa là chúng ta phải sống vô tội. Trẻ con không phải là vô tội đâu. Chúng sanh ra đã là tội nhân rồi.
4. Chúa Jêsus có ý nói rằng trước khi một người được cứu, người ấy phải nhận biết mình bất lực giống như một đứa trẻ và đặt hết lòng tin cậy nơi Chúa giống như một đứa trẻ tin cậy cha của nó vậy.
5. Trong lời của một bài thánh ca xưa, chúng ta phải nói: "Trong tay tôi chẳng có một điều gì, tôi chỉ bám lấy thập tự giá mà thôi".
B. Chúa Jêsus dạy ba lẽ thật về con trẻ.
1. Thứ nhứt, con trẻ sẽ được cứu.
a. Nếu có một câu nói dành cho công cuộc truyền giáo cho thiếu nhi, thì đây là câu nói đó! Khi bất cứ đứa trẻ nào đạt tới chỗ nó nhìn biết tội lỗi của mình và cần một Cứu Chúa, nó sẽ được cứu.
b. Người ta thường thắc mắc, làm sao tôi biết con tôi sẵn sàng thực sự muốn được cứu? Nó đáp ứng với tội lỗi như thế nào? Nếu nó buồn rầu vì tội lỗi của nó, nó đã sẵn sàng để được cứu.
2. Thứ hai, trẻ con đang chín mùi cho công cuộc truyền giáo.
a. Hội truyền giáo hải ngoại SBC trưng dẫn nghiên cứu của viện Gallup như sau: 19 trong số 20 Cơ đốc nhân đã được cứu trước độ tuổi 25. Ở tuổi 25, 1/10.000 sẽ được cứu; ở tuổi 35, 1/50.000; ở tuổi 45, 1/200.000; ở tuổi 55, 1/300.000; ở tuổi 75, 1/700.000.
b. D.L. Moody có lần trở lại với một buổi nhóm và tường thuật lại hai người rưỡi trở lại đạo. "Hai người lớn và một đứa trẻ, tôi nghĩ thế?" khán thính giả hỏi. Moody nói: "Không, hai đứa trẻ và một người lớn. Trẻ con dâng cả đời sống của chúng. Còn người lớn chỉ có phân nửa để dâng mà thôi".
3. Thứ ba, con trẻ sẽ được phước.
a. Câu 15 chép Chúa Jêsus "bèn đặt tay trên chúng nó, rồi từ đó mà đi".
b. Quí vị có thể tưởng tượng chúng đang xích lại gần Ngài không? Chúng biết Ngài yêu thương chúng. Ngài tử tế vỗ về và hôn chúng.
c. Chúng ta là con cái của Ngài. Ngài ao ước muốn được bồng ẳm chúng ta trên hai cánh tay của Ngài. Galati 4:6 chép: "Lại vì anh em là con, nên Đức Chúa Trời đã sai Thánh Linh của Con Ngài vào lòng chúng ta, kêu rằng: A-ba! Cha!"
d. Chúa Jêsus "bèn đặt tay trên chúng nó". Quí vị đã được bàn tay Ngài chạm đến chưa? Hai bàn tay có những mũi đinh đóng xuyên qua chúng là vì quí vị đấy.

***