Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

Bài 78: Mathiơ 22:15-46: "HỎI VÀ ĐÁP"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA

Hỏi và Đáp

Mathiơ 22:15-46

1. Có nhiều động lực khi đưa ra các thắc mắc. Đôi khi chúng ta đưa ra một thắc mắc với ao ước chân thành muốn học hỏi và kiếm được lượng thông tin. Thường có nhiều lúc chúng ta đưa ra những thắc mắc hầu tìm ra lý do hay để biết có bao nhiêu người hiểu rõ về một đề tài nào đó. Như chúng ta sẽ nhìn thấy trong phân đoạn Kinh Thánh trên đây, những thắc mắc cũng đã được sử dụng như một cái bẫy, để bắt lọn một người trong chính lời lẽ của người. Như người bạn Mục sư của tôi từng nói với tôi: "hãy cung ứng áo dài đủ cho dân sự và họ sẽ treo chúng lên".
2. Như chúng ta đã đi qua phần nghiên cứu từng câu một cách nhanh chóng trong tuần rồi về chức vụ của chính Đấng Christ, chúng ta được nhắc  nhớ rằng khoảng thời gian nầy cả nước Israel đã cứng rắn chối bỏ không nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của họ. Trong chương 21 chúng ta đã thấy ba Dấu Hiệu Về Sự Chối Bỏ. Trong nửa chương sau của chương 21 và 14 câu đầu của chương 22, chúng ta đã thấy ba Thí dụ nói tới sự chối bỏ. Còn bây giờ, khi chúng ta kết thúc chương 22, chúng ta sẽ thấy ba thắc mắc được đưa ra để gài bẫy Chúa Jêsus và mọi phản ứng về thần tính của Ngài.

I. Thắc mắc về các thứ thuế (các câu 15-22).

A. Câu hỏi gian giảo của người Pharisi (các câu 15-17).
1. Ở giữa tuần lễ của Lễ Vượt Qua, nhiều giờ trước khi Ngài chịu chết vì tội lỗi của thế gian, một lần nữa Chúa Jêsus đến dạy dỗ trong đền thờ, có lẽ ở Hành lang dân Ngoại, ở đây Ngài đã từng trục xuất những kẻ tôn giáo hám lợi.
2. Các cấp lãnh đạo tôn giáo "đã tìm cách tra tay trên Ngài" nhưng không được vì họ "sợ đoàn dân đông" vì số dân nầy "xem Ngài là một Đấng tiên tri" (21:46).
3. Giờ đây, người Pharisi mở ra "phương án B". Họ kín đáo gặp nhau rồi "kiếm cách bắt lỗi [bẫy] Đức Chúa Jêsus về lời nói". Họ không thể tấn công Ngài trực tiếp, vì vậy họ đã định tiếp cận Ngài cách gián tiếp. Họ muốn Ngài nói nghịch với Rôma để rồi Ngài sẽ bị bắt như một người muốn làm loạn. Luca 20:20 chép: "Họ bèn dòm hành Ngài, sai mấy kẻ do thám giả làm người hiền lành, để bắt bẻ Ngài trong lời nói, hầu để nộp Ngài cho kẻ cầm quyền và trong tay quan tổng đốc".
4. Câu 16 nói người Pharisi "sai môn đồ mình đến cùng Ngài". Vì sự o ép và các lần chạm trán mới đây, Chúa Jêsus vốn biết rõ họ. Họ đã sai các "môn đồ", là những kẻ giả vờ cảm phục.
5. Người Pharisi kết thân với "đảng Hêrốt". Đây không phải là một liên minh bình thường. Thực vậy, họ là những cực chính trị đối lập nhau. Đảng "Hêrốt" vốn có sự gắn bó chặt chẽ với Rôma và họ sẽ đóng vai trò chứng nhân đáng tin cậy một khi họ có thể bẫy Chúa Jêsus vào việc nói nghịch với Xêsa. Có người nói rất khéo léo: "Chính trị tạo ra bạn đồng sàng".
6. Họ đã đến với Chúa Jêsus và gọi Ngài là "Thầy", một tước hiệu rất vinh dự giữa vòng các rabi. Họ đã ngợi khen lời nói thẳng thắn của Ngài: "chúng tôi biết thầy là thật, và theo cách thật mà dạy đạo của Đức Chúa Trời". Họ đã nói về lối ăn nói khôn ngoan không tư vị của Ngài: "không tư vị ai". Họ đã nói ra sự thực, song không tin theo sự thực đó.
7. Châm ngôn 12:22 chép: "Môi miệng nói dối giả lấy làm gớm ghiếc cho Đức Giê-hô-va; Song ai ăn ở trung thành được đẹp lòng Ngài". Họ đã sử dụng lẽ thật vì các mục đích gian ác của họ.
8. Sau khi giả vờ thành thực, họ xin lời khuyên của Ngài. Hỏi xin lời khuyên là một trong các hình thái cao cả nhất của sự khen ngợi. "Có nên nộp thuế cho Xêsa hay không?"
9. "Thuế" bắt từ chữ kensos từ chữ Latinh censere từ đó chúng ta có chữ "census" (điều tra dân số). Là một lãnh thổ bị chiếm đóng, cư dân Israel bị buộc phải nộp một thứ thuế thân cho Rôma giữa vòng các thứ thuế khác.
10. Người Rôma đã giúp đỡ nhiều cho các quốc gia bị chiếm đóng, ít nhất là Pax Romana hay hoà bình của người La mã. Rôma đã bảo hộ họ tránh khỏi nhiều kẻ thù của họ.
11. Sự hiện diện, ảnh hưởng và đặc biệt các khoản thuế của Rôma không ai tránh được đã gây tức tối nhiều cho người Do thái. Họ đã tự nhận mình là thuộc về Đức Chúa Trời chớ không thuộc về Xêsa.
12. Người Pharisi lập mưu ở đây, một là khiến cho Chúa Jêsus nói nghịch với Rôma sẽ khiến cho Ngài bị bắt bớ, một là nói theo Rôma sẽ khiến cho Ngài bị mất lòng dân.
B. Câu trả lời rất cẩn trọng của Thầy (các câu 18-22).
1. Kế hoạch gian ác của họ không tác động trong một phút! Chúa Jêsus, Đấng tể trị trời và đất ai cũng biết không thể dại dột được. Giăng 2:25 chép Ngài: "và không cần ai làm chứng về người nào, bởi Ngài tự hiểu thấu mọi điều trong lòng người ta".
2. Ngài "biết ý xấu của họ" và hỏi: "Hỡi kẻ giả hình, sao các ngươi thử ta?" Ngài khiến cho họ nhìn biết mưu mẹo thấp kém của họ quá rõ nét đối với Ngài.
3. Chúa Jêsus phán: "Hãy đưa cho ta xem đồng tiền nộp thuế" và người ta trao cho Ngài một "đơniê", đây là một đồng tiền tượng trưng cho một ngày công lao động.
MacArthur viết: Mặc dù có nhiều loại tiền đúc, gồm tiền Hy lạp và Hy bá lai đã được sử dụng tại xứ Do thái lúc bấy giờ, và sự đổi chác từ tiền nầy sang tiền kia rất dễ dàng, chỉ có đồng đơniê La mã đã được sử dụng để nộp thuế thân. Đây là đồng tiền làm bằng bạc, đã được Hoàng đế cho đúc riêng, chỉ có ông mới có quyền phân phát đồng tiền bằng vàng hay bằng bạc mà thôi. Tất cả các đồng tiền đó, gồm cả đồng đơniê, đều mang hình của Hoàng đế ở mặt nầy và hiệu ở mặt kia.
4. Chúa Jêsus đã hỏi họ: "Hình và hiệu nầy của ai?" Ngài vốn biết loại tiền nầy rất chướng tai gai mắt đối với người Do thái. Hình của Hoàng đế là một sự nhắc nhớ đến sự áp bức của người La mã. Gần như hình ấy vi phạm luật pháp Môise về các hình ảnh chạm khắc (Xuất Êdíptô ký 20:4).
5. Khi đáp lại câu hỏi, có lẽ họ đã đồng thanh đáp: "của Xêsa". Họ tưởng Ngài sắp sửa nói nghịch lại với Rôma.
6. Chúa Jêsus đáp với sự kinh ngạc: "Vậy, hãy trả [như một món nợ] cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời". Chúa Jêsus vừa nói rằng họ phải nộp cho Xêsa những thứ mà họ đã mắc nợ ông ta.
7. Mặc dù mục đích của phân đoạn nầy là khả năng của Chúa Jêsus đánh bại chương trình của người Pharisis, tôi cần phải nói một câu về bổn phận của chúng ta phải "trả" các thứ thuế của chúng ta cho nhà cầm quyền. Đây là bổn phận của mỗi công dân nhưng thật đặc biệt là các tín đồ vì chúng ta cần phải tuân theo Lời của Đức Chúa Trời (Rôma 13:1-7).
8. Có người có ý kiến, họ cho rằng vì nhà cầm quyền của chúng ta là đồi bại, chúng ta không phải có bổn phận nộp các thứ thuế nữa. Chúng ta phải nhớ rằng nhà cầm quyền La mã vốn đồi bại và không có lòng thương xót khi Tân ước được viết ra.
9. Câu 22 nói người Pharisi và đảng Hêrốt "đều bợ ngợ" ở câu trả lời của Ngài. Họ rất đỗi ngạc nhiên bởi sự khôn ngoan của Ngài "liền bỏ Ngài mà đi" để hồi sức lại.

II. Thắc mắc về sự sống lại (các câu 23-33).

A. Cái bẫy mơ hồ của người Sađusê (các câu 23-28).
1. Câu 23 chép: "Trong ngày đó" hiệp 2 đã bắt đầu. Với người Pharisi đã bị đánh bại, người Sađusê bước tới để thi đấu.
2. Người Sađusê là những kẻ "nói rằng không có sự sống lại". Họ là những nhà tôn giáo giàu có, thuộc dòng quý tộc, rất phóng khoáng và là địch thủ rất tinh quái của người Pharisi. Họ khi dễ Chúa Jêsus vì họ đã thu lợi từ những người đổi bạc mà Ngài đã đuổi ra khỏi đền thờ.
3. Họ đã đem tới cho Chúa Jêsus một vấn đề khá hóc búa từ luật pháp Môise nói tới một người nuôi con của vợ goá của anh mình. Với điều nầy họ cũng thử Chúa Jêsus.
4. Họ giả định một gia đình có 7 anh em. Khi người thứ nhứt qua đời không có con cái chi hết, người em lấy vợ goá của anh mình. Người nầy cũng chết không con và cứ thế đến người em thứ bảy. Tôi rất ghét không muốn làm người em nhỏ nhất trong gia đình đó!
5. Với nụ cười tự mãn, họ hỏi: "Vậy, lúc sống lại, đàn bà đó sẽ làm vợ ai trong bảy người? vì cả thảy đều đã lấy người làm vợ?"
B. Lẽ thật chắc chắn của Cứu Chúa (các câu 29-33).
1. Thật thản nhiên, Chúa Jêsus nhìn thẳng vào họ khi Ngài phán: "Các ngươi lầm [láo khoét, sai trật, không đúng gì hết]". Họ đã lầm khi đề nghị rằng chẳng có sự sống lại gì hết sau khi chết.
2. Ngài nói cho họ biết tại sao họ sai lầm, vì họ không hiểu "Kinh Thánh và cũng không hiểu quyền phép của Đức Chúa Trời". Tôi thường nhìn thấy hạng người kiêu ngạo, họ nghĩ họ có một mớ lẽ thật không cần phải lấy Lời Đức Chúa Trời mà biện hộ cho truyền khẩu của họ.
3. Chúa Jêsus phán thật đơn sơ rằng "lúc sống lại" người nam người nữ "không cưới vợ cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy". Vậy nên chúng ta sẽ không cần một mối quan hệ nào về giới tính vì chúng ta sẽ không sanh sản nữa. Chúng ta sẽ không có các mối quan hệ riêng tư, mà nhận biết và được biết đến qua tất cả gia đình của Đức Chúa Trời trong mối giao thông với Đức Chúa Cha.
4. Người Sađusê bàn rằng sách Ngũ kinh chẳng chứa một tham khảo nào tới sự sống sau khi chết. Chúa Jêsus hỏi: "Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết" sao? Khi Ngài đề cập tới lời Đức Chúa Trời trước tiên phán cho Môise tại bụi gai cháy ở Xuất Êdíptô ký 3:6 và thường được nhắc lại sau đó: "Ta là Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, Đức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao?"
5. Khi ấy Chúa Jêsus mới thêm một cú đá nữa: "Đức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống". Chúa không phán: "Ta là Đức Chúa Trời của Ápraham, mà TA LÀ Đấng tự hữu!"
6. Câu 33 chép rằng "Chúng nghe lời ấy, thì lấy làm lạ về sự dạy dỗ của Ngài". Luca 20:39 chép rằng một số thầy thông giáo người Pharisi trong đám đông đã hô to lên: "Lạy Thầy, Thầy nói phải lắm". Câu 40 chép về người Sađusê đã bị tréo quai hàm: "Họ không dám hỏi Ngài câu nào nữa".

III. Thắc mắc về điều răn lớn nhất (các câu 34-46).

A. Thử nghiệm rất khó chịu của thầy thông giáo (các câu 34-36).
1. Người Pharisi "nghe nói Đức Chúa Jêsus đã làm cho bọn Sa-đu-sê cứng miệng". "Cứng miệng" ra từ một chữ đã được dùng để mô tả cái rọ khoá miệng con bò, sự im lặng của một con quỉ và sự im ắng của cơn bão. Nó có nghĩa là "cấm mở miệng". Họ không nói được một lời nào!
2. Tôi cuộc người Pharisi đã rít lên với cả thích thú và đau khổ khi họ "nhóm hiệp nhau lại" để bàn mưu lập kế tiếp theo.
3. "Có một thầy dạy luật" được chọn đến nói chuyện với Chúa Jêsus. Mác 12:28 nhận dạng ông ta là "một thầy thông giáo" trong khi Mathiơ cho chúng ta biết ở đây ông ta là một “thầy dạy luật". Có lẽ ông ta là một chuyên gia đặc biệt trong luật pháp Môise và rất có tài trong khi biện luận. Họ đưa ông ta lên giống như một Gôliát tập sự đến đối mặt với Chúa Jêsus, Con vua David.
4. Nhân vật trình độ nầy đến đặng "thử Ngài" rồi đưa ra một câu hỏi rất đơn sơ: "Lạy Thầy, trong các điều răn, điều nào là đầu hết?"
5. Họ hỏi Ngài đâu là điều răn lớn nhất của Môise? Người ta xem Môise là vị anh hùng lỗi lạc của Do thái giáo. Ông đã trò chuyện mặt đối mặt với Đức Chúa Trời, đã nhận lãnh mười điều răn viết trên hai bảng đá, là người khiêm nhường nhất trong loài người, và đã lãnh đạo dân Israel ra khỏi vòng nô lệ về tới Đất Hứa.
6. Kinh Thánh nói thầy thông giáo ngồi trên "ngôi của Môise" hay nói thay cho Môise (23:1-2). Vì nhiều năm tháng truyền khẩu đã chất đống trên các điều răn của Đức Chúa Trời và vì sự trong sáng mà Chúa dùng để giảng dạy, họ nghĩ Ngài đã dạy dỗ lẽ đạo ngược lại với Môise.
7. Họ thường xuyên tranh luận điều răn nào là điều răn lớn nhất trong các điều răn và trong sự phân bố của luật pháp, họ nghĩ Chúa Jêsus sẽ nói ra lẽ đạo nào đó phi chính thống để họ có thể xét đoán Ngài trước mặt dân chúng.
B. Đáp ứng rất trong sáng của Chúa (các câu 37-40).
1. Chúa Jêsus không dừng lại, xem xét hay chần chứ. Ngài mau mắn trưng dẫn những câu trong sách luật của người Do thái từ Phục truyền luật lệ ký 6:4-9 và Dân số ký 15:37-41: "Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi".
2. Đây là phân đoạn Kinh Thánh nổi tiếng trong cả Cựu ước. Những người Do thái trung tín đã nhắc tới phân đoạn nầy hai lần trong một ngày. Những người Pharisi cùng các thầy thông giáo đã mang câu Kinh Thánh ấy được viết trên một mãnh giấy nhỏ đặt trong một cái hộp cột trên trán hay trên cánh tay của họ.
3. Ý nghĩa của "điều răn lớn” nầy (shema từ chỗ "nghe" giống như trong câu "Hỡi Isarel hãy nghe") nhắm vào Đức Chúa Trời yêu thương. Là con cái của Ngài chúng ta cần phải "yêu mến Chúa" với mọi sự có trong chúng ta.
a. Chúng ta phải “hết lòng” yêu mến Đức Chúa Trời, là linh hồn bề trong của chúng ta, sâu lắng bên trong chúng ta.
b. Chúng ta phải “hết linh hồn” yêu mến Đức Chúa Trời. Điều nầy có ý nói mọi điều chúng ta tỏ ra như tình cảm hay tâm linh.
c. Chúng ta phải “hết ý” hay hết sức, hết trí khôn mà yêu mến Đức Chúa Trời. Chúng ta thờ lạy Ngài bằng tâm thần và lẽ thật.
4. Đức Chúa Trời không muốn những lời lẽ trống rỗng cùng các nghi thức lặp đi lặp lại. Ngài muốn con người, chớ không muốn những gì chúng ta có. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta tình yêu cao sâu của Ngài và đổi lại Ngài muốn tình cảm của chúng ta.
5. Chúa Jêsus không những ban ra "điều răn lớn nhất" mà Ngài còn phán "điều răn thứ hai cũng như vậy. Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình". Nếu chúng ta yêu mến Đức Chúa Trời theo chiều dọc, tình cảm ấy sẽ tràn ra trong tình yêu dành cho tha nhân theo chiều ngang.
6. Các thầy thông giáo và người dòng Pharisi chắc chắn không yêu kẻ lân cận như mình rồi. Họ đã buộc những người lân cận đó bằng những cái giá thật lố bịch trong đền thờ và đặt nhiều gánh nặng trên những người khác nữa (đối chiếu 23:4).
7. Chúng ta hãy đọc kết quả của sự trao đổi nầy trong Mác 12:32-34.
C. Thắc mắc kết thúc mọi thắc mắc (các câu 41-46).
1. Chúa Jêsus đã đáp trả 3 thắc mắc ra từ các cấp lãnh đạo tôn giáo, nhưng bây giờ Ngài có 2 câu để hỏi họ: "Về Đấng Christ các ngươi nghĩ thế nào? Ngài là con ai?"
2. Họ đã tin Đấng Mêsi hay "Đấng Christ" sẽ là một con người, và Ngài sẽ đến theo gia phổ hoặc là "Con vua David" là nhà vua vĩ đại nhất của dân Israel.
3. Khi ấy Chúa Jêsus mới chỉ cho họ thấy Thi thiên 110, một Thi thiên nói về Đấng Mêsi.
4. "CHÚA" thứ nhứt là Yaweh hay Đức Chúa Cha. "Chúa" thứ hai là Adoinay hay "Đấng cai trị tôi". Nói cách khác: "CHÚA [Yaweh] phán cùng Chúa [của David] tôi, hãy ngồi bên hữu ta, cho đến khi nào ta để kẻ thù nghịch ngươi dưới chân ngươi?"
5. Chúa Jêsus hỏi: "Vậy, nếu vua Đa-vít xưng Ngài là Chúa, thì Ngài làm con vua ấy là thể nào?" "Con vua David" không phải là tước hiệu thích đáng dành cho Đấng Mêsi vì Ngài cũng là "Con của Đức Chúa Trời".
6. Sau câu hỏi nầy "Không ai thưa lại được một lời, và từ ngày đó, chẳng ai dám hỏi Ngài nữa". Đảng Hêrốt, người Pharisi, người Sađusê cùng các thầy thông giáo đã hiệp các thế lực lại hòng đánh lừa Con Đức Chúa Trời và đã thất bại rất đáng thương, vì vậy họ đã thua trên bãi chiến trường. Họ sẽ cố gắng một cuộc công kích khác về sau nầy.
7. Trong một phân đoạn Kinh Thánh tương ứng, Mác kết thúc phần nầy bằng một lời bình: "Đoàn dân đông vui lòng mà nghe Ngài" (Mác 12:37). Họ cũng lấy làm lạ nơi sự khôn ngoan của Ngài và có lẽ đã tận hưởng những trao đổi ấy, nhưng chẳng bao lâu sau đó họ đã hô lên: "Hãy đóng đinh hắn trên cây thập tự".

***