Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Bài 93: Mathiơ 26:36-46: THỐNG KHỔ Ở TRONG VƯỜN


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Thống khổ ở trong vườn
Mathiơ 26:36-46
Mathiơ 26 đưa chúng ta đến với những ngày sau cùng chức vụ của Chúa Jêsus ở trên đất, thậm chí những giờ sau cùng  trước khi Ngài chịu chết vì tội lỗi của cả thế gian. Trong mấy bài nghiên cứu mới đây, chúng ta đã học biết về các cấp lãnh đạo tôn giáo của dân Israel thể nào đã "mưu" bắt Chúa Jêsus và giết Ngài (các câu 1-5), thể nào trong một hành động có tính cách tiệm tiến trong sự thờ lạy, Mary đã xức cho Chúa Jêsus bằng loại dầu đắt tiền (các câu 6-13), và thể nào Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, người giữ túi bạc của các môn đồ đã mặc cả để phản Chúa Jêsus để lấy "ba mươi miếng bạc", cái giá của một tên nô lệ tầm thường (các câu 14-16). Kế đó, chúng ta đã xét qua thể nào Chúa Jêsus đã kỷ niệm Lễ Vượt Qua cuối cùng với các môn đồ và trong chính lễ tưởng niệm ấy đã thiết lập Lễ Tiệc Thánh lần đầu tiên (các câu 17-30). Trong phần nghiên cứu vừa qua, chúng ta đã học biết thể nào Chúa Jêsus đã nói trước về sự ruồng bỏ của các môn đồ, đặc biệt là sự chối bỏ của Phierơ.
Chúa Jêsus cùng các môn đồ đã rời phòng cao rồi đi ngang thành phố đông đúc ấy qua khe Kít-rôn đến "Núi Ôlive" (câu 30). Lúc bấy giờ trời đã tối lắm rồi, có lẽ là gần nửa đêm. Thay vì đi ngủ, Chúa Jêsus đã để họ lại, Ngài đi một đỗi nữa đến một nơi kia đặng cầu nguyện. Câu 36 chép Ngài đưa họ đến "tại một nơi gọi là Ghết-sê-ma-nê".
"Ghết-sê-ma-nê" có nghĩa là "ép ôlive". Có lẽ đây là một vườn cây Ôlive trên sườn núi có bức tường đá vây quanh. Có lẽ một trong các môn đồ của Ngài là chủ của ngôi vườn, dường như Chúa Jêsus rất thường đến đây đặng cầu nguyện riêng. Có thể là tại chốn nầy mà Chúa Jêsus đã phát ra Bài Giảng Trên Núi (các chương 24-25). Với bất cứ tình huống nào, đây là một địa điểm rất quen thuộc đối với hết thảy mọi người trong số đó.
Buổi tối hôm ấy, những gì đã xảy ra cung ứng cho chúng ta thấy được sự đan dệt giữa thần tính và nhân tính của Ngài. Phân đoạn Kinh Thánh nầy là một cánh cửa sổ nhìn thẳng vào tấm lòng của Người-Trời. Chúng ta hãy xét qua nỗi buồn sâu sắc của Ngài, lời cầu nguyện bi thương và sự  đầu phục vô điều kiện trước ý chỉ của Đức Chúa Cha.
I. Nỗi buồn sâu sắc của Chúa Jêsus (các câu 36-39).
Sau khi đến tại Vườn "Ghết-sê-ma-nê" Chúa Jêsus đã để 8 môn đồ ở lại tại cổng vườn. Ngài phán trong câu 36: "Hãy ngồi đây đợi ta đi cầu nguyện đằng kia". Có lẽ Ngài đã để họ ở lại đó trước khi bước vào sự cầu nguyện riêng.
Câu 37 chép Ngài: "bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình", nghĩa là, Giacơ và Giăng. Đây là bộ "ba ở vòng trong" của 12 sứ đồ. Có khi họ cùng đi với Ngài trong một vài cơ hội, lúc các người khác bị bỏ lại ở đàng sau (Mathiơ 17:1; Mác 5:37).
Tôi tin Chúa Jêsus đã dành thời gian đặc biệt với mấy người nầy và cho phép họ nhìn thấy mọi điều mà các người khác không nhìn thấy, vì mỗi người trong số họ sẽ trở thành cấp lãnh đạo đặc biệt trong Hội thánh và sẽ dạy dỗ người khác mọi điều mà họ đã tiếp thu được. Chúa Jêsus muốn họ phải chứng kiến sự buồn rầu cùng sự phấn đấu cực độ của Ngài ở trong vườn đêm hôm ấy.
Khi họ tiến sâu vào chỗ tăm tối của vườn Ôlive: "tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm". Chúa Jêsus vốn biết rõ mọi điều sắp xảy đến. Ngài biết rõ Ngài đã giáng trần vì mục đích nầy. Ngài vốn biết rõ Ngài chính là "chiên con chịu giết từ khi sáng thế" (Khải huyền 13:8). Tuy nhiên, cái chạm tình cảm trọn vẹn về mọi sự sắp xảy ra "đã bắt đầu" từ giây phút đó, nó phủ lút trên chính mình Ngài.
Chúa Jêsus là con người trong mọi phương diện, trừ ra chỗ Ngài không có bản chất sa ngã, tội lỗi hư hoại. Ngài đã kinh nghiệm chính xác từng thứ tình cảm của con người giống như chúng ta kinh nghiệm vậy. Ngài đã khóc. Ngài đã than thở. Ngài đã vui mừng. Mặc dù Kinh Thánh không nhắc tới, chúng ta biết nhiều lúc Ngài đã mĩm cười. Nếu Kinh Thánh nhấn mạnh Ngài buồn nhiều hơn là vui vẻ, sở dĩ như thế là vì mọi điều Ngài đã nhìn thấy trên thế gian đã làm tan vỡ tấm lòng Ngài. Chúng ta càng tới gần Đấng Christ hơn, chúng ta càng mặc lấy "ý của Đấng Christ" (I Côrinhtô 2:16), chúng ta càng ít thấy cười được trong thế gian nầy.
Chúng ta thấy khó mà hiểu được Chúa Jêsus đã cảm nhận như thế nào trong giờ phút đó. John MacArthur mô tả cảm xúc ấy theo cách nầy: "Chưa hề có nhiều đau buồn như thế toát ra từ linh hồn của một con người. Chúng ta không sao hiểu được chiều sâu nỗi khổ của Đấng Christ vì, nói thẳng ra, chúng ta không thể thấy được sự gian ác của tội lỗi như Ngài thấy được đâu. Chúng ta cũng không thể đánh giá đúng mức những điều khủng khiếp của cơn thạnh nộ thiêng liêng theo cách mà Ngài đánh giá. Nỗi buồn Ngài tỏ ra trong sự cầu nguyện ở vườn Ghết-sê-ma-nê vượt quá trí hiểu của chúng ta. Chúng ta không nên kinh ngạc một khi ý nghĩa đầy đủ của sự cầu nguyện dường như vượt quá hiểu biết của chúng ta".
Chúa Jêsus đã "buồn bực" lắm vì  Ngài sắp bị phản và hắn đang sửa soạn dẫn những kẻ muốn giết Ngài đến bắt Ngài. Nỗi buồn phủ lút Ngài khi tư tưởng đến các môn đồ sẽ ruồng bỏ Ngài và chối không nhận Ngài. Còn tệ hại nhiều hơn thế nữa, buồn bực trải qua Ngài khi Ngài bị xem là thích ứng với tội lỗi mà Ngài sẽ mang lấy và “cái chén” thạnh nộ của Đức Chúa Trời mà Ngài buộc phải uống. Hơn cả mọi sự ấy nữa, là đau buồn về phần xác không thể nghĩ được mà chẳng bao lâu nữa Ngài sẽ đối diện với.
Không những Chúa Jêsus đã "buồn bực" mà Ngài còn "sầu não" nữa. Các môn đồ chưa hề thấy Ngài ở trong tình trạng như thế bao giờ. "Sầu não" có nghĩa là "rất nặng nề". Gánh nặng mọi tội lỗi của thế gian đã chất trên hai vai của Ngài. Quí vị có từng thấy ai đó đương lọt vào nỗi kinh hãi cực độ chưa? Họ khó có thể ăn ở và điều khiển các cơ bắp của họ. Tôi không nghĩ chúng ta đang kéo căng phân đoạn để nói rằng có lẽ Chúa Jêsus đã khóc nức nở và những giọt lệ đang chảy dài trên hai gò má của Ngài. Có lẽ chúng đã trợ giúp Ngài khi Ngài trên đường tiến sâu vào trong vườn.
Trên đường về lại quê hương, mục tiêu nỗi buồn ghê gớm của Ngài có thể nhận thấy được, chúng ta xem Chúa Jêsus phán với họ: "Linh hồn ta buồn bực cho đến chết". "Buồn bực" ra từ chữ perilupos có nghĩa là: "xung quanh đều đáng buồn". Từ chữ nầy chúng ta mới có từ ngữ "periphery" (chu vi). Chúa Jêsus bị sự buồn bực vây chung quanh. Ngài đang ngã lòng trong sự buồn bực đó. Ngài bị phủ lút với mọi điều sắp sửa xảy ra đến nỗi Ngài như sắp "chết" vậy.
Con người ta có thể ngã chết từ những cảm xúc mạnh. Họ có thể bị sợ hãi hay giận dữ thắng hơn đến nỗi thân thể họ phải tiều tụy. Chúa Jêsus biết rõ trong sự buồn bực, Ngài đã đạt tới giới hạn của thân thể và gần "chết". Khi ấy Ngài sẽ ngã chết và nếu Đức Chúa Trời không giữ gìn Ngài, để Ngài chịu lấy cái chết có tính cách hy sinh trên thập tự giá.
Luca 22:44 mô tả bối cảnh ấy như sau: "Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất". Tình trạng nầy được biết là hermatidrosis, trong đó dưới sức căng nặng nề của cảm xúc, các mao mạch dưới da vỡ tung dưới lực căng và máu sẽ thoát ra qua các tuyến mồ hôi.
Chúng ta không thể hiểu được những chiều sâu vô hạn nỗi buồn của Chúa Jêsus trong đêm hôm ấy. Hêbơrơ 5:7 nói về Ngài: "khi còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, và vì lòng nhân đức Ngài, nên được nhậm lời".
Tôi thích lời lẽ của bài thánh ca xưa My Saviors Love (Tình yêu Cứu Chúa tôi). Một trong những lời bài hát ấy ghi như sau: "Ngài đã cầu thay cho tôi ở trong vườn, ‘không theo ý tôi, mà theo ý Cha’. Ngài không có một giọt lệ nào cho nỗi buồn riêng của Ngài, mà giọt mồ hôi như giọt huyết đã nhỏ xuống vì tôi. Lạ lùng thay, kỳ diệu thay! Và đấy là bài ca của tôi. Lạ lùng thay, kỳ diệu thay là tình yêu của Cứu Chúa dành cho tôi".
II. Lời cầu thay thống khổ của Chúa Jêsus (các câu 39-44).
Sau khi bảo Phierơ, Giacơ và Giăng: "Hãy ở đây và tỉnh thức với ta", Chúa Jêsus "bước tới một ít" vào nơi vắng vẻ trong vườn và "sấp mặt xuống đất" mà cầu nguyện và cầu thay với Đức Chúa Cha.
Chúa Jêsus cầu nguyện: "Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!" Trong mọi lời cầu nguyện của Chúa Jêsus trừ ra tiếng kêu của Ngài trên thập tự giá đều ở trong sự ứng nghiệm Thi thiên 22, Chúa Jêsus đã gọi Đức Chúa Trời là “Cha” của Ngài. Ngài không giống như người Do thái trong thời của Ngài. Mác 14:36, nhắc tới chính bối cảnh này, ông ghi lại rằng Ngài phán: "A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn…". "A-ba" là chữ Aram tương đương với chữ "Cha" của chúng ta.
Chúa Jêsus cố ý yêu cầu “Cha” của mình nếu “có thể được”xin Ngài "cất chén nầy khỏi con". Muốn có được bất kỳ một sự hiểu biết nào về mọi điều sẽ xảy ra cho Chúa Jêsus trong đêm đó, chúng ta phải nắm bắt cho kỳ được ý nghĩa của chữ "chén" nầy!
"Chén" không những là cách nói bóng gió tới sự chết. Chén ấy không những nói tới nỗi đớn đau, dằn vặt phần xác thể trên thập tự giá. Đây không phải là sự biết trước những mũi đinh đóng xuyên qua thân thể Ngài, cơn khát kinh khủng, sự chộp bắt phần hơi thở mà Ngài e sợ nhất. Chén không phải là trận đòn vọt, các lần xét xử chế giễu, nhạo báng, sự đối đãi phạm thượng mà Ngài sẽ nhận lãnh hoặc toàn bộ mọi sự nầy. Cái "chén" là một thứ còn nhiều tệ hại hơn. Thực vậy, Chúa Jêsus đã nói trong Luca 12:4-5: "…Đừng sợ kẻ giết xác rồi sau không làm gì được nữa. Song ta chỉ cho các ngươi biết phải sợ ai: phải sợ Đấng khi đã giết rồi, có quyền bỏ xuống địa ngục; phải ta nói cùng các ngươi, ấy là Đấng các ngươi phải sợ!"
Cái "chén" mà Chúa Jêsus sợ phải uống là sự đổ ra cơn thạnh nộ thánh của Đức Chúa Trời trên tội lỗi. Trong Cựu Ước, cái "chén" là biểu tượng cho cơn thạnh nộ. Êsai 51:17 chép: "Hỡi Giê-ru-sa-lem, hãy thức dậy, thức dậy, và đứng lên! Ngươi đã uống chén thạnh nộ từ tay Đức Giê-hô-va; đã uống cạn chén xoàng-ba, uống cho tới cặn". Giêrêmi 25:15-16 chép: "Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên có phán cùng tôi như vầy: Hãy lấy chén rượu của sự giận khỏi tay ta, khá cho các dân mà ta sai ngươi đến đều uống lấy. Chúng nó sẽ uống, sẽ đi xiêu tó, và điên cuồng, vì cớ gươm dao mà ta sẽ sai đến giữa chúng nó".
Không, ấy chẳng phải sự hành hình về phần xác trên thập tự giá khiến cho Chúa Jêsus phải có nỗi buồn đau đến chết như thế đâu, mà ý nghĩa cho thấy rằng trong mấy giờ đồng hồ nữa Ngài sẽ "cất tội lỗi của nhiều người" (Hêbơrơ 9:28). Ngài là Đấng "vốn chẳng biết tội lỗi" sẽ "trở nên tội lỗi vì chúng ta" (II Côrinhtô 5:21). Ngài sẽ gánh lấy "tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ" (I Phierơ 2:24). Ngài sẽ trở nên "của lễ chuộc tội lỗi chúng ta, không những vì tội lỗi chúng ta thôi đâu, mà cũng vì tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Giăng 2:2).
Chúa Jêsus vốn biết rõ mọi sự bẩn thỉu gian ác của từng con cái thuộc dòng giống hư hoại của Ađam sẽ bị đặt trên chính linh hồn vô tội của Ngài. Tấm lòng không vít của Ngài sẽ bị nạo vét cho hết sự nhớp nhúa của tội lỗi tối tăm, sâu kín nhất trong tấm lòng con người. Êsai 53:6 chép: "Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người".
Không những tình trạng vô tội của Ngài sẽ bị ô nhiễm với tình trạng tội lỗi của chúng ta, không những thần tính của Ngài bị chìm sâu trong sự đồi bại của chúng ta, Ngài sẽ gánh chịu trọn cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta. Đức Chúa Cha sẽ gán từng tội lỗi một của chúng ta trên chính mình Ngài rồi để cho Ngài phải gánh chịu cơn thạnh nộ đáng lẽ chúng ta phải gánh chịu.
Đây là những gì Êsai 53:10 có ý nói khi câu nầy chép: "Đức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội….".
Thập tự giá còn đau khổ nhiều, nhiều hơn nỗi đau thể xác mà mắt thường trông thấy được. Trỗi hơn sự khủng khiếp ấy, Chúa Jêsus đã gánh chịu nỗi xấu hổ vì tội lỗi chúng ta cùng sự kinh khủng không dò được của cơn phán xét mà Đức Chúa Trời giáng trên tội lỗi của chúng ta. Cho nên chẳng có gì phải ngạc nhiên khi Ngài kêu la bằng lời lẽ của Thi thiên 22:1: "Đức Chúa Trời tôi ôi, Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Mathiơ 27:46).
Sau khi hiểu biết mọi sự nầy, sau khi cảm nhận đủ các tác dụng của cảm xúc và của thể xác, Chúa Jêsus đã cầu nguyện: "Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con". Chúa Jêsus vốn biết rõ cái chén ấy chẳng lìa khỏi Ngài theo bất kỳ một phương thức nào hết. Ngài biết rõ Ngài đã giáng trần là để tỏ ra mục đích làm ráo cáu cặn cay đắng của nó. Tuy nhiên, lời cầu nguyện nầy là sự tỏ ra thành thực nhất về nỗi sợ hãi mà Ngài cảm thấy trong giây phút đó. Mặc dù Ngài không hề nhượng bộ mà phạm tội, Ngài cảm thấy mọi tác dụng đầy trọn của sự thử thách của tội lỗi.
Kỳ diệu thay là ân điển của Chúa Jêsus, Ngài thường cầu nguyện trong ân điển ấy: "Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha". Ngài đã đến đặng làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha. Ngài phán trong Giăng 4:34: "Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài".
Khi ấy Chúa Jêsus mới trở lại với ba môn đồ và "thấy họ đang ngủ". Không nghi ngờ chi nữa họ rất mỏi mệt do kế hoạch quá bận rộn của họ. Trời đã tối lắm rồi. Có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ ngủ gà ngủ gật trong khi chúng ta ra sức cầu nguyện, nghiên cứu Kinh Thánh hay lắng nghe sự dạy của Kinh Thánh?
Ngài đã hỏi han trong nỗi thất vọng riêng: "Thế thì các ngươi không tỉnh thức với ta trong một giờ được!" Ngài vốn biết họ rất mỏi mệt, song sự biết ấy không cất đi nỗi đau việc nhìn biết họ đang chợp mắt một chút trong khi Ngài chỉ đứng cách đó không bao xa qua sự buồn bực một mình. Luca 22:45 chép: họ "đương ngủ mê vì buồn rầu". Có lẽ đúng như thế, sự ngã lòng đã được thêm vào tình trạng ngủ gà ngủ gật của họ nữa.
Họ đã bắt đầu lìa bỏ Ngài rồi. Trong khi Ngài còn mãi mê cầu nguyện, Ngài dọn mình để chuốc lấy tội lỗi vì ích cho họ, họ đã nằm ngủ cách đó chẳng bao xa. Ngài bảo họ: "Hãy thức canh và cầu nguyện, kẻo các ngươi sa vào chước cám dỗ". Đúng ra, họ cần phải "tỉnh thức và cứ cầu nguyện" luôn vì giờ thử thách của họ đã gần rồi. Chúa Jêsus vốn hiểu rõ sự họ phấn đấu trong chỗ: "tâm thần thì muốn lắm, mà xác thịt thì yếu đuối".
Chúa Jêsus quay trở lại "lần thứ hai" để cầu nguyện, Ngài nói: "Cha ơi! nếu chén nầy không thể lìa khỏi Con được mà Con phải uống thì xin ý Cha được nên". Ngài vốn biết Ngài không thể cho qua cái chén khủng khiếp nầy. Ngài biết rõ cách duy nhứt chúng ta được cứu là nhờ vào sinh tế của Ngài.
Đây là lý do tại sao không một ai được cứu theo bất kỳ một phương thức nào khác hơn sự chết có tính cách hy sinh của Chúa Jêsus. Nếu ai đó có thể, bởi cách tỏ ra sự sáng tạo do làm theo các việc lành, mọi sự nầy sẽ không còn cần thiết nữa.
Câu 43 chép Ngài "thấy môn đồ còn ngủ" và thêm rằng "mắt họ đã đừ quá rồi" cho thấy rằng đây là một giấc ngủ sâu hơn trước nhiều. Vì họ không thể "tỉnh thức và cầu nguyện", tìm kiếm sự cứu giúp của Đức Chúa Cha vì mọi điều còn phía trước, họ sẽ sa vào giấc ngủ sâu.
Khi ấy, Chúa Jêsus "đã bỏ họ" rồi trở lui cầu nguyện "lần thứ ba". Hãy đặc biệt chú ý trong câu 44, ở đây cho rằng Ngài đã: "lặp xin như lời trước". Ngài đã lặp đi lặp lại chính sự việc ấy nhiều lần lắm rồi. Điều nầy dạy cho chúng ta biết rằng mục đích của sự cầu nguyện không phải là làm thay đổi ý chỉ của Đức Chúa Trời, mà là làm thay đổi ý chí của chúng ta. Chúng ta có thể nài xin sự can thiệp của Đức Chúa Trời, nhưng đến cuối cùng sự cầu nguyện giúp chúng ta biết tiếp nhận cách trung tín ý chỉ của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta.
III. Sự đầu phục vô điều kiện của Chúa Jêsus (các câu 45-46).
Sau thời gian cầu nguyện lần thứ ba nầy, Chúa Jêsus đã trở lại với các môn đồ. Tôi nghĩ Ngài đã có cái nhìn khác vào thời điểm nầy. Ngài đã nhọc nhằn trong sự cầu nguyện và tự mình đầu phục trọn vẹn đối với Đức Chúa Cha. Mặc dù chương trình của Đức Chúa Trời không thay đổi, sự buồn bực và sầu não gần như muốn giết Ngài đã trôi qua. Giờ đây, sau khi cầu nguyện xong, Ngài đã sửa soạn đủ để uống cái "chén" sẽ được trao cho Ngài. Thái độ đầu phục của Ngài đã đem lại cho Ngài sức lực và lòng tin cậy. Thái độ ấy đã được thể hiện ra.
Ngài đánh thức các môn đồ, quở họ mà rằng: "Bây giờ các ngươi ngủ và nghỉ ngơi ư?" Tiếp đến Ngài công bố: "Nầy, giờ đã gần tới". Thì giờ của Ngài đã đến và Ngài vốn biết rõ sự ấy. Ngài phán: "Con người sẽ bị nộp [thì hiện tại] trong tay kẻ có tội". Câu 47 nói đám đông đã ùa đến để bắt Ngài: "khi Ngài còn đương phán".
Có lẽ trong khi Chúa Jêsus còn đương phán ra những lời nói sau cùng nầy, Ngài đã nghe thấy nhiều giọng nói và nhìn thấy các ánh đuốc của Giu-đa, các cấp lãnh đạo tôn giáo và lính canh đền thờ khi họ dến tại nơi cổng vườn. Chúa Jêsus phán: "Hãy chờ dậy, đi hè, kìa kẻ phản ta đến kia".
Trong phần kết luận, hãy xem xét phần ứng dụng nầy. Từ tấm gương của môn đồ, tự tín không dẫn tới sự cầu nguyện và nương cậy, mà chỉ khiến cho người ta phải buồn ngủ mà thôi. Nằm ngủ trong sự đối diện với kẻ thù chỉ đem lại sự cám dỗ, kế đó là tội lỗi và tai vạ một cách hoàn toàn. Tấm gương của Chúa Jêsus, ấy là khi bị cám dỗ, hãy cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện. Hãy đem ý chí mình mà đầu phục ý chỉ của Đức Chúa Cha. Sau khi đầu phục rồi, sức lực thuộc linh sẽ đến, nó giúp cho chúng ta đủ sức để thắng hơn sự cám dỗ.

***