Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

Bài 96: Mathiơ 26:69-75: "TÍNH CAY ĐỘC CỦA SỰ CHỐI BỎ"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Tính cay độc của sự chối bỏ
Mathiơ 26:69-75
Ngoài Chúa Jêsus và có lẽ sứ đồ Phaolô, không một nhân vật nào có cái bóng to lớn trong Tân ước cho bằng cái bóng của Simôn Phierơ. Ông là phát ngôn nhân của các môn đồ, là nhà lãnh đạo của họ. Simôn là tên của ông, nhưng Chúa Jêsus đã đặt cho ông tên Phierơ, nghĩa là "hòn đá". Chúa Jêsus đã kêu gọi ông từ một đời sống ngư phủ đến một chức vụ đánh lưới người. Từ hết thảy các câu chuyện, Phierơ dường như đã trở thành một nhân vật quan trọng. Giống như các nhân vật quan trọng, mạnh mẽ, ông vốn có đầy lòng tự tín nơi sức lực và khả năng riêng của mình. Ông dám chắc đến nỗi ông không biết mình phải cần tới năng lực của Chúa Jêsus là dường nào khi đối mặt với kẻ thù là Satan. Bóng đêm tăm tối được mô tả trong phân đoạn Kinh Thánh gốc làm cho sự thực ấy ra rất rõ ràng.
Sự Phierơ chối Chúa Jêsus trong đêm Ngài bị nộp có tầm mức rất quan trọng cho đức tin của chúng ta. Vì lý do nầy, Đức Thánh Linh cảm thúc mỗi một trước giả sách Tin Lành phải ghi rõ sự cố ấy vào trong truyện tích của họ. Không những đây là câu chuyện nói tới sự chối bỏ, mà còn là câu chuyện nói tới ân điển và sự tha thứ nữa. Phierơ đang làm minh hoạ sáng chói sự an ninh của từng tín đồ trong Đấng Christ, sự thực cho thấy rằng ngay cả khi chúng ta không bám chặt vào Chúa Jêsus, Ngài đang giữ chặt lấy chúng ta (Giăng 10:28-29).
Chúa sử dụng tình trạng yếu đuối và thất bại của chúng ta để luyện lọc và khiến cho chúng ta được trưởng thành trong đức tin. Nhiều năm về sau, khi suy gẫm lại điều nầy vào buổi tối hôm ấy, Phierơ đã viết: "Anh em vui mừng về điều đó, dầu hiện nay anh em vì sự thử thách trăm bề buộc phải buồn bã ít lâu; hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra" (I Phierơ 1.6-7). Khi các thế hệ của những tân tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên đối mặt với sự bắt bớ khủng khiếp từ phía nhà cầm quyền La mã, họ đã đọc thấy sự Phierơ chối Chúa, được tha thứ và đứng vững vàng. Thực vậy, chúng ta hãy đọc lời nói khích lệ của Phierơ đối với họ ở I Phierơ 3:14-17.
Phải, Phierơ đã chối bỏ Chúa Jêsus. Sức mạnh, lòng can đảm và sự tận hiến của ông đối với Đấng Christ đã thất bại, song đức tin ông không thất bại bao giờ. Đấy là điều làm cho Phierơ cùng các môn đồ khác ra khác biệt đối với Giu-đa. Ông đã có đức tin cứu rỗi. Đức tin cứu rỗi là đức tin làm nên thánh. Đức Chúa Trời xưng công bình ai, thì Ngài làm cho người ấy được vinh hiển, Ngài thật vinh hiển (Rôma 8.30).
I. Phierơ bày tỏ đức tin lớn và thái độ trung thành bất khuất của ông.
A. Ở nhiều thời điểm, Phierơ đã bày tỏ ra đức tin lớn.
Chưa có ai từng thắc mắc về ao ước và tình cảm của Phierơ dành cho Chúa Jêsus. Từ giây phút Phierơ quyết định đi theo Chúa Jêsus, ông "bỏ hết thảy" (Luca 5.11), ông đã lìa bỏ mọi sự khác. Ông đã bị nung nấu với một tình cảm muốn được ở với Chúa Jêsus. Ông đã đi theo Ngài từng chỗ từng nơi và đã ra sức bảo vệ Ngài.
Mặc dù có nhiều, nhưng có một trường hợp chỉ ra sức đầu phục mạnh mẽ của Phierơ đối cùng Đấng Christ. Hãy trở lại với Mathiơ 14:22-33. Ngay sau khi Chúa Jêsus đã cho 5.000 người ăn, Ngài "liền hối môn đồ xuống thuyền, qua trước bờ bên kia" của Biển Galilê. Ngài "lên núi để cầu nguyện riêng". Bóng tối phủ xuống và đang khi chiếc thuyền còn ở "giữa biển" một trận bão lớn nổi lên và các môn đồ rất sợ hãi. Nỗi sợ hãi của họ dâng cao khi họ nhìn thấy một cái bóng "đi bộ trên mặt biển". Họ nói: "Ấy là một con ma!" và họ "sợ hãi mà la lên". Dĩ nhiên, chúng ta biết đó là Chúa Jêsus. Phierơ hô lên: "Lạy Chúa, nếu phải Chúa, xin khiến tôi đi trên mặt nước mà đến cùng Chúa". Chúa Jêsus bảo ông hãy đến và Phierơ bước ra khỏi sự an ninh của chiếc thuyền mà đi trên các lượn sóng lớn kia. Chắc chắn là ông đã "đi bộ trên mặt nước mà đến cùng Chúa Jêsus". Tất nhiên, khi nhìn thấy "gió thổi, Phierơ sợ hãi". Khi nỗi sợ phủ lút ông, ông bắt đầu "sụp xuống nước" như một hòn đá. Ông hô lên: "Chúa ôi, xin cứu lấy tôi!" Câu 31 chép: "Tức thì Đức Chúa Jêsus giơ tay ra nắm lấy người". Ngài hỏi: "Hỡi người ít đức tin, sao ngươi hồ nghi làm vậy?" Khi họ đã lên thuyền, Chúa Jêsus đã khiến cho gió ngừng thổi và hết thảy các môn đồ đến thờ lạy Ngài rồi nói: "Thầy thật là Con Đức Chúa Trời!"
Mặc dù Chúa Jêsus đã nói Phierơ có "ít đức tin", ông đã có nhiều đức tin hơn bất kỳ các môn đồ khác và nhiều đức tin hơn hầu hết, nếu không phải là hầu hết chúng ta. Chưa có ai thắc mắc sự tin kính của Phierơ đối cùng Chúa Jêsus.
B. Ở nhiều thời điểm, Phierơ đã bày tỏ ra thái độ bất trung rất lớn.
Chúng ta hãy xem xét bốn phương thức Phierơ đã tỏ ra thái độ bất trung, thái độ ấy hình thành cơ sở cho sự thất bại của ông trong đêm Chúa bị bắt. Trước hết, Phierơ đã tỏ ra sự yếu đuối trong khi dám chắc mình mạnh mẽ lắm. Lúc đầu hôm đêm Chúa Jêsus bị nộp, Chúa đã nói tiên tri: "Đêm nay các ngươi sẽ đều vấp phạm vì cớ ta" (Mathiơ 26:31). Thậm chí Ngài đã trưng dẫn tiên tri Xachari (13:7). Với bản chất chân thật, Phierơ ngạo mạn lên mình: "Dầu mọi người vấp phạm vì cớ thầy, song tôi chắc không bao giờ vấp phạm vậy". Chúa nhất định bảo ông rằng trước khi gà gáy, ông sẽ chối Ngài ba lần. Ngay lúc đó, Phierơ nhất quyết tuyên bố: "Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu!"
Phierơ đã không "mau nghe""chậm nói" (Giacơ 1:19). Trước đó, trong 16:16, ông khẳng định với Chúa Jêsus: "Chúa là Đấng Christ, con Đức Chúa Trời hằng sống".
Tuy nhiên, khi Chúa Jêsus mô tả thể nào Ngài sẽ chịu khổ, sẽ bị giết và sẽ sống lại, Phierơ "bèn đem Ngài riêng ra, mà can…". Chúa Jêsus đã gọi ông là "Satan" rồi nói: "Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta". Dám chắc như thế không bao giờ là phần thử nghiệm đúng đắn về lòng can đảm. Sự kiêu ngạo của Phierơ đã chỉ ra thái độ bất trung của ông. Chúng ta tỏ ra lòng trung thành với Đấng Christ ở dưới ngọn lửa của kẻ thù, chớ không phải nơi sự dám chắc giả vờ trước mặt các tín hữu khác.
Phierơ đã tự dối mình. Lòng tin kính của ông dành cho Chúa Jêsus vốn dĩ là thực nhưng chủ yếu là về tình cảm mà thôi. Ông yêu mến Đấng Christ song chẳng đếm xỉa tới cái giá của địa vị làm môn đồ. Phierơ rất giống với nhiều người chúng ta ngày nay luôn nghĩ mình là trưởng thành thuộc linh. Chúng ta nghĩ chúng ta không bao giờ chối bỏ Đấng Christ hay xây khỏi Ngài. Chúng ta chỉ biết mình có trưởng thành thuộc linh hay không khi chúng ta đối diện với kẻ thù và tỏ ra lòng trung thành của mình với Chúa là Đấng cứu chuộc chúng ta.
Thứ hai, Phierơ đã tỏ ra sự yếu đuối trong sự cầu nguyện quá ít ỏi. Quí vị nhớ lại từ câu 37, rằng Chúa Jêsus đã đem Phierơ, Giacơ và Giăng đi sâu vào trong vườn để cầu nguyện. Sau khi nghe lời tiên tri của Chúa Jêsus nói về sự chối bỏ, Phierơ thay vì cầu nguyện, ông đã ngủ say. Trong khi Chúa Jêsus sắp ngã chết do căng thẳng về mặt tình cảm và mồ hôi nhỏ xuống như giọt huyết, Phierơ đã nằm ngáy ngủ chỉ cách đấy có mấy bước mà thôi.
Hầu hết các nan đề, nghi ngờ và khó khăn của chúng ta đều đến từ chỗ thiếu cầu nguyện. Giacơ 4:2 chép: "anh em chẳng được chi, vì không cầu xin". Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7:7: "Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho".
Thứ ba, Phierơ tỏ ra sự yếu đuối trong hành động quá hấp tấp. Ông vẫn còn say ngủ khi các ngọn đuốc của bọn người kia từ cổng đi sâu vào vườn. Toàn bộ cuộc bắt bớ nầy có lẽ chỉ diễn ra trong vòng mấy phút mà thôi. Khi họ đến gần Chúa Jêsus, Phierơ đã rút ra một thanh gươm ngắn rồi cắt đứt tai tên đầy tớ của thầy cả thượng phẩm là Manchu. Phierơ luôn luôn nghĩ ông biết mình phải làm gì. Thay vì bước theo sự lãnh đạo của Chúa Jêsus, ông đã hành động một cách hấp tấp. Sự chữa lành của Chúa Jêsus nơi lỗ tai của tên đầy tớ kia có lẽ đã làm tha mạng cho Phierơ đêm hôm đó. Chúng ta thường ngủ mê khi chúng ta lẽ ra phải cầu nguyện, khi kẻ thù tấn công, chúng ta lại hành động theo kiểu con người thay vì theo sự khôn ngoan của thiên đàng?
Thứ tư, Phierơ đã tỏ ra sự yếu đuối của mình trong việc đi theo ở xa xa. Câu 58 nói rằng sau khi Chúa Jêsus đã bị bắt dẫn tới nhà của thầy cả thượng phẩm, "Phierơ đã đi theo xa xa". Ông đã giữ khoảng cách đủ để chẳng ai biết ông là ai, nhưng gần đủ để biết việc gì đang xảy ra. Có những tín đồ thường che giấu đức tin của họ tại sở làm hay trường học, nhưng lại nói ra đức tin của họ tại nhà thờ và trong các lớp học Kinh Thánh. Họ cũng đi theo Chúa Jêsus "ở đàng xa". Họ rất khốn khổ vì họ có lòng trung thành phân hai. Họ đứng một chân với người thế gian và một chân với Hội Thánh nhưng chẳng thuộc về phía nào cả.
II. Thái độ bất trung của Phierơ dẫn tới sự chối bỏ (các câu 69-74).
Sự thật cho thấy rằng các trước giả bốn sách Tin lành đã ghi lại sự cố nầy từ các nhận định khác nhau, cung ứng cho chúng ta cả hai: câu chuyện bao quát và chi tiết của mỗi lần Phierơ chối Chúa.
A. Lần chối thứ nhứt (các câu 69-70).
Trong bài nghiên cứu trước, chúng ta đã học biết Chúa Jêsus tạm thời bị dẫn tới trước mặt Anne cha vợ của thầy tế lễ thượng phẩm Caiphe và kế đó trước mặt cả Toà Công Luận. Giăng đã có một vài sự quen biết với nhà của thầy cả thượng phẩm. Theo Giăng 18.15-16, ông đã đi vào sân trong và "đi ra nói cùng người đàn bà canh cửa, rồi đem Phi-e-rơ vào". Ở điểm nầy, dường như Giăng đã bỏ áo choàng lại vì Kinh Thánh chẳng nói gì về ông trong đêm đó.
Mathiơ cho chúng ta biết trong câu 57 rằng Phierơ "vẫn ngồi ngoài sân". Giăng 18:18 chép rằng "các đầy tớ và kẻ sai" đã "nhúm một đống lửa… vì trời lạnh". Luca 22:56 chép ông đã ngồi "cạnh đống lửa".
Có lẽ người phụ nữ kia đã nghi ngờ hay tò mò về ông vì cô ta "đến gần" ông rồi nói: "Ngươi cũng là kẻ ở với Jêsus, người Ga-li-lê". Câu 70 chép: "Song Phi-e-rơ chối trước mặt chúng" mà rằng: "Ta không hiểu ngươi nói chi".
Chỉ đọc từ sách Mathiơ, điều nầy dường như là một cuộc trao đổi ngắn, nhưng các sách Tin lành khác dường như kết lại với nhau để chỉ ra đây là một cuộc đấu khẩu kéo dài. Trong Giăng 18:17 cô ta hỏi: "Còn ngươi, cũng là môn đồ của người đó, phải chăng?" Phierơ đáp: "Ta chẳng phải". Trong Luca 22:56 cô gái nói với mấy người khác: "Người nầy vốn cũng ở với người ấy". Mathiơ nói rằng Phierơ "chối trước mặt chúng" cho thấy rằng ông đã nói ra lời chối nầy lớn tiếng đủ để cho nhiều người khác ngồi quanh ngọn lửa nghe thấy.
Mác 14:68 cho chúng ta biết "người chối" mà rằng: "Ta không biết, ta không hiểu ngươi nói chi". Rõ ràng cuộc trao đổi nầy rất đáng trách, sau đó ông đã bỏ đi "bước ra tiền đường". Khi ông vừa bước qua đó, "thì gà gáy".
B. Lần chối thứ nhì (các câu 71-72).
Nếu Phierơ đã nghe thấy tiếng gà gáy, tiếng gáy đó đã tạo ra các cú sốc trên thân thể ông khi ông nhớ lại lời tiên tri của Chúa (câu 34). Mác nói ông đã bước ra "tiền đường" và Mathiơ cho chúng ta biết ở câu 71, đây là cái "cửa". Đây không phải là một sự trái ngược đâu, mà có ý nói tới một cánh cổng dẫn từ sân trong ra con đường ở bên ngoài. Phierơ muốn có mặt ở chỗ mà ông dễ tránh thoát.
Không có một sự yên ủi hay an ninh nào từ bên ngọn lửa hết. Câu 71 chép: "có một đầy tớ gái khác thấy người". Cô ta nói với "cùng kẻ ở đó" rằng: "Người nầy cũng ở với Jêsus người Nazarét". Phierơ lại "chối" điều nầy "và thề" rằng "Ta chẳng hề biết người ấy!"
Rõ ràng, có nhiều người bị kéo vào lời tố giác đó. Mác 14:69 chép rằng “đầy tớ gái đó thấy người". Cô ta tiếp tục nói: "Người nầy cũng là bọn đó". Chắc chắn có người từ đống lửa đi theo ông ra tới "cửa". Giăng 18:25 chép rằng "có kẻ hỏi người rằng: Còn ngươi, ngươi cũng là môn đồ người phải không?" Một lần nữa, "Người chối đi mà trả lời rằng: Ta không phải!" Luca 22:58 chép: "có người khác thấy Phierơ" (khác ở đây nằm trong giống đực) và nói cùng ông: "Ngươi cũng thuộc về bọn đó". Phierơ đáp: "Hỡi người, ta không phải thuộc về bọn đó đâu".
Một tốp đầy tớ dường như đã đi theo Phierơ trong lúc nầy, hết thảy họ đều hô lên với những lời tố giác của họ. Phierơ đã chối từng câu một trước sự kết hiệp lại của họ. Ở đầu hôm tối đó ông đã nói: "Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu!" Ông đã làm đổ huyết và dùng thanh gươm của mình để bảo vệ cho Chúa Jêsus. Giờ đây, ông đang co cụm lại trước mấy cô đầy tớ và người làm trong nhà, ông công khai và cứ lặp đi lặp lại sự chối Chúa Jêsus.
Dường như họ chẳng có một sự hăm doạ nào hết. Nếu họ có ý làm hại, họ sẽ gọi lính canh đến bắt ông. Satan đã sử dụng họ để sĩ nhục ông và chỉ ra sự yếu đuối nơi đức tin của ông.
Sự thực cho thấy rằng Phierơ đã chối Chúa Jêsus bằng một "lời thề" (câu 72) thật là tội lỗi. Thực vậy, ông đang kêu gọi Đức Chúa Trời như làm chứng cho lời dối trá của ông. Đây là một hành động phạm thượng ghê khiếp quá. Hiển nhiên, điều nầy làm thoả lòng bọn đông người kia trong một phút và họ đã để cho ông yên.
C. Lần chối thứ ba (các câu 73-74).
Mathiơ nói "một chặp nữa". Luca 22:59 nói "độ cách một giờ". Phierơ đã chuyển tới một chỗ ông có thể nhìn trực tiếp vào cánh cửa sổ rồi xem thấy Chúa Jêsus đang đứng trước Toà Công Luận hay ông có mặt ở một chỗ mà Chúa Jêsus bị dẫn ra phía ngoài. Chính tại lần nầy mà Caiphe và Toà Công Luận đã định tội Chúa Jêsus và bắt đầu ngược đãi Ngài bằng một trò bạo lực bịt mắt Ngài. Mác nói điều nầy đã xảy ra trước lần chối sau cùng.
Mấy tên đầy tớ ở trong sân rõ ràng đã tranh luận về mối liên hệ của Phierơ với Chúa Jêsus. Họ đã dựng lên một trường hợp để nghịch lại ông. Họ tiếp cận ông như một tốp người. Câu 73 mô tả họ là “những kẻ ở gần đó". Một trong số họ đã nói: "Chắc thật, ngươi cũng thuộc về đảng ấy, vì tiếng nói của ngươi khai ngươi ra". Luca 22:59 chép: "Độ cách một giờ, có kẻ khác đề quyết như vậy mà rằng: Thật người nầy cũng ở với Jêsus, vì người là dân Ga-li-lê".
Giăng 18:26 chép: "Một người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, bà con với người mà Phi-e-rơ chém đứt tai" đến gần ông rồi nói: "Ta há chẳng từng thấy ngươi ở trong vườn với người sao?"
Là thế đấy. Thần kinh của Phierơ đã bị bắn trúng. Chúng đã nhắm vào lời dối trá của ông. Mathiơ nói trong câu 74: "người bèn rủa mà thề". Ông cứ nói: "Ta không biết người đó đâu!" Câu nầy có ý nói rằng ông phải viện đến cách nói năng phàm tục trong những ngày làm ngư phủ của mình để nhấn mạnh sự việc hay có lẽ ông đang thốt ra một lời rủa sả trên chính mình ông nếu ông không nói ra lẽ thật. Ông đã lún quá sâu. Ông đã bị lún đến chỗ sâu nhất rồi.
Ngay khi Phierơ bắt đầu thốt ra những sự nầy "tức thì gà gáy". Mác cung ứng cho chúng ta chi tiết nhất (ông lấy thông tin trực tiếp từ Phierơ). Mác 14.72 ghi lại rằng Chúa Jêsus đã nói với Phierơ thật đặc biệt: "Trước khi gà gáy hai lượt, ngươi sẽ chối ta ba lần".
Luca thêm một chi tiết cuối cùng. Phierơ đã thốt ra những lời nầy ở chỗ Chúa Jêsus có thể nhìn thấy và nghe ông nói qua cánh cửa sổ hoặc giả khi Chúa Jêsus đã bị dẫn ra khỏi nhà. Luca 22:61 chép: "Chúa xây mặt lại ngó Phi-e-rơ. Phi-e-rơ nhớ lại lời Chúa đã phán". Phierơ đã thót tim khi nhìn vào đôi mắt đau thương, dịu dàng của Chúa Jêsus sau khi nghe lời chối phạm thượng của ông.
III. Đức tin của Phierơ dẫn tới chỗ ăn năn (câu 74).
Với tiếng gà gáy trong hai lỗ tai mình và gương mặt bầm tím đầy máu của Chúa Jêsus trước mắt ông, Phierơ đã "đi ra". Tôi nghĩ ông đã bỏ chạy ra khỏi sân, không phải trong nỗi sợ hãi, mà là trong nỗi xấu hỗ cay đắng. Ông đã tìm được một góc tối đâu đó và "khóc lóc cách cay đắng".
Phierơ minh chứng đức tin chơn thật của mình bằng sự ăn năn. Cái điều quan trọng không phải là ông đã chối bỏ Đấng Christ nhiều bao nhiêu, mà là ông đã mau mắn ăn năn với nỗi đau thương buồn khổ. Khi một tín đồ đích thực phải đối mặt với tội lỗi của mình, tấm lòng người bèn tan vỡ. Người xem khinh tội lỗi đang hiện diện ở trong người, người ao ước muốn được phục hưng và sự tha thứ từ nơi Chúa.
Phierơ đã không thắng hơn được tội lỗi của mình cho tới khi ông nói với Chúa (Giăng 21). Ông không bao giờ chối Chúa nữa. Ngược lại, ông dạn dĩ đứng vững cho Đấng Christ trong các tình huống nguy hiểm và chịu chết trọn vẹn một cái chết của người tuận đạo. Giu-đe 24-25 bày tỏ ra ân điển tối thượng của Đức Chúa Trời: "Vả, nguyền Đấng có thể gìn giữ anh em khỏi vấp phạm và khiến anh em đứng trước mặt vinh hiển mình cách rất vui mừng, không chỗ trách được, là Đức Chúa Trời có một, là Cứu Chúa chúng ta, bởi Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa chúng ta, được sự vinh hiển, tôn trọng, thế lực, quyền năng thuộc về Ngài từ trước vô cùng và hiện nay cho đến đời đời! A-men”.

***