Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2016

Bài 97 Mathiơ 27:1-10: "CÔNG LÝ DÀNH CHO GIUĐA"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Công lý dành cho Giu-đa
Mathiơ 27:1-10
Chúng ta chẳng biết gì về Giu-đa trước khi ông ta trở thành một môn đồ của Chúa. Kinh Thánh không nói cho chúng ta biết điều chi đã tác động ông ta đi theo Chúa Jêsus. Chúng ta có thể nghi rằng ông ta mong mỏi đạt được một địa vị quan trọng hay sự giàu có nào đó khi ở trong sự hội nhập. Lòng trung thành của ông ta không bao giờ dành cho Đấng Christ mà là dành cho bản thân ông ta, và trong ba năm ông ta minh chứng mình là bậc thầy của sự che giấu tánh dối gạt. Chẳng có ai nghi ông ta phản bội cả. Chẳng có ai biết, trừ ra Chúa Jêsus.
Trong Giăng 6:60-71, sau khi Chúa Jêsus cho đoàn dân đông ăn, Ngài bắt đầu thố lộ một vài sự việc khó nghe làm mất lòng các môn đồ. Câu 64 chỉ ra rằng Chúa Jêsus: "biết từ ban đầu, ai là kẻ không tin, ai là kẻ sẽ phản Ngài". Ngài nói cho họ biết rõ rằng: "nếu Cha chẳng ban cho, thì chẳng ai tới cùng ta được" (câu 65). Có nhiều người đi theo Ngài đã bị phật lòng bởi các câu nói tuyệt đối khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Câu 66 chép: "Từ lúc ấy, có nhiều môn đồ Ngài trở lui, không đi với Ngài nữa". Trong câu 70, Chúa Jêsus phán: "Ta há chẳng đã chọn các ngươi là mười hai sứ đồ sao? Mà một người trong các ngươi là quỉ!" Câu 71 chỉ ra rằng Ngài đang đề cập tới "Giu-đa Íchcariốt… vì chính hắn … sau sẽ phản Ngài".
Là thủ quỹ của các môn đồ, Giu-đa là một tên "trộm" và đã tham ô tiền bạc dùng để lo cho người nghèo. Tại nhà của Simôn, khi Mary đổ ra tình yêu dâng hiến hay loại dầu thơm đắt tiền trên Chúa Jêsus, Giu-đa đã thắc mắc tại sao không bán dầu đó đi. Giăng 12:6 cho chúng ta biết: "Người nói vậy, chẳng phải lo cho kẻ nghèo đâu, song vì người vốn là tay trộm cắp, và giữ túi bạc, trộm lấy của người ta để ở trong". Tấm lòng của ông ta chai cứng là dường nào!
Giu-đa chắc chắn đã quyết định ông ta chẳng còn kiếm chác được gì nữa khi hội hiệp với Chúa Jêsus và đã mặc cả với các "thầy tế lễ cả" để "nộp Ngài" để lấy "ba mươi miếng bạc" (Mathiơ 26:14-16).
Giu-đa đã nhận được giải thưởng của viện hàn lâm vì đã hành động như thế! Ông ta đã đội lốt phản bội của mình giỏi đến nỗi chỉ có Chúa Jêsus với sự toàn tri mới nhìn biết ông ta là kẻ phản bội. Tại bữa Tiệc Thánh, Chúa Jêsus đã nói cho các môn đồ biết: "Một trong các ngươi sẽ phản ta". Ngài tiếp tục phán: "khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!" Khi các môn đồ nhìn nhau thắc mắc: "Lạy Chúa, có phải tôi chăng?" ngay cả kẻ dối gạt kia, là Giu-đa cũng hỏi: "Thưa Thầy, có phải tôi chăng?" Chúa Jêsus đáp: "Thật như ngươi đã nói". Các môn đồ khác không hề để ý tới cho đến khi Giu-đa hướng dẫn bọn đông người kia vào trong vườn đặng bắt Chúa Jêsus và đóng ấn sự phản bội của mình bằng một cái hôn.
Giờ đây, khi chúng ta bắt đầu chương 27, chúng ta đọc thấy sự hối cải của Giu-đa cùng sự tự tử của ông ta. Sau khi nhận ra mọi điều mà ông ta đã làm, Giu-đa có thể đến với Chúa Jêsus để tìm được ơn và sự tha thứ. Thái độ kiêu căng tội lỗi của ông ta không bao giờ cho phép ông ta làm như thế, vì vậy ông ta đã nắm lấy sự chọn lựa duy nhứt khác sẵn có.
Khi chúng ta xem xét phân đoạn Kinh Thánh chúng ta sẽ thấy trước tiên kế hoạch của toà công luận, kế đó là sự tự tử của Giu-đa và cuối cùng là sự chắc chắn của lời tiên tri.
I. Kế hoạch của Toà Công Luận (các câu 1-2).
Chương sách mở ra bằng cách lôi kéo sự chú ý của chúng ta ra khỏi ba lần chối Chúa của Phierơ rồi quay trở lại với cuộc xét xử theo kiểu tôn giáo kia. Mọi điều diễn ra trong hai câu nầy chắc chắn là lần xét xử sau cùng trong ba lần xét xử Chúa Jêsus theo kiểu tôn giáo hiện hành.
Quí vị nhớ lại rằng theo Giăng 18 Chúa Jêsus bị dẫn tới Anne, là ông chủ của bọn tôn giáo đông người kia tại thành Jerusalem. Khi Anne không thể kết án Chúa Jêsus, ông ta đã chuyển Ngài sang cho Caiphe và cả Toà Công Luận của dân Israel. Họ tổ chức cuộc xét xử trong bóng tối của buổi sáng sớm. Họ đã thuê những kẻ làm chứng dối, song không thể  tìm được hai người chứng nào có thể trình ra đủ chứng cớ để kết án Ngài tội gì đáng chết cả. Sau cùng, Caiphe nói: "Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng?" Chúa Jêsus đáp: "Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống". Thầy cả thượng phẩm bèn xé áo mình khi ông ta nói: "Nó đã nói phạm thượng". Hết thảy bọn họ đều nói: "Nó đáng chết".
Luật của dòng rabi cấm họ tổ chức xét xử vào ban đêm ngoài đền thờ. Vì vậy, "đến sáng mai" họ lại triệu tập cho có hình thức. Thêm vào đó là "các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân", Mác nhắc tới "các thầy thông giáo cùng cả tòa công luận" (15:1). Giờ đây, họ đã tập trung lại và "hội nghị nghịch cùng Đức Chúa Jêsus để giết Ngài". Về mặt cơ bản, họ đã tái khẳng định mọi điều họ đã quyết rồi trong đêm trước, lần nầy để làm ra vẻ hợp pháp mà thôi.
Đế Quốc La Mã không cho phép người Do thái kết án tử hình ai mà không xin phép họ. Đôi khi trong một hành động giận dữ, họ sẽ ném đá người vì tội phạm thượng (đối chiếu Giăng 8:3-11; Công Vụ các Sứ Đồ 7:54-60) nhưng Toà Công Luận muốn người La mã phải kết án tử hình Chúa Jêsus. Họ không để mất thì giờ. Luca 22:66 chép: "đến sáng ngày" họ đã nhóm lại dự lần xử thứ ba theo kiểu tôn giáo rồi với một sự hợp pháp giả vờ họ trao Ngài cho người La mã để chịu kết án.
Ở thành Jerusalem, tại bối cảnh nhà của Caiphe, có một ngục nhỏ tối bằng đá với khoảng rộng đủ cho một người yếu sức. Có lẽ Chúa Jêsus đã qua đêm trong khoảng thời gian còn lại tại đây.
Luca 22:66-71 cung cấp cho chúng ta phần đối thoại của lần xét xử thứ ba và sau cùng theo kiểu tôn giáo. Một lần nữa, họ không để cho Ngài biện hộ hay biện chứng chi hết. Họ nói với Ngài: "Nếu ngươi phải là Đấng Christ, hãy xưng ra cho chúng ta". Chúa Jêsus đáp: "Nếu ta nói, thì các ngươi không tin, nếu ta tra gạn các ngươi, thì các ngươi không trả lời. Nhưng từ nay về sau, Con người sẽ ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời".
Ngài đang chỉ ra đấu pháp quá bất công của họ. Nếu Ngài nói cho họ biết Ngài là Đấng Mêsi, họ sẽ chẳng tin Ngài. Nếu Ngài chối Ngài không phải là Đấng Mêsi, họ vẫn sẽ không buông tha Ngài. Ngài vẫn quyết chắc với họ rằng một ngày kia họ sẽ thấy và tin, và họ sẽ không xét xử Ngài mà Ngài sẽ là Quan Án của họ.
Một lần nữa, "hết thảy họ" đều hỏi trực tiếp: "Có phải ngươi là Con Đức Chúa Trời không?" Chúa Jêsus đáp ngay: "Thật như lời". Giờ đây, họ đã có báo cáo công khai lúc ban ngày xác nhận lời Ngài tự xưng mình chính là Đấng Mêsi. Họ mừng rỡ kháo nhau: "chúng ta còn cần gì người làm chứng nữa sao? Các ngươi vừa nghe lời phạm thượng đó, thì nghĩ làm sao?"
Mathiơ nói họ "trói Ngài rồi, họ đem nộp cho Phi-lát, là quan tổng đốc". Luca 23:1 chép: "Đoạn, cả hội đồng đứng dậy, điệu Ngài đến trước mặt Phi-lát".
Giăng 18:28 chép trời vẫn còn "sớm mai" khi họ điệu Ngài đến "trường án", là dinh thự của Phi-lát. Các cấp lãnh đạo giả hình nầy đã xử Con Đức Chúa Trời phải chết nhưng "chính mình chúng không vào nơi trường án, cho khỏi bị ô uế" vì họ muốn được "ăn Lễ Vượt Qua".
II. Sự tự tử của kẻ phản bội (các câu 3-5).
Câu 3 bắt đầu với "Khi ấy, Giu-đa…" cho chúng ta thấy thứ tự thời gian của các biến cố trong khoảng thời gian ngắn ngủi nầy. Kinh Thánh không cho chúng ta biết Giu-đa đã ở đâu hay ông ta đã làm gì sau sự bắt bớ ở trong vườn. Từ câu nầy dường như ông ta đã quan sát ít nhất một phần xét xử trong ba lần xét xử Chúa Jêsus theo kiểu tôn giáo. Có lẽ ông ta, giống như Phierơ đã chờ đợi suốt đêm trong bóng tối của sân toà. Ít nhất, ông ta đã có mặt ở lần xét xử lúc sáng mai.
Câu 3 nói rằng Giu-đa đã "thấy Ngài bị án". Ông ta đã nhìn thấy Chúa Jêsus bị "trói" rồi bị dẫn tới gặp Phi-lát. Ông ta đã nhìn thấy gương mặt bầm tím và đầy máu me của Chúa Jêsus. Có thể đây là lần đầu tiên ông ta nhận biết con người vô tội nầy sắp sửa bị giết chết và ông ta là người chịu trách nhiệm.
Hãy gạch dưới câu 3 cụm từ "ăn năn". Ông ta đã bán Chúa Jêsus và giờ đây một nhận thức khó hiểu về tội lỗi tuôn tràn qua ông ta. Có ai biết Giu-đa đã suy nghĩ điều gì không? Có lẽ ông ta nghĩ Chúa Jêsus vô tội đến nỗi Ngài sẽ không bao giờ bị kết án. Có lẽ ông ta tin Chúa Jêsus sẽ dùng quyền phép của Ngài để tự bảo vệ rồi nhơn đó minh chứng cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Mêsi. Dù có bất cứ điều chi trải qua lý trí của Giu-đa trước đó, bây giờ ông ta đã nhìn thấy Chúa Jêsus bị dẫn tới gặp Phi-lát. Lúc nầy, tấm lòng của ông ta đầy dẫy với sự hối cải và tiếc nuối.
Chúng ta không cảm thấy tiếc cho Giu-đa. Ông ta đã bán đứng Con Đức Chúa Trời với cái giá của một tên nô lệ. Ông ta đã có một cơ hội đã được cung ứng duy nhứt cho 11 người khác trong lịch sử nhân loại. Vì hơn 3 năm ông ta đã ở với Chúa Jêsus. Ông ta đã nghe từng sự dạy. Ông ta đã nhìn thấy từng phép lạ. Ông ta đã có mối quan hệ mật thiết với Con của Đức Chúa Trời! Ông ta có thể nhìn thẳng vào mắt của Chúa Jêsus. Ông ta biết rõ âm thanh giọng nói của Chúa Jêsus. Ông ta đã cảm nhận được vòng tay ôm của Chúa. Ông ta đã được dạy dỗ bằng lẽ thật thiêng liêng ra từ miệng của Chúa của mọi loài thọ tạo. Thế mà ông ta đã hoàn toàn chối bỏ Ngài.
Lịch sử đầy dẫy với những tên tội phạm cực kỳ tàn ác. Chúng ta sẽ nói gì về Adolph Hitler, Khờ me Đỏ, Joseph Stalin, Saddam Hussein, Attila, Nero, và Hêrốt Đại đế? Còn những kẻ như Charles Manson, Jeffry Dahmer hay Timothy McVeigh thì sao? Hạng người đồi bại điên dại nầy đã giết người và giết người với chẳng một tiếc nuối hay hối cải gì hết. Phải chăng họ chẳng tệ hại hơn Giu-đa, là kẻ biết "ăn năn?
Không một người nào từng phạm tội to lớn giống như Giu-đa. Chiều sâu tội lỗi của ông ta được đánh giá bằng sự vô tội của nạn nhân của ông ta. Ông ta đã có đặc ân lớn lao nhất từng được dành cho bất kỳ con người nào sống, nhưng đã làm chai cứng tấm lòng mình. Ông ta sống giả dối, ràng rành đạo đức giả. Sau cùng, ông ta đã bán đứng Đấng Mêsi. Ông ta bằng lòng chà đạp ân điển của Đức Chúa Trời. Ông ta đã phạm vào sự tàn ác cực kỳ nhất từng nhập vào chỗ sâu thẳm của lý trí băng hoại của con người. Chúa Jêsus đã thẳng thừng gọi ông ta là "quỉ". Satan đã thấy dễ nhập vào ông ta (đối chiếu Giăng 13:27).
Quí vị sẽ hỏi: "Nếu Giu-đa đã ‘ăn năn’, có phải ông ta đã ăn năn tội của mình không?" Không. Không có ăn năn gì cả đâu! Bản Kinh Thánh KJV không đúng khi dịch từ nầy là “ăn năn” (repented). Đây không phải là một từ Hy lạp thông thường nói tới ăn năn, mà là một từ có ý nói tới nỗi buồn rầu và tiếc nuối sâu sắc. Giống như nhiều người ngày nay, Giu-đa đã nhìn thấy mọi hậu quả của tội lỗi mình và thù ghét các hậu quả đó, nhưng ông ta không thù ghét bản thân tội lỗi.
Giu-đa đã thất vọng muốn tránh thoát mọi hậu quả của tội lỗi mình. Ông ta "bèn đem ba chục miếng bạc trả cho các thầy tế lễ cả và các trưởng lão". Hãy hình dung bối cảnh ấy xem! Các cấp lãnh đạo tôn giáo nầy đang trên đường điệu Chúa Jêsus đến gặp Phi-lát. Suy đi nghĩ lại ghê khiếp lắm, Giu-đa bươn theo họ với số tiền cầm trong tay. Ông ta muốn hoàn trả lại. Mọi sự ông ta mong muốn trước đó là tiền bạc rồi giờ đây ông ta muốn ném nó đi. Số tiền ấy giống như một hòn than sống ở trong tay. Không cứ cách nào đó, ông ta nghĩ nếu ông ta có thể hoàn trả lại số tiền, tội lỗi ông ta sẽ bị huỷ đi. Đây cũng chính là loại lý luận cho rằng phá thai cất bỏ đi tội phạm về tình dục.
Ông ta nói với họ: "Tôi đã phạm tội vì nộp huyết vô tội!" Ở điểm nầy, ông ta đã xưng tội. Ông ta là một con người đầy dẫy với hãi hùng. Ánh mắt ông ta ngời lên với sợ hãi. Ông ta biết rằng sự phán xét sẽ giáng trên ông ta. Ông ta không nói: "Ta là kẻ dại dột", "Ta đã phạm sai lầm" hay "Ta đã sai rồi". Ông ta nói: "Ta đã PHẠM TỘI". Đây không phải là lời xưng tội của sự ăn năn thật, mà là lời xưng tội của nỗi sợ hãi. Ông không xưng câu nầy với Đấng Christ và nài xin sự thương xót, mà ông xưng với các thầy tế lễ cả đang e sợ sự quả báo. Ông ta đang nắm lấy những cọng rơm, mong gạt bỏ khỏi mình nỗi buồn khổ và tội lỗi mà ông ta đang kinh nghiệm.
Tội lỗi chỉ đem lại khoái lạc tạm thời; nó không hề làm cho thoả mãn. Trong tánh tham của ông, Giu-đa đã bán đi cơ hội để được thoả mãn và sự vui mừng đời đời. I Timôthê 6:10 chép: "Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn".
Các thầy tế lễ gian ác không hiệp thông với kẻ phản bội. Họ đã có những gì họ muốn từ Giu-đa và chẳng cần gì nữa nơi ông ta. Họ nói với giọng chế giễu: "Sự đó can gì đến chúng ta? Mặc kệ ngươi!" Mặc dù Giu-đa đã thừa nhận ông ta đã nộp "huyết vô tội", điều nầy chẳng ăn nhập gì với họ hết. Họ chẳng quan tâm tới sự tội hay sự vô tội mà chỉ quan tâm tới việc tiêu diệt Chúa Jêsus thôi. Họ sẽ đóng đinh Ngài trên thập tự giá với sự hiểu biết trọn vẹn rằng Ngài vô tội.
Sự thể rất giống với trò chơi "gây tranh cãi" vậy. Giu-đa không muốn tiền bạc. Các thầy tế lễ cũng không muốn tiền bạc nữa. Khi họ không muốn tiền bạc, Giu-đa đã ném "bạc vào đền thờ, liền trở ra". Có lẽ họ đang đứng trước nơi thánh khi sự việc nầy xảy ra. Ông ta đã ném tiền vào nơi mà chỉ có họ mới có thể nhặt lại. Giu-đa đã nghĩ sai nếu ông ta tự ném bỏ số bạc, có nghĩa là ông ta sẽ tự ném bỏ tội lỗi mình đi, nhưng ông ta học biết rằng điều nầy sẽ không phải như thế đâu.
Thất vọng, vô vọng và hoàn toàn đơn độc với tội lỗi của mình, Giu-đa "liền trở ra, đi thắt cổ". Có thể Giu-đa không thể sống với lòng mình. Có thể ông ta nghĩ cái chết sẽ chuộc được tội lỗi của mình. Ông ta cần phải biết nhiều hơn nữa. Ông ta đã tốn ba năm ngồi nghe Chúa Jêsus dạy dỗ về nỗi kinh khiếp của địa ngục.
Công Vụ các Sứ Đồ 1:18-19 thêm phần giải thích sâu sắc hơn: "Tên đó lấy tiền thưởng của tội ác mình mà mua một đám ruộng, rồi thì nhào xuống, nứt bụng và ruột đổ ra hết. Sự đó cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết chán, đến nỗi chúng gọi ruộng đó theo thổ âm mình là Hác-en-đa-ma, nghĩa là ruộng huyết". Rõ ràng Giu-đa đã treo cổ mình trên mấy hòn đá nhọn hoắc kia. Một là sợi dây bị đứt hay là nhánh cây bị gãy, cả thân thể ông ta rơi xuống trên mấy hòn đá ấy.
Hãy so sánh sự hối cải của Giu-đa với sự ăn năn của Phierơ xem. Giu-đa đã cố sức tự hất bỏ tội lỗi của mình. Phierơ đã đối mặt với tội lỗi mình và "khóc lóc cay đắng". Giu-đa đã bỏ chạy xa khỏi Chúa Jêsus. Phierơ chạy đến với Ngài. Quí vị có hối cải vì tội lỗi mình hay thành thực ăn năn? Cõi đời đời đang giữ thế cân bằng. II Côrinhtô 7:10 chép: "Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết".


III. Tính chắc chắn của lời tiên tri (các câu 6-10).
Vì chỉ có các thầy tế lễ mới có thể bước vào chỗ ấy của đền thờ, họ phải nhặt lại số "bạc" đó. Họ nhũ thầm: "Không có phép để bạc nầy trong kho thánh, vì là giá của huyết". Thú vị thay, họ chẳng có chút băn khoăn nào khi lấy số tiền từ kho của đền thờ để đút lót cho Giu-đa, còn giờ đây họ thấy bối rối về việc đưa số tiền "giá của huyết" kia trở lại kho. Điều nầy nhấn mạnh sâu sắc tình trạng giả hình tự xưng công bình của họ.
Sau khi nhận biết điều chi đã xảy ra với Giu-đa, có lẽ để tự vấn lương tâm và tìm được ơn trước đám dân đông kia, họ đã "mua ruộng của kẻ làm đồ gốm để chôn những khách lạ". Rõ ràng, miếng ruộng đã được người ta đào để lấy đất sét và chẳng còn có chút giá trị nào nữa. Họ đã biến nó thành khu đất chôn cất hạng người nghèo khổ.
Mathiơ cho chúng ta biết trong câu 8 rằng khoảng 30 năm sau: "ruộng ấy đến nay còn gọi là "ruộng huyết". Danh xưng ấy cho thấy rằng ai cũng hiểu miếng ruộng đã được mua bằng “giá của huyết”. Bản thân danh xưng đó chứng tỏ tình trạng vô tội của Chúa Jêsus.
Mathiơ kết luận tiểu đoạn nầy bằng cách đề cập tới lời tiên tri đã được "tiên tri Giêrêmi nói ra". Chắc thật mấy câu nầy đã ra từ Xachari 11:2-13. Đây không phải là sai sót vì người Do thái trong thời buổi ấy đã chia kinh Cựu ước thành ba phần: luật pháp, thi văn và lời tiên tri. "Giêrêmi" là sách đầu tiên trong thứ tự của họ về các sách tiên tri. Điều nầy giống như nói: "đã được thốt ra bởi các tiên tri".
"Vị tiên tri" đã nói gì? Hãy lắng nghe sự trong sáng đáng kinh ngạc trong lời lẽ của Xachari: "Họ lấy ba chục bạc, là giá của Đấng đã bị định bởi con cái Y-sơ-ra-ên, và đưa bạc ấy mà mua ruộng của kẻ làm đồ gốm y như lời Chúa đã truyền cho ta". Lời tiên tri nầy nhấn mạnh một lần nữa sự toàn tri của Chúa chúng ta. Không một điều gì đã do tình cờ mà xảy ra cả. Chúa đã nói trước từng chi tiết, ngay cả việc mua "ruộng của thợ gốm".
Giu-đa đã nhận lãnh công lý. Người nào xây khỏi Đấng Christ sẽ nhận lãnh công lý. Người nào xây trở lại với Ngài sẽ nhận lãnh ân điển và sự thương xót của Ngài.

***