Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Bài 80: Mathiơ 23:13-33: "KHỐN CHO MUÔNG SÓI"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Khốn cho muông sói
Mathiơ 23:13-33

1. Kinh Thánh dạy rõ ràng rằng các cấp lãnh đạo có uy quyền thuộc linh là người phân phát đúng đắn Lời lẽ thật, họ đáng được ủng hộ và đáng tôn kính. Phaolô viết trong I Têsalônica 5:12-13: "Hỡi anh em, xin anh em kính trọng kẻ có công khó trong vòng anh em, là kẻ tuân theo Chúa mà chỉ dẫn và dạy bảo anh em. Hãy lấy lòng rất yêu thương đối với họ vì cớ công việc họ làm". I Timôthê 5:17 chép: "Các trưởng lão khéo cai trị Hội thánh thì mình phải kính trọng bội phần, nhất là những người chịu chức rao giảng và dạy dỗ". Hêbơrơ 13:17 chép: "Hãy vâng lời kẻ dắt dẫn anh em và chịu phục các người ấy, bởi các người ấy tỉnh thức về linh hồn anh em, dường như phải khai trình, hầu cho các người ấy lấy lòng vui mừng mà làm xong chức vụ mình, không phàn nàn chi, vì ấy chẳng ích lợi gì cho anh em".
2. Nếu Kinh Thánh tỏ ra sự kính trọng đối với cấp lãnh đạo thuộc linh trung tín, Kinh Thánh cũng chỉ ra sự đoán phạt nghiêm chỉnh nhất dành cho cấp lãnh đạo tôn giáo giả hình. Những người chăn bầy cần được kính nể. Muông sói phải bị xét đoán vì chúng tiêu biểu cho mối nguy hại trầm trọng nhất cho bầy chiên của Đức Chúa Trời, là Hội Thánh. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7:15: "Hãy coi chừng tiên tri giả, là những kẻ mang lốt chiên đến cùng các ngươi, song bề trong thật là muông sói hay cắn xé".
3. Có khi dân sự của Đức Chúa Trời ngại không muốn đương đầu với sự dạy giả dối. Chúng ta ngại không muốn quở trách với tính nghiêm khắc mà Chúa Jêsus đã tỏ ra trong phân đoạn nầy. Như một kết quả, Tin lành đã bị mất đi tính thiêng liêng, sự trưởng thành về mặt thuộc linh bị đình trệ và các triết lý của con người đã được nâng lên tới vị trí của Kinh Thánh.
4. Đức Chúa Trời dành sự phán xét nghiêm ngặt nhứt của Ngài cho các cấp lãnh đạo tôn giáo giả dối, là những kẻ làm cho Tin lành phải hư đi và nhào nặn dân sự của Ngài. Khi chúng ta nghiên cứu bài giảng công khai sau cùng nầy của Chúa Jêsus, chúng ta phải công nhận giọng nói chứa đầy sự căm phẫn và nỗi buồn đau sâu sắc của Ngài. G. Campbell Morgan đã viết: "…có một giọng than vãn xuyên suốt toàn bộ bài giảng nầy, cũng y như giọng lên án sấm sét". Chúng ta nhìn thấy tính nghiêm khắc trong lời phán xét của Chúa Jêsus ở những từ ngữ "giả hình", "mù", “dại”, "rắn",  "rắn lục". Có lẽ phần mô tả đáng sợ nhất về tính nghiêm khắc trong sự phán xét của Ngài là "sự đoán phạt nơi địa ngục" hay gehenna. Vẫn có trong âm điệu của giọng nói Ngài một sự nài nĩ thương xót. Ngài đau khổ kêu lên trong câu 37: "Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem…". Thật là thú vị khi so sánh những chữ “khốn cho” nầy.
5. Từ các câu 13-33, chúng ta sẽ xem xét 7 từ "khốn cho" hay những sự đoán phạt mà Chúa Jêsus đã tuyên bố giáng trên các cấp lãnh đạo tôn giáo giả hình trong thời của Ngài.
I. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai đóng nước thiên đàng trước mặt người ta (câu 13).
A. Tám lần trong bài giảng nầy Chúa Jêsus phán: "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si". Chúng ta nhớ từ câu 1 rằng Ngài bắt đầu bằng cách phán cùng "dân chúng" cùng các môn đồ Ngài nhưng bây giờ Ngài hướng sự chú ý thiêng liêng của Ngài vào các cấp lãnh đạo tôn giáo giả hình. "Khốn cho" là tiếng thét từ trong yết hầu của sự giận dữ và đau khổ. Êsai đã kêu la: "Khốn nạn cho tôi" (Êsai 6:5). Sách Khải huyền nói tới sự phán xét hầu đến là những điều "khốn nạn". Trong kinh Yiddish người Do thái nói: "Oy veh!" Trong trường hợp nầy cách nói ấy nhắc tới sự đoán phạt chắc chắn và nhất định xảy đến.
B. Bảy lần trong bài giảng nầy Chúa Jêsus đề cập tới các cấp lãnh đạo giả dối nầy là "giả hình". Chữ nầy có ý nói tới những nghệ sĩ đeo mặt nạ. Họ xuất hiện với vai trò mà họ chẳng phải là vai trò đó. Giống như biểu tượng trong nhà hát, sống  "giả hình" là sống "hai mặt".
C. Chữ "khốn cho" hay sự đoán phạt đầu tiên nầy, sở dĩ như vậy là vì người Pharisi và các thầy thông giáo "các ngươi đóng nước thiên đàng trước mặt người ta". Chúa Jêsus còn phán sâu xa hơn thế: "các ngươi không vào đó bao giờ, mà có ai muốn vào, thì lại ngăn trở".
D. Họ "đóng nước thiên đàng" bằng cách nào? Trước tiên, họ dạy rằng sự cứu rỗi đến bằng cách tuân giữ mọi luật lệ, điều răn dạy cùng những nghi thức của họ thay vì nhờ ân điển bởi đức tin. Thứ hai, họ chống đối Chúa Jêsus và sứ điệp của Ngài ở mỗi góc độ.
E. Thí dụ, trong Mathiơ 3, Giăng Báptít đã rao giảng Tin lành, dân sự đã đến "xưng tội mình và chịu phép báp têm". Thế rồi những đầu tóc tôn giáo giả hiệu đã lộ ra, họ làm sai lệch sự dạy của Giăng rồi xây dân sự xa cách lẽ thật. Giăng nói về họ như sau: "Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau?" (các câu 5-12).
F. Luca 11:52, một phân đoạn Kinh Thánh tương tự chép: "Khốn cho các ngươi, là thầy dạy luật, vì các ngươi đã đoạt lấy chìa khóa của sự biết, chính mình không vào, mà người khác muốn vào, lại ngăn cấm không cho!"
G. Bức tranh cho thấy dân sự thành thực đến gặp các cấp lãnh đạo thuộc linh của họ với sự tìm kiếm Đức Chúa Trời, thế nhưng các cấp lãnh đạo đã "đóng sầm" hai cánh cửa lại không cho vào Nước với sự giả hình cố quyết của họ.
H. Khi Chúa Jêsus chữa lành người mù vào ngày sabát. Họ chẳng chút quan tâm chi đến tình trạng của người mù hoặc vui mừng khi người ấy được chữa lành. Họ đã nổi giận vì Chúa Jêsus đã phạm vào những lời truyền khẩu do con người lập nên.
I. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, khi Phierơ và Giacơ bị bắt, họ đã nói: "rằng: Chúng ta xử với hai người nầy làm sao? Vì cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết rõ thật họ đã làm ra một phép lạ sờ sờ; chúng ta chối không nổi. Dầu vậy, hầu cho việc khỏi đồn ra trong dân nữa, chúng ta nên lấy lời ngăm dọa, cấm họ, từ rày về sau, chớ lấy danh đó dạy dỗ không cứ là ai" (Công vụ Các Sứ Đồ 4:16-17).
J. Phaolô đã nói về họ trong I Têsalônica 2:15-16, họ "là người đã giết Đức Chúa Jêsus và các Đấng tiên tri, đã bắt bớ chúng tôi; làm trái ý Đức Chúa Trời và thù nghịch với mọi người nữa, ngăn trở chúng tôi giảng dạy dân ngoại cho được cứu, lại hằng đầy dẫy cái lượng tội lỗi mình. Nhưng cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sau hết đã đến trên họ".
K. Những giáo sư giả vẫn muốn làm cho tin lành bị sai lệch đi, vẫn từ chối không nhơn đức tin tiếp nhận Đấng Christ và vẫn đóng cánh cửa cứu rỗi lại đối với những người tìm kiếm sốt sắng nhất.
L. Phải cẩn thận, đừng để việc làm, thái độ hay cung cách sống của chúng ta góp phần vào việc "đóng cửa Nước thiên đàng lại" đối với nhiều người khác.
II. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai lừa dối kẻ đang có cần (câu 14).
A. Kế tiếp Chúa Jêsus phán rằng sự phán xét sẽ giáng trên các thầy thông giáo và người dòng Pharisi vì họ "làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài mà nuốt nhà đàn bà góa".
B. Mặc dù câu nầy không thấy có trong một số bản Kinh Thánh Tân ước xưa nhất, vì câu nầy được thấy có trong Mác 12:40 và Luca 20:47, chúng ta đầy lòng tin cậy vào quyền phép của câu Kinh Thánh ấy.
C. Josephus vừa là người Pharisi vừa là một sử gia Do thái. Công việc của ông cung ứng cho chúng ta mọi điều có cần trong các thời kỳ Tân ước. Ông ghi lại một số giáo sư dạy rằng việc cung cấp tài chính cho một vị giáo sư dạy Luật sẽ đem lại nhiều ơn phước từ Đức Chúa Trời.
D. Điều nầy chắc chắn nhắc cho tôi nhớ tới hạng người rao bán tôn giáo trên vô tuyến truyền hình, họ lôi kéo mấy bà goá phụ để có được những tờ chi phiếu An Ninh Xã Hội của họ. Các cấp lãnh đạo giả hiệu lợi dụng sự cả tin để kiếm tiền.
E. Họ che đậy sự dối gạt của họ bằng cách "làm bộ đọc lời cầu nguyện cho dài" hay giống như một sự trình diễn vậy. Mấy bà goá cả tin lại thấy ấn tượng bởi hành vi giả vờ thương xót nầy rồi hiến cho họ hết thảy những gì mình có.
F. Một ý nghĩa khác có thể được thấy có nơi sự giàu có của người dòng Pharisi. Có lẽ họ đã “đọc những lời cầu nguyện dài” theo thông lệ trước đám đông, nhưng lại kín đáo tịch thu tài sản vì nợ nần và đuổi ra khỏi nhà mấy bà goá vô dụng.
G. Dù là trường hợp nào, Chúa Jêsus phán: "Các ngươi sẽ bị đoán phạt nặng hơn". Điều nầy cho thấy rằng có một sự đoán phạt cho sự chối bỏ Đấng Christ, nhưng một "sự đoán phạt nặng hơn", một cấp độ trừng phạt nặng hơn dành cho những kẻ sử dụng tôn giáo giả hình của họ để bóc lột người nghèo khó.
III. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai dẫn người khác xa cách Đức Chúa Trời (câu 15).
A. Đức Chúa Trời đã dự định người Do thái phải trở thành một nguồn phước cho các dân (Sáng thế ký 12:3). Họ phải trở thành "một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh" (Xuất Êdíptô ký 19:6). Họ phải trở thành "sự sáng cho các dân ngoại" (Êsai 49:6). Tuy nhiên, với sự kiêu ngạo, hầu hết người Do thái đều ghê tởm dân Ngoại. Giôna là một điển hình đúng về mẫu người Do thái không muốn dân Ngoại được cứu.
B. Dù vậy, suốt kỹ nguyên Tân ước, người dòng Pharisi đã khó nhọc làm việc để khiến cho người ta "cải đạo". Từ ngữ nầy có ý nói tới một người vừa chuyển sang một tôn giáo mới. Phần nhiều người dòng Pharisi đều có một lòng nhiệt thành truyền giáo hầu biến cải người khác gia nhập vào nhánh Do thái giáo của họ.
C. Một số dân Ngoại "cải đạo" ai cũng biết là "những kẻ cải đạo tại cửa thành". Điều nầy có nghĩa là họ bị cuốn vào thành Jerusalem nhưng chưa đi đủ các bước có cần để trở thành một người Do thái thực thụ. Họ được nhận biết trong Công vụ Các Sứ Đồ là "những kẻ kính sợ Đức Chúa Trời" hay "những người thờ lạy Đức Chúa Trời". Nhiều người khác trở thành "những kẻ cải theo đạo công bình". Họ tiếp nhận phép cắt bì, phép báp têm theo hình thức rồi trở thành thuộc viên được tiếp nhận trong dân giao ước của Đức Chúa Trời.
D. Nan đề là: một kẻ đạo đức giả thường sản sinh ra những kẻ đạo đức giả lớn hơn. Chúa Jêsus phán họ lao tới cực điểm "các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình" nhưng khi họ hoá đạo người ấy, thay vì dẫn người ấy vào mối tương giao phải lẽ với Đức Chúa Trời, họ đã dẫn người ấy càng xa cách Đức Chúa Trời thêm! Chúa Jêsus phán: "các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi".
E. Từ ngữ "địa ngục" ra từ chữ gehenna, một trũng ở bên ngoài thành Jerusalem, ở đó đồ phế thải phải bị thiêu đốt đi. Những kẻ thờ lạy thần Moloch đã dâng những của lễ con người tại đó. Vua Giôsia đã tuyên bố nó ô uế và nó trở thành nơi đổ rác và liên tục bị thiêu đốt. Đây là ẩn dụ của Chúa Jêsus  rất thông thường về địa ngục.
F. Quí vị há chẳng vui sướng khi có ai đó đưa quí vị đến gần với Đức Chúa Trời thay vì dẫn quí vị đi cách xa Ngài? Mỗi Cơ đốc nhân cần phải đưa người ta đến với Đấng Christ.
IV. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai ích kỷ làm sai hỏng lẽ thật (các câu 16-22).
A. Hãy chú ý trong câu 16 rằng Chúa Jêsus xoay từ phần mô tả quen thuộc "kẻ giả hình" sang việc gọi người Pharisi là "kẻ mù dẫn đường". Ngài gọi họ bằng cụm từ nầy vì họ đang hướng dẫn dân sự mà bản thân họ chẳng nhìn biết lẽ thật.
B. Sự thật cho thấy rằng họ đã bị "" đối với lẽ thật trong Kinh Thánh, được nhận thấy qua cách họ làm sai lệch Kinh Thánh. Thí dụ, Chúa Jêsus chỉ ra trong câu 16 rằng có một người lập lời thề dâng hiến một số tiền. Nếu người đó "chỉ đền thờ mà thề" người ấy có thể đổi ý vì theo nhận định của họ "thì không can chi". Nếu người ấy "chỉ vàng của đền thờ" mà thề, thì người ấy phải mắc lời thề. Đây là một cách để nhận ra sự kỉnh kiền.
C. Với tình cảm bao la, Chúa Jêsus hỏi: "vàng, và đền thờ làm cho vàng nên thánh, cái nào trọng hơn?" Vàng được tuyên bố là thánh vì nó là một phần của đền thờ. Họ đã lập ra những sự phân biệt mà Lời Đức Chúa Trời chưa hề lập ra. Cũng thực như thế với việc thề thốt của họ khi "chỉ bàn thờ" hay chỉ "của lễ trên bàn thờ" (các câu 18-20).
D. Nếu quí vị "chỉ bàn thờ" mà thề, quí vị thực sự đang "chỉ Ngài là Đấng đang ngự nơi đền thờ" mà thề. Nếu quí vị "chỉ trời" mà thề, quí vị thực sự đang chỉ "ngôi của Đức Chúa Trời và Đấng ngự trên ngôi mà thề vậy".
E. Chúng ta cần phải nói rằng: phải, phải, không không. Chúng ta không cần phải làm sai lệch sự thực, mà phải trở thành người giữ lời nói của mình (Mathiơ 5:33-37).
F. Một số Cơ đốc nhân sa vào bẫy giảng dạy của họ, họ hay "nghĩ thế" thay vì "biết rõ như thế". Chúng ta có thể dễ dàng nâng mọi sự lý giải của chúng ta lên cao thay vì Ngôi Lời.
V. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai phóng to cái nhỏ và không biết điều chi là quan trọng (các câu 23-24).
A. Dâng phần mười là phần quan trọng trong bổn phận tôn giáo của người dòng Pharisi. Họ đã vượt quá phạm trù luật nông nghiệp đến khu vườn trồng các thứ gia vị dùng trong bếp của họ. Họ đếm theo nghi thức từng chiếc lá “bạc hà” thứ mười  và từng hột giống “hồi hương và rau cần” thứ mười.
B. Họ vượt quá luật pháp ở chỗ nhỏ nhất, mà "bỏ điều hệ trọng hơn hết" tỉ như "sự công bình, thương xót và trung tín". Họ đếm các thứ hột giống nhưng lại đuổi mấy bà goá phụ ra khỏi nhà.
C. Với những thái độ như thế, Chúa Jêsus phán họ "lọc con ruồi nhỏ mà nuốt con lạc đà". Họ lọc rượu của họ bằng hàm răng hầu cho không bị ô uế theo nghi thức bằng cách tình cờ nuốt con ruồi, nhưng nuốt trọng cả con lạc đà của tấm lòng và linh hồn của Lời Đức Chúa Trời.
D. Hệ thống thờ lạy hình tượng ai cũng biết nó bám chặt vào các chi tiết dường như là vô nghĩa. Tuy nhiên, có nhiều Cơ đốc nhân quan tâm tới bề ngoài của một người hơn là quan tân đến linh hồn của người ấy. Có nhiều người quan tâm đến các quan điểm tiên tri dễ đem đến sự tranh cãi hơn là lo rao giảng Tin lành!
VI. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai có lối sống ích kỷ (các câu 25-26).
A. Chúa Jêsus mô tả họ là "chén và mâm" rửa ở bề ngoài, còn bề trong thì đầy dẫy "sự ăn cướp cùng sự quá độ".
B. Bức tranh đang vạch ra một địa điểm xinh đẹp ở trước mặt một vị khách, nhưng đĩa thức ăn thì đầy thứ thối rửa!
C. "Sự ăn cướp" không những có ý nói tới sự họ ăn nuốt "nhà của đờn bà goá", mà còn ăn nuốt cả mọi thứ đút lót qua hệ thống đồi bại của đền thờ. Nó còn có nghĩa là lấn lướt dân sự.
D. "Sự quá độ" có ý nói tới sự thoả mãn lòng mong muốn không kềm chế được. Họ chẳng có chút lương tâm gì trong các vụ việc nầy. Họ không chần chừ khi sử dụng ảnh hưởng của họ để làm cho tràn đầy cái túi không đáy của họ.
VII. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai làm hư hỏng người khác (các câu 27-28).
A. Chúa Jêsus còn phán thêm, người dòng Pharisi cùng các cấp lãnh đạo khác "giống như mồ mả tô trắng". Từ bề ngoài, họ trông "xinh đẹp" nhưng họ "thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy" ở bên trong.
B. Các sử gia Do thái tỏ ra rằng trước Lễ Vượt Qua, cư dân thành Jerusalem làm cho bề mặt của thành phố rất là đẹp. Một phương án như thế phải làm cho hết thảy những mồ mả một chiếc áo choàng tươi mới màu vôi trắng. Lý do: ấy là chúng sẽ dễ dàng được nhận ra và không một lữ khách nào đụng đến chúng mà bị ô uế theo phần nghi thức.
C. Mặc dù họ khoác áo màu trắng và sạch sẽ ở bề ngoài, họ "chan chứa sự giả hình" ở trong, họ là những kẻ có hai mặt. Hơn nữa, họ "chan chứa …tội lỗi". Điều nầy có ý nói tới người nào biết luật pháp của Đức Chúa Trời mà cố ý phá vỡ chúng.
D. Là một lữ khách người Do thái sẽ bị ô uế do chạm đến mồ mả trong kỳ Lễ Vượt Qua, các cấp lãnh đạo giả hình nầy đã làm ô uế từng người mà họ chạm đến.
VIII. Sự đoán phạt sẽ giáng trên những ai bắt bớ người công bình (các câu 29-33).
A. Sau hết Chúa Jêsus phán "khốn cho" vì các cấp lãnh đạo giả hình, vì họ "xây đắp mồ mả của đấng tiên tri, trau giồi mồ mả của người công bình". Họ nói rằng nếu họ sống sớm hơn, họ sẽ chẳng xử tệ với "các tiên tri" đâu.
B. Chúa Jêsus phán họ đang làm chứng nghịch lại bản thân họ, vì họ hiện đang hoạch định cái chết của Đấng Mêsi, là Đấng mà các tiên tri đều đã loan báo trước rồi.
C. Ngài phán: "Vậy thì hãy làm cho đầy dẫy cái lường của tổ phụ các ngươi!" Ngài muốn nói: "Hãy đi và làm theo mọi điều mà các ngươi muốn làm".
D. Tuy nhiên, Ngài không để cho họ ra đi mà không có lời cảnh báo. Ngài sử dụng các hình ảnh "loài rắn" gây chết chóc và "dòng dõi rắn lục" là loài tìm cách trốn chạy ngọn lửa của nhà nông đang thiêu đốt đồng ruộng của mình. Họ sẽ chẳng hề "tránh khỏi sự đoán phạt nơi địa ngục được?"

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét