Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Bài 82 Mathiơ 24:1-14: "NHỮNG DẤU CHỈ CHO BIẾT THỜI THẾ"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Những dấu chỉ cho biết thời thế
Mathiơ 24:1-14
1. Chúng ta ngắt quãng từ loạt bài học về sách Mathiơ ở một điểm dừng rất hay. Các chương 24-25 là một tiểu đoạn rất quan trọng của sách Mathiơ cần phải được nghiên cứu theo một cung cách liên tục. Tiểu đoạn nầy được gọi là Bài giảng trên Núi Ôlive vì nó chứa sự dạy của Chúa Jêsus cho các môn đồ Ngài khi họ ngồi trên Núi Ôlive. Đây là sự giảng dạy riêng tư của Chúa Jêsus về thời kỳ mạt thế.
2. Tiểu đoạn Kinh Thánh nầy thường bị tranh cãi và hiểu sai vì các học viên Kinh Thánh tìm cách biến nó sao cho phù hợp với bộ máy lọc hay phương thức lý giải về thuyết mạt thế của chính họ. Như chúng ta sẽ thấy, các môn đồ đã hỏi những câu đơn giản và Chúa Jêsus đã đưa ra những câu trả lời trực tiếp và đơn sơ.
3. Gần như hết thảy chúng ta đều đối mặt với phân đoạn nầy bằng những niềm tin nhất định về kỳ tận thế. Những niềm tin riêng tư nầy nắn đúc cách thức chúng ta tra xem Lời của Chúa Jêsus. Các môn đồ cũng có những niềm tin của họ, vì vậy trước khi chúng ta bắt đầu, chúng ta hãy tra xem những điều họ đã tin. Cách giải thích thông thường của người Do thái về các phân đoạn tiên tri trong Cựu Ước có thể được tóm tắt lại theo cách nầy. Họ đã tin Đấng Mêsi sẽ hiện ra trong thời kỳ rắc rối lớn hay đại nạn dành cho người Do thái, rằng Ngài sẽ được một người tiền khu giống như Êli đến báo trước, rằng Ngài sẽ giải phóng Israel rồi dựng lên kỷ nguyên vương quốc vinh hiển trong khi hủy diệt các kẻ thù của Ngài. Những niềm tin như thế nầy không mâu thuẫn với các sự dạy của Tân Ước trừ ra đối với một lẽ thật. Họ đã xem sự đến của Đấng Mêsi và kỳ tận thế là một biến cố nhất định. Họ không hiểu rằng Đấng Chịu Xức Dầu trước tiên phải chịu khổ vì tội lỗi của cả thế gian. Đối với họ kỷ nguyên Hội thánh trong đó chúng ta đang sinh sống chỉ là một sự mầu nhiệm. Họ đã xem dân tộc của mình là tuyển dân của Đức Chúa Trời thay vì là một dân thánh gồm những người được chuộc từ từng nước, từng chi phái và từng tiếng nói.
4. Trong 23:38-39, Chúa Jêsus đã phán với dân Israel: "Nhà [đền thờ] các ngươi sẽ bỏ hoang". Ngài phán họ sẽ không còn thấy Ngài nữa cho tới chừng nào họ nói: "Phước cho Đấng nhơn danh Chúa mà đến!" ấy là lúc họ chịu công nhận Đấng Mêsi của họ.
5. Sau đó 24:1 cho chúng ta biết: "Khi Chúa Jêsus ra khỏi đền thờ". Các môn đồ của Ngài "đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ". Trong Mác 13:1, họ nói: "Thưa thầy, hãy xem đá và các nhà nầy là dường nào!"
6. Quả thực đền thờ là một bối cảnh rất nguy nga nằm ở cao trên Núi. Một số hòn đá có kích cở 40’x12x12, kích cở của những toa xe lửa và đã được khai thác thành các khuôn mẫu nhất định. Đối với những người Galilê lạc hậu nầy, Đền Thờ quả thực rất đáng kinh ngạc. Các toà nhà xinh đẹp nầy giờ đây sẽ bị bỏ "hoang" (23:38). Như trong Tân Ước, chúng là "Ycabốt" sự vinh hiển của Đức Chúa Trời đã lìa khỏi họ (I Samuên 4:21).
7. Chúa Jêsus phán: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống". Hai hàm răng của họ ngậm lại. Họ không thể tưởng tượng cấu trúc đồ sộ của Đền Thờ sẽ bị hủy diệt.
8. Họ đi xuyên qua Cửa phía Đông, xuống trũng Kít-rôn rồi đi lên "Núi Ôlive" từ đó họ có thể nhìn thấy mặt trời lặn chiếu vào Núi Đền Thờ. Phierơ, Giacơ, Giăng và Anh rê đã đến với Chúa Jêsus mà hỏi: "Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?" Vì sự dạy của người Do thái, họ cho rằng "lúc nào" chắc là ngay bây giờ, có lẽ ngày mai. Họ không màng tới sự dạy của Chúa Jêsus về sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Họ suy nghĩ tới "sự đến", parousia của Ngài hay sự hiện ra vinh hiển sẽ xuất hiện, trong kỳ Lễ Vượt Qua và sẽ lên tới cực điểm với "kỳ tận thế" hay sự hoàn tất của muôn vật. Luca 19:11 chép: "…và người ta tưởng rằng nước Đức Chúa Trời sẽ hiện ra ngay". Họ đã đi theo Ngài trong ba năm trời và muốn biết "lúc nào" và bằng cách nào hay "điềm gì" sẽ loan báo cho biết sự nắm lấy thế gian của Ngài.
9. Một số giáo sư Kinh Thánh đã cho rằng các sự cố nầy đã diễn ra ngắn ngủi sau sự thăng thiên của Chúa Jêsus và có ý nói tới sự hủy diệt toàn bộ Jerusalem của Titus vào năm 70SC. Tuy nhiên, có nhiều dấu chỉ cho thấy rằng Chúa Jêsus đang phán về các biến cố sắp xảy đến. Dấu chỉ rõ ràng: ấy là Chúa Jêsus không tái lâm vào năm 70SC! Chúng ta tin từ các phân đoạn khác trong Tân Ước rằng Hội thánh sẽ được cất lên trước các biến cố nầy diễn ra (Khải huyền 3:10; I Têsalônica 1:10; 4:13-17). Ở đây Chúa Jêsus đang nói tới sự đến lần thứ hai của Ngài, parousia của Ngài, chớ không phải nói tới sự cất lên của Hội thánh.
10. Với mọi điều nầy trong trí, chúng ta tiếp tục dù có sáu dấu lạ đầu tiên Chúa Jêsus đã đưa ra về sự đến của Ngài khi đáp lại các câu hỏi của họ.
I. Sự dỗ dành của các đấng mêsi giả hiệu (các câu 4-5).
A. "Hãy giữ kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi". Nói cách khác, đối với người nào sẽ sống trong những ngày sau rốt, Ngài phán: "Hãy tỉnh thức, hãy giữ cho mắt các ngươi mở ra""Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người".
B. Có những mêsi hay christ giả hiệu trước khi Chúa Jêsus thi hành chức vụ trên đất, rồi từ đó có nhiều kẻ giả hiệu lắm. Chúng ta đã nhìn thấy họ trong thời buổi của chúng ta, những kẻ giống như David Koresh và Jim Jones.
C. Hãy nhìn vào các câu 23-24. Dường như trong các thời kỳ trước sự tái lâm vinh hiển của Chúa Jêsus đã có nhiều mêsi giả hiệu lắm. Điều nầy cho thấy rằng họ có nhiều quyền lực siêu nhiên của ma quỉ, vùa giúp cho mọi sự dỗ dành của họ.
D. Hãy xem xét tình trạng của thế giới trong các chặng đường sau cùng trong sự phán xét của Đức Chúa Trời. Các tín đồ và với họ, ảnh hưởng đạo đức và thuộc linh của Hội thánh sẽ được cất đi. II Têsalônica 2:7 chép: "…song Đấng còn ngăn trở cần phải cất đi". Công tác của Đức Thánh Linh trong khi ngăn trở ma quỉ sẽ bị cất đi. Xã hội sẽ bị phân hủy và con người sẽ tìm kiếm hy vọng trong vô vọng. Họ sẽ dễ dàng trở thành miếng mồi cho những tay lang băm do ma quỉ xúi giục.
E. Dĩ nhiên là mêsi giả hiệu bản thân hắn sẽ trở thành Antichrist. Hắn sẽ dỗ dành cả thế gian. Đaniên 8:23 mô tả hắn là kẻ "…thấu rõ những lời mầu nhiệm".
II. Sự tàn phá của chiến tranh (các câu 6-7a).
A. Thêm vào với sự dỗ dành về mặt thuộc linh sẽ là sự tàn phá của những cuộc chiến tranh trên toàn thế giới. Chúa Jêsus phán về các thánh đồ trong kỳ tận thế: "Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc". Câu nầy chứa ý tưởng nói tới các tin tức liên tục về những cuộc chiến tranh và "tiếng đồn" về chiến tranh hầu đến.
B. Có người nói: "Sao chứ? Luôn luôn có chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh. Điều nầy hiện đang diễn ra ở vùng Trung đông mà". Hãy xem câu 8. Chúa Jêsus phán: "Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại". "Tai hại" là một từ ngữ nói tới đau đẻ và được dịch theo cách nầy trong nhiều bản dịch Kinh Thánh. Đau đẻ khởi sự từ từ và càng phát triển tới mức cao hơn. Vì vậy chiến tranh toàn cầu sẽ càng phát triển tới mức cao thêm trong những ngày sau rốt trước khi Chúa Jêsus hiện ra trong sự vinh hiển.
C. Chúa Jêsus phán: "hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu". Các tín đồ trong thời buổi ấy không cần phải bối rối vì cớ bạo lực và đổ máu là một phần trong chương trình phán xét của Đức Chúa Trời.
D. Chúa Jêsus phán: "Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia". Không một quốc gia hay bộ tộc nào sẽ bị tách ra khỏi sự tàn diệt của chiến tranh toàn cầu. Từng quốc gia, từng vương quốc sẽ có binh lính cùng cư dân của nó bị nghiền nát bởi con thú chiến tranh khát máu.
E. Các sách tiên tri trong Cựu Ước, đặc biệt là sách Đaniên, ông ghi ra nhiều chi tiết quan trọng về các cuộc chiến tranh trong những ngày sau rốt và chúng liên quan thể nào tới Antichrist. Sách Khải huyền ghi rất chi tiết bằng ngôn ngữ có tính ẩn dụ tình trạng bạo lực cực độ sẽ hoành hành cả đất.
F. Chúng ta đang sinh sống trong thời kỳ tương đối hoà bình. Chúng ta đã nhìn thấy tình trạng giải trừ quân bị về nguyên tử và nhiều thoả hiệp hoà bình. Tuy nhiên, Kinh Thánh hứa rằng một nhận định giả hiệu về hoà bình sẽ đi trước tai vạ đang treo lơ lửng ở trên đầu (I Têsalônica 5:1-3). Người cỡi ngựa đầu tiên trong bốn người cỡi ngựa trong Khải huyền 6, người cỡi con ngựa trắng đi ra để chinh phạt và dường như đem lại sự hoà bình. Thế nhưng, một người cỡi ngựa sắc hồng đã mau chóng nối theo sau, người nầy sẽ: "…được quyền cất lấy cuộc hòa bình khỏi thế gian, hầu cho người ta giết lẫn nhau; và có kẻ ban cho người một thanh gươm lớn" (Khải huyền 6:4).
III. Sự huỷ diệt của thảm hoạ thiên nhiên (câu 7b-8).
A. Kế đó Chúa Jêsus phán rằng nhiều chỗ sẽ có: "đói kém và động đất". Nói cách khác, thêm vào với tình trạng bạo lực khủng khiếp của con người sẽ là nhiều kiểu cách của thảm họa thiên nhiên. Cấp độ chết chóc sẽ gia tăng rất mau trên khắp thế giới và sự trông mong được sống còn sẽ như một giọt nước nhỏ nhất vậy.
B. Người nào sống trong thời kỳ khủng khiếp nầy sẽ nhìn thấy thế giới bị phân hủy ở trước mắt họ. Trải qua nhiều thế kỷ con người đã gánh chịu nhiều "đói kém, dịch lệ và động đất" nhưng không biết thứ nào sẽ gia tăng khốc liệt trong những ngày sau rốt.
C. Sự dạy nầy từ Chúa Jêsus tương ứng với mọi điều Giăng tác giả sách Khải huyền đã nhìn thấy trong Khải huyền 6 với con ngựa đen và con ngựa xám. Chúng ta hãy đọc Khải huyền 6:5-7, 12-17; 9:2-6. Trong khi cái bát thạnh nộ thứ bảy đổ ra, 16:18 chép: "…Liền có chớp nhoáng, tiếng rầm, sấm vang và động đất dữ dội, động đất lớn lắm đến nỗi từ khi có loài người trên đất chưa hề có như vậy".
D. Một lần nữa chúng ta lưu ý câu 8: "Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại" hay đau đẻ. Nhiều việc sẽ ngày càng tệ hại thêm.
IV. Sự giải cứu của các tín đồ chân chính (câu 9).
A. Cơn đau đẻ kế tiếp là sự bắt bớ những ai đã tin theo Đấng Christ. Sau khi Hội thánh được cất lên, có nhiều người vẫn sẽ được cứu. Sự làm chứng của hai chứng nhân tại thành Jerusalem cùng sự làm chứng của 144.000 người sẽ đưa nhiều người đến với Đấng Christ.
B. Chúa Jêsus phán về số người nầy: "Người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi". Họ sẽ bị bắt bớ, bị hành hình và bị giết vì cớ đức tin của họ. Họ sẽ bị "mọi dân ghen ghét vì danh [Jêsus] ta".
C. Dân sự của Đức Chúa Trời luôn luôn chịu khổ vì thập tự giá. Nhiều tín đồ trong các quốc gia khác đã bị bắt bớ và đã tuận đạo hôm nay.
D. Một lần nữa, trong thời kỳ nầy sẽ có một sự gia tăng rất ghê gớm về sự bắt bớ. Khi Đức Thánh Linh rút lại sự ngăn trở của Ngài thì Satan có quyền lực rất lớn các thánh đồ sẽ chịu khổ như họ chưa bao giờ chịu khổ trước đó. Chúng ta hãy đọc Khải huyền 6:9-11; 7:9-17.
V. Sự bội đạo của những tín đồ giả mạo (các câu 10-13).
A. Chúa Jêsus phán kế đó rằng "Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau". "Khi ấy" tôi tin từ nầy đang đề cập tới sự bắt bớ đã được nhắc đến trong câu 9. Vì vớ sự bắt bớ khắc nghiệt, các Cơ đốc nhân giả hiệu sẽ bội đạo. Họ sẽ "sa vào chước cám dỗ" [vấp ngã, té dài].
B. Đây không phải là những tín đồ chân thật, mà là những người ra từ Cơ đốc giáo nhưng chưa hề được cứu. Họ sẽ lìa bỏ đức tin vì họ chưa bao giờ thực sự có đức tin. I Giăng 2:19 chép: "Chúng nó đã từ giữa chúng ta mà ra, nhưng vốn chẳng phải thuộc về chúng ta; vì nếu chúng nó thuộc về chúng ta, thì đã ở cùng chúng ta; song điều đó đã xảy đến, hầu cho tỏ ra rằng mọi kẻ ấy chẳng thuộc về chúng ta vậy".
C. Họ sẽ "phản nghịch" "ghen ghét" những kẻ mà họ từng có mối giao thông với nhau khi cái giá của sự tin tưởng lên quá cao. Nói về sự nầy, Chúa Jêsus đã phán ở Mác 13:12: "Bấy giờ, anh sẽ nộp em cho phải chết, cha sẽ nộp con; con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mình mà làm cho phải chết".
D. Chúa Jêsus phán ở trong câu 11: "Nhiều tiên tri giả nổi lên sẽ dỗ dành lắm kẻ". Có người sẽ lìa bỏ đức tin vì cái giá của sự bắt bớ và nhiều người khác sẽ lìa bỏ vì "nhiều tiên tri giả" sẽ dỗ dành họ.
E. Trong những ngày đau đẻ sau rốt nầy, quyền lực đầy đủ của Satan không những sẽ được mở ra với tình trạng bạo lực và hiện tượng thiên nhiên ghê khiếp, mà còn được mở ra trong sự dỗ dành về mặt thuộc linh nữa. Tôn giáo giả đang chối bỏ lẽ thật Kinh Thánh sẽ đắc thắng mà trước đây chưa hề có được như vậy. Người ta sẽ tìm kiếm sự trông cậy và rất dễ bị dỗ dành.
F. Thú vị thay, Khải huyền 9:21 nói tới "tà thuật" từ chữ pharmakia từ đó chúng ta có chữ "pharmacy" (thuốc) ý nói tới ma túy. Loại ma túy làm thay đổi ý chí có thể được sử dụng để quyến rũ người ta vào sự dỗ dành.
G. Kế đó Chúa Jêsus phán "tội ác sẽ thêm nhiều". Tội ác sẽ thêm nhiều. Chúng ta nghĩ tình trạng đồi trụy và tội lỗi trong mọi thời đại đang ở một cấp độ cao, nhưng trong ngày đó nó sẽ "thêm nhiều" hơn nữa. Khắp nơi nơi sẽ không còn có ý thức về sự xấu hổ. Người ta sẽ làm bất cứ điều chi họ muốn mà chẳng màng gì đến đạo đức hay luật pháp nữa.
H. Nhiều người đã bị cuốn đến với tin lành song lại xây khỏi nó vì cớ sự quyến rũ của tội lỗi. Sự lôi cuốn của tội lỗi không giới hạn sẽ lôi họ ra xa khỏi Tin lành.
I. Trong thời kỳ nầy, dường như một số tín đồ chân chính sẽ bị tác động vì Chúa Jêsus phán: "lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội lần". Đây quả là một thời kỳ rất khó khăn khi trở thành một Cơ đốc nhân.
J. Sau cùng, Chúa Jêsus phán về sự bội đạo rộng khắp nầy: "Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu". Câu nầy không có ý nói tới khả năng chịu đựng sẽ đem lại sự cứu rỗi. Mà đúng hơn, câu nầy có ý nói rằng chỉ có tín đồ chân chính mới có sự chịu đựng mà Đức Thánh Linh sẽ mặc lấy quyền phép cho, đây là bằng chứng cho sự cứu của người tín đồ ấy.
K. Các tín đồ chân chính sẽ từ bỏ bất cứ thứ gì vì lý tưởng của Đấng Christ. Họ sẽ bất chấp sự lôi cuốn của tội lỗi và nỗi sợ hãi vì sự bắt bớ. Họ sẽ phó mạng sống của họ giống như Đấng Christ đã phó, sự nhận biết Ngài là phần thưởng xứng đáng cho sự chịu khổ. II Timôthê 2:11-13 chép: "Lời nầy chắc chắn lắm: Ví bằng chúng ta chết với Ngài, thì cũng sẽ sống với Ngài; lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta;  nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được".
L. Mặc dù sẽ có sự bất trung nhất thời nơi một số tín đồ, họ sẽ chịu đựng và chứng minh đức tin của họ vì Đức Chúa Trời sẽ đồng công hành động ở trong họ. Phaolô nói trong Philíp 1:6 rằng: "tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ".
VI. Tuyên ngôn của Tin lành (câu 14).
A. Sau cùng, Chúa Jêsus phán: "Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến".
B. Cho dù có sự gia tăng nhanh chóng về điều ác và sai phạm, sự bắt bớ và tai vạ, sứ điệp thập tự giá vẫn sẽ có quyền cứu. Sứ điệp ấy sẽ được "giảng ra khắp đất" tới một cấp độ không giống như một cấp độ nào khác trước đây. Tin lành sẽ đi ra nhiều hơn hết thảy mọi nổ lực truyền giáo của chúng ta kết hợp lạ.
C. Khải huyền 14:6-7 chép: "Điều ấy đoạn, tôi thấy một vị thiên sứ khác bay giữa trời, có Tin Lành đời đời, đặng rao truyền cho dân cư trên đất, cho mọi nước, mọi chi phái, mọi tiếng, và mọi dân tộc. Người cất tiếng lớn nói rằng: Hãy kính sợ Đức Chúa Trời, và tôn vinh Ngài, vì giờ phán xét của Ngài đã đến; hãy thờ phượng Đấng dựng nên trời, đất, biển và các suối nước".
D. Đây là hết thảy các dấu lạ chỉ về thời thế, về thời kỳ tận thế. Chúng là "đầu sự tai hại", những cơn đau đẻ sẽ leo thang cho tới chừng Kỷ Nguyên Vương Quốc đầy trọn của Đấng Christ thoát thai và sanh ra trong sự vinh hiển đời đời của Đức Chúa Cha.
E. Ồ chúng ta cần phải biết chắc về ơn cứu rỗi của mình là dường nào. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy các dấu lạ nầy thể nào sẽ hiện đến trong thế giới của chúng ta!

***



1 nhận xét:

  1. Sách Khải Huyền cảnh báo: "Bấy giờ có một con ngựa khác, một con ngựa tía đi ra. Người cưỡi ngựa được ban cho quyền cất hòa bình khỏi đất, hầu cho người ta giết hại lẫn nhau, và người ấy được ban cho một thanh gươm lớn" (6:4).
    Gươm lớn" = vũ khí hạt nhân. Nó sẽ không kết thúc của thế giới. Nó sẽ chỉ là sự "khởi đầu của nỗi đau khi sinh". (Ma-thi-ơ 24:8)

    Trả lờiXóa