Thứ Ba, 15 tháng 7, 2014

Bài 83 Mathiơ 24:15-28: "DẤU CHỈ THỜI THẾ" (Phần 2).


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Dấu chỉ thời thế – Phần 2
Mathiơ 24:15-28
1. Sứ đồ Phaolô đã viết trong II Côrinhtô 5:11: "Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin…" Các chương 24-25 trong sách Mathiơ được biết là "Bài giảng trên Núi Ôlive" vì Chúa Jêsus đã giảng sứ điệp nầy trên Núi Ôlive khi trả lời cho các môn đồ về những thắc mắc trong câu 3. Chúa Jêsus phán về điều "kinh khủng" không tưởng được sẽ bắt lấy cả thế gian trong một thời kỳ mà Kinh Thánh nói tiên tri trước là kỳ Đại Nạn. Vì Kinh Thánh tỏ ra cho chúng ta thấy sự "kinh khủng" nầy, chúng ta sẽ bị thôi thúc phải "thuyết phục người ta" đến với Đấng Christ để được tha tội và được cứu.
2. Trong bài học vừa qua, chúng ta đã tra xét một vài dấu hiệu từ các câu 4-14. sự dỗ dành của các đấng mêsi giả hiệu (các câu 4-5), sự tàn phá của chiến tranh (các câu 6-7a), sự hủy diệt của thiên tai (các câu 7b-8), sự giải cứu của các tín đồ chân chính (câu 9), sự bội đạo của hạng tín đồ hời hợt (các câu 10-13) và sự rao giảng Tin lành (câu 14).
3. Hôm nay chúng ta sẽ xem xét thêm bốn dấu hiệu nói tới sự đến của Chúa Jêsus và kỳ tận thế.
I. Sự gớm ghiếc tàn nát (các câu 15-20).
A. Ý NGHĨA sự gớm ghiếc tàn nát (câu 15).
Sự "gớm ghiếc tàn nát" chủ yếu là sự dạy trong Cựu Ước "bởi tiên tri Đaniên". "Gớm ghiếc" có ý nói tới "một thứ ghê tởm hay lợm giọng". Chữ nầy đề cập tới các thứ hình tượng và tình trạng phi đạo đức nặng nề. "Tàn nát" dĩ nhiên là nói tới tình trạng “trơ trụi” hay “hoang phế”. Vì vậy, "gớm ghiếc tàn nát” được dịch là "thứ ghê tởm bị bỏ hoang".
Đaniên đề cập tới "sự gớm ghiếc tàn nát" ba lần. Chúng ta hãy đọc chúng (Đaniên 9:27; 11:31; 12:11). Hầu hết các học giả Kinh Thánh đều đồng ý rằng lần ứng nghiệm đầu tiên của lời tiên tri đó đã diễn ra khi Antiochus IV hay Antiochus Epiphanes đã cai trị trên xứ Palestine và đã xúc phạm Đền Thờ. Các sách khải thị 1 và 2 Maccabees mô tả thể nào người Do thái đã chống cự ông ta khi ông ta dâng một con heo ô uế làm của lễ trên bàn thờ, buộc các thầy tế lễ phải ăn thịt của nó và dựng lên một hình tượng thần Zeus trong chỗ của nó.
Điều nầy đã diễn ra rồi cận thời của Chúa Jêsus và sự dạy của Ngài ở đây chỉ rõ sự kiện “gớm ghiếc” của Antiochus chỉ là sự ứng nghiệm từng phần, một cái nhìn trước về sự xúc phạm còn ở đàng xa kia.
Đaniên đã nói tiên tri ở 9:24 về "70 tuần lễ" hoặc "những lần 7" hay đúng hơn, 70 lần 7 năm. 490 năm sẽ trôi qua trước khi Đấng Mêsi phục hưng xứ Israel. Con số nầy sẽ bắt đầu "từ khi ra lịnh tu bổ và xây lại Giê-ru-sa-lem". Mạng lịnh đó đã được Vua Artaxerxes phát ra vào năm 445 TC. Ông cũng nói rằng "bảy tuần lễ và sáu mươi hai tuần lễ" (69 tuần lễ hay 483 năm) sẽ trôi qua "cho đến Đấng chịu xức dầu, tức là Vua". Với sự chính xác, chúng ta có thể tính đúng 483 năm kể từ chiếu chỉ của Vua Artaxerxes cho tới Lần Đắc Thắng vào thành Jerusalem của Đấng Christ!
Sau tuần lễ thứ 69: "Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi". Kế đó "vua hầu đến", là antichrist sẽ "hủy phá thành và nơi thánh" có ý nói tới sự Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá và sự hủy diệt Đền Thờ và thành phố vào năm 70SC.
Trong sự hiểu biết của chúng ta về lời tiên tri của Đaniên, có một lỗ hỗng về niên đại giữa tuần lễ thứ 69 và tuần lễ thứ 70. Tuần lễ thứ 70 là Kỳ Đại Nạn. Khi ấy "cuối cùng nó như bị nước lụt ngập".
Tuần lễ thứ 70 sẽ bắt đầu khi antichrist "sẽ lập giao ước vững bền với nhiều người trong một tuần lễ" (câu 27). Israel sẽ quay trở lại với Ngài để tìm sự bảo hộ tránh các kẻ thù của nó. Tuy nhiên, "đến giữa tuần ấy [sau 3 năm rưỡi] người sẽ khiến của lễ và của lễ chay dứt đi". Người sẽ tự đưa mình lên làm một vì thần để cho người ta thờ lạy. Đấy sẽ là "cánh gớm ghiếc" và người sẽ trở thành "kẻ làm ra sự hoang vu".
Đấy là những gì Chúa Jêsus bảo các thánh đồ trong thời của mình phải coi chừng. Họ cần phải tìm kiếm một nhà lãnh đạo cấp thế giới, là kẻ sẽ ký hiệp ước hoà bình với Israel trong 3 năm rưỡi và rồi sẽ tự tôn mình lên làm một vị thần "đứng trong nơi thánh" để cho người ta thờ lạy. Một số học giả nói "nơi thánh" là nói tới thành Jerusalem, nhiều người khác nói "nơi chí thánh" ở trong Đền Thờ. Ở các phân đoạn Kinh Thánh khác, "nơi thánh" dường như có ý nói tới chính Đền Thờ (đối chiếu Công Vụ các Sứ Đồ 21:28; Thi thiên 24:3).
II Têsalônica 2:3-4 chép: "Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra, tức là kẻ đối địch, tôn mình lên trên mọi sự mà người ta xưng là Đức Chúa Trời hoặc người ta thờ lạy, rất đỗi ngồi trong đền Đức Chúa Trời, chính mình tự xưng là Đức Chúa Trời”.
Hãy chú ý câu được đóng ngoặc đơn "ai đọc phải để ý". Điều nầy quyết chắc sự thực Chúa Jêsus đang phán chủ yếu vào các sự cố hãy còn xa trong tương lai, chớ không chỉ nói tới sự hủy diệt thành Jerusalem vào năm 70SC.
B. Đáp ứng trước sự gớm ghiếc tàn nát (các câu 16-20).
Chúa Jêsus bắt đầu câu 16 với chữ “thì”. Câu nầy đọc như sau: "Khi các ngươi sẽ thấy sự gớm ghiếc tàn nát lập ra trong nơi thánh… thì lúc bấy giờ, đây là những điều mà các ngươi sẽ làm và biết đáp ứng ra sao".
Tôi tin rằng Cơ đốc nhân trong kỹ nguyên nầy, Hội thánh sẽ được cất lên và ở với Chúa trong thời kỳ nầy. Tuy nhiên, sẽ có hàng triệu bản Kinh Thánh vẫn còn ở trên đất. Há Lời Đức Chúa Trời không kỳ diệu sao, lời ấy sẽ ở cùng chúng ta cả thảy và ở đây để cung ứng phương hướng thậm chí khi chúng ta đã về đến thiên đàng. Chúa Jêsus đã phán trong câu 35: "Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi".
Khi các tín hữu trong kỹ nguyên ấy nhìn thấy "sự gớm ghiếc tàn nát" trong Đền Thờ đã được tái thiết lại, "ai ở trong xứ Giuđê" cần phải "trốn lên núi". "Trốn" ra từ chữ phuego, từ đây chúng ta có chữ trốn theo Anh ngữ "fugitive", một người đang chạy trốn mối nguy hiểm. Khi anti-christ nắm lấy quyền bính, hy vọng duy nhứt của họ chỉ còn là bỏ trốn mà thôi.
Tiên tri Xachari nói cho chúng ta biết rằng hai phần ba người Do thái sẽ chết trong khi tìm cách trốn tránh. Xachari 13:8-9 chép: "Đức Giê-hô-va phán rằng: Xảy ra trong khắp đất, hai phần của nó sẽ bị diệt và mất song một phần ba sẽ được còn lại. Ta sẽ đem một phần ba ấy vào lửa, ta sẽ luyện nó như luyện bạc, thử nó như thử vàng; chúng nó sẽ kêu cầu danh ta, và ta sẽ nhậm lời nó; ta sẽ phán rằng: Ấy là dân ta đây. Và nó sẽ nói rằng: Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời tôi". Đức Chúa Trời sẽ bảo tồn một số dân sót những người Do thái có lòng tin. Những người Do thái loạn nghịch sẽ ngã chết trong cuộc tàn sát của antichrist.
Nhiều tín đồ cũng sẽ ngã chết trong thời kỳ nầy, không phải từ sự phán xét của Đức Chúa Trời, mà là dưới sự bắt bớ kinh khủng (Khải huyền 6:9-11). Satan khi ấy sẽ mở ra cuộc chiến rộng khắp nhắm vào hàng tín đồ. Khải huyền 13:7 chép: "Nó lại được phép giao chiến cùng các thánh đồ và được thắng. Nó cũng được quyền trị mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và mọi nước". Khải huyền 17:6 nói tới đội quân của hắn như sau: " say huyết các thánh đồ và huyết những kẻ chết vì Đức Chúa Jêsus”. Khải huyền 12:5-6 chép rằng Đức Chúa Trời sẽ ban ra sự bảo hộ siêu nhiên đặc biệt cho dân Israel có lòng tin trong suốt 3 năm rưỡi sau cùng.
Chúa Jêsus phán về "ai ở trên mái nhà". Trong thời buổi ấy ở xứ Palestine, người ta sử dụng mái nhà của họ giống như mái hiên. Chúa Jêsus phán họ "đừng xuống chuyên của cải trong nhà". Nếu quí vị muốn sống còn, đừng để mất một phút nào hết khi quí vị nghe thấy các tin tức nói về "sự gớm ghiếc" (câu 17).
Còn người nào đang lao động "ở ngoài ruộng", người ấy đừng trở vào nhà "lấy áo mình" hay lấy áo choàng máng trên chiếc hàng rào (câu 18).
Chúng ta thấy lòng thương xót của Chúa Jêsus trong câu 19 khi Ngài phán: "Khốn khó thay cho đờn bà có mang, và đờn bà cho con bú". Họ không thể di chuyển mau lẹ được và dễ bị bắt và bị giết. Các kẻ thù của Đức Chúa Trời không ngần ngại trong việc giết chóc trẻ em, thậm chí là trẻ sơ sinh. Hãy nhìn xem hành động tàn bạo của Pharaôn và Hêrốt. Chúa Jêsus phán trong câu 20: "Hãy cầu nguyện cho các ngươi khỏi trốn tránh nhằm lúc mùa đông". Mặc dù xứ Palestine có bầu không khí vừa phải khi được sánh với các phần khác trên thế giới, bất kỳ thời tiết lạnh lẽo nào cũng trở thành mối ngăn trở. Khi nhắc tới "ngày sa bát", có thể là đề cập tới những người Do thái thiên về với luật pháp, họ nên ở lại và chịu chết hơn là phá vỡ "ngày sa bát" bằng cách trốn chạy.
Mục tiêu của Chúa Jêsus, ấy là chẳng có điều chi xứng đáng để mà chậm trễ một khi antichrist nắm lấy quyền bính. Trốn chạy sẽ là tư tưởng duy nhứt của họ mà thôi.
II. Hỗn loạn khắp nơi trên thế giới (các câu 21-22).
Tuần lễ thứ 70 của Đaniên được biết là Kỳ Đại Nạn. Nửa phần đầu được gọi là "đầu sự tai hại" hay "đau đẻ" (câu 8). Nửa phần thứ hai Chúa Jêsus gọi là "sự hoạn nạn lớn". Đây sẽ là lúc "đến nỗi từ khi mới có trời đất cho đến bây giờ chưa từng có như vậy, mà sau nầy cũng không hề có nữa". Cuộc tàn sát của Titus ở thành Jerusalem là cuộc tàn sát rất khủng khiếp. Có lẽ cuộc diệt chủng của quân Phát xít là tệ hại hơn thế. Tuy nhiên, cho tới khi có antichrist, "người tội ác" đến với đầy đủ quyền lực, thế giới sẽ thấy còn tệ hại hơn bao giờ hết!
Sẽ có một cuộc chém giết tệ hại như thế "nếu những ngày ấy không giảm bớt, thì chẳng có một người nào được cứu". Nói cách khác, trừ phi Đức Chúa Trời không rút ngắn thời gian lại, chẳng một ai còn sống sót hết. Dù vậy, "song vì cớ các người được chọn, thì những ngày ấy sẽ giảm bớt".
Thật là thú vị thay đây là cách dùng đầu tiên về chữ "chọn" trong Tân Ước. Từ ngữ nầy có ý nói tới con cái Đức Chúa Trời được chọn ở trong Ngài "từ trước khi sáng thế" (Êphêsô 1:4).
Để bảo hộ cho con cái Ngài vẫn còn sống động trên thế gian, Đức Chúa Trời bảo đảm "những ngày ấy sẽ giảm bớt".
Một cách giải thích sát nghĩa lời lẽ của Chúa Jêsus dường như cho rằng những ngày ấy, như những ngày trong tuần lễ, khoảng thời gian 24 giờ sẽ bị "giảm bớt". Đức Chúa Trời sẽ tạo ra nhiều bóng tối tăm ở trên đất.
Khải huyền 6:12-13 chép: "Tôi nhìn xem, khi Chiên Con mở ấn thứ sáu, thì có một cơn động đất lớn; mặt trời bèn trở nên tối tăm như túi lông đen, cả mặt trăng trở nên như huyết. Các vì sao trên trời sa xuống đất, như những trái xanh của một cây vả bị cơn gió lớn lung lay rụng xuống". Khải huyền 8.12 chép: "Vị thiên sứ thứ tư thổi loa [sự phán xét bằng tiếng kèn lần thứ 4], thì một phần ba mặt trời bị hại, một phần ba mặt trăng và một phần ban các ngôi sao cũng vậy, hầu cho một phần ba các vì sáng ấy đều bị tối tăm, và hầu cho ban ngày mất một phần ba sáng, và ban đêm cũng vậy". Khải huyền 16:10 chép: "Vị thiên sứ thứ năm trút bát mình [bát thạnh nộ] trên ngôi con thú, nước của nó bèn trở nên tối tăm, người ta đều cắn lưỡi vì đau đớn". Đức Chúa Trời sẽ thay đổi vũ trụ và tạo ra nhiều sự hỗn độn khủng khiếp cho các kẻ thù Ngài, nhưng Ngài làm sự bảo hộ cho con cái của Ngài.
III. Hỗn loạn khắp mọi nơi (các câu 23-27).
Bây giờ hãy tưởng tượng quí vị không được cứu cho tới sau Sự Cất Lên. Hãy tưởng tượng đang sống trong thành Jerusalem và quí vị chạy trốn ngay lập tức khi quí vị nghe nói tới "sự gớm ghiếc tàn nát". Quí vị tìm kiếm sự an ninh với những kẻ đi trốn khác trong vùng núi và quí vị ẩn mình đi, ao ước và trông mong Chúa Jêsus Đấng Mêsi hiện đến. Quí vị thường hay nghiên cứu Kinh Thánh, hãy cố gắng hiểu rõ những lời tiên tri và điều chi sẽ xảy ra kế đó. Rồi có người đi tới chỗ ẩn náu của quí vị và xưng mình là "Đấng Christ", Đấng Mêsi hay quí vị nghe nói Ngài mới hiện ra đâu đó. Quí vị bị cám dỗ rời khỏi nơi an toàn để tự mình nhìn thấy. Chúa Jêsus phán trong câu 23: "đừng tin".
Ngài nói cho chúng ta biết rằng trong khoảng thời gian đó "Vì nhiều christ giả và tiên tri giả sẽ dấy lên, làm những dấu lớn, phép lạ, nếu có thể được thì họ cũng đến dỗ dành". Tôi nghĩ câu nầy có ý nói họ sẽ có những khả năng siêu nhiên do địa ngục ban cho. II Têsalônica 2.9 chép: "Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỉ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị và việc kỳ dối giả".
Chúa Jêsus phán họ sẽ có quyền lực đủ để họ "dỗ dành chính những người được chọn" nữa. Tuy nhiên, sẽ rất khó “dỗ dành” những ai thực sự nhận biết Đấng Christ. Chúng ta có thể bị dại dột trong một lúc, nhưng sự làm chứng của Đức Thánh Linh bên trong một tín đồ chân chính sẽ không khiến cho người lìa bỏ Chúa của mình. Chúa Jêsus phán trong Giăng 10.27-28: "Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta".
Chúa Jêsus phán rất đặc biệt với các Cơ đốc nhân trong ngày đó: "Nầy, ta đã bảo trước cho các ngươi. Vậy nếu người ta nói với các ngươi rằng: Nầy, Ngài ở trong đồng vắng, thì đừng đi đến; nầy, Ngài ở trong nhà thì đừng tin".
Quí vị và họ rồi sẽ đưa ra thắc mắc đơn sơ nầy: "Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?" Chúa Jêsus phán rất rõ ràng như sau: "Vì như chớp phát ra từ phương đông, nháng đến phương tây, thì sự Con người đến sẽ cũng thể ấy". Đây không phải là Sự Cất Lên, mà là Lần Đến Thứ Hai, Sự Tái Lâm. Khải huyền 1.7 chép: "Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!"
Sự đến của Ngài sẽ chẳng có gì sơ sót. Nếu quí vị đang ở bên ngoài lúc ban đêm, quí vị không thể không thấy khi tia chớp phát sáng cả đường chân trời. Cũng một thể ấy, khi Chúa Jêsus tái lâm "mọi mắt sẽ trông thấy Ngài".
Các tín đồ còn sống trong ngày đó sẽ vui mừng hớn hở, nhưng "hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài". Đối với các tín đồ, sự tái lâm vinh hiển của Đấng Christ có ý nghĩa của sự giải cứu. Vì phần còn lại của thế gian sẽ gánh chịu sự phán xét.
Những người tin Chúa và những kẻ không tin sẽ thay đổi chỗ. Khải huyền 6.15-17 chép: "các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi, chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Đấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?"
IV. Cuộc tàn sát không tưởng được (câu 28).
Sau cùng, trong câu 28, Chúa Jêsus phán: "Nơi nào có xác chết, thì những chim ó [hay kên kên] sẽ nhóm tại đó". Có người nghĩ đây là một câu châm ngôn của người Do thái.
Đến cuối Kỳ Đại Nạn, cuộc tàn sát sẽ là cuộc chém giết không tưởng được. Đức Chúa Trời sẽ đem lại sự phán xét và kên kên sẽ tìm thấy xác người ta ở khắp mọi nơi.
Quí vị sẵn sàng chưa? Quí vị có sẵn sàng cho Sự Cất Lên chưa? Có phải quí vị là một chứng nhân trung tín cho bạn bè và người thân đang còn sống trong thời kỳ nầy? "Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin…" (II Côrinhtô 5:11).

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét