Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Bài 94: Mathiơ 26:47-56: "VẺ OAI NGHI Ở TRONG VƯỜN"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Vẻ oai nghi ở trong vườn
Mathiơ 26:47-56
Trong Giăng 10:18 Chúa Jêsus phán rõ ràng rằng: "Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta". Bàn tay tối cao của Đức Chúa Trời đã sắp xếp từng chi tiết về sự bắt bớ, những lần xét xử giả dối, sự ngược đãi và sự đóng đinh trên thập tự giá. Không một điều chi xảy ra là do tình cờ, ngẫu nhiên hay cơ hội cả.
Tuần qua, chúng ta đã tra xét lời cầu nguyện thống khổ của Chúa Jêsus ở trong Vườn Ghết-sê-ma-nê. Sau bữa ăn Lễ Vượt Qua và sự thiết lập Tiệc Thánh, Chúa Jêsus đưa các môn đồ lên "Núi Ô-li-ve" (câu 30). Trên đường đi, Chúa Jêsus đã nói tiên tri rằng hết thảy họ sẽ "vấp ngã" đêm hôm đó và lìa bỏ Ngài. Hết thảy họ đều tranh luận kịch liệt rằng họ sẽ không chối bỏ Ngài. Đặc biệt Phierơ rất tình cảm khi ông nói: "Dầu tôi phải chết với thầy đi nữa, tôi chẳng chối thầy đâu" (câu 35).
Họ đang trên đường "đến một chỗ kêu là Ghết-sê-ma-nê" (câu 36). Có lẽ đây là một vườn ôlive do một trong số các môn đồ của Chúa Jêsus làm chủ và dường như hết thảy họ đều rất quen thuộc với nơi ấy. Ngài để 8 người trong số họ ngay lối vào khu vườn rồi đem "ba người ở vòng trong", là Phierơ, Giacơ và Giăng theo với Ngài tiến sâu vào trong nơi hẻo lánh. Ở đó Chúa "buồn bực và sầu não lắm". Sự va chạm của tình cảm trở thành sự hy sinh vì cớ tội lỗi cho nhân loại đã chất nặng trên các cảm xúc về nhân tính của Ngài đến nỗi Ngài phán: "Linh hồn ta buồn bực cho đến chết" (câu 38). Về phần xác, một sự căng thẳng như thế là quá nhiều so với thân thể Ngài có thể mang lấy.
Chúa Jêsus tiến thẳng vào vườn ôlive và cầu nguyện với Cha Ngài. Luca 22:44 chép rằng "cơn đau thương" của Ngài trong sự cầu nguyện lớn đến nỗi "mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất". Chúa Jêsus đã cầu nguyện rằng nếu "có thể được" thì cái "chén" thạnh nộ của Đức Chúa Trời nghịch lại tội lỗi của nhân loại sẽ qua khỏi Ngài. Ba lần Ngài đưa ra lời cầu nguyện nầy, song vì “không thể được”, Ngài đã tự mình đầu phục trọn vẹn theo "ý chỉ" của Đức Chúa Cha. Điều nầy dạy chúng ta tội lỗi của chúng ta kinh tởm là dường nào đối với Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus phải gánh lấy tội lỗi của chúng ta vì chẳng một người nào được cứu mà không qua sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài.
Mỗi lần như thế Chúa Jêsus cứ tiếp tục cầu nguyện, các môn đồ của Ngài đã buồn ngủ. Ngài bảo họ phải "thức canh và cầu nguyện" nhưng "mắt họ đã đừ quá rồi". Trong khi Ngài khẫn thiết trong sự cầu nguyện, họ đã nằm mà ngủ. Sau cùng, Ngài đã đánh thức họ. Ngài đã phó chính mình Ngài cho ý chỉ của Đức Chúa Cha và tìm được sức lực mới. Ngài phán: "Nầy, giờ đã gần tới" (câu 45).
Trong câu 46, Chúa Jêsus phán: "Hãy chờ dậy, đi hè. Kẻ phản ta đã đến kia". Nếu các môn đồ chịu ngước nhìn lên trong giờ phút đó, họ đã nhìn thấy một dọc dài các ngọn đuốc do một đạo binh cầm theo khi họ đang trên đường đến bắt Ngài.
Sự Chúa Jêsus bị bắt nhấn mạnh sự thực Ngài không phải là một nạn nhân vô dụng đâu. Một lần nữa chúng ta nhớ lại lời của Ngài: "Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho”. Bối cảnh tột đỉnh nầy ở trong vườn tỏ ra nét oai nghi thanh thản của Chúa Jêsus khi Ngài công khai đối đầu với những kẻ muốn giết Ngài và nhấn mạnh ý chỉ tối cao của Ngài muốn trở thành của lễ chuộc tội vì tội lỗi của chúng ta. Vẻ oai nghi của Chúa Jêsus đã được tỏ ra trong ba cách.
I. Chúng ta thấy vẻ oai nghi của Chúa Jêsus trong sự đón tiếp của kẻ phản bội (các câu 47-50a).
Mathiơ thuật lại cho chúng ta biết, ấy là "khi Ngài còn đương phán", lời lẽ trong các câu 45-46 cho thấy rằng "Giu-đa" cùng với "một bọn đông người cầm gươm và gậy" xuất hiện tại khu vườn để bắt Ngài.
Hãy chú ý rằng Mathiơ đặc biệt mô tả Giu-đa là "một người trong mười hai sứ đồ". Ông không nói: "Giu-đa, kẻ phản bội" hay "Giu-đa, kẻ xoay chiều" hoặc "Giu-đa, con chuột hôi thối". Ông đề cập tới hắn là "một người trong mười hai sứ đồ". Điều nầy rất quan trọng vì nó nhấn mạnh các môn đồ khác bị sốc là dường nào khi hay được rằng Giu-đa là kẻ phản bội.
Các tác phẩm chuyên về khải thị phác họa công khai Giu-đa là ma quỉ và hiểm ác. Có người nói hắn là cháu của thầy cả thượng phẩm được sai phái đến gần Chúa Jêsus đặng làm do thám. Người khác thì nói hắn là quân cờ trong tay một mụ vợ tham lam. Người khác nữa nói rằng khi hắn chào đời hắn đã có tánh gian ác như thế rồi, đến nỗi bố mẹ hắn đã ném hắn xuống biển. Hắn sống sót, lớn lên và cưới một phụ nữ xinh đẹp làm vợ rồi xoay ra làm mẹ của hắn. Đây là những hình ảnh tưởng tượng hầu làm bật ra tính độc ác của con người hắn.
Hết thảy bốn sách Tin lành đều mô tả Giu-đa là "một người trong mười hai sứ đồ" (đối chiếu 26:14; Mác 14:10; Luca 22:47; Giăng 6:71). Không một môn đồ nào khác được chỉ rõ theo cách nầy. Giu-đa đã là một trong số họ. Hắn đã cùng đi đây đi đó với họ, cùng ăn uống với họ, cùng cười cùng khóc với họ. Trong hơn ba năm, họ đã chia sẻ cuộc sống của họ với hắn và hắn với họ. Họ đã xem hắn như một người anh em đáng tin cậy, một người trong số họ và tuyệt đối họ đã bị sốc khi biết được hắn là kẻ phản bội Chúa.
Giu-đa không phải đi một mình đâu. "Một bọn đông người cầm gươm và gậy, mà các thầy tế lễ và các trưởng lão trong dân đã sai đến". Khu vườn vừa yên tĩnh một vài phút trước đó, yên tĩnh đủ để cầu nguyện, yên tĩnh đủ để nằm ngủ, giờ đây đầy ắp “một bọn đông người” có vũ trang. Sợ hãi đã phủ lút trên các môn đồ.
Các sách tin lành khác cung ứng cho chúng ta thông tin nhắm vào “bọn đông người” nầy. Luca 22:52 cho chúng ta biết trong vòng đám đông ấy là "các thầy đội coi đền thờ", lính canh đền thờ, có lẽ họ mang theo "dùi cui" giống như loại gậy đi tuần đêm của cảnh sát. Giăng 18:3 chép rằng cũng có "một cơ binh" hay loại lính chính quy, có lẽ từ tiền đồn Antonio đóng gần núi Đền Thờ. Không nghi ngờ chi nữa, họ đã mang theo "gươm". Chữ Hy lạp chỉ ra một "đội quân" với đầy đủ sức mạnh gồm có 600 người. "Thầy tế lễ và các trưởng lão" đã viện đến binh lính La mã vì một nổ lực trước đó để bắt Chúa Jêsus bởi cảnh vệ đền thờ đã thất bại (Giăng 7:32, 44-46). Khi các cấp lãnh đạo tôn giáo nổi giận chất vấn các tên lính lý do tại sao họ không bắt Chúa Jêsus, họ đã đáp như sau: "Không ai nói như người nầy!" Giờ đây, họ đã có lính chính quy để thực thi đúng đắn công việc.
Khi Giu-đa rời khỏi phòng cao, ngay lập tức hắn đã chạy đến "các thầy tế lễ cả và các trưởng lão" với thông tin là Chúa Jêsus sẽ có mặt ở tại vườn Ghết-sê-ma-nê. Các cấp lãnh đạo Do thái cần có thời gian để tập trung binh lính chính quy từ Philát và có lẽ đã bịa ra câu chuyện nói rằng Chúa Jêsus đang khuynh đảo cuộc nổi dậy chống lại La mã. “Bọn đông người” có vũ trang đã dè dặt kê sổ lên tới hàng mấy trăm người. Một số học giả cho rằng đã có tới hàng ngàn người trong số nầy.
Tại sao phải có tới nhiều người như thế chứ? Chúa Jêsus luôn luôn ám chỉ tới họ trước đó. Họ không còn có cơ hội nào khác nữa. Họ muốn chắc chắn phải bắt cho được Ngài. Mặc dù họ chẳng có cớ gì hợp pháp để bắt cả, mặc dù hầu hết mọi người trong bọn đông đảo ấy biết rất ít về Chúa Jêsus, mặc dù số lượng người của họ có khả năng tàn phá rất lớn, mặc dù họ đã hành động với thái độ lo sợ dân chúng chống đối, họ đã bất chấp. Họ đã xem Chúa Jêsus là một mối đe doạ cần phải bị vô hiệu hoá.
Câu 48 cho chúng ta biết rằng Giu-đa đã sắp xếp một dấu hiệu cho cấp lãnh đạo bọn đông người kia biết. Hắn nói: "Người nào mà tôi sẽ hôn, ấy là người đó, hãy bắt lấy". Hãy nhớ trời khi ấy có lẽ là sau nửa đêm. Chẳng có một ngọn đèn điện nào hết. Mặc dù Lễ Vượt Qua luôn luôn rơi đúng vào ngày trăng rằm, trời hãy còn tối lắm trong các bóng cây ôlive. Đám đông ấy cần có Giu-đa để nhận dạng kẻ mà họ muốn bắt. Có lẽ họ sợ rằng một trong các môn đồ khác sẽ giả làm Ngài để Ngài có thể trốn thoát.
Trong xã hội ấy, cũng như nhiều xã hội khác trên thế gian, hôn ai đó ở gò má là một dấu chỉ tình cảm mật thiết và sự đầu phục sâu sắc.  Cái hôn ấy như đang nói: "Anh là người bạn thân nhất của tôi, là bạn lòng của tôi".
Không bao lâu sau đó, khi Giu-đa đã tới gần đủ để nhận ra Chúa Jêsus, "tức thì Giu-đa đến gần” Đức Chúa Jêsus mà rằng: "Chào Thầy!" rồi hắn "hôn Ngài". Mathiơ dùng chữ kataphileo để nói đến cái “hôn”, nghĩa là "hôn riết hay hôn tới hôn lui". Luca 7:38 dùng  chính từ ngữ ấy để mô tả thể nào người đờn bà tội lỗi kia đã rửa chơn Chúa Jêsus bằng nước mắt rồi hôn chơn Ngài với thái độ thờ phượng. Giu-đa chẳng biết xấu hổ là gì cả. Hắn đã chọn một dấu hiệu chỉ về tình cảm và thờ phượng để đóng dấu sự hắn phản bội.
Chúa Jêsus nhìn thẳng vào mắt của Giu-đa rồi hỏi: "Bạn ơi! vậy thì vì việc nầy mà ngươi đến đây sao?” Chúa Jêsus không dùng chữ thông thường chỉ về bạn hữu là philos mà dùng chữ hetairos có nghĩa là "đồng chí". Dường như Ngài rất xa cách đối với Giu-đa và rất buồn. Luca nói thêm rằng Chúa Jêsus đã hỏi: "Hỡi Giu-đa, ngươi lấy cái hôn để phản Con người sao?" (22:48).
Chúa Jêsus không có ý xét đoán Giu-đa. Ngài không gọi hắn là kẻ phản bội, kẻ bội đạo hay kẻ dại dột. Ngài đã gọi hắn là đồng chí và hỏi hắn lý do tại sao hắn lại làm một việc như vậy. Chúa Jêsus vốn biết rõ rằng tấm lòng của Giu-đa đã bị chai cứng rồi. Ngài đã phán: "Song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!" (26:24). Những gì chúng ta đang nhìn thấy ở chỗ nầy như ngược lại với sự phản bội cực kỳ gian ác của Giu-đa và nét oai nghi kiên nhẫn của Đấng Christ. Sự phản bội trong chỗ tối tăm của Giu-đa làm cho sự vinh hiển của Chúa Jêsus càng thêm rực rỡ.
II. Chúng ta thấy vẻ oai nghi của Chúa Jêsus trong việc tránh không để xảy ra tắm máu (các câu 50b-54).
Quay nhanh sang Giăng 18:4-6. Hãy nhìn qua Chúa Jêsus đang đến với vị lãnh đạo đám đông người Do thái kia, Chúa Jêsus hỏi: "Các ngươi tìm ai?" Họ trả lời lại: "Tìm Jêsus người Nazarét". Giu-đa đang đứng bên cạnh như một nhân chứng khi Chúa Jêsus đáp: "Chính Ta đây!" Hãy lưu ý vẻ oai nghi của Con Đức Chúa Trời trong câu 6: "Vừa khi Đức Chúa Jêsus phán: Chính ta đây, chúng bèn thối lui và té xuống đất". Đấng Ta Là vĩ đại đã phán với sự oai vệ và bọn người kia đã té xuống đất khi nghe giọng nói của Ngài.
Sau khi họ hoàn hồn trở lại, Mathiơ nói: "Rồi chúng nó đến gần tra tay bắt Đức Chúa Jêsus". Luca 22:49 chép rằng khi các môn đồ nhận ra những gì đang xảy ra: "Thưa Chúa, chúng tôi nên dùng gươm đánh chăng?" Phierơ (Giăng 18:10) đã không đợi một câu trả lời nào hết, mà ông "có một thanh gươm, bèn rút ra, đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai bên hữu. Đầy tớ đó tên là Man-chu".
Luca 22:38 cho chúng ta biết họ có "hai thanh gươm" giữa vòng họ và một rõ ràng đã ở dây nịt lưng của Phierơ. Giăng 18:10 cho chúng ta biết "đầy tớ của thầy cả thượng phẩm" có tên là Man-chu. Phierơ rõ ràng là đã nổ lực phân thây hay xử trảm hắn, nhưng lại sơ sót và chỉ cắt đi một tai của gã ấy.
Chúa Jêsus phán với Phierơ: "Hãy nạp gươm ngươi vào vỏ". Trong phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy ba lý do tại sao Chúa Jêsus bảo Phierơ phải nạp gươm vào vỏ. Thứ nhứt, Ngài phán: "vì hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết về gươm". Đây không phải là bằng chứng của chủ nghĩa hoà bình Cơ đốc khi có nhiều người xưng hô như vậy. Chúa Jêsus không những đã nhắc cho Phierơ nhớ rằng phạm luật về giết người đối với nhà cầm quyền chắc chắn sẽ đưa đến sự hình phạt theo lẽ công bình.
Đức Chúa Trời đã ban cho nhà cầm quyền quyền hành để trừng phạt những kẻ giết người. Sáng thế ký 9:6 chép: "Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài". Giống như Chúa Jêsus đang phán: “Bất luận sự việc nầy dường bất công lắm, ngươi không có quyền giết người. Nếu ngươi giết người, ngươi cũng sẽ bị hành hình".
Kẻ đánh bom thành phố Oklahoma, Tim McVeigh đã bị tử hình vì đã giết hơn 168 người. Hắn đã cầm lấy thanh gươm vì lý do độc ác hay điên cuồng và giờ đây hắn sẽ chết bằng gươm theo lẽ công bình.
Thứ hai, Chúa Jêsus hỏi Phierơ: "Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?" Một đạo binh La mã gồm có 6.000 binh lính. "Mười hai đạo thiên sứ" sẽ là 72.000 thiên sứ. Khi chúng ta xem xét điều nầy trong II Các Vua 19.35, một thiên sứ đơn độc thôi đã giết 185.000 quân Asiri dưới quyền chỉ huy của San-chê-ríp, quyền lực khủng khiếp của "mười hai đạo" không thể tưởng tượng được! Chúa Jêsus chắc chắn không cần Phierơ bảo vệ cho Ngài!
Bảo vệ Nước Đức Chúa Trời bằng sức mạnh đời nầy quả là việc vặt của kẻ dại. Những cuộc chiến tranh giống như các chiến dịch thập tự chinh thời trung cổ đã nổ ra trong danh của Đấng Christ là các cuộc chiến tranh có tính cách phạm thượng. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 18:36: "Nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian nầy. Ví bằng nước ta thuộc về thế gian nầy, thì tôi tớ của ta sẽ đánh trận, đặng ta khỏi phải nộp cho dân Giu-đa; nhưng hiện nay nước ta chẳng thuộc về hạ giới".
Thứ ba, Chúa Jêsus hỏi Phierơ: "Nếu vậy, thế nào cho ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã chép rằng việc nầy tất phải xảy đến?" Hầu hết từng phương diện của sự phản bội, sự bắt bớ, sự thương khó, sự đóng đinh trên thập tự giá, sự chôn và sự sống lại đều đã được nói trước trong Cựu Ước. Trong một vài cơ hội, Chúa Jêsus đã dạy các môn đồ rằng Ngài sẽ chịu khổ về nhiều việc. Chúa Jêsus đã nhắc cho Phierơ nhớ rằng dù sự bắt bớ nầy dường bất công và hèn nhát, nhưng đấy là một phần trong chương trình tối thượng mà Đức Chúa Trời đã loan báo trước trong Kinh Thánh. Trong Giăng 18:11, Chúa hỏi Phierơ: "Ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?"
Hãy tưởng tượng điều chi sẽ xảy ra nếu Chúa Jêsus không ngăn cản Phierơ. Không nghi ngờ chi nữa vị môn đồ ngoan cố nầy sẽ cứ dùng gươm chém cho tới khi ông cắt…cho tới khi hết thảy họ đều bị cắt tai! Sự chết của các môn đồ giờ đây sẽ là vô mục đích. Sự chết của Chúa Jêsus bởi gươm trong khu vườn ôlive tối tăm kia sẽ không đạt được bất kỳ một mục đích có tính cách cứu chuộc nào hết.
Trong vẻ oai nghi giàu ơn, Chúa Jêsus mau chóng không làm theo những điều Phierơ đã làm. Giăng 18:10 không những cho biết "đầy tớ đó tên là Man-chu". Dường như cái tai vẫn còn treo lũng lẳng nơi sọ của người ấy. Luca 22:51 phác họa vẻ oai nghi giàu ơn của Chúa Jêsus khi chép rằng lúc đó Chúa Jêsus "Ngài bèn rờ tai đầy tớ ấy, làm cho nó được lành".
III. Chúng ta nhìn thấy vẻ oai nghi của Chúa Jêsus trong sự bảo hộ cho các môn đồ (các câu 55-56).
Chúa Jêsus phán: "Các ngươi đem gươm và gậy đến mà bắt ta, khác nào như ta là kẻ cướp. Ta thường ngày ngồi trong đền thờ và giảng dạy tại đó, mà các ngươi không bắt ta". Sự thật là họ đã đến để bắt Ngài lúc nửa đêm cho thấy rằng họ chẳng có một bản án nào là hợp pháp cả. Chúa Jêsus chẳng làm gì lén lút hết, nhưng đã dạy dỗ công khai để mọi người đều nghe thấy. Các cấp lãnh đạo tôn giáo đã chọn thời điểm và địa điểm nầy vì họ e "trong dân chúng sanh điều xào xạc chăng?" (câu 5).
Chúa Jêsus nói thêm: "Nhưng mọi điều ấy…, sự đến của Giu-đa, cảnh vệ Đền thờ, binh lính La mã, sự tiếp cận lén lút lúc giữa đêm, mọi điều ấy "…phải xảy đến, hầu cho những lời các đấng tiên tri đã chép được ứng nghiệm".
Những người nầy vốn thù ghét Chúa Jêsus. Họ xem Ngài là một mối đe doạ cho địa vị của họ và họ muốn Ngài phải chết đi bằng mọi giá. Họ bàn bạc, mưu tính và đã chọn lấy chuỗi hành động nầy. Cái điều mà họ không biết, ấy là họ đang làm theo ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Mặc dù họ làm theo ý riêng của họ, Đức Chúa Trời đã lồng ý định của họ vào trong ý chỉ của Ngài. Trong ước muốn của họ tính tiêu diệt Chúa Jêsus, họ đang bày ra ý định của Chúa Jêsus! Họ đang làm ứng nghiệm một chương trình đã được thiết lập từ lúc sáng thế!
Lời lẽ của Chúa Jêsus nói về sự ứng nghiệm chương trình thiêng liêng của Đức Chúa Trời đã rơi vào những lỗ tai điếc. Bọn đông người kia không hiểu và bất cần. Các môn đồ cứ chú vào hoàn cảnh tuyệt vọng của họ đến nỗi họ không thể chú ý vào chương trình tối thượng của Đức Chúa Trời. Trong Giăng 18.8, Chúa Jêsus đã hành động để bảo hộ họ. Ngài phán: "Vậy nếu các ngươi tìm bắt ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi". Câu 9 chép: "Ấy để được ứng nghiệm lời Ngài đã phán: Con chẳng làm mất một người nào trong những kẻ mà Cha đã giao cho Con".
Làm ứng nghiệm cả những lời tiên tri trong Cựu Ước và lời báo trước của Chúa Jêsus (câu 31), "khi ấy, hết thảy môn đồ bỏ Ngài mà trốn đi". Họ đã biến vào trong bóng tối, bỏ Chúa Jêsus lại một mình với những kẻ cáo giác Ngài.
Mác 14:51-52 nói rằng lúc bấy giờ: "Có một người trẻ tuổi kia theo Ngài, chỉ có cái khăn bằng gai trùm mình; chúng bắt người. Nhưng người bỏ khăn lại, ở truồng chạy trốn khỏi tay chúng". Rõ ràng Giăng Mác đã tỉnh thức và đi theo với tấm ra giường quấn quanh người, nhưng đã trần truồng chạy thoát.
Chúng ta có thể nghĩ Chúa Jêsus còn ở lại một mình. Ngài không ở lại một mình đâu. Ngài phán trong Giăng 16:32: "Nầy, giờ đến, đã đến rồi, là khi các ngươi sẽ tản lạc, ai đi đường nấy, và để ta lại một mình; nhưng ta không ở một mình, vì Cha ở cùng ta”.

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét