Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2013

Bài 50: Mathiơ 13:1-23: "Chúa Jêsus Và Các Thí Dụ"




MATHIƠ – VUA CÁC VUA

Chúa Jêsus và các thí dụ

Mathiơ 13:1-23
1. Khi chúng ta trở lại với phần nghiên cứu đời sống của Đấng Christ trong sách Mathiơ, chúng ta đến với phần nhắc nhở đầu tiên về các thí dụ trong sách. Thí dụ là kỹ năng giảng dạy quan trọng của Chúa Jêsus và chúng ta sẽ học hỏi nhiều về chúng sau khi chúng ta xem xét kỹ phần nội dung.
2. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu bối cảnh (các câu 1-2).
A. Câu 1 bắt đầu bằng cách thuật lại cho chúng ta biết các sự cố trong chương 13 đã diễn ra "cũng ngày ấy" như một phần của các sự cố trong chương 12. Chính "cũng ngày ấy" mà mẹ và các em của Chúa Jêsus đã đến nói chuyện với Ngài (các câu 46-47). Chính "cũng ngày ấy" một đám đông người đau bịnh và có nhu cầu đã kéo đến cùng Ngài và Ngài "đã chữa lành cả" (câu 15). Chính cũng ngày ấy Ngài đã làm ra nhiều phép lạ chữa lành khác khiến cho người ta phải thắc mắc: "Có phải người đó là con cháu Vua David chăng" (Đấng Mêsi)?
B. Cũng trong chính ngày ấy Chúa Jêsus "ra khỏi nhà", nơi mà Ngài đã giảng dạy mà đi ra mé biển. Thật là thú vị khi thấy ngay từ đầu chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài đã để ra nhiều thì giờ để ở trong: nhà dân, nhà hội, trụ sở công cộng, còn bây giờ chúng ta thấy Ngài giảng dạy ở ngoài trời. Sở dĩ như vậy là vì có hai tình huống. Thứ nhứt, người Do thái đã bắt đầu chối bỏ Ngài. Ngài không còn được tiếp đón, hoan nghênh tại nhà của họ nữa. Thứ hai, vì dân chúng yêu mến Ngài và đến với Ngài bằng "đoàn dân đông".
C. Vì "đoàn dân đông" đến với Ngài, Chúa Jêsus "phải xuống thuyền mà ngồi" còn dân chúng thì đứng trên “bờ". Bờ biển biến thành giảng đường tự nhiên và biển khuếch đại giọng nói của Ngài hầu cho ai nấy có thể nghe thấy được.
3. Kế đó,  hãy tiếp thu phần định nghĩa về từ "thí dụ" (câu 3a).
A. Chúa Jêsus "dùng thí dụ mà giảng nhiều điều". Câu 34 cho chúng ta biết rằng "Ngài chẳng phán điều gì cùng họ mà không dùng lời ví dụ".
B. "Thí dụ" [parable] ra từ chữ parabole, đây là một từ kép ra từ chữ ballo, "đưa vào hay đặt vào"para, có nghĩa là "kế bên". Vì thế, thí dụ là một câu chuyện được đưa vào kề bên một lẽ thật của Kinh Thánh hay một nguyên tắc để so sánh, để soi sáng và làm cho dễ hiểu. Đây là một hình thái thông thường trong sự giảng dạy của người Do thái. "Thí dụ" được nhắc tới khoảng 45 lần trong bản Kinh Thánh 70 hay bản Kinh Thánh Cựu ước Hy lạp.
C. Giảng dạy bằng các thí dụ vẫn còn là một kỹ năng rất có hiệu quả.
D. Mặc dù Chúa Jêsus đã sử dụng rồi một số minh họa trong phần nhgiên cứu sách Mathiơ của chúng ta, phân đoạn nầy đề xướng ra vì các câu chuyện đặc biệt được đồng hoá như các thí dụ và vì ý nghĩa chỉ được tỏ ra cho các môn đồ mà thôi.
4. Trong sứ điệp nầy, chúng ta sẽ thấy Phần giới thiệu thí dụ, Mục đích của thí dụ, và phần giải thích thí dụ.

I. Giới thiệu thí dụ (các câu 3-9).

Chúa Jêsus nói cho họ biết rằng có "người gieo giống đi ra đặng gieo". Đây là bối cảnh thường hay có ở xứ Galilê, một người với cái túi hột giống đeo trên vai đang dùng tay gieo ra những hột giống trên các luống đất. Kế đó, chúng ta học về bốn loại đất mà hột giống rơi trên đó.
A. Một phần giống rơi “dọc đường" (các câu 3-4).
1. “Dọc đường” tiêu biểu cho các con đường, lối đi chữ chi trong các cánh đồng ruộng xứ Galilê. Chúa Jêsus và các môn đồ đang đi trên một con đường, khi ấy họ bứt bông lúa mì mà ăn trong 12.1.
2. Vì đất “dọc đường” sẽ rất thô cứng do người ta đi lại nhiều trên đó, hột giống không thể châm rễ vào đất được, mà nằm đó chờ "chim bay xuống và ăn".
B. Một phần khác rơi nhằm chỗ “đất đá sỏi" (các câu 5-6).
1. Nhà nông luôn luôn cẩn thận di dời các hòn đá ra khỏi ruộng của họ. Tuy nhiên, vì địa thế của xứ Galilê, đã có nhiều lớp đá cứng nằm bên dưới. Có đất đủ cho cày cấy, song không sâu đủ cho lúa bắt rễ.
2. Hột giống rơi trên chỗ "đất đá sỏi" như thế, ở đó "ít đất thịt, bị lấp không sâu" nên chúng liền "mọc lên" nhưng "phải héo" và mau chóng chết đi vì bị mặt trời "đốt" và vì chúng "không có rễ".
C. Một phần khác rơi nhằm bụi gai" (câu 7).
1. Đôi khi đồng ruộng ở xứ Palestine song hành với những hàng bụi gai. Những bụi gai nầy trở thành loại hàng rào tự nhiên giữ cho thú vật không đột nhập vào ruộng lúa.
2. Lúc nào cũng vậy, một phần hột giống "rơi nhằm bụi gai". Vì khi gặp đất tốt, chúng liền mọc lên, lớn lên. Tuy nhiên, trước khi chúng có thể lớn đủ để kết quả, "gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi".
D. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt" (các câu 8-9).
1. “Đất tốt” nầy nằm giữa ruộng, ở xa "dọc đường", "đất đá sỏi""bụi gai".
2. Vì chúng rơi trên "đất tốt" và không bị ngăn trở, chúng liền "sanh trái". Đã có một mùa gặt thật trúng.
3. Cần phải nói rằng ở xứ Palestine trong thời đó tỉ lệ giống gieo gặt là 8/1. Tuy nhiên Chúa Jêsus mô tả kết quả là "một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục". Nói cách khác, đã có vụ mùa 100%, vụ 60% và vụ 30%. Tỉ lệ phần trăm nầy thực sự có thể nhận thức được bằng giác quan.
4. Kế đó Chúa Jêsus phán: "Ai có tai, hãy nghe!" Nói cách khác: "Nếu các ngươi hiểu thí dụ, thì hiểu đi". Cần phải có sự sáng láng về mặt thuộc linh mới hiểu được thí dụ. Tôi nghĩ Chúa Jêsus đang mời mọc người nào muốn hiểu thêm nên đến gặp Ngài theo cách riêng, như các môn đồ đã làm.

II. Mục đích của thí dụ (các câu 10-17).

Các môn đồ đã hỏi Chúa Jêsus một câu rất riêng tư: "Sao thầy dùng thí dụ mà phán cùng chúng vậy?" Tôi đoán là họ đang nghĩ: "Sao Ngài không nói thẳng ra cho họ biết, để ai nấy có thể hiểu được?"
A. Thí dụ chúc phước cho người nào tin (các câu 11-12).
1. Trong câu 11, Chúa Jêsus đưa ra hai lý do cho việc chia sẻ các thí dụ không thể lý giải được: để tỏ ra ý nghĩa cho những ai đã tiếp nhận Ngài và để che giấu ý nghĩa đối với những kẻ đã chối bỏ Ngài.
2. Chúa Jêsus định nói cho các môn đồ "biết những điều mầu nhiệm của Nước thiên đàng". "Những điều mầu nhiệm" không có ý nói tới một số mưu đồ quái dị hay khó hiểu, mà nói tới các lẽ thật của Đức Chúa Trời chưa được tỏ ra trong quá khứ. ”Nước” có ý nói tới sự tể trị của Chúa Jêsus trong tấm lòng của loài người.
3. Người nào tin thì được ban cho sự hiểu biết. Người nào chối bỏ không được "ban cho" sự hiểu biết. Thực ra "Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có". Người tín đồ nào có sự sáng láng hiểu biết của Đức Chúa Trời sẽ nhận lãnh thêm tri thức khi người ấy chịu khó nghiên cứu và học hỏi.
4. Mặc khác, người không tin, "kẻ nào không có" ngay cả sự sáng láng tối thiểu hay sự hiểu biết, “thì lại bị cất luôn điều họ đã có nữa”.
5. Về mặt thuộc linh, dù là cao hay thấp. Người nào "đói khát sự công bình" sẽ được "no đủ". Người nào chối bỏ ân điển của Đức Chúa Trời sẽ mất đi điều họ đã có nữa.
B. Thí dụ làm cho kẻ không tin phải lầm lẫn (câu 13).
1. Chúa Jêsus phán về hạng người vô tín, những kẻ đã nghe giảng sứ điệp của Ngài: "xem mà không thấy, lắng tai mà không nghe, và không hiểu chi hết". Lời của Ngài là sự nhắc lại lời nói của Êsai, Ngài trưng dẫn ở các câu 14-15.
2. Tại sao họ không thể thấy hay nghe hoặc hiểu chứ? Vì họ chọn không thấy, không nghe và không hiểu. Đặc biệt nói về người Do thái trong câu 15, Êsai đã nói tiên tri: "dân nầy nặng tai"
3. Họ đã chối bỏ Đấng Mêsi của họ, rồi vì cớ đó họ không thể hiểu được. Cũng thực như thế với những người vô tín ngày nay. Vì họ chối bỏ Đấng Christ, họ không có chức vụ của Đức Thánh Linh. Không có Đức Thánh Linh họ sẽ chẳng biết chi về “những lẽ mầu nhiệm” trong Kinh Thánh. Đức Chúa Trời đã ấn định theo chiều hướng đó.
C. Thí dụ làm ứng nghiệm lời tiên tri (các câu 14-15). Sự ứng nghiệm đầu tiên lời tiên tri của Êsai là sự phu tù ở Babylôn. Sự ứng nghiệm tối hậu là chức vụ của Chúa Jêsus.
D. Thí dụ bày tỏ ra lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời (các câu 16-17).
1. “Mắt”“tai” của Cơ đốc nhân đều được phước vì chúng có sự hiện diện ở bên trong của Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng (I Côrinhtô 2.9-10).
2. Ở cuối loạt thí dụ nầy, Chúa Jêsus đã hỏi các môn đồ Ngài ở câu 51: "Các ngươi có hiểu điều đó chăng?" Họ đáp: "Có hiểu" không phải vì họ thông minh siêu đẳng đâu, mà vì họ có Đức Thánh Linh dẫn dắt!
3. Chúa Jêsus nhắc cho họ nhớ trong câu 17, thậm chí "có nhiều Đấng tiên tri, nhiều người công chính" đời xưa "đã ước ao" song không thể thấy hoặc nghe những gì họ đã thấy và nghe.

III. Phần giải thích thí dụ (các câu 18-22).

A. Hiểu hột giống rơi "dọc đường" (các câu 18-19).
1. Lý do người nầy "không hiểu" đạo là vì người không muốn hiểu. Giống như con đường khó hột giống không thể bắt rễ được, người nầy làm cho tấm lòng mình chai cứng đối với Tin lành.
2. Tiếp đến Satan, "quỉ dữ" giống như bầy chim trong thí dụ "cướp đi" sứ điệp “đã gieo trong lòng mình".
3. Giống như “dọc đường” chai cứng do người ta đi lại nhiều, Satan giúp làm chai cứng tấm lòng của nhiều người với “sự đi lại nhiều” của thuyết duy lý trí [intellectualism], sự bận rộn, và phương tiện truyền thông đại chúng…
4. Satan thậm chícướp đi" lẽ thật ra khỏi những người tin Chúa. Có bao nhiêu lần quí vị chẳng nhận được gì từ Kinh Thánh? Quí vị đã làm chai cứng tấm lòng mình rồi đấy!
B. Hiểu hột giống rơi trên “đất đá sỏi” (các câu 20-21).
1. “Đất đá sỏi” tiêu biểu cho tấm lòng nông cạn. Mặc dù người nầy lúc đầu "liền vui mừng chịu lấy [đạo]" chỉ “tạm thời” mà thôi, vì không có gốc rễ đào sâu vào vùng đất ân điển của Đức Chúa Trời.
2. Vì một số ảnh hưởng bên ngoài như "sự cực khổ, sự bắt bớ" người nầy liền "vấp phạm". Có bao nhiêu lần quí vị gặp một người tuyên xưng đức tin, nhận lãnh phép báptêm, chịu khó làm việc vì mùa vụ rồi chỉ thấy trắng tay không?
3. Có thể đây chính là quí vị đấy. Quí vị chưa thực sự được cứu.
C. Hiểu hột giống rơi giữa “bụi gai" (câu 22).
1. Giống như hột giống bị nghẹt ngòi giữa “bụi gai”, có người nghe giảng Tin lành, bị Đấng Christ kích thích, nhưng lại nghẹt ngòi do "lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải".
2. Chúng ta hãy xem xét trường hợp của "người trai trẻ giàu có”Mác 10.17-23.
D. Hiểu hột giống rơi trên “đất tốt” (câu 23).
1. Người nào là “đất tốt” vì hột giống thuộc linh đáp ứng theo ba cách: người "nghe đạo", "hiểu" (người không chối bỏ đạo), và "được kết quả" đức tin hiển nhiên trong đời sống của mình.
2. Chúng ta hãy xem xét kết quả của một tín đồ thực trong Galati 5:22-25.
3. Không những một tín đồ thực "được kết quả", mà người sẽ "một hột ra một trăm, hột khác sáu chục, hột khác ba chục". Mặc dù những ai kết trái thuộc linh đều là hạng tín đồ chơn thật, một số người vì sự đầu phục và vâng lời của họ mà kết quả nhiều người các người khác.
Hai lẽ thật sau cùng: Thứ nhứt, chúng ta không chịu trách nhiệm về mùa gặt, chỉ chịu trách nhiệm về việc gieo mà thôi. Thứ hai, chúng ta chịu trách nhiệm về bông trái của mình.




Bài 49: Mathiơ 12:43-50: "Mối Nguy Hiểm Của Sống Đạo Đức Mà Không Có Giá Trị Thuộc Linh"




MATHIƠ – VUA CÁC VUA

Mối nguy hiểm của sống đạo đức

mà không có giá trị thuộc linh

Mathiơ 12:43-50
1. Hết thảy các tín đồ đã sanh lại theo lời Kinh Thánh đều có lòng quan tâm đến luân thường đạo lý, đạo đức. Mỗi ngày chúng ta nhìn thấy sự suy đồi của một quốc gia đã từ chối gốc rễ Cơ đốc xuất phát từ Kinh Thánh. Chúng ta nhìn thấy sự đồi bại cùng cực ở các chức vụ cao trong chính phủ. Chúng ta nhìn thấy nhiều gia đình tan vỡ, một cấp độ ly dị ngày càng tăng, và tội ác lạm dụng ngược đãi trẻ em. Chúng ta nhìn thấy bạo lực ngày càng tăng trên các đường phố. Chúng ta nhìn thấy mọi sự nầy được chiếu lên, được mở rộng, thậm chí gia tăng trên phương tiện truyền thông đại chúng, dường như họ muốn kích động tánh ác trong chúng ta. Roma 3.15 rất chính xác khi nói tới hạng người: "Chúng nó có chân nhẹ nhàng đặng làm cho đổ máu".
2. Là tín đồ và là người canh giữ mọi lẽ thật của Kinh Thánh, những Cơ đốc nhân Tin lành than tiếc việc bỏ qua các giá trị cùng những đức  tính theo truyền thống và sự phát sinh triết lý không có các giá trị tuyệt đối. Lối suy tưởng rất thịnh hành ngày nay là: "Cái điều thực cho anh sẽ không thực cho tôi". Với cấu trúc không có giá trị cụ thể, giống như Israel đời xưa, mọi người đang làm "đúng theo mắt mình cho là phải". Triết lý nầy đứng nghịch chiều với hệ thống luật định của chúng ta và chúng ta là những chứng nhân cho sự tự huỷ diệt của triết lý đó.
3. Vấn đề là: chúng ta được khuyến khích sống đạo đức mà không cần giá trị thuộc linh đích thực. Đạo đức tự nó trong nhiều phương thức rất nguy hiểm hơn cả tình trạng phi đạo đức nữa. Người dòng Pharisi cùng các cấp lãnh đạo tôn giáo của Israel là một điển hình cho lẽ thật nầy.
4. Là học viên của Tân ước, chúng ta có khuynh hướng chê bai "các thầy thông giáo và người dòng Pharisi". Tuy nhiên, họ là hạng người vô cùng đạo đức. Họ sống theo những sự hướng dẫn nghiêm ngặt về cách ứng xử mà họ đạt tới mức tin tưởng rằng họ đã ở trong tình trạng tự chủ. Họ mù quáng do sự tự dối gạt mình đến nỗi khi Đức Chúa Trời đến với họ bằng hình thể con người, khi Đấng Mêsi mà lâu nay họ mong đợi đã hiện đến, họ đã không chịu công nhận Ngài. Đúng là tồi tệ, họ đã xem Ngài là một mối đe doạ và họ đã đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Quí vị có thấy Chúa Jêsus đã không ngần ngại khi đến với hạng đĩ điếm, những kẻ tà dâm, kẻ giết người, và người thu thuế. Đúng thế, một vài cấp lãnh đạo tôn giáo đã dành thì giờ lúc ban ngày cho Ngài, ít nhiều gì cũng đã tin nơi Ngài.
5. Một trường hợp về tình trạng đạo đức tự dối gạt của họ được thấy trong Luca 18:10-14. Họ đã không thấy bản thân họ là hạng tội nhân, mà chỉ thấy họ là hạng người thanh sạch, công bình. Như một kết quả, họ đã chối bỏ ân điển của Đức Chúa Trời. Hãy chú ý Chúa Jêsus tiếp cận họ trong 23.25-32.
6. Đáng buồn thay, chúng ta nhìn thấy vấn đề sống đạo đức như thế nầy mà chẳng có giá trị thuộc linh chi hết hãy còn tiếp diễn ngày hôm nay. Chúng ta nhìn thấy trong giới cầm quyền, trong giới giáo dục, trong xã hội và thậm chí trong các nhà thờ nữa. Trong phân đoạn Kinh Thánh nầy, chúng ta sẽ nhìn thấy hai hình ảnh về sống đạo đức mà chẳng có chút giá trị thuộc linh nào, một từ LÃNH VỰC THUỘC LINH và một từ LÃNH VỰC GIA ĐÌNH.

I. Một hình ảnh từ lãnh vực thuộc linh (các câu 43-45).

A. Sự bất an của một tà ma bị trục xuất (câu 43).
1. Trong phân đoạn lạ lùng nầy, Chúa Jêsus đang nói tới “một tà ma”. Qua câu chuyện nầy Ngài đề cập tới một tà ma, một thiên sứ sa ngã, một con chốt của Satan và là một chi thể của thế lực gian ác của địa ngục. Bởi "tà ma", Kinh Thánh có ý nói rằng hắn rất độc ác và rất gớm ghiếc. Tuy nhiên, như chúng ta nhìn thấy sau đó, đã có nhiều quỉ "dữ hơn" hắn nữa.
2. Câu nầy đặc biệt không nói bằng cách nào "tà ma ra khỏi một người". Rõ ràng, Chúa Jêsus đã đuổi nhiều quỉ (đối chiếu câu 22). Tuy nhiên, có lẽ người nầy đã đưa ra quyết định sống đạo đức muốn quên đi tội lỗi, là điều đã khiến cho tà ma phải bỏ chạy.
3. Khi “tà ma” ra khỏi người, "thì nó đi đến nơi khô khan kiếm chỗ nghỉ, nhưng kiếm không được". Tà ma không cần thức ăn hay nước uống, vì lẽ đó, chúng ta phải hiểu "khô khan" là cách nói bóng bẩy mà thôi. Khi ra khỏi một người, tà ma không có một chỗ nào tiện nghi để “nghỉ” hết.
4. Dường như tà ma thích ở trong loài vật hơn nếu chúng không thể ám vào con người. Tà ma khi ám vào người xứ Ga-đa-ren bị Chúa Jêsus đuổi ra đã xin Ngài cho phép ám vào bầy heo (8.31).
5. Tà ma cần loài thọ tạo, đặc biệt là con người để thực thi công việc xấu xa nhất của chúng. Một tà ma không chiếm hay không ám vào một người, hắn đang ở một nơi “khô khan” hay hoang vu lắm.
B. Sự trở về của tà ma bị trục xuất (câu 44).
1. Ở một góc độ của hình ảnh nầy, tà ma nói: "Ta sẽ trở về nhà ta mà ta mới ra khỏi". Cụm từ "nhà ta" cho thấy bản chất hay ám thị của ma quỉ. Tà ma nầy đã xem thân thể của con người chính là “nhà” của hắn, là nơi chiếm ngự, điều khiển của hắn.
2. Chúng ta biết rằng không phải người nào tin nơi Chúa Jêsus đều được sạch cả đâu. Có thể ai đó đã cất bỏ được thế lực của ma quỉ ra khỏi đời sống của mình bằng cách đưa ra một sự lựa chọn thích ứng sống đạo đức mà không nhất thiết phải tin theo Đấng Christ. Ở đây, chúng ta thấy vấn đề: ấy là sống đạo đức mà chẳng cần giá trị thuộc linh đích thực.
3. Khi tà ma trở về với nạn nhân của hắn, hắn: "thấy nhà không, quét sạch, và sửa soạn tử tế". “Quét sạch và sửa soạn tử tế" là cách nói thông thường dành cho việc dọn dẹp đời sống của một người, để đón nhận những điều xứng đáng hơn.
4. Mặc dù đời sống của người nầy đã được cải thiện. Mặc dù là “nhà không” chẳng có tà ma nào hết, mặc dù ngôi nhà ấy đã “quét sạch" tội lỗi, mặc dù ngôi nhà đó "sửa soạn tử tế", song không có một sự thay đổi thuộc linh nào cả. Cây cối bị đốn hạ, song gốc rễ tội lỗi hãy còn đó. Đã có sống đạo đức mà chẳng có giá trị thuộc linh nào đích thực hết.
5. Tội lỗi cơ bản phải được xử lý trước khi tội lỗi bị chinh phục. Đấy là lý do tại sao có nhiều người không bao giờ đến với Đấng Christ. Họ nói họ sẽ đến khi đời sống họ đàng hoàng hơn...nhưng họ không bao giờ đến với Ngài.
C. Sự tái định cư của một tà ma bị trục xuất (câu 45).
1. Tà ma đầu tiên khi ấy "bèn lại đi, đem về bảy quỉ khác dữ hơn nó nữa, cùng vào nhà đó mà ở". Hắn tìm kiếm bạn bè nào xấu xa, tồi tệ và thích huỷ diệt hơn cả hắn trước đó.
2. Giờ đây hết thảy tám tà ma cùng "vào" người ấy "mà ở đó". Từ ngữ "ở" mang ý tưởng định cư, ở thường trực luôn.
3. Chúa Jêsus phán: "vậy số phận người ấy sau lại xấu hơn trước".
Quí vị có biết người nào đã đưa ra một quyết định có ý thức muốn dọn dẹp đời sống của mình. Có thể người ấy (nam hay nữ) bỏ uống rượu, không còn tụm năm tụm ba nữa hay quyết định bỏ đi một tật xấu nào đó. Dường như họ giữ rất tốt trong một khoảng thời gian...có thể họ đã khởi sự nhóm lại với một Hội Thánh gần nhà. Sau cùng, khi họ không theo nỗi phần cải cách mà họ mới tìm được, họ cảm thấy thất vọng vô cùng. Tại sao điều nầy xảy ra? Vì duy các quyết định sống đạo đức vẫn chưa đủ để có sự thắng hơn tội lỗi. Đắc thắng sau cùng đối với tội lỗi đòi hỏi phải có quyền năng thuộc linh và quyền năng nầy chỉ đến qua một mối tương giao với Đức Chúa Jêsus Christ mà thôi.
4. Chúa Jêsus phán: "Dòng dõi hung dữ nầy cũng như vậy". Chúa Jêsus đã phán với dòng dõi Pharisi: "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi" (Mathiơ 23.15). Chúng ta hãy xem lời lẽ của Phierơ ở II Phierơ 2.20-21.

II. Một hình ảnh từ lãnh vực gia đình (các câu 46-50).

A. Sự đến của gia đình theo phần xác của Chúa Jêsus (các câu 46-47).
1. Câu 46 chép rằng mẹ và anh em Ngài đến đứng NGOÀI". Mathiơ 13.1 chép rằng Chúa Jêsus "ra khỏi nhà". Vì thế chúng ta kết luận rằng Chúa Jêsus đang dạy dỗ cho "dân chúng" ở trong một ngôi nhà chật cứng người.
2. Rõ ràng, có ai đó đã ngăn Chúa Jêsus, có lẽ là một trong các môn đồ Ngài với tin tức về sự đến của “mẹ và anh em Ngài”.
3. Họ đang “muốn nói cùng Ngài”. Ở điểm nầy, anh em của Chúa Jêsus chưa tin Ngài (Về sau Giacơ trở thành Giám Mục Trưởng Hội Thánh Jerusalem và viết thư tín mang tên ông). Trong phần mô tả chính bối cảnh nầy, Mác 3.21 ghi lại họ đã nói: "Ngài mất trí khôn".
4. Có lẽ gia đình của Chúa Jêsus đã lấy làm lo bởi phương thức Ngài phản kháng cấu trúc tôn giáo thời bấy giờ. Họ vốn biết Chúa Jêsus chế giễu những người kia giống như một quả bom hẹn giờ vậy. Có thể họ muốn đưa Ngài đi khỏi đó, và làm cho bầu không khí chính trị lắng dịu xuống.
5. Ở bất kỳ một cấp độ nào, có người đến nói công khai với Chúa Jêsus: "xem kìa, mẹ và anh em Thầy đang đứng ở ngoài, muốn nói cùng Ngài".
B. Sự thực về gia đình thuộc linh của Chúa Jêsus (các câu 48-50).
1. Dường như Chúa Jêsus chẳng có gì phải lúng túng hết. Không nghi ngờ chi nữa, Ngài liếc nhìn quanh các môn đồ khi Ngài phán: "với kẻ đến nói cùng Ngài", Ngài hỏi: "Ai là mẹ, ai là anh em ta?" Chắc chắn, dân chúng đang đứng gần đó đã lấy làm lạ bởi câu hỏi kỳ dị nầy.
2. Chúng ta biết Chúa Jêsus không phải là đoạn tuyệt hoặc không công nhận gia đình của mình đâu. Ngài vốn yêu thương sâu sắc và lo chăm sóc cho họ. Từ trên thập tự giá, lời nói sau cùng của Ngài cho người môn đồ yêu dấu là Giăng, Ngài bảo ông phải chăm sóc cho mẹ Ngài. Tình yêu của Ngài trói buộc anh em của Ngài gắn bó với nhau trong Công vụ Các Sứ Đồ 1, họ được tính chung với các môn đồ ở trên phòng cao.
3. Khi ấy Chúa Jêsus "giơ tay chỉ các môn đồ mình" và phán với mọi người: "Nầy là mẹ cùng anh em ta". Ngài có ý nói rằng mọi người đều được mời trở nên chi thể trong gia đình thuộc linh, đời đời của Ngài. Bất cứ ai cũng đều có thể trở thành chi thể trong gia đình của Đức Chúa Trời. Khi chúng ta làm theo lời kêu gọi đó, gia đình của Đức Chúa Trời là gia đình duy nhất mới thực sự là vấn đề.
4. Chúa Jêsus lên tới cao điểm của bối cảnh bằng cách nói: "Vì hễ ai làm theo ý muốn Cha ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em ta, cùng là mẹ ta vậy".
5. Hêbơrơ 2.11-13 cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus "không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em".
6. "Hễ ai" là một từ mời gọi. Từ ấy nhắc cho chúng ta nhớ tới Khải huyền 22.17: "Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng không". Hễ ai "làm theo ý muốn Cha ta", nghĩa là người nào tiếp nhận Đức Chúa Jêsus Christ đều là chi thể trong gia đình đời đời của Chúa Jêsus.
KẾT LUẬN: Sống đạo đức mà chẳng có một sự thay đổi thuộc linh thì chẳng thay đổi chi hết. Những việc lành mà không có đức tin nơi Đấng Christ chẳng cứu được ai. Tôn giáo mà chẳng có một mối tương giao với Chúa Jêsus thì chỉ là hư không mà thôi. Đừng lo dọn dẹp bề ngoài của đời sống mình, hãy dâng trọn vẹn đời sống mình cho chính mình Chúa Jêsus.








Bài 48: Mathiơ 12:38-42: "Sự Phán Xét Những Kẻ Chối Bỏ"




MATHIƠ – VUA CÁC VUA

Sự phán xét những kẻ chối bỏ

Mathiơ 12:38-42
1. Khi còn là sinh viên thần học, tôi đến làm việc trong một tiệm hàn với người chủ tiệm tên là Charles. Charles là một người rất giỏi trong nhiều phương diện. Anh rất chịu khó làm việc và trả công hậu hỉ cho thầy thợ. Anh luôn luôn mau mắn giúp đỡ ai đó khi có cần. Anh rất rời rộng, nhanh nhẹn và là một người rất hoạt bát. Anh rất kỉnh kiền đối với Đức Chúa Trời và sống theo một bộ luật đạo đức rất nghiêm ngặt. Charles có một nan đề không được tốt cho lắm, anh không cần tới Đấng Christ hay Hội Thánh.
2. Thế gian đầy dẫy hạng người ngay thẳng, đạo đức thậm chí rất tôn giáo, họ tin nơi Đức Chúa Trời và cố gắng giúp đỡ cho nhiều người. Có nhiều người đã chịu phép báptêm, năng động dự phần trong Hội Thánh và được giao cho nhiều chức vụ khác nhau. Một số người không đi nhà thờ lại là hạng người nhơn đức đến nỗi họ làm cho những người đi nhà thờ đều đặn phải thấy xấu hổ. Tuy nhiên, vì mọi việc lành, đạo đức và vẻ tôn giáo bề ngoài của họ, có nhiều người trong số đó đã bị hư mất và đang hướng tới địa ngục.
3. Tại sao vậy? Vì mọi việc lành của họ, họ đã chối bỏ Đấng Christ. Người ta không được lên thiên đàng trên cơ sở sống nhơn đức đâu. Không một ai là nhơn đức cả. Không có cây cân lớn nào khi phán xét sẽ cân đối giữa mọi việc lành cùng những tội lỗi của chúng ta đâu! Chúa Jêsus phán rõ ràng: "Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha" (Giăng 14.6). Ngài phán trong Giăng 3.36: "Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó".
4. Trong phân đoạn nầy, Chúa Jêsus xử lý với "các thầy thông giáo và người dòng Pharisi".
A. Thật là dễ cho chúng ta khi cho rằng hạng người nầy là gian ác, nhưng trong thời của họ, họ được người ta tôn kính và không nghi ngờ chi hết, nhiều người trong số họ đều có lòng khao khát muốn phục sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, giống như Charles bạn tôi, họ đã cậy vào sự nhơn đức riêng của họ giải cứu họ.
B. Ở bề ngoài, họ tỏ ra rất là tôn giáo, song khi Chúa Jêsus chỉ ra vẻ bề ngoài của họ, tội lỗi của họ bị phơi bày. Trong 23.27-28, Ngài phán: "Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi giống như mồ mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ dáy. Các ngươi cũng vậy, bề ngoài ra dáng công bình, nhưng ở trong thì chan chứa sự giả hình và tội lỗi". Trong câu 34 của chương nầy, Ngài ám chỉ họ là "dòng dõi rắn lục".
C. Giống như nhiều người ngày nay, "thầy thông giáo và người dòng Pharisi" đã giả vờ dung chịu chức vụ của Chúa Jêsus. Ngày nay có nhiều nhóm tôn giáo, nhiều hệ phái, cùng nhiều hệ thống thờ lạy hình tượng đã giả vờ có một nhận định cao về Đấng Christ và Kinh Thánh. Tuy nhiên, khi họ đối mặt với những lời tố giác có thẩm quyền của Chúa Jêsus và chính tội lỗi của họ, họ liền chối bỏ Ngài.
D. Hạng người tôn giáo nầy giờ đây đã biết đủ về Chúa Jêsus. Họ đã phơi bày bản chất thực của họ trong câu 14 khi họ "bàn với nhau, lập mưu giết Ngài".

I. Dấu lạ đến từ trời (các câu 38-40).

A. Lời cầu xin ban cho dấu lạ (câu 38).
1. Có lẽ đây là một ban rất đặc biệt được chỉ định nghiên cứu mọi sự dạy của Chúa Jêsus, họ đã đến gặp Ngài trong ngày đó.
2. Họ đã nghe lời quở trách gay gắt của Ngài do họ đưa ra lời nói Ngài đã nhờ Chúa quỉ” mà đuổi quỉ (câu 24). Không nghi ngờ chi nữa, họ đã sôi sục với cơn giận dữ. Tuy nhiên, họ đã cắn lưỡi của mình khi đưa ra lời cầu xin quá đơn sơ như vậy.
3. Họ gọi Ngài là "Thầy" hay Rabi, thậm chí họ đã tỏ ra xem khinh Ngài. Tước hiệu đáng kính nầy có lẽ là vì cớ đám dân đông.
4. Họ đáp: "Chúng tôi muốn xem thầy làm dấu lạ". Nói cách khác, họ muốn Chúa Jêsus làm ra một phép lạ để minh chứng Ngài chính là Đấng Mêsi. Rõ ràng là họ thực sự không tin và không thuyết phục được Chúa Jêsus sẽ không làm ra một “dấu lạ” nào. Trong 16.1, họ đã đến "có ý thử Ngài, thì xin làm cho xem một dấu lạ từ trên trời xuống".
5. Hãy suy nghĩ trong một phút xem. Họ có mặt trong đám đông ngày ấy. Họ đã chứng kiến lẽ thật ở câu 15: "và Ngài chữa lành cả". Họ đã trông thấy trong nỗi kinh ngạc lúc Chúa Jêsus chữa lành một người bị "quỉ ám, mù và câm". Họ đã nghe đám dân đông hô lớn: "Người nầy có phải là Con Vua David không?" Họ còn muốn trỗi hơn thế nữa!
6. Đây là một lẽ thật quan trọng nói về Chúa Jêsus: “Ngài dành giữ phép lạ dấu kỳ của Ngài cho những người mà Ngài động lòng thương xót cho”. Chúa Jêsus vui sướng chữa lành cho từng thứ bịnh tật nơi họ. Ngài quở biển đang gầm rống  phải im lặng để minh chứng tình yêu của Ngài dành cho các môn đồ Ngài. Thế mà Ngài không hề, không bao giờ và không làm một phép lạ nào cho những kẻ chỉ trích phê phán nhìn thấy.
a. Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ cho Satan thấy (Mathiơ 4.6-7).
b. Ngài không làm phép lạ cho Hêrốt xem (Luca 23.8).
c. Ngài không làm phép lạ cho các "thầy thông giáo cùng người dòng Pharisi" xem.
B. Đáp ứng cho lời xin một dấu lạ (câu 39).
1. Chúa Jêsus đã chỉ ra rằng không phải một người có đức tin đòi hỏi một dấu lạ mà là "dòng dõi hung ác gian dâm". Chắc chắn động lực của họ đều là “xấu”. Họ muốn làm mất uy tín của Chúa Jêsus. Họ không phải là hạng người thành thật tìm kiếm chân lý. Họ cũng là “gian dâm” nữa. Họ đã quên lẽ thật của Đức Chúa Trời nói về sự thờ lạy hình tượng. Mặc dù họ không thờ lạy các hình tượng kể từ thời kỳ lưu đày, họ đã làm ra nhiều thứ hình tượng cho tôn giáo của họ và theo truyền khẩu do con người lập ra.
2. Chúa Jêsus còn nói thêm rằng "sẽ chẳng cho một dấu lạ khác". Ban dấu lạ cho hạng người chuyên phê phán chỉ trích, điều nầy ngược lại với bổn tánh và chương trình của Ngài. Ngài có thể ban cho dấu lạ, nhưng Ngài không làm thế.
3. Ngoại lệ duy nhất mà Chúa Jêsus thực thi cho đáp ứng nầy là "dấu lạ của Đấng tiên tri Giôna".
C. Dấu lạ của Giôna (câu 40).
1. Giôna, tất nhiên, là tiên tri thời Cựu ước, Đức Chúa Trời bảo ông phải ra di và rao giảng cho thành "Nineve". Thay vì thế, ông đã trốn sang thành Ta-rê-si trên một chiếc tàu. Đức Giêhôva đã sai một cơn bão lớn đến và Giôna đã bị ném xuống biển để cứu chiếc tàu.
2. Đức Chúa Trời khiến ông bị một “con cá lớn” nuốt lấy và ông đã ở trong “bụng” cá trong "ba ngày ba đêm" cho tới khi ông bị con cá mửa ra trên bờ biển gần thành "Nineve".
3. Chúa Jêsus phán rằng câu chuyện của Giôna là một HÌNH BÓNG một kiểu cách của “dấu lạ”. Ngài muốn nói “ba ngày ba đêm trong bụng cá” của Giôna làm hình bóng cho Chúa Jêsus sẽ phải ở "ba ngày ba đêm trong lòng đất".
4. Giống như Giôna đã bị chôn trong biển sâu, Chúa Jêsus sẽ bị chôn trong đất. Giống như Giôna đã bị mửa ra bởi quyền phép của Đức Chúa Trời, Chúa Jêsus sẽ sống lại từ trong kẻ chết.
5. “Dấu lạ của…Giôna" đích thực chính là dấu lạ sự sống lại của Ngài. Điều nầy không phải là việc mà các cấp lãnh đạo Do thái có thể hiểu được, mà còn lấy làm lạ thêm nữa.

II. Sự phán xét đến từ trời (các câu 41-42).

A. Sự phán xét của “dân thành Ninive” (câu 41).
1. Mặc dù sự ngần ngại của Giôna không muốn rao giảng cho “dân thành Ninive”, họ đã nghe được sứ điệp của ông, họ đã "ăn năn" và tránh được cơn phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên thành và trên gia đình của họ.
2. “Dân thành Ninive” không những là dân Ngoại, bất chấp lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, mà họ còn là người Asiri thù nghịch, hung ác... là hạng người cực kỳ gian ác. Dù vậy Giôna 3.5-6 cho chúng ta biết khi họ nghe xong lời của Đức Giêhôva họ đã "rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai" là một biểu tượng của sự họ ăn năn và hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời.
3. Mặt khác, dân Israel đã có luật pháp, các sách tiên tri và các dấu kỳ phép lạ vô số đến từ Chúa, thế mà họ lại không nghe theo tiếng của Ngài. Dù có người "lớn hơn Giôna", Con độc sanh của Đức Chúa Trời đã ngự đến giữa vòng họ, họ đã từ chối không chịu nghe theo Ngài.
4. Vì họ chối bỏ Đấng Christ, thậm chí “dân thành Ninive” ngoại đạo sẽ “đứng dậy mà lên án nó”.
B. Sự phán xét của “Nữ hoàng Nam phương” (câu 42).
1. “Nữ hoàng Nam phương” là Nữ Hoàng Sêba, một nữ hoàng giàu có của một xứ xa vùng Arabia, khoảng 1.200 dặm về phía Nam. Đối với dân trong khu vực, 1200 dặm dường như là "từ nơi đầu cùng đất".
2. Vị Nữ hoàng nầy đã đi một chuyến hành trình thật dài băng ngang qua sa mạc nắng nóng để "nghe lời khôn ngoan của Vua Salômôn". Thậm chí bà còn đem theo dâng lên nhà Vua mọi của báu từ đất nước giàu có của bà như một cống thuế.
3. Mục tiêu của Chúa Jêsus là đúng đắn. Đây là một người Ả rập ngoại giáo, có lòng thù ghét và là một phụ nữ chuyên tra khảo những ai tìm kiếm ân điển nơi Đức Chúa Trời vì chuyến hành trình hạ mình của bà đến gặp Salômôn.
4. Chúa Jêsus phán: "mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn vua Sa-lô-môn!" Nếu Nữ hoàng phải trả giá như thế để gặp một con người, các lãnh đạo Do thái nầy là ai mà từ chối không tin theo Con Đức Chúa Trời là Đấng đang đứng trước mặt họ!
5. Thực vậy "nữ hoàng nam phương" sẽ "chổi dậy mà lên án" dòng dõi người Do thái vô tín nầy.

III. Ba lẽ thật cho ngày hôm nay.

A. Mối tương giao của chúng ta với Đức Chúa Trời phải dựa theo đức tin, chớ không phải dựa theo dấu lạ.
1. Người ta ngày hôm nay vẫn còn muốn trông thấy một dấu lạ. Họ muốn được chữa lành, làm cho đời sống của họ được phong phú và loại bỏ hết mọi khó khăn trước khi họ tin. Đây là miếng mồi của hệ thống thờ lạy hình tượng và các tôn giáo giả ngày hôm nay.
2. Lẽ thật Kinh Thánh trong Êphêsô 2.8: "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin, mà anh em được cứu".
B. Những người rất gần gũi với lẽ thật đôi khi quên phứt lẽ thật đó.
1. Người Do thái đã có từng lý do để tin theo Chúa Jêsus, thế mà họ không tin. Cũng một thể ấy, nhiều người ngày nay sống rất gần gũi với các lẽ thật của Chúa Jêsus, nhưng chỉ muốn đoạt làm của riêng mà thôi. Họ có mặt trong nhà thờ nhưng không có mặt trong Nước Trời.
2. Hết thảy chúng ta đều cần phải bước theo mưu luận của II Côrinhtô 13.5, câu nầy chép: "Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình: anh em há không nhận biết rằng có Đức Chúa Jêsus Christ ở trong anh em sao? miễn là anh em không đáng bị bỏ".
C. Sự cứu rỗi dựa theo sự công bình của Chúa Jêsus chớ không dựa vào sự nhơn đức của chúng ta.
1. Vô luận bạn tôi Charles có sống nhơn đức thể nào, sự nhơn đức của anh ta không thể dời đi tội lỗi của mình được.
2. Nếu ơn cứu rỗi của chúng ta không duy bởi “đức tin”, thì chẳng có ơn cứu rỗi chi hết.