Thứ Hai, 29 tháng 10, 2012

Bài 41: Mathiơ 11:7-15: "Di Sản Của Giăng Báptít"




MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Di sản của Giăng Báptít
Mathiơ 11:7-15
1. Trong câu 11 của phân đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy một trong những câu nói thường được sử dụng nhất về Giăng Báptít: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít". Tầm mức quan trọng và địa vị của ông trong lịch sử đã được Vua các vua xác minh. Đời sống và di sản của Giăng không những giúp chúng ta hiểu biết đầy đủ thêm về chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời, mà còn cung ứng cho chúng ta những lẽ thật thuộc linh cho sự sống trong những ngày sau rốt nầy.
2. Trước khi chúng ta có thể hiểu rõ ý nghĩa sự tôn trọng của Chúa Jêsus đối với Giăng Báptít, chúng ta phải nhìn biết bộ khung cuộc sống của Giăng.
A. GIA ĐÌNH của Giăng. Về hai phía gia đình của ông, Giăng ra đời theo gia phổ của dòng thầy tế lễ. Cha của ông, Xachari là một thầy tế lễ lo phục vụ trong đền thờ và mẹ ông, Êlisabết là "thuộc về chi phái Arôn" (Luca 1.5). Mẹ ông là người bà con với Mary, mẹ Chúa Jêsus. Giống như người anh em theo phần xác của mình, sự ông ra đời đã được một thiên sứ đến công bố. Sự ra đời của ông rất đặc biệt, trong đó bố mẹ ông đều đã trải qua những năm tháng son sẻ. Thực vậy, thiên sứ đã bảo Xachari phải đặt tên đứa trẻ là Giăng, có nghĩa là: "Đức Giêhôva rất giàu ơn”. Ông ra đời khoảng 6 tháng trước sự giáng sinh của Chúa Jêsus.
B. SỰ XUẤT HIỆN của Giăng. Giống như Samsôn đời xưa, ông là một người Naxirê từ lúc mới chào đời, không bao giờ cắt tóc. Luca 1.80 chép về thời thơ ấu của ông: "Vả, con trẻ ấy lớn lên, tâm thần mạnh mẽ, ở nơi đồng vắng cho đến ngày tỏ mình ra cùng dân Y-sơ-ra-ên". Với mái tóc dài và hàm râu, sinh sống trong đồng vắng sa mạc, mặc áo và thắt lưng bằng da lạc đà, trông ông giống như một dân dã hơn là giống một nhà truyền đạo!
C. SỰ RAO GIẢNG của Giăng. Khoảng 30 tuổi, Giăng mới bắt đầu rao giảng trong đồng vắng sông Giôđanh bên ngoài thành Jerusalem. Sứ điệp của ông là: "Hãy ăn năn, vì Nước Đức Chúa Trời đã đến gần". Ông đã đến để "dọn đường cho Chúa", để khiến cho dân sự phải sẵn sàng để đón Đấng Mêsi. Ông là người tiền khu, là sứ giả của Nhà Vua. Dân chúng đã đến từ "thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, và cả miền chung quanh sông Giô-đanh" (đối chiếu 3.1-5).
D. PHÉP BÁPTÊM của Giăng. Giăng là người đầu tiên làm phép báptêm, dìm hay nhúng người ta xuống nước giống như một biểu tượng bề ngoài về đức tin thuộc linh của họ vậy. 3.6 chép họ chịu "người làm phép báptêm...xưng tội mình" (đối chiếu 3.11). Luca 3.3 chép ông đã "giảng dạy về phép báptêm về sự ăn năn để được tha tội". Ngay lúc bắt đầu chức vụ của Chúa Jêsus, Ngài cũng đã đến với Giăng để chịu phép báptêm.
E. SỰ BỊ TÙ của Giăng. Giăng cũng quở trách về tội lỗi của xứ sở và các nhà cầm quyền của xứ. Hêrốt Antipas, quan Tổng đốc đã ly dị vợ của mình để lấy Hêrôđia, vợ của em ông ta là Philíp. Kết quả là, ông bị ném vào tù, nhốt ở một tiền đồn gần Biển Chết (Machaerus).
F. THẮC MẮC của Giăng. Sau khi bị bỏ tù gần một năm, Giăng bắt đầu có một vài điểm nghi ngờ hay ít nhất là lầm lẫn về Chúa Jêsus, vì những điều ông mong đợi đều không ứng nghiệm. Nhờ 2 môn đồ của ông, Giăng đã hỏi: "Có phải Ngài là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?”
3. Sau khi Chúa Jêsus làm ra nhiều phép lạ trước mặt các môn đồ của Giăng (Luca 7.21), Ngài sai họ trở về. Trong câu 7, Kinh Thánh chép họ "đã đi rồi" để đem sứ điệp nầy về đức tin tươi mới cho vị tiên tri biết. Tuy nhiên, khi Chúa Jêsus xây khỏi các môn đồ của Giăng, Ngài: "mới phán cùng đoàn dân về việc Giăng".
4. Dường như Chúa Jêsus muốn phán rằng: "Các ngươi tưởng Giăng mất lòng tin chăng, các ngươi tưởng chức vụ của ông thất bại chăng, nhưng hãy để ta nói cho các ngươi biết sự thật về ông ấy". Chúa Jêsus đã phán để khẳng định với khán thính giả của Ngài rằng: cho dù Giăng có những mối hồ nghi hay nhầm lẫn nhứt thời, di sản của ông rất quan trọng trong lịch sử cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
I. SỰ ĐƯỢC LÒNG NGƯỜI CỦA GIĂNG (các câu 7-9a).
            Chúa Jêsus giải thích di sản của Giăng Báptít bằng cách chỉ ra lý do nằm ở đàng sau sự ông được lòng người. Ngài đã hỏi câu nầy: "Các ngươi đã đi xem chi nơi đồng vắng?" ba lần. Khi sử dụng kiểu cách hoa mỹ nầy, qua cách loại trừ Ngài tỏ ra cho họ thấy sự cao trọng của Giăng trong chương trình của Đức Chúa Trời.
A. Phải chăng dân chúng đến nghe Giăng rao giảng vì ông là "cây sậy bị gió rung chăng?" (câu 7),
1. Dọc theo hai bên bờ sông Giôđanh, nơi Giăng đến giảng đạo và làm phép báptêm có rất nhiều sậy. Chúng vốn ốm yếu rất dễ bị "gió rung". Cây sậy” là hình bóng nói tới một người bị chao đảo bởi nhận thức tội lỗi của người ấy về chính trị, quyền lực và sợ hãi.
2. Nếu đã có người nào có nhận thức về tội lỗi, thì đó là Giăng. Ông công khai đề kháng với các thầy thông giáo, những người Pharisi, người Sađusê và thậm chí cả chính Hêrốt nữa! Hãy lưu ý lời lẽ cứng rắn của ông khi nói với các cấp lãnh đạo tôn giáo trong 3.7-12.
3. Đặc điểm của Giăng có thể được tóm tắt trong câu nói của William Penn: "Đúng là đúng, cho dù mọi người chống lại cái đúng đó, và sai là sai, cho dù mọi người đang sống vì cái sai đó".
4. Không, dân chúng đã không đi ra để gặp Giăng vì ông là một con người yếu đuối. Không một “ngọn gió” nào có thể lay động được một nhân vật mạnh mẽ của Đức Chúa Trời.
B. Phải chăng dân chúng đến nghe Giăng rao giảng vì ông là "một người mặc áo tốt đẹp?" (câu 8).
1. Trong câu: "một người mặc áo tốt đẹp" Chúa Jêsus phác họa ra một người yếu ớt, buông thả, bị những xa hoa chiếm hữu. Với sự khinh miệt, Chúa Jêsus nói thêm: "Kìa, những người mặc áo tốt đẹp thì ở trong đền vua”, chớ không phải trong nhà tù của vua!
2. Giăng là một người vốn khoẻ mạnh, ông được mô tả trong 3.4 là "mặc áo bằng lông lạc đà, buộc dây lưng bằng da; ăn, thì ăn những châu chấu và mật ong rừng" Ông đã sống một đời sống hoang dã, khổ hạnh hoàn toàn nương vào việc lo chu toàn ý chỉ của Đức Chúa Trời, không màng tới các biểu hiện bề ngoài của sự giàu có hay đặc ân.
3. Ngược lại với các cấp lãnh đạo tôn giáo trong thời ấy, họ vốn ưa thích những việc tốt đẹp hơn trong cuộc sống, và ngược lại với nhiều nhà truyền đạo ngày nay, Giăng không giảng hay sinh sống với một "danh xưng và đòi hỏi” tin lành thịnh vượng.
4. Không một ai bị lôi cuốn đến với Giăng vì ông “mặc áo đẹp” hoặc những lời hứa hẹn giả dối về ảnh hưởng và sự giàu có.
C. Phải chăng dân chúng đến nghe Giăng rao giảng vì ông là "một tiên tri?" (câu 9a).
1. Một lần nữa, một cách hoa mỹ, Chúa Jêsus hỏi: "Nhưng các ngươi lại đi xem cái chi nữa?" Ngài trả lời cho câu hỏi của mình: "Một vị tiên tri ư? Phải!"
2. Mặc dù Giăng không lôi cuốn dân chúng bằng cách đùa cợt với cảm xúc của họ, bằng cách xúi bẩy họ về mặt chính trị, bằng cách chỉ ra hay hứa hẹn một kiểu cách sống phung phí, ông đã lôi cuốn họ vì ông là "một tiên tri".
3. Trong lúc nhầm lẫn  về tôn giáo và ao ước  mong manh, một “tiên tri” thật đã đến rao giảng cách chân chính, được Đức Thánh Linh xức dầu.
4. Cũng một thể ấy, người nào thành thật tìm kiếm chân lý sẽ luôn luôn tìm cách giảng dạy chính xác từ Lời của Đức Chúa Trời.
II. LỜI TIÊN TRI CỦA GIĂNG (các câu 9b-11).
A. Giăng còn "hơn Đấng Tiên Tri nữa” (câu 9b).
1. Giăng không những sống như bất kỳ một vị tiên tri nào, mà ông còn là ĐẤNG tiên tri nữa. Đấng tiên tri thứ nhứt là Môise và chức vụ đã liên tục qua sự phu tù của Israel ở xứ Babylôn. Khi họ trở về, họ đã không có một lời tiên tri nào hết trải hơn 400 năm.
2. John MacArthur nói về Giăng như sau: "Ông là đại biểu của hàng tiên tri, là phát ngôn viên năng nổ, ăn nói lưu loát, chịu chạm trán, và có quyền phép nhất mà Đức Chúa Trời đã từng kêu gọi. Là vị tiên tri sau cùng, không những ông tuyên bố rằng Đấng Mêsi sẽ đến, mà Ngài còn đã đến nữa " (trang 254).
B. Kinh Cựu ước nói trước lời tiên tri của Giăng (câu 10).
1. Giăng vừa là đề tài vừa là Đấng ban phát lời tiên tri. Ông vừa nói tiên tri cho xứ sở mà vừa nói tiên tri về bản thân mình.
2. Chúa Jêsus trưng dẫn Malachi 3.1 khi Ngài phán: "Nầy, ta sai sứ giả ta, người sẽ dọn đường trước mặt ta".
3. "Trước mặt ta" sát nghĩa là "ở phía trước" hay đi trước. Giăng đã đến trước để "dọn" đường cho Chúa Jêsus là sứ giả của nhà Vua.
4. Giống như một Hội Thánh sẽ sửa soạn cho các tín đồ biết phục sự trong một Hội Thánh khác, Giăng đã sửa soạn cho dân chúng biết tiếp nhận Chúa Jêsus là Đấng Mêsi.
C. Chúa Jêsus đã mô tả sự cao trọng của Giăng, song lại thiếu sự sáng thuộc linh (câu 11).
1. Trong phần trưng dẫn nổi tiếng nầy về việc Giăng cao trọng hơn bất kỳ "kẻ nào bởi người nữ sanh ra", Chúa Jêsus sử dụng từ ngữ "quả thật", hay sát nghĩa là "amen" hầu khẳng định sự thật của những gì Ngài đang phán dạy.
2. Là một con người, Giăng "tôn trọng hơn", cao siêu hơn bất kỳ người nào từng sinh ra đời. Ông có cá tánh, quyết định, năng lực v.v… “lớn lao hơn”. Không một người nào khác được “dấy lên” hay xuất hiện trên bối cảnh lịch sử với những đặc điểm hay khả năng về mặt con người "tôn trọng hơn" Giăng.
3. Giăng quả là cao trọng, ông đã hầu việc Chúa trong ánh sáng thuộc linh có giới hạn. Ông đã có khải thị hữu hạn về Chúa Jêsus. Mặc dù cá nhân Giăng đã làm phép báptêm cho Chúa Jêsus, quí vị và tôi đều biết nhiều về Ngài mặc dù chúng ta là kẻ "nhỏ hèn nhất trong nước thiên đàng".
            G. Campbell Morgan đã diễn giải lời lẽ của Chúa Jêsus theo cách nầy: "Quí vị đã nhìn thấy nhân vật nầy, về mặt tự nhiên ông là nhân vật lỗi lạc nhất giữa vòng loài người đã hỏi một câu trong khi bối rối. Phải, có những việc mà ông không thể biết được, có những phương pháp mà ông không thể hiểu được, và những linh hồn nhỏ hèn nhất được đưa vào trong nước thiên đàng sẽ có sự sáng láng lớn hơn nhân vật nầy, với mọi thiên tư của ông, đã có trong quá khứ. Đứa trẻ nhỏ nhất bước vào Vương quốc của ta bởi lẽ mầu nhiệm của sự thương xót, sức mạnh và tình cảm của ta, sẽ có sự sáng láng hơn Giăng, cho tới chừng ông cũng đạt tới chỗ hiểu biết sự ngọt ngào, sự thương xót và vẻ oai nghi khi bước vào Vương quốc quyền phép nầy”. Morgan tiếp tục nói: "Giăng là sự sáng đến trước Vương quốc, và kẻ nhỏ hèn nhất trong Nước ấy còn biết nhiều hơn Giăng" (trang 114).
III. ĐỊA VỊ CỦA GIĂNG (các câu 12-15).
A. Có một thời kỳ Vương quốc sẽ bị hãm ép (câu 12).
1. Vì không có một tiên tri nào hết trong 400 năm và vì sứ điệp của Giăng làm đảo lộn nguyên trạng xã hội từ "ngày ấy...đến nay" đã có tình trạng "hãm ép". Khoảng 18 tháng kể từ "ngày Giăng Báptít", cũng kể từ thời điểm đó "nước thiên đàng bị hãm ép".
2. Đây là một câu khó lý giải, nhưng lời tiên tri của thiên sứ nói về Giăng trong Luca 1.16-17 chỉ ra rất rõ ràng: "Người sẽ làm cho nhiều con trai Y-sơ-ra-ên trở lại cùng Chúa, là Đức Chúa Trời của họ; chính người lại sẽ lấy tâm thần quyền phép Ê-li mà đi trước mặt Chúa, để đem lòng cha trở về con cái, kẻ loạn nghịch đến sự khôn ngoan của người công bình, đặng sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng”.
B. Giăng là tiên tri cuối cùng trong hàng “tiên tri” (câu 13). Từng lời tiên tri từ Sáng thế ký cho đến Malachi đều nhắm vào Đấng Christ và kể cả Giăng.
C. Người nào có sự hiểu biết, thì phân biệt Giăng là "Êli là Đấng phải đến" (câu 14).
1. Malachi 4.5-6 nói tiên tri rằng "Êli...sẽ đến" trước Đấng Mêsi. Người Do thái đã trông mong một sự tái hoá thân thành xác thịt của Êli hầu đánh dấu thời kỳ của Đấng Mêsi.
2. Thậm chí cho đến hôm nay, người Do thái chính thống đã dành riêng một chỗ tại bàn tiệc Lễ Vượt Qua cho tiên tri Êli.
3. Chúa Jêsus phán: "Nếu các ngươi muốn hiểu biết..." Nói cách khác: "Các ngươi đang trông đợi ông ấy, và giờ đây ta nói cho các ngươi biết, ấy là Giăng".
D. Người nào có hai “lỗ tai” thuộc linh sẽ lắng nghe từ Giăng (câu 15). Giăng là "Êli" và Chúa Jêsus là Đấng Mêsi cho những ai chịu tin theo.
IV. NĂM BÀI HỌC THUỘC LINH TỪ DI SẢN CỦA GIĂNG.
A. Có sự thoả lòng rất lớn khi làm đẹp lòng Chúa Jêsus thay vì làm đẹp lòng con người ta.
B. Có quyền phép rất lớn trong việc giải bày Lời Đức Chúa Trời mà chẳng lấy làm xấu hổ.
C. Có sự vui mừng rất lớn trong việc chu toàn ý chỉ của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta.
D. Có nhiều ơn phước rất lớn trong việc sống trong Vương Quốc Sự Sáng.
E. Có sự biết trước rất lớn trong việc nhìn biết nhiều điều sắp sửa hiển hiện ra.

***

Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Bài 40: Mathiơ 11:1-6: "Giăng Nghi Ngờ"



MATHIƠ – VUA CÁC VUA

Giăng nghi ngờ

Mathiơ 11:1-6
1. Có bao giờ bạn nghi ngờ Đức Chúa Trời không? Khi bạn trở thành tín đồ, có bao giờ bạn nghi ngờ Đức Chúa Trời không? Trong tấm lòng của bạn, giữa các tư tưởng không nói ra được của bạn, có bao giờ bạn có những điều hồ nghi về sự hiện hữu của Đức Chúa Trời không? Có bao giờ bạn lấy làm lạ một khi chúng ta tin tưởng sốt sắng và kể lại một câu chuyện huyền thoại đời xưa? Có bao giờ bạn nghĩ có thể hết thảy chúng ta đều sai trật... Tôi có thể đấy!
2. Tôi nghĩ hầu hết từng con cái Đức Chúa Trời đều trải qua những lúc sa sút đức tin. Từng hồi từng lúc tất cả chúng ta đều nghi ngờ. Khi chúng ta nghi ngờ, chúng ta thường cảm thấy tội lỗi một cách kỳ cục lắm. Chúng ta lấy làm lạ không biết Cha chúng ta nghĩ gì về chúng ta. Tôi muốn bạn ghi nhanh một lẽ thật quan trọng: Nếu Đức Chúa Trời không lớn hơn những mối nghi ngờ của chúng ta, Ngài không lớn đủ để làm Đức Chúa Trời của chúng ta.
3. Khi Laxarơ chết, Giăng 11 ghi lại cả hai người Mary và Mathê đều nói với Chúa Jêsus: "Lạy Chúa, nếu Chúa có ở đây, thì anh tôi không chết”. Câu nói nầy tỏ ra cả hai người đều nghi ngờ về tình yêu của Chúa Jêsus và khả năng của Ngài làm cho anh của họ sống lại từ kẻ chết. Câu 35 là câu ngắn nhất trong Kinh thánh: "Đức Chúa Jêsus khóc”. Tôi nghĩ tới lý do để cho Ngài buồn rầu chính là bạn hữu của Ngài đang nghi ngờ Ngài.
4. Khi Thôma nghe đồn từ các môn đồ khác rằng Chúa Jêsus thực sự đã làm cho kẻ chết sống lại, ông đã nói: "Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì ta không tin” (Giăng 20.25). Sau đó, khi Chúa Jêsus hiện ra trước mặt ông, Chúa phán: "Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!" (câu 29).
5. Ở một dịp khác, Chúa Jêsus đã nói với người cha về một đứa trẻ bị quỉ ám: “Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả” (Mác 9.23). Trong lúc vô vọng, khi tìm cách thắng hơn những mối nghi ngờ của mình, người cha đã kêu la: "Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!" (câu 24).
6. Trong phân đoạn Kinh thánh hôm nay, chúng ta đến với một trường hợp khi một nhân vật tin kính khác đưa ra những điều ông ta nghi ngờ về Chúa Jêsus. Khi chúng ta xem xét sự thay đổi nầy, chúng ta có thể tìm được một sự soi sáng quan trọng cho thấy lý do tại sao chúng ta nghi ngờ và làm cách nào chúng ta thắng hơn những mối nghi ngờ đó.

I. THẮC MẮC ĐẦY NGHI NGỜ CỦA GIĂNG (các câu 1-3).

A. Chức vụ đơn điệu của Chúa Jêsus (câu 1).
1. Sau khi Chúa Jêsus "dạy các điều đó cho 12 môn đồ rồi", câu nầy ám chỉ rằng Ngài đã sai họ ra đi với một chức vụ dạy dỗ, rao giảng và chữa lành khắp xứ Galilê cho người Do thái, một phương án truyền giáo ngắn hạn (đối chiếu 10.5).
2. Cùng lúc ấy, chính mình Chúa Jêsus "lìa khỏi chỗ nầy" và bắt đầu "giảng dạy trong các thành xứ đó", những cộng đồng trong khu vực xứ Galilê. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chúa Jêsus đã ở một mình trong chức vụ của Ngài.
3. Ngài ra đi để giảng” “dạy”, giải thích và công bố sứ điệp nói về Nước Trời. Hầu như Ngài đã phán dạy trên các đường phố và trong những nhà hội của các thị trấn. Như một rabi chuyên thăm viếng, mọi người đều nghênh đón Ngài.
B. Tầm quan trọng của Giăng Báptít.
1. Giăng là một người rất mạnh mẽ cho Đức Chúa Trời, là người tiền khu của Chúa Jêsus, là sứ giả của nhà Vua. Theo phần xác, ông là người bà con của Chúa Jêsus. Luca 1.15 chép ông được "đầy dẫy Đức Thánh Linh từ khi còn trong lòng mẹ".
2. Khi giảng đạo trong đồng vắng ở phía ngoài thành Jerusalem, ông đã dọn đường cho chức vụ của Chúa Jêsus. Ông công bố Chúa Jêsus là "Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi" (Giăng 1.29).
3. Trong Giăng 3.30, Giăng nói với các môn đồ của mình: "Ngài phải dấy lên, ta phải hạ xuống”. Ông nói về Chúa Jêsus trong Luca 3.16: "Phần ta làm phép báp-tem cho các ngươi bằng nước; song có một Đấng quyền phép hơn ta sẽ đến, ta không đáng mở dây giày Ngài".
4. Khi Chúa Jêsus đến để chịu Giăng làm phép báptêm, Kinh thánh chép trong Mathiơ 3.14 rằng Giăng: "từ chối" mà nói: "Chính tôi cần phải chịu Ngài làm phép báp-tem, mà Ngài lại trở đến cùng tôi sao? "
5. Lúc chịu báptêm xong, Giăng nhìn thấy Thánh Linh đáp xuống trên Chúa Jêsus và nghe một giọng nói đến từ trời: "Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Mathiơ 3.17).
6. Sau đó, Chúa Jêsus phán cùng Giăng như sau: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong những người bởi đờn bà sanh ra, không có ai được tôn trọng hơn Giăng Báp-tít" (câu 11).
C. Sự nhầm lẫn của Giăng Báptít (câu 2).
1. Từ các câu 2-3, chúng ta biết rằng Giăng Báptít đã chớm nghi ngờ về Chúa Jêsus rồi. Ông thắc mắc về lai lịch của Chúa Jêsus khi ông hỏi: "Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?"
2. Thắc mắc của Giăng được mô tả là sự nhầm lẫn hơn là nghi ngờ. Ông đang tìm kiếm một sự bảo đảm. Chúng ta có thể lấy làm yên ủi trước sự thật là nếu một nhân vật như Giăng cũng có những lúc nghi ngờ, huống chi là chúng ta.
3. Chúng ta biết rằng Giăng đã “ở trong ngục”. Lịch sử cho chúng ta biết rằng Giăng bị bỏ tù vì xúc phạm đến quan Tổng đốc xứ Galilê, là Hêrốt Antipas.
4. Chúng ta biết rằng cá nhân ông chưa nghe Chúa Jêsus dạy dỗ hay nhìn thấy quyền phép lạ lùng của Ngài. Ông chỉ có nghe nói "về các công việc của Đấng Christ" mà thôi!
5. Từ câu nầy, chúng ta có thể cho rằng khi ở trong ngục ông đã bị ngăn trở, chỉ tiếp xúc ngắn ngủi với một vài môn đồ của mình”.
6. Trong các tình trạng nầy, chúng ta có thể bắt đầu nắm bắt được một số lý do về những điều mà Giăng đã nghi ngờ và nhầm lẫn.
D. Thắc mắc của Giăng Báptít (câu 3).
1. Theo Luca 7.19, Giăng đã gọi "hai trong số các môn đồ" đến gặp ông rồi "sai" họ đến với Chúa Jêsus để đưa ra thắc mắc nầy: "Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?"
2. Tước phẩm "Đấng phải đến" là một danh xưng dành cho Đấng Mêsi đã được nhắc tới trong nhiều phân đoạn Cựu ước.
3. Trong sự hồ nghi và ngã lòng của ông ở trong nhà ngục, Giăng muốn biết chắc rằng Chúa Jêsus đúng là Đấng mà Ngài đã xưng nhận.

II. LÝ DO CHO THẮC MẮC ĐẦY NGHI NGỜ CỦA GIĂNG (câu 2).

A. Chúng ta nghi ngờ vì hoàn cảnh khó khăn.
1. Khi nói Giăng đang đối diện với những hoàn cảnh khó khăn sẽ là một sự nói nhẹ bớt đi. Chức vụ và sự nghiệp của ông đã không còn nữa.
2. Hêrốt Antipas, quan Tổng đốc hiện thời của xứ Galilê đã quan hệ bất chính với Hêrôđia, vợ của em ông là Philíp. Hêrốt khi ấy đã ly dị với người vợ chính thức của ông ta rồi lấy Hêrôđia làm vợ. Khi Giăng Báptít nghe biết sự thể nầy, ông đã công khai đoạn tuyệt mối quan hệ. Hêrốt muốn giết chết Giăng, nhưng lại sợ dân chúng nổi giận, thay vì giết ông ta đã bỏ tù Giăng.
3. Hãy xét xem Giăng đã cảm nhận như thế nào!?! Ông đã được "đầy dẫy Đức Thánh Linh" từ trong lòng mẹ. Ông đã đưa ra lời thề nghiêm ngặt mà bất kỳ một người Do thái nào cũng phải đưa ra, lời thề của người Naxirê. Ông đã sinh sống trong đồng vắng, giảng dạy cho dân sự. Ông đã trung tín tuyên bố một sứ điệp rất bất thường. Ông đã làm mọi sự y theo Đức Chúa Trời yêu cầu, nhưng giờ đây ông bị nhốt trong ngục của một tiền đồn xưa gần Biển Chết.
4. "Ở trong ngục”, Giăng đã đem lòng nghi ngờ sự công bình của Đức Chúa Trời. Ông lấy làm lạ không biết mình có phạm lỗi lầm gì. Hoàn cảnh của ông đã vầy mây che kín tầm nhận thức của ông.
5. Việc ấy đang xảy ra cho giới tín đồ ngày nay. Khi một đứa trẻ ngã chết, bạo lực dấy lên, một người đồng sự bị giết từ từ bởi chứng ung thư, một người chồng bê tha... Satan bắt đầu thì thào trong lỗ tai của bạn: "Đức Chúa Trời không quan tâm...Ngài không yêu thương ngươi...Ngài   không đối xử với con cái Ngài theo cách nầy..."
6. Hãy lưu ý, khi Giăng bắt đầu có những cảm xúc nầy, ông đã trình dâng lên Chúa Jêsus. Nầy bạn ơi, khi bạn có những điều hồ nghi, đừng đi gặp người tư vấn, đừng nói với người bạn thân đời nầy, mà hãy đến với Chúa Jêsus. Chỉ có Ngài mới có thể dập tắt những mối nghi ngờ trong tấm lòng của bạn!
B. Chúng ta nghi ngờ vì nguồn Tri Thức bất toàn.
1. Giăng chỉ nghe nói "về các công việc của Đấng Christ". Ngoài phép báptêm, Giăng không có một cuộc tiếp xúc nào. Ông mới ở trong nhà ngục trong một năm. Ông chưa nghe được số bài giảng quan trọng cũng không chứng kiến bất kỳ một phép lạ nào khác nữa.
2. Thậm chí các môn đồ thân cận nhất của Chúa Jêsus thường thất bại không hiểu được Ngài, còn Giăng làm sao hiểu nổi khi nghe qua lời đồn!?!
3. Nhiều tín đồ ngày nay có sự hiểu biết không trọn vẹn về Chúa Jêsus. Chúng ta thường hay uể oải trong việc nghiên cứu Kinh thánh. Chúng ta hay cáo lỗi không tham gia các lớp học Kinh thánh và sự thờ phượng. Chúng ta thôi không tấn tới trong sự hiểu biết và khôn ngoan về Ngôi Lời.
4. Khi tâm trí chúng ta không hiệp với lẽ thật của Đức Chúa Trời, chúng ta đang mở cửa lòng mình cho sự lừa dối của Satan.
C. Chúng ta nghi ngờ vì Ảnh Hưởng của đời nầy.
1. Những điều Chúa Jêsus đã nói và làm không phải là những gì người Do thái trông mong nơi "Đấng phải đến". Họ mong đợi một cấp lãnh đạo sẽ ném bỏ mọi xiềng xích của Rôma, chữa lành cho họ mọi thứ tật bịnh, và thiết lập một loại nhà nước để rồi mọi nhu cần của họ đều sẽ được chu cấp trong Nước đó.
2. Ý tưởng của họ về Đấng Mêsi đã bị bóp méo và thâm căn cố đế đến nỗi họ chẳng màng  sự chi liên quan đến Chúa Jêsus không phù hợp với suy tưởng của họ. Họ đã chối bỏ Ngài vì ảnh hưởng đời nầy của họ.
3. Ngày nay người ta hỏi: "Nếu Đức Chúa Trời yêu thương mọi người, tại sao Ngài lại bỏ người ta vào trong địa ngục? Nếu Đức Chúa Trời đang nắm quyền tể trị, tại sao lại có nhiều tội ác như thế trong thế gian? Tại sao những việc tồi tệ lại xảy đến cho hạng người nhơn đức?” Vì Đức Chúa Trời không chiều theo ý tưởng của họ, họ nghi ngờ Ngài.
4. Khi Cơ đốc nhân bị chìm đắm trong các ý tưởng của đời nầy, những thứ triết lý và các bộ môn giải trí, điều ác đang giúp cho họ thắc mắc đức tin của họ.
D. Chúng ta nghi ngờ vì Những Điều Trông Mong Không Ứng Nghiệm.
1. Giăng đã thắc mắc: "Phải chăng chúng tôi còn phải đợi Đấng khác?" Hãy lưu ý những gì ông rao giảng trong Mathiơ 3.11-12. Tuy nhiên, Chúa Jêsus không làm một việc nào trong những việc nầy. Thay vì thế, Ngài đã kêu gọi 12 môn đồ, rồi khởi sự rao giảng và chữa lành.
2. Giăng không tìm kiếm một sự can thiệp thiêng liêng nào, không một sự công bình nào, không một cơn giận nào của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời chưa làm ứng nghiệm chương trình của riêng Ngài. Chúa Jêsus đang giảng dạy ngoài chỗ công cộng trong khi ông đang trừng mắt hết ngày nầy sang ngày khác để nhìn vào bốn bức tường bằng đá.
3. Ngày nay, nhiều tín đồ có đủ loại chương trình mà họ mong Đức Chúa Trời làm cho ứng nghiệm. Khi Ngài không hành động đúng theo kế hoạch của họ, họ đã rơi vào chỗ vỡ mộng.

III. CHÚA JÊSUS BẢO ĐẢM CÂU TRẢ LỜI (các câu 4-6).

A. Chúa Jêsus cung ứng bằng chứng cho các môn đồ của Giăng (các câu 4-5).
1. Ngài nhắc cho họ nhớ tới những điều mà họ biết rõ đấy là những gì họ có thể thấy và nghe.
2. Thậm chí Chúa Jêsus còn cung  ứng cho bằng chứng mới mẻ. Theo Luca 7.20-21, Chúa Jêsus cung ứng một sự tỏ ra tình trạng mê muội đời nầy vì ích của Giăng.
3. Chúa Jêsus đã phán: "Hãy bỏ đi mọi sự nghi ngờ của các ngươi, những việc nầy chỉ là tiên vị của những điều ta sẽ làm, vì ta có quyền lực cao trên hết muôn vật".
B. Chúa Jêsus đã ban cho các môn đồ của Giăng một phước hạnh cá nhân (câu 6).
1. Ngài đã phán: "Phước cho ai chẳng vấp phạm vì cớ ta!" Nói cách khác, "Nếu ngươi muốn sống đời sống phước hạnh, thì đừng nghi ngờ ta”.
2. 14.10-12 cho chúng ta biết rằng Giăng đã bị chặt đầu khi chưa hiểu hết phạm trù chức vụ của Chúa Jêsus. Tuy nhiên, ông đã được nhắc nhớ rằng Đức Chúa Trời là thành tín cách một tuyệt đối (II Timôthê 2.13).

***


Bài 39: Mathiơ 10:32-42: "Những Dấu Hiệu Của Địa Vị Môn Đồ"



MATHIƠ  - VUA CÁC VUA
Những dấu hiện của địa vị môn đồ
 - Phần 2
Mathiơ 10:32-42
1. Mathiơ 10 là phân đoạn dạy dỗ chi tiết nhất về “địa vị môn đồ”. Mặc dù chúng ta nghe nói nhiều về địa vị môn đồ trong vòng Cơ đốc nhân ngày nay. Tôi muốn quí vị phải biết chắc trở nên một môn đồ có ý nghĩa như thế nào!
2. Từ ngữ "môn đồ" có nghĩa là “người học việc”. Trong thời của Chúa Jêsus, môn đồ là người tự buộc mình gắn bó với sư phụ và tiếp thu mọi thứ mà người có thể tiếp thu. Không có một trường lớp nào theo hình thức hết, vì vậy những vị giáo sư tài giỏi tự nhiên thu thập các môn đồ ở quanh họ.
3. Khi từ ngữ “địa vị môn đồ” được áp dụng cho Cơ đốc giáo, chữ nầy có nhiều nghĩa hơn là một sự gắn bó với một sư phụ. Đây là một sự đầu phục hoàn toàn đối với Đức Chúa Jêsus Christ, biến đời sống của một người theo từng phương thức khả thi giống như Chúa Jêsus. Địa vị môn đồ là một giá trị cốt lõi của Kinh thánh. Sứ Mệnh Cao Cả truyền cho chúng ta phải "môn đồ hoá muôn dân" (28.19).
4. Theo một ý nghĩa thực tế, trở nên môn đồ của Chúa Jêsus không những có nghĩa là thêm Chúa Jêsus vào trong đời sống của quí vị, mà Chúa Jêsus còn trở nên sự sống của quí vị nữa! Trở nên môn đồ có nghĩa là sống từng giây phút một làm đẹp lòng chỉ cho một mình Chúa Jêsus thôi! Trở nên môn đồ có nghĩa là muốn Ngài làm Chúa cũng như làm Cứu Chúa của quí vị nữa. Trở nên môn đồ có nghĩa là sống mỗi ngày luôn luôn đưa ra câu hỏi nổi tiếng của Charles Sheldon: "Chúa Jêsus đã làm gì?" Trở nên môn đồ có nghĩa là sống cao hơn cấp độ của một tín đồ trung bình. Trở nên môn đồ không có nghĩa là chỉ đi nhà thờ thôi, mà là sống mỗi ngày theo ánh sáng của cõi đời đời. Nếu một người là môn đồ thực của Đức Chúa Jêsus Christ, Ngài là sự sống, mọi thứ khác chỉ là chi tiết thôi. Đặc biệt tôi rất thích câu nói của Phaolô trong Roma 8.29, chúng ta được định cho phải: “trở nên giống như Con Ngài”.  
5. Tuần rồi, chúng ta đã học biết từ Chúa Jêsus rằng một môn đồ bắt chước theo thầy của mình và không sợ hãi thế gian. Trong sứ điệp nầy, chúng ta sẽ xem xét từ lời lẽ của Chúa Jêsus thêm bốn dấu hiệu nữa về một môn đồ thật.
I. MÔN ĐỒ XƯNG NHẬN ĐẤNG CHRIST TRƯỚC MẶT NHỮNG NGƯỜI KHÁC (các câu 32-33).
A. Một số người không hổ thẹn khi tuyên xưng Đấng Christ cách công khai (câu 32a).
1. Khi Chúa Jêsus sử dụng từ: "ai" trong câu 32, từ nầy nói chung hết cả. Hễ ai công khai “xưng nhận” Đấng Christ trước mặt người ta, người đó được bảo đảm cho một chỗ ở trong Nước Trời.
2. Một môn đồ thật có thể nói với sứ đồ Phaolô trong Rôma 1.16: "Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc”.
3. Xuyên suốt lịch sử Hội thánh, có những tín đồ đã không hổ thẹn mà "xưng" và dạn dĩ tuyên bố trung thành với Chúa Jêsus, họ là hạng môn đồ hiệu quả và trung tín nhất của Ngài.
4. Người nào công khai "xưng" Đấng Christ ra, họ là hạng người chinh phục người khác cho Ngài.
5. "Xưng" có nghĩa là khẳng định và nhất trí. Nói như thế không có nghĩa là chỉ công nhận Đấng Christ là Đức Chúa Trời. Giacơ 2.19 chép: "Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ”. Ma quỉ công nhận Chúa Jêsus là Chúa, nhưng chúng không “xưng” Ngài ra.
6. Có nhiều người nói Jêsus là Chúa, nhưng không được cứu. Có một sự khác biệt giữa việc nói Jêsus là Chúa và nói Jêsus là Chúa của tôi. Nếu Ngài là Chúa của tôi, có nghĩa là tôi đã tin Ngài một cách cá nhân và đã dâng cho Ngài mọi uy quyền trên đời sống của tôi!
7. Khi Chúa Jêsus phán về việc xưng Ngài ra "trước mặt thiên hạ" Ngài có ý nói HẾT THẢY "mọi người". Một môn đồ thật phải dạn dĩ nói tới Đấng Christ trước mặt một nhóm người vô tín có vẻ thù nghịch giống như người đã làm trong mối giao thông với các anh em Cơ đốc  .
a. 1 Giăng 4.15 chép: "Ví bằng có ai xưng Đức Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời ở trong người, và người ở trong Đức Chúa Trời".
b. Chúa Jêsus đã phán với Hội thánh tại Bạtgăm trong Khải huyền 2.13: "Ta biết nơi ngươi ở; đó là ngôi của quỉ Sa-tan; ngươi đã vững lòng tôn danh ta, không chối đạo ta; dầu trong những ngày đó, An-ti-ba, kẻ làm chứng trung thành của ta đã bị giết nơi các ngươi, là nơi Sa-tan ở."
8. Những lúc khó khăn và nghịch cảnh là mọi thử nghiệm của đức tin. Có khi đối diện với sự bắt bớ về mặt thuộc thể thì dễ dàng hơn là sự lúng túng hay sự chế nhạo của nhiều người khác.
9. Mỗi một tín đồ đều có những sai sót trong đức tin. Đấy là lý do tại sao chúng ta có 1 Giăng 1.9.
a. Phierơ đã chối Chúa, song Chúa Jêsus đã phục hồi ông.
b. Rõ ràng vị Mục sư trẻ Timôthê đôi khi đã rụt rè khi rao giảng về Chúa Jêsus. Phaolô đã khích lệ Timôthê trong II Timôthê 1.8: "Vậy con chớ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta…".
10. Ngay cả những môn đồ tin kính nhất đôi lúc cũng có những sai sót về đức tin, đấy không phải là tư chất thường ngày của họ.
B. Người nào tuyên xưng Đấng Christ trước mặt thiên hạ, Ngài sẽ xưng họ ra trước mặt Đức Chúa Cha (câu 32b).
1. Hãy suy nghĩ về niềm vui của Đấng Christ khi trình quí vị cho "Cha ở trên trời". Hãy tưởng tượng xem quí vị sẽ cảm nhận như thế nào khi Ngài xưng quí vị là một trong những môn đồ trung tín của Ngài.
2. Cho dù cái giá của địa vị môn đồ trong đời tạm nầy đến mức độ nào, nó sẽ xứng đáng theo đúng như thế khi Đấng Christ trình chúng ta cho Cha chúng ta ở trên trời!
C. Có người chối bỏ Đấng Christ (câu 33a).
1. “Chối” Đấng Christ là chống lại việc xưng Ngài ra. Cho phép tôi đưa ra cho quí vị thấy một vài phương thức mà người ta đang chối Chúa.
a. Chúng ta có thể chối Đấng Christ bằng SỰ IM LẶNG của chúng ta – do thất bại không làm chứng và sống như một Cơ đốc nhân cải trang. Có phải mọi người đều biết quí vị là một tín đồ không?
b. Chúng ta có thể chối Đấng Christ bằng các HÀNH ĐỘNG của chúng ta – bằng cách sống giống như những người khác trong thế gian đang sinh sống, bằng cách ăn ở chẳng khác gì với hạng người bị hư mất? Có phải người ta nói quí vị thuộc về Đấng Christ do phương thức mà quí vị sinh sống chăng?
c. Chúng ta có thể chối Đấng Christ qua LỜI NÓI của chúng ta – bằng cách sử dụng cách nói năng báng bổ, thô tục của người thế gian và thậm chí phạm thượng đến danh của Chúa nữa.
D. Người nào chối Đấng Christ, Ngài sẽ chối họ trước mặt Đức Chúa Cha (câu 33b).
1. Chúa Jêsus hứa rằng người nào “chối” Ngài cũng sẽ bị chối bỏ ở trước mặt "Cha ta ở trên trời". Người nào xưng mình là Cơ đốc nhân, nhưng không làm chứng hoặc sống cho Đấng Christ là kẻ nói dối.
2. GIUĐA chỉ ra kẻ nào đồng đi với Chúa Jêsus mà không thuộc về Ngài.
3. Xuyên suốt nhiều lần trong sách Mathiơ, chúng ta thấy lẽ đạo nói tới sự khác biệt giữa những tín đồ thực và giả (đối chiếu 5.20; 7.13-14; 7.16-20; 7.21-23).
4. Có nhiều lần tôi lo lắng về người trong Hội thánh chúng tôi. Tôi lo rằng có ai đó rất năng động trong Hội thánh, sống loại đời sống đạo đức, nhưng phải đối mặt với địa ngục đời đời xa cách Đấng Christ.
II. MÔN ĐỒ TRƯỚC TIÊN DÂNG CHO ĐẤNG CHRIST LÒNG TRUNG THÀNH (các câu 34-37).
A. Chúa Jêsus phán rằng Ngài không đến để đem sự bình an, mà là đem sự phân rẽ (câu 34).
1. Mặc dù Chúa Jêsus đem đến “sự bình an” lớn lao nhất mà chúng ta từng nhận biết trong tấm lòng mình, khi bước vào mối quan hệ của con người, mục tiêu của Ngài không phải là “bình an” mà là “gươm giáo”, cách nói khác về sự phân rẽ.
2. Người Do thái vốn mong đợi Đấng Mêsi của họ đến để mở ra sự hoà bình về mặt chính trị. Nhiều lời tiên tri trong Cựu ước nói tới điều nầy. Êsai 9.6 gọi Ngài là: "Chúa bình an".
3. Các môn đồ đã tìm được sự bình an khó tin ấy. Có lẽ họ mong mỏi mọi người sẵn sàng tiếp nhận Đấng Christ và tin lành. Để sửa soạn cho họ thuộc về Ngài và sự chối bỏ của họ, Ngài phán: "Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian...".
4. Mặc dù một mối giao thông với Đấng Christ đem lại sự bình an trọn vẹn, người thế gian vẫn không tiếp nhận Ngài. Thực ra, vì cớ ma quỉ và sự sa ngã của thế gian, tin lành đã bị xem là chướng đối với hầu hết mọi người. Vì lẽ đó, khi có người tiếp nhận Đấng Christ, đức tin của người nầy sẽ làm mất lòng người khác ngay. Thế thì có một thanh gươm “phân rẽ” trong mối tương giao đó.
B. Một môn đồ thực đặt mối giao thông của mình với Đấng Christ trên cả các mối quan hệ trong gia đình (các câu 35-37).
1. Trong các câu 35-36, Chúa Jêsus trưng dẫn từ Michê 7.6, cho rằng ngay cả các mối quan hệ gia đình gần gũi nhất sẽ bị rạn nứt và phân rẽ vì cớ Đấng Christ.
2. Khi Chúa Jêsus phán về các mối quan hệ nầy, Ngài phán: "Ta đến để phân rẽ một người nam [hay người nữ, con trai, con gái]...". Từ ngữ “phân rẽ” có nghĩa là “cắt đứt”. Đôi khi sự phân rẽ giữa các thành viên trong gia đình có thể trọn vẹn đến nỗi không thể sửa đổi được nữa.
3. Có khi những người làm chồng hay làm vợ không chịu đến với Đấng Christ vì sợ sự ghét bỏ từ người bạn đời của họ...con cái vì bố mẹ của chúng...
4. Chúa Jêsus phán rằng người nào không quên được dù là mối quan hệ mật thiết nhất của con người sẽ “không đáng cho ta”.
5. Sẽ ra sao nếu một người nữ đến với Đấng Christ rồi kết quả là, chồng nàng sẽ bỏ nàng? (Chúng ta hãy xem I Côrinhtô 7.14-15).
6. Là một môn đồ của Đấng Christ, có nghĩa là dâng cho Ngài lòng trung thành tuyệt đối, thậm chí nếu điều ấy buộc quí vị phải trả giá bằng các mối quan hệ gần gũi nhất trong đời sống của quí vị. Mọi sự về đời sống Cơ đốc buộc chúng ta phải yêu thương gia đình mình, nhưng trước tiên tình yêu dành cho Đấng Christ phải là trên hết.
III. MÔN ĐỒ ĐẦU PHỤC ĐẤNG CHRIST CHO ĐẾN CHẾT (các câu 38-39).
A. Chúa Jêsus yêu cầu chúng ta phải vác lấy thập tự giá (câu 38).
1. Khi Chúa Jêsus nhắc tới từ "thập tự giá" các môn đồ và người khác trong thời của Chúa Jêsus ngay lập tức nghĩ tới phương tiện hành hình độc ác, đau đớn nhất.
2. Những Cơ đốc nhân ngày nay đã tầm thường hoá biểu tượng thập tự giá.
3. Đối với một môn đồ phải "vác lấy thập tự giá và theo" Đấng Christ nghĩa là phải bằng lòng hy sinh bất cứ một điều gì, thậm chí cả mạng sống cho Ngài nữa.
B. Chúa Jêsus nhắc cho chúng ta nhớ rằng không một sự hy sinh nào đáng sánh với sự hầu việc Ngài (câu 39).
1. Người nào "tìm được sự sống mình" là người sống cho đời hiện tại, là người ấp ủ của cải vật chất và ảnh hưởng tạm thời. Đến lúc cuối cùng người ấy sẽ “mất” mọi thứ dường như rất quan trọng vào lúc bây gời.
2. Người nào “mất sự sống mình” vì cớ Đấng Christ, nghĩa là người lìa bỏ mọi sự, thậm chí cả chính mạng sống mình để hầu việc Chúa sẽ “tìm thấy” trong Đấng Christ một sự sống sâu xa hơn cả bây giờ và trong cõi đời đời!
IV. MÔN ĐỒ RƯỚC NHỮNG NGƯỜI THEO ĐẤNG CHRIST (các câu 40-42).
A. Là một môn đồ không những là làm theo, mà còn tiếp nhận nữa (câu 40).
1. Người nào "tiếp nhận" một môn đồ cũng “tiếp nhận” Đấng Christ. Điều nầy có nghĩa là chúng ta phải tiếp nhận những người xưng nhận Đấng Christ là Chúa và Cứu Chúa của họ. Rước có nghĩa là người nào hoan nghênh sự chúng ta làm chứng cũng hoan nghênh Chúa Jêsus nữa.
2. Nếu họ tiếp rước Đấng Christ, Chúa Jêsus phán rằng họ "tiếp rước Đấng đã sai ta". Chúa Jêsus không thể bị phân rẽ ra khỏi Đức Chúa Cha.
B. Đức Chúa Trời chúc phước cho người nào tiếp nhận các môn đồ của Ngài (các câu 41-42).
1. Người nào rước một đấng “tiên tri” hay một "người công bình" nhận lãnh cùng một loại “phần thưởng” đó.
2. "Bọn nhỏ" dường như là những tín đồ tầm thường. "Một chén nước lạnh" là một sự phục vụ đơn sơ. Khi chúng ta phục sự cho người khác, chúng ta đang phục sự Đấng Christ.

***