Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Bài 69: Mathiơ 18:21-35: "Tha Thứ Cho Con Cái Đức Chúa Trời"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Tha thứ cho con cái Đức Chúa Trời
Mathiơ 18:21-35

1. Tuần nầy, tôi có đọc về một vị Mục sư đến giảng cho một nhóm được chọn học về đề tài hôn nhân. Ông hỏi lớp học: "Có ai trong quí vị biết Đức Chúa Trời nói gì về hôn nhân không?" Ngay lập tức một cậu bé giơ tay vẫy tới vẫy lui cho tới khi vị Mục sư gọi đến nó. Ông hỏi: “Nào, Đức Chúa Trời nói gì về hôn nhân?” Cậu bé đáp ngay: "Xin Cha tha thứ cho họ vì họ không biết mình làm điều gì". Tôi tưởng rằng câu nói ấy đã dạy cho chúng ta đôi điều về hôn nhân sự tha thứ!
2. Không một điều gì thường hay có trong bổn tánh của Đức Chúa Trời cho bằng sự tha thứ. Không một điều gì xa lạ đối với bổn tánh của con người cho bằng sự tha thứ. Vua Louis XII của nước Pháp từng lưu ý: "Không một mùi gì ngửi dễ chịu cho bằng thi hài đã chết của kẻ thù mình ".
3. Khi Chúa Jêsus chú về đời sống của một người, Ngài bắt đầu dời đi tội lỗi rồi thay thế nó bằng sự công bình. Ngài cất bỏ sự giận dữ, thù hận, cay đắng rồi dựng lên ân điển và sự tha thứ.
A. Bổn tánh của Chúa Jêsus có thể được thấy trong lời lẽ của Ngài trên thập tự giá. Sau khi bị đánh đòn, bị thử thách, bị khạc nhổ rồi bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài đã cầu nguyện: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì" (Luca 23:34).
B. Êtiên, người tuận đạo đầu tiên của Hội Thánh đã noi theo gương của Chúa Jêsus. Khi ông bị ném đá cho tới chết, ông đã kêu lên: "Lạy Chúa, xin đừng đổ tội nầy trên họ" (Công Vụ các Sứ Đồ 7:60).
C. Sau khi Giacốp qua đời, các anh của Giôsép e sợ ông sẽ báo thù vì họ đã bán ông làm nô lệ, Giôsép đã nói: "Các anh đừng sợ chi, vì tôi há thay mặt Đức Chúa Trời sao? Các anh toan hại tôi, nhưng Đức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi, hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo. Vậy, đừng sợ, tôi sẽ cấp dưỡng các anh và con cái các anh. Đoạn, Giô-sép an ủi các anh, và lấy lời êm dịu mà nói cùng họ" (Sáng thế ký 50:19-21).
D. Mặc dù Vua Saulơ thường hay tìm cách giết David, người vừa lòng Đức Chúa Trời đã từ chối không thực hiện sự báo thù. Ông đã nói trong I Samuên 24:12: "Đức Giê-hô-va sẽ đoán xét cha và tôi. Đức Giê-hô-va sẽ báo thù cha cho tôi, nhưng tôi không tra tay vào mình cha".
E. Êphêsô 4:32 chép: "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy".
F. Côlôse 3:13 cho chúng ta biết phải "nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy".
4. Tha thứ là một sự ban hiến và tạo ra lối thoát. Tội lỗi xây các bức tường giữa chúng ta và sự tha thứ đánh hạ chúng xuống. Tội lỗi tạo ra những đường nứt lớn phân chia chúng ta, còn tha thứ bắc các nhịp cầu ngang qua chúng. Tha thứ rất quan trọng cho sức khoẻ và cho sự hiệp một của Hội Thánh.
Không bao lâu trước khi bà qua đời vào năm 1988, trong một phút đứng trước vô tuyến truyền hình, Marghanita Laski, một trong những tiểu thuyết gia và nghiên cứu sinh nổi tiếng, đã nói: "Cái điều tôi ganh tỵ về các bạn, những Cơ đốc nhân, là sự tha thứ của các bạn; tôi chẳng có ai tha thứ cho tôi hết" (John Stott, The Contemporary Christian).
5. Phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta được thấy ở giữa sự dạy của Chúa Jêsus về con cái của Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus gọi một "đứa trẻ" và có lẽ đang bồng nó bên hông Ngài "ở giữa" các môn đồ. Ngài dạy rằng trừ phi chúng ta trở nên giống như "những đứa trẻ" chúng ta sẽ không có cách gì để vào trong nước trời được (câu 3). Ngài dạy rằng người nào "trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy""lớn hơn hết trong nước thiên đàng". Trong các câu 6-9, Chúa Jêsus phán về sự bảo hộ "những đứa trẻ nầy", là con cái thuộc linh của Đức Chúa Trời. Trong các câu 10-14, Chúa Jêsus dạy rằng chúng ta đừng "khinh dể" chúng, mà phải chăm sóc chúng. Trong các câu 15-20, chúng ta được truyền cho phải kỷ luật con cái của Đức Chúa Trời. Giờ đây Chúa Jêsus hướng trọng tâm vào sự tha thứ.
I. Một câu hỏi về sự tha thứ (các câu 21-22).
A. Thắc mắc của Phierơ. Giới hạn của sự tha thứ (câu 21).
1. Chúng ta hãy đọc: "anh em ngươi phạm tội cùng ngươi" và quí vị "hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người" theo như Chúa Jêsus truyền dạy ở trong câu 15. Chúng ta hãy đọc rằng nếu như người "nghe lời". Người xưng tội rồi cầu xin sự tha thứ. Ngay lập tức quí vị chấp nhận tha thứ. Quí vị cùng cầu nguyện, khóc lóc và ôm hôn. Bức tường phân cách bị nứt vỡ ra. Một nhịp cầu ân điển đã bắc ngang qua đường nứt mích lòng. Quí vị đã "được lại người". Bây giờ chúng ta hãy đọc sáu tuần lễ sau đó "nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi" một lần nữa… cùng một bài ca, câu thứ hai. Quí vị sẽ làm gì?
2. Phierơ có cùng tư tưởng khi ông hỏi: "Thưa Chúa, nếu anh em tôi phạm tội cùng tôi, thì sẽ tha cho họ mấy lần?" Phierơ có một thói quen đưa ra những thắc mắc như thế.
3. Ông biết rằng người ta thường phạm tội, tiếp nhận sự tha thứ và trong vòng một thời gian ngắn lại sa vào tội ấy hoặc tệ hại hơn.
4. Ông lấy làm lạ khi thấy tiến trình nầy cứ tiếp diễn hoài. Dòng thắc mắc sau cùng là tha cho họ mấy lần?
5. Các rabi Do thái theo truyền khẩu dạy rằng tha thứ đáng được chấp nhận là ba lần dành cho kẻ vi phạm….câu nói xưa về chương trình "sau ba thoi thì bạn có quyền đánh trả lại" theo lẽ công bình ngày nay. Câu nầy chiếu theo cơ sở có ở Gióp 33:29: "Kìa, các việc ấy Đức Chúa Trời làm cho loài người; Đến hai lần, hoặc ba lần" và Amốt 1.
6. Có bao nhiêu người trong chúng ta sẽ tha thứ 7 lần cho một kẻ vi phạm? Hầu hết chúng ta đều vật vã ở hai hay ba lần mà thôi!
Rabi David A. Nelson thích thuật lại câu chuyện kể về hai anh em, họ đi đến gặp rabi của họ để định liệu một cuộc tranh chấp kéo dài. Vị rabi đưa cả hai đến chỗ làm cho mọi dị biệt của họ được hoà lại rồi bắt tay nhau. Khi họ sắp sửa ra về, ông hỏi từng người có muốn đưa ra lời chúc vào dịp đầu năm mới hay không!?! Người anh quay sang em mình nói: "Anh chúc em những điều mà em sẽ chúc cho anh". Khi đó, người em rút tay mình lại rồi nói: "Rabi ơi, hãy xem, anh ấy lại khởi sự chứng nữa rồi!"
7. Chúa Jêsus đã có một ảnh hưởng trên Phierơ. Ân điển thiêng liêng vốn đã cọ xát trên ông. Trong lý trí của Phierơ, ông vốn hồ nghi giới hạn tha thứ của các rabi và thậm chí thêm số lượng đáng kể vào nữa.
8. Có lẽ đây là chỗ kiêu ngạo tự phát của ông, sau khi suy nghĩ trong lòng rằng mình là người cao thượng khi ông đưa ra thắc mắc nầy. Có lẽ ông tưởng Chúa Jêsus có ấn tượng trước thái độ giàu ơn của ông. Chúng ta sẽ học biết rằng ơn được đong đếm thì chẳng phải là ơn chi cả.
B. Câu trả lời của Chúa Jêsus. Tầm cỡ của sự tha thứ (câu 22).
1. Chúa Jêsus đã bật cười khi Ngài phán: "Ta không nói cùng ngươi rằng: đến bảy lần đâu, nhưng đến bảy mươi lần bảy". Phierơ đã bị thổi tung đi!
2. Phierơ đã suy nghĩ tới các giới hạn của luật pháp, chớ không phải của ân điển. Luật pháp đang đong đếm. Luật pháp đo lường. Luật pháp giữ các thành tích rất chi tiết. Ân điển thì không như thế đâu. Bản chất của ân điển là không đo đếm và chẳng có ai xứng đáng được nó. Theo cách nói của Spurgeon: "Thương xót đo được không còn là thương xót nữa".
3. Ân điển không có một giới hạn nào hết. Nếu chúng ta tính toán theo giới hạn, chúng ta đang đánh mất ân điển. Khi Chúa Jêsus phán "bảy mươi lần bảy" Ngài không có ý nói bốn trăm chín mươi đâu. Ngài đang sử dụng một lối nói ẩn dụ bảy mươi bảy lần mười ám chỉ rằng chúng ta cần phải tiếp tục tha thứ mà chẳng có giới hạn nào hết.
4. Dường như Chúa Jêsus phán: "Nầy Phierơ, quan niệm tha thứ của ngươi rất rộng rãi theo tiêu chuẩn của truyền khẩu. Tuy nhiên, sự tha thứ của ngươi lại rất bủn xỉn theo tiêu chuẩn của ân điển".
5. Tình yêu của Đức Chúa Trời được mô tả theo từ ngữ Hy lạp agape’. Chúng ta không có một từ Anh ngữ tương đương nào để mô tả tình yêu tự hiến nầy, một tình yêu không có giới hạn nào hết. Về sau trong Giăng 21:16, Chúa Jêsus đã hỏi Phierơ: "Hỡi Simôn, con Giôna, ngươi yêu ta chăng?" Thực ra, Ngài đã hỏi: "Hỡi Phierơ, tình yêu ngươi có những giới hạn nào dành cho ta không?"
6. Chúng ta cần phải tỏ ra tình yêu của Chúa, tình yêu agape’ , tình yêu không giới hạn. Tình yêu nầy được thấy rõ qua sự tha thứ không giới hạn.
7. Hãy nhớ tình yêu nầy đã được dạy trong phạm trù mối tương giao của chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời hay những "con trẻ" của Ngài. Tha thứ cho con cái là điều rất dễ dàng. Là cha mẹ, chúng ta hết lòng yêu thương con cái mình. Chúng ta biết chúng chưa chín chắn và chưa có kinh nghiệm. Chúng ta cho rằng chúng đôi lúc vô lễ và thiếu suy nghĩ. Chúng ta biết đấy là một phần trong sự lớn lên. Chúng ta kỷ luật chúng nhưng chúng ta luôn luôn tha thứ cho chúng vì chúng thuộc về chúng ta.
8. Chúa mong muốn chúng ta phải có cùng thái độ ấy khi "anh em tôi phạm tội". Vì người ấy là một "anh em", người ấy là con cái của Đức Chúa Trời. Người cha có sự tha thứ không giới hạn đối với con ấy.
9. Một lần nữa, Êphêsô 4:32 chép: "Hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy".
10. Câu nói quyết định theo ý kiến của tôi là Rôma 5:20: "nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa". Nếu chúng ta sống giống như Đấng Christ, chúng ta sẽ không để cho tội lỗi của người anh em kia vượt quá ơn của chúng ta.
11. Nếu tôi đã học được một điều trong cách ăn ở cá nhân của tôi với Đấng Christ, thì đó là bám cho thật sát. Giống như mối tương giao theo đường hàng ngang của tôi nương vào mối tương giao theo đường thẳng đứng, mối tương giao theo đường thẳng đứng của tôi với Đức Chúa Trời có thể bị ngăn trở bởi mối tương giao theo đường hàng ngang với các tín hữu khác.
II. Một minh họa của sự tha thứ (các câu 23-35).
A. Lòng thương xót của nhà Vua (các câu 23-27).
1. Để giúp cho Phierơ và những người khác hiểu rõ hơn ơn tha thứ Chúa Jêsus chia sẻ một thí dụ, một câu chuyện phổ thông với một sứ điệp đời đời.
2. Ngài mô tả cho họ thấy "nước thiên đàng". Trong nước của một "vua kia". Tất nhiên trong ẩn dụ nầy vua kia chẳng ai khác hơn là Đức Chúa Cha.
3. Nhà vua muốn "tính sổ" với các tôi tớ mình. Ông muốn triệu tập mọi thứ thuộc về mình. "Đầy tớ" ở đây là một từ phổ thông đề cập tới mọi người dưới quyền của mình.
4. Khi nhà vua bắt đầu "tính sổ" "một" tên đầy tớ đặc biệt được mang đến trước mặt người. Tên nầy mắc nợ nhà vua "một vạn talâng".
5. Có lẽ tên đầy tớ nầy là một người có trách nhiệm rất cao ở trong nước. Có thể hắn là một nhân viên thu thuế, hắn mắc nợ nhà vua vì các thứ thuế phải thu.
6. Hắn mắc nợ "một vạn talâng". Cụm từ nầy ra từ chữ murias là chữ số cao nhất trong tiếng Hy lạp, một con số vô hạn, không đếm được đôi khi được dịch là "myriads" (mười nghìn).
7. Đây là một món nợ không tính được và không trả nổi. Nó tiêu biểu cho món nợ tội của từng người. Chúng ta không thể trả được món nợ đó. David đã nói trong Thi thiên 51:4: "Tôi đã phạm tội cùng Chúa, chỉ cùng một mình Chúa thôi, và làm điều ác trước mặt Chúa; Hầu cho Chúa được xưng công bình khi Chúa phán, và được thanh sạch khi Chúa xét đoán".
8. Bản án chung nhất, ấy là người bị "bán" như một nô lệ cùng với "vợ con người". Dĩ nhiên, điều nầy tiêu biểu cho địa ngục, án phạt đời đời.
9. Nhà vua tiêu biểu cho Đức Chúa Trời. Tên đầy tớ tiêu biểu cho người không tin Chúa và món nợ không tính được kia tiêu biểu cho tội lỗi của chúng ta.
10. Hãy lưu ý rằng tên đầy tớ "sấp mình xuống" rồi đau khổ kêu van: "Thưa chủ, xin giãn cho tôi, thì tôi sẽ trả hết!" Hy vọng duy nhất của con người là "sấp mình xuống" trước mặt Đức Chúa Trời và nài xin ơn thương xót.
11. Nhà vua vốn biết rõ tên đầy tớ sẽ không thể trả nổi món nợ và "động lòng thương xót thả người về" rồi "tha nợ cho". Cũng một thể ấy khi chúng ta xưng tội mình và cầu xin sự tha thứ, Đức Chúa Trời "là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta" (Êphêsô 2:4) "thả người về" rồi "tha nợ cho" chúng ta về tội lỗi. Ngài buông tha cho chúng ta được tự do! Có còn nhớ giây phút ấy không?!!!
B. Tánh ác độc của tên đầy tớ (các câu 28-30).
1. Dường như không bao lâu sau khi hắn ta đã được tha, tên đầy tớ ấy "gặp một người trong bạn làm việc, có thiếu mình một trăm đơ-ni-ê" (khoảng tiền 100 ngày công). Hắn "nắm bóp cổ bạn!" rồi đòi trả nợ.
2. Người nầy đã được tha một món nợ không thể tưởng tượng được giờ đây đã trổ bạo lực đòi trả một món nợ nhỏ.
3. Tên đầy tớ thứ hai cũng "nài xin" được thương xót. Hãy chú ý hắn hay sử dụng cùng những từ ngữ mà tên đầy tớ thứ nhứt đã nói với nhà vua (hãy so sánh các câu 26, 29).
4. Chỉ vô ích thôi cho án phạt hắn bị ném vào “nhà tù” của chủ nợ.
5. Nhờ huyết của thập tự giá Ngài, Chúa Jêsus đã trả món nợ tội của chúng ta. "Tôi mắc một món nợ mà tôi không thể trả, Ngài đã trả một món nợ mà Ngài không mắc". Tuy nhiên, khi chúng ta đặt một giới hạn cho sự tha thứ, khi chúng ta từ chối ban ra ân điển cách liên tục, chúng ta đang sống giống như tên đầy tớ gian ác nầy.
6. Nếu Đức Chúa Trời trong ân điển của Ngài đã tha thứ cho chúng ta cả một đời tội lỗi, chúng ta là ai mà cầm giữ sự tha thứ lại vì những sai phạm nhỏ nhoi? Lẽ nào chúng ta dám đặt một giới hạn lên ân điển sao?
C. Sự phán xét của nhà Vua (các câu 31-34).
1. "Các bạn… buồn lắm". Khi chúng ta thất bại không ưng ban ra sự tha thứ, chúng ta đang làm tổn thương mọi người ở chung quanh chúng ta.
2. Họ "đến thuật lại cùng chủ mình mọi điều đã xảy ra". Chúng ta đang tự dối mình nếu chúng ta nghĩ Đức Chúa Trời không để ý tới sự chúng ta thiếu sót ơn tha thứ.
3. Nhà vua cho đòi tên đầy tớ gian ác đến quở trách. Vua gọi hắn là "đầy tớ độc ác". Ông ao ước tên đầy tớ nầy tha thứ giống như mình đã tha thứ vậy (câu 33).
4. Vì lẽ đó vua đã "phú nó… cho kẻ giữ ngục" cho tới chừng nào nó "trả xong hết nợ".
5. Một số giáo sư Kinh Thánh cho rằng điều nầy có nghĩa là tên đầy tớ phải quay trở lại với món nợ nguyên thuỷ của mình. Nếu thực như thế, thì ơn cứu rỗi chỉ là thời gian hay ơn tha thứ của Đức Chúa Trời là ơn có điều kiện. Tôi không chấp nhận như thế. Đây là phần kỷ luật của Đức Chúa Trời.
D. Nguyên tắc của sự tha thứ (câu 35).
Chúa Jêsus đã phán "Nếu mỗi người trong các ngươi không hết lòng tha lỗi cho anh em mình, thì Cha ta ở trên trời cũng sẽ xử với các ngươi như vậy". Đức Chúa Trời sẽ tỏ ra kỷ luật trên đời sống chúng ta nếu chúng ta thất bại không biết tha thứ.
Các chuyến bay của những nhà dịch thuật Kinh Thánh đã bay trên hàng ngàn giờ trong 25 năm mà không có một tai nạn rủi ro nào trước ngày 7 tháng 4 năm 1972. Vào ngày ấy, một chiếc Piper Aztec đã chết máy và rơi ở Papua New Guinea, làm chết tất cả 7 người. Chiếc máy bay vừa nhận được một cuộc kiểm tra 100 giờ. Thợ cơ khí đã rà soát lại trong trí mình từng bước mà ông đã thực hiện khi kiểm tra máy móc chiếc máy bay đó. Với sự hoảng hốt ông ta nhớ rằng mình đã bị chận ngang khi siết chặt ống xăng và không trở lại hoàn tất được việc ấy! Lỗi lầm của ông đã nghiền nát ông. Ông không biết phải làm gì đây!?! Chẳng ai đến an ủi ông. Sau cùng ông đến với gia đình viên phi công Doug Hunt. Ông chỉ có thể nói được ít lời mà thôi, ông nói: "Đây, bàn tay nầy đã cướp đi mạng sống của Doug". Glennis Hunt, vợ goá của Doug, đã ôm chầm lấy ông. Về sau ông viết: "Glennis đến ngồi bên cạnh tôi rồi nắm lấy bàn tay đã cướp mất mạng sống của chồng bà ấy, và viên phi công khác đến ngồi phía bên nầy tôi với một thái độ bày tỏ ra tình yêu thương, yên ủi và tha thứ. Đó là bước đầu tiên rất có ý nghĩa trong quá trình chữa lành" (Max Lucado, God Came Near, 1987, p. 101).

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét