Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014

Bài 76: Mathiơ 21:1-17: "NHỮNG DẤU HIỆU CỦA SỰ CHỐI BỎ"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Những dấu hiệu của sự chối bỏ
Mathiơ 21:1-17
1. Trong phần nghiên cứu của chúng ta về sách Mathiơ, chúng ta đang chuyển nhanh qua các biến cố cuối cùng của chức vụ Chúa Jêsus. Giờ đây Ngài đã đến thành Jerusalem lần cuối cùng. Sự chết, sự chôn, sự sống lại của Ngài không kéo dài hơn một tuần lễ. "Chiên Con của Đức Chúa Trời" sắp sửa bị giết vì tội chúng ta.
2. Trong tiểu đoạn nầy, Mathiơ cho chúng ta thấy thể nào Israel trong vai trò một quốc gia đã chối bỏ Đấng Mêsi của họ. Ngài cho chúng ta thấy ba dấu hiệu công khai của sự họ chối bỏ. Lần tới chúng ta sẽ nghiên cứu ba thí dụ phác hoạ ra sự chối bỏ. Chúng ta hãy xem xét PHẦN GIỚI THIỆU Đấng Mêsi, sự LÀM SẠCH đền thờ và LỜI TIÊN TRI nói tới một cây vả khô.
I. Phần giới thiệu Đấng Mêsi (các câu 1-11).
Phân đoạn nầy theo truyền khẩu mà ai cũng biết rõ, là Lần Đắc Thắng Vào Thành hay Lễ Đăng Quang của Đấng Christ. Phân đoạn nầy dạy chúng ta biết trong một thời gian ngắn, cư dân thành Jerusalem đã tiếp đón Chúa Jêsus là Đấng Mêsi của họ. Khi Victoria (Nữ hoàng Anh quốc) đăng quang lên ngôi vào năm 1838, bà đã đội một chiếc vương miện được kết với hồng ngọc và ngọc bích thật to, bao quanh là 309 cara kim cương. Cây trượng vương giả của bà được đính với viên kim cương cắt ra từ Ngôi Sao Châu Phi cân nặng 516½ cara. Lễ đăng quang của Chúa Jêsus thật là đơn sơ, nhưng rất là quan trọng.
A. Phần chuẩn bị đắc thắng vào thành (các câu 1-3).
1. Sau khi chữa lành cho "hai người mù" ở thành Giêricô, Chúa Jêsus trực chỉ lên đường và "gần đến thành Jerusalem". Nhiều đoàn dân đông đã kéo theo Ngài trên con đường về dự kỷ niệm Lễ Vượt Qua của họ. Họ không hiểu là họ đã cùng đi chung đường với Chiên Con Lễ Vượt Qua của Đức Chúa Trời.
2. Mathiơ ghi lại rằng Ngài đã dừng lại ở thành "Bê-pha-giê" gần "Núi Ôlive". Giăng cung ứng cho chúng ta thêm chi tiết. Bêthany ở gần đó và tại nơi ấy Chúa Jêsus đã sử dụng thì giờ với Mary, Mathê và Laxarơ, là người mà Ngài mới vừa làm cho sống lại từ kẻ chết. Mary đã xức cho Ngài bằng dầu đắt tiền và có nhiều người kéo tới để nhìn xem Ngài và Laxarơ (Giăng 12:9).
3. Từ Bê-pha-giê, Chúa Jêsus chuẩn bị vào Thành Thánh qua Cửa phía Đông, nhưng trước tiên Ngài đã sai "hai môn đồ" làm một việc thật đặc biệt.
4. Chúa Jêsus đã cố ý đưa các biến cố nầy vào bối cảnh khi ấy. Ngài không lợi dụng cơ hội theo đám dân đông lướt qua nơi đó. Mặt Ngài hướng vào ý chỉ đã định trước của Đức Chúa Cha.
5. Hai người được sai đi vào "làng ở trước mặt", ở đó họ sẽ thấy "con lừa cái… với một con lừa con" bị cột. Con lừa con sẽ cùng đến với mẹ nó. Nếu có ai hỏi, họ chỉ đáp: "Chúa cần dùng hai con lừa đó".
6. Mác ghi lại rằng có ai đó đã hỏi và Luca xác nhận họ là chủ lừa. Rõ ràng họ là những người tin theo Chúa Jêsus, họ sẵn sàng nhất trí với bất cứ điều chi Ngài cần tới. Cả Mác và Luca đều nói rằng lừa con chưa có ai cỡi.
B. Lời tiên tri nói về sự đắc thắng vào thành (các câu 4-5).
1. Chúa Jêsus phán rằng con lừa được cần tới "để cho ứng nghiệm lời của đấng tiên tri". Vị tiên tri đặc biệt ấy là Xachari, ông đã nói trước biến cố đó 500 năm trước (Xachari 9.9).
2. Núi Siôn là đỉnh cao nhất tại Jerusalem. "Con gái Siôn" có ý nói tới cư dân của thành phố.
3. Quí vị sẽ nghĩ vua của Israel sẽ vào thành trên một con ngựa bạch, nhưng vị tiên tri đã nói trước Ngài sẽ đến với một tư thế "nhu mì" đang cỡi "một con thú hay chở nặng" (theo bản Kinh Thánh NASV).
4. Chúa Jêsus không đến như một nhà chinh phục đầy quyền lực, mà đến như một Đấng Cứu Thế nhu mì, không phải một vị Tướng lãnh mà là Chiên Con làm sinh tế. Ngài đã đến trong chỗ nghèo khó, chớ không phải giàu có, nhu mì, chớ không phải huy hoàng, không phải đến để huỷ diệt kẻ thù của Israel mà để cứu vớt nhân loại. Lễ đăng quang là thời điểm bị làm nhục, chớ không phải sự vinh hiển.
5. Thời điểm của sự vinh hiển chưa đến. Khải huyền 19 sau cùng đã phác hoạ Chúa Jêsus đang cỡi con ngựa bạch. Khi Ngài đến trong ngày ấy, chúng ta sẽ ở với Ngài!
C. Tiến trình của sự đắc thắng vào thành (các câu 6-8).
1. Các môn đồ không có một cái yên hay cái khăn lót nào hết, vì vậy họ "trải áo mình" hay áo choàng trên lưng cả hai con lừa, vì có lẽ họ không dám chắc Ngài sẽ cỡi trên con nào. Với sự hạ mình, Chúa Jêsus đã chọn "lừa con" chưa có ai cỡi.
2. "Đám dân đông" vây chung quanh Chúa Jêsus, họ bắt đầu "trải áo mình trên đường". Đây là một thông tục xưa lắm rồi (đối chiếu II Các Vua 9.13) làm biểu tượng cho sự kính trọng và đầu phục dành cho một vì vua. Thông tục ấy nói: "Xin Ngài cứ bước đi trên chúng tôi".
3. Nhiều người khác "chặt nhánh" từ "cây kè" (Giăng 12.13)"rải ra trên đường". Những nhánh cây kè là một dấu hiệu của sự vui mừng.
4. Khải huyền 7:9 phác hoạ "vô số người, không ai đếm được, bởi mọi nước, mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng mà ra; chúng đứng trước ngôi và trước Chiên Con, mặc áo dài trắng, tay cầm nhành chà là".
D. Tiếng ngợi khen của sự đắc thắng vào thành (câu 9).
1. Có người "đi trước" Chúa Jêsus và nhiều người khác "theo sau". Ngài bị vây lấy trong một đoàn dân đông có thể đếm được vài trăm ngàn người.
2. Họ đã hô lên "Hôsana", một từ ngữ Hy bá lai có nghĩa là "cứu ngay bây giờ". Họ không muốn Chúa Jêsus cứu linh hồn họ ra khỏi tội lỗi, mà chỉ muốn Chúa Jêsus cứu xứ sở họ ra khỏi tay của người La mã mà thôi.
3. Họ gọi Ngài là "Con vua David" Đấng Phước Hạnh, Ngài "đã nhân danh Chúa mà đến", một tước hiệu của Đấng Mêsi. Họ đã trưng dẫn các Thi thiên (113-118) và đặc biệt Thi thiên nói về Đấng Chinh Phục (118).
4. Đúng ra họ đang nói: "Hãy cứu chúng tôi ngay bây giờ đi, ôi hỡi Đấng Mêsi cao cả". Mặc dù họ đang thốt ra lẽ thật và làm ứng nghiệm Kinh Thánh, họ là một đoàn đông nguội lạnh, phần lớn chẳng có một ý niệm gì về việc họ đang làm.
E. Tính phức tạp của sự đắc thắng vào thành (các câu 10-11).
1. Sau sự cố trọng đại nầy "cả thành đều xôn xao" hay rối lên. Mặc dù họ đã ngợi khen Ngài là Đấng Mêsi "Con vua David", bây giờ họ lại tự hỏi mình: "Người nầy là ai?" Họ không còn gọi Ngài là Đấng Mêsi của họ nữa mà chỉ nói tới Ngài là: "tiên tri ở thành Naxarét".
2. Vài ngày sau đó, cũng chính số người nầy đã nói với Philát trong Luca 19:14: "Chúng tôi không muốn người nầy cai trị chúng tôi!" Họ muốn Đấng Mêsi theo đúng các hạn định của họ, chớ không phải theo các giới hạn của Đức Chúa Trời.
3. Có nhiều người ngày nay muốn Chúa Jêsus làm ứng nghiệm mọi ước ao ích kỷ của họ. Tuy nhiên, giống như đoàn dân đông lúc Chúa đắc thắng vào thành, họ đã xây đi và chối bỏ Ngài khi Ngài không làm theo mọi điều mà họ đã trông mong.
4. Đắc thắng vào thành là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dân Israel đã chối bỏ Cứu Chúa của chính họ.
II. Sự thanh tẩy Đền Thờ (các câu 12-16).
A. Chúa Jêsus dọn dẹp đền thờ (câu 12).
1. Các sách Tin lành khác cho chúng ta biết rằng Chúa Jêsus quay trở về lại Bêthany để qua đêm nhưng đã trực tiếp đến "đền thờ của Đức Chúa Trời" qua ngày hôm sau. Thành Jerusalem đầy ắp khách hành hương người Do thái và không nghi ngờ chi nữa nơi ấy chật ních cả người.
2. Có nhiều sự sai trật trong xứ Israel nhưng theo Chúa Jêsus sai trật lớn nhất tựu trung vào sự thờ phượng của họ. Thờ phượng luôn luôn là trọng điểm đối với Đức Chúa Trời. Nếu sự thờ phượng của chúng ta là sai, không một điều chi khác là đúng hết.
3. Chúa Jêsus đã bắt đầu chức vụ công khai của Ngài vào dịp kỷ niệm Lễ Vượt Qua cùng một cách thức Ngài đã kết thúc chức vụ đó. Chúng ta trở lại với Giăng 2:13-17. Trước đây Ngài đã đánh đuổi những kẻ "buôn bán" bằng cách bện một "cái roi". Còn bây giờ, ba năm sau khu chợ ấy có lẽ còn tệ hại hơn.
Khu vực Chúa Jêsus đến, được gọi là "hành lang dân Ngoại" bất cứ ai cũng có thể vào đấy. Các thầy tế lễ dưới quyền Anne đã tạo ra một công việc sinh lợi ở đây. Bất cứ một con thú nào được dâng lên như một sinh tế đều phải được dòng thầy tế lễ bằng lòng. Họ chỉ bằng lòng các con sinh vật mà họ rao bán. Edersheim nói, giá cả thường cao gấp 10 lần giá thị trường. Người ta không thể dâng lễ bằng bất cứ loại tiền tệ nào. Tiền bạc cần phải đem đổi bằng tiền của đền thờ. Vì lẽ đó "những người đổi bạc" chủ yếu đổi tiền mặt của khách hành hương với mức thù lao 25%. Cho nên, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi thấy Chúa Jêsus đề cập tới chỗ nầy trong câu 13 là "ổ trộm cướp".
4. Không ngần ngại chi hết, Chúa Jêsus "đuổi hết kẻ bán người mua ở đó", Ngài "đổ bàn của người đổi bạc, và ghế của người bán bò câu". Chỗ nầy thành ra nơi náo loạn! Thú vật bỏ chạy, chim bồ câu bay đi, những đồng tiền lăn dài trên vĩa hè!
5. Bất cứ người nào khác cả gan dám làm một việc như thế có lẽ sẽ bị lính canh đền thờ giết chết rồi, nhưng bấy giờ chưa phải là thời điểm để Chúa Jêsus chịu chết. Giống như bầy sư tử không thể đụng đến Đaniên, chẳng ai động đến Chúa Jêsus cho tới khi Đức Chúa Cha cho phép điều đó.
6. Các thầy tế lễ có lẽ cũng lấy làm sợ hãi đám dân đông, họ mới vừa tôn Chúa Jêsus là Đấng Mêsi.
7. Mác còn nói thêm: "Ngài cấm không cho ai được đem đồ gì đi ngang qua đền thờ" (Mác 11:16). Đây không phải là Đấng Chăn Chiên nhu mì, mà là một vì Vua mạnh sức. Sự hiện diện của Ngài khiến cho người ta phải phục theo đòi hỏi của Ngài.
B. Chúa Jêsus xét đoán những kẻ giả hình (câu 13).
1. Ở giữa cảnh hỗn độn ấy, Chúa chúng ta dường như đã hô to lên: "Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu nguyện; nhưng các ngươi thì làm cho nhà ấy thành ra ổ trộm cướp".
2. Mác nói thêm cho đủ câu nói ở Êsai 56:7: "của muôn dân" (11:17). "Hành lang dân Ngoại" phải là một nơi mà bất kỳ người nào cũng phải học biết về Đức Chúa Trời chơn thật duy nhất. Thế mà các thầy tế lễ, các cấp lãnh đạo tôn giáo đã biến chỗ đó thành một ổ trộm cướp.
C. Chúa Jêsus động lòng thương xót kẻ khốn cùng (câu 14).
1. Mặc dù những tay buôn bán tham lam đã bỏ chạy và những kẻ đã sử dụng địa điểm nầy như một liệu pháp trao đổi hàng hoá nhanh nhất đã tìm con đường khác, người khốn cùng đã đến với Chúa Jêsus.
2. "Bấy giờ, những kẻ mù và què đến cùng Ngài trong đền thờ, thì Ngài chữa cho họ được lành". Đức Chúa Trời giáng cơn thạnh nộ và sự phán xét trên những kẻ xem thường lẽ thật của Ngài, nhưng đổ ra sự thương xót và chữa lành cho những ai bởi đức tin thành thật tìm kiếm Ngài.
D. Chúa Jêsus đối mặt với các cấp lãnh đạo (các câu 15-16).
1. "Các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo" không phải mù cũng không bị què. Họ đã "thấy sự lạ Ngài đã làm" trong hành lang và đã đi ra "khỏi thành" chỉ nghe thấy những tiếng trẻ con vui mừng ca hát: "Hôsana Con vua David!"
2. Mathiơ  nói thêm: "Họ tức giận" lắm. Họ đã nổi nóng với giận dữ. Họ đã khịt mũi và đe doạ, vì họ chẳng làm được một việc gì khác. Họ lấy làm lạ nơi quyền phép chữa lành của Ngài, đã sững sờ bởi khả năng Ngài truyền lệnh cho đám dân đông và đã giận dữ vì Ngài bất chấp họ.
3. Sau cùng, họ đến gần Chúa Jêsus trực tiếp hỏi: "Thầy có nghe điều những đứa trẻ nầy nói không?" Họ đang thắc mắc: "Bộ Thầy không nghe chúng đang xưng Thầy là Đấng Mêsi sao? Sao Thầy không ngăn chúng lại?"
4. Chúa Jêsus phán: "". Tất nhiên là Ngài đã nghe chúng nói. Bài ca của chúng là âm nhạc trong hai lỗ tai của Ngài. Ngài hỏi lại số người học vấn cao nầy: "Vậy chớ các ngươi chưa hề đọc lời nầy…" rồi trưng dẫn Thi thiên 8:2: "Chúa đã được ngợi khen bởi miệng con trẻ và con đang bú, hay sao?"
5. Nếu như dân Israel không ngợi khen Chúa Jêsus, con cái của họ sẽ ngợi khen. Ngài sẽ được khen ngợi. Luca 19.40 ghi lại rằng Chúa Jêsus đã phán trong lúc đắc thắng vào thành: "Ta phán cùng các ngươi, nếu họ nín lặng thì đá sẽ kêu lên".
III. Lời tiên tri nói về cây vả (các câu 17-22).
A. Vì cớ không kết quả cây vả đã bị rủa sả (các câu 17-18).
1. Các cấp lãnh đạo tôn giáo không thể làm chi được Chúa Jêsus tại điểm nầy và vì vậy "Ngài bỏ họ" mà quay trở lại "làng Bêthany", Ngài "nghỉ đêm" ở đó.
2. Vì hàng chục ngàn khác hành hương đầy ắp trong thành Jerusalem suốt kỳ lễ Vượt Qua, người ta thường ở lại trong các thị trấn chung quanh giống như làng "Bêthany".
3. Đến "sáng mai", Chúa Jêsus cùng với các môn đồ "trở lại thành". Có lẽ Ngài đã bỏ ăn sáng để cầu nguyện, nhưng Ngài đã "đói".
4. Mặc dù Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời trước các sự cố sắp sửa diễn ra, Chúa Jêsus là con người kinh nghiệm đầy đủ mọi biến chứng thông thường của con người. Ngài cảm thấy "đói" giống như chúng ta cảm thấy đói vậy.
5. Khi đi tới phía trước, "ở bên đường", Ngài "thấy một cây vả". Cây vả rất thường có ở đó và nó có bóng mát và trái ngon. Tôi nhớ tới mấy cây vả trong vườn của bà nội tôi. Trong xã hội thời ấy, một "cây vả" và một dấu hiệu cho thấy sự giàu có và ơn phước của Đức Chúa Trời (đối chiếu Xachari 3.9-10).
6. Khi Chúa Jêsus đến bên cây vả, Ngài "chỉ thấy những lá thôi". Trông cây ấy rất đẹp và hứa hẹn, nhưng nó chẳng có lợi ích gì hết.
7. Chúa Jêsus đã phán với cây ấy, Ngài nói: "Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa!" Với lời rủa sả thiêng liêng đó "cây vả tức thì khô đi". Như chúng ta sẽ thấy, đây là một dấu hiệu nói tới mọi điều sẽ xảy ra cho dân Israel.
B. sự bất trung Israel đã bị chối bỏ (các câu 19-22).
1. Chúa Jêsus đưa ra một minh hoạ rõ nét về Israel. Họ trông rất ấn tượng với mọi nổ lực tôn giáo của họ. Có nhiều lá rất đẹp. Tuy nhiên, chẳng có một trái thuộc linh chơn thật nào và đây là bằng chứng họ chối bỏ Đấng Mêsi. Giống như "cây vả" Israel sẽ bị khô héo đi.
2. Quí vị có bao giờ nhìn thấy nguyên tắc đó tỏ ra ở một Hội Thánh địa phương chưa? Tôi đã trông thấy rồi. Tôi đã nhìn thấy những nhà thờ làm ra vẻ sống động về mặt thuộc linh lắm, trông họ bề ngoài rất ngon lành, nhưng chẳng có một sự đầu phục nào đối với Đấng Christ hết. Tôi cũng đã trông thấy họ khô héo nữa. Chúng ta hãy đầu phục, đừng bao giờ để cho việc ấy xảy ra ở đây!
3. Cây vả đã làm cho các môn đồ phải bối rối. Họ "lấy làm kỳ" và hỏi Chúa Jêsus: "Cớ sao trong giây phút mà cây vả liền khô đi vậy?" Mác cho chúng ta biết họ đã hỏi câu nầy vào sáng hôm sau. Họ đã nhìn thấy cây vả từ từ héo khô đi giống như chết nhiều tháng rồi vậy, nhưng không giống như cây vả nầy.
4. Trong câu 21, khi Chúa Jêsus nói tới thứ "đức tin" có thể dời đi một ngọn "núi" rõ ràng Ngài đã nói theo nghĩa bóng. Giống như thí dụ nói tới hột cải, ngay cả một đức tin nhỏ nơi Đức Chúa Trời có thể khiến những việc lớn xảy ra.
5. Chúa Jêsus phán: "Trong khi cầu nguyện, các ngươi lấy đức tin xin việc gì bất kỳ, thảy đều được cả". Cầu nguyện là chìa khoá. Chúa Jêsus mới vừa phán: "Nhà ta được gọi là nhà cầu nguyện". Khi chúng ta cầu xin "theo ý của Ngài" chúng ta biết rằng mọi lời cầu nguyện của chúng ta đều được nghe và được đáp trả (I Giăng 5:14-15).
6. Không giống như dân Israel, chúng ta đừng ráng sức tỏ vẻ thuộc linh, mà chúng ta hãy luyện tập đức tin qua sự cầu nguyện và sinh ra bông trái chân thật, chớ không phải chỉ có lá tôn giáo thôi.

***


Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Bài 75: Mathiơ 20:17-34: "TRỞ VỀ QUÊ NHÀ"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Trở về quê nhà
Mathiơ 20:17-34

1. Vào lúc nầy hay lúc khác, hầu hết chúng ta đều tốn một thời gian dài trên một chuyến làm ăn, hay dự một kỳ nghỉ, và rồi có một ước ao sâu sắc nhất muốn quay trở về quê nhà. Kèm theo ao ước muốn quay trở lại quê nhà là sự ngao ngán cho chuyến đi. Đấy là những gì tôi đã suy nghĩ trong một tiếng đồng hồ bay từ Dallas đến Amarillo dường như dài tới bốn giờ đồng hồ vậy. Tôi thường nghĩ rằng con đường dài nhứt trên thế gian là U.S. 287 giữa Clarendon và Amarillo.
2. Khi chúng ta trở lại với câu chuyện thuật về Chúa Jêsus trong sách Mathiơ, chúng ta thấy rằng Chúa Jêsus đang trên đường hướng về quê nhà. Ngài đương ở bước chân cuối cùng của hành trình trên đất với ánh mắt Ngài hướng về thiên đàng. Đời sống của chúng ta cũng có thể sánh với một chuyến hành trình. Hướng trọn vẹn về quê nhà là được ở với Chúa Jêsus.
3. Câu 17 nói Chúa Jêsus "đi lên thành Jerusalem". Ngài đã làm tròn chức vụ của Ngài ở xứ Galilê rồi băng qua bờ phía Đông sông Giôđanh vào xứ Bêrê (19:1). Ngài trên đường xuống thành Giêricô và bắt đầu đi ngược lên thành Jerusalem. Thành Giêricô thấp hơn mặt nước biển trung bình 1000 feet; thành Jerusalem cao hơn 2500 feet. Trong khoảng 14 dặm con đường nầy có dốc cao 3500 feet. Đúng ra Ngài đang "đi lên" suốt chuyến hành trình của Ngài về quê nhà. Lên tới Jerusalem, thì lên tới thiên đàng!
4. Khi chúng ta xem xét ba sự cố trong phân nửa sau của chương 20, chúng ta có thể nhắm vào ba  điểm ưu tiên một cho chuyến hành trình của chúng ta về quê hương.
I. Chuẩn bị chịu khổ (các câu 17-19).
A. Chúa Jêsus dạn dĩ tiến thẳng vào sự thương khó của Ngài.
1. Có nhiều người đang trên đường thực hiện chuyến lữ hành hàng năm của họ đến thành Jerusalem để dự Lễ Vượt Qua. Từ đám đông, Chúa Jêsus "Ngài đem riêng theo mười hai môn đồ". Ngài có chuyện muốn nói với họ theo cách riêng.
2. Trong các câu 18-19, Chúa Jêsus thổ lộ rất chi tiết mọi điều sẽ xảy ra cho Ngài trong những ngày sắp tới. Ít nhất đây là lần thứ ba và có lẽ lần thứ tư Ngài đã chia sẻ sứ điệp nầy (đối chiếu 16:21; 17:12, 22-23).
3. Khi nói cho họ biết những sự thử thách, các lần đánh đòn, sự chết và sự sống lại hầu đến của Ngài, Ngài đã dùng lời nói thẳng thừng. Chẳng có một hình bóng hay thí dụ chi hết. Ngài muốn họ nhìn biết chính xác mọi điều sắp sửa xảy ra.
4. Những sự dạy rõ ràng và nhiều lần như thế nầy cho chúng ta thấy rằng sự thương khó của Ngài không bắt lấy Chúa bằng sự ngạc nhiên. Chúng cũng chẳng phải là tình cờ đâu. Ngài đã phán trong Giăng 4:34: "Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài". Với hơi thở cuối cùng của Ngài, từ trên thập tự giá Ngài đã kêu lên: "Mọi sự đã được trọn" (Giăng 19:30).
5. Mặc dù Chúa Jêsus hiện đã giải thích sự thương khó của Ngài đến bốn lần, các môn đồ vẫn chưa tin. Trong 16:22, Phierơ đã cố gắng "quở" Ngài. Họ cứ nắm giữ theo truyền khẩu Do thái do con người lập nên cho rằng Đấng Mêsi sẽ đến như một nhà chinh phục thay vì một Cứu Chúa chịu thương khó.
6. Đây không phải là phần việc dễ dàng cho Chúa Jêsus. Luca 9:51 chép: "Khi gần đến kỳ Đức Chúa Jêsus được đem lên khỏi thế gian, Ngài quyết định đi thành Giê-ru-sa-lem". Mác 10:32 chép về các môn đồ: "…họ thất kinh, và những người đi theo đều sợ hãi".
B. Chúa Jêsus đã sửa soạn cho các môn đồ về sự thương khó của Ngài.
1. Ngài nói cho họ biết Ngài sẽ bị "phản" hay bị nộp "cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo". Hai nhóm người nầy tiêu biểu cho dòng thầy tế lễ và tinh hoa của xứ Israel. Họ đã hình thành Toà Công Luận Do thái, họ có quyền "luận giết" Ngài.
2. Rôma không cho phép các nước chư hầu thực thi án tử hình, vì vậy họ chỉ có thể "luận giết Ngài" mà thôi. Sau đó họ sẽ phải "nộp Ngài cho dân Ngoại" để thực thi án tử hình.
3. Hãy lưu ý chi tiết đặc biệt mà Chúa Jêsus đã sử dụng. Họ sẽ "nhạo báng, đánh đập" Ngài. Chúng ta sẽ thấy thể nào lời tiên tri nầy được ứng nghiệm từng chữ một trong vài tuần nữa. Họ cũng sẽ "đóng đinh Ngài trên cây thập tự”.
4. Chúa Jêsus vốn biết rõ Ngài sẽ bị sĩ nhục, bị bỏ rơi, gánh chịu nỗi đau đớn không ai có thể nghĩ tới và quan trọng nhất, Ngài gánh lấy tội lỗi của thế gian. Tuy nhiên, Ngài vẫn tiếp tục bước tới trước, qua sự chịu khổ đến với sự vinh hiển của "ngày thứ ba" khi Ngài sẽ sống lại.
5. Hêbơrơ 12:2 dạy chúng ta phải "nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời".
C. Chịu khổ là điều không thể tránh được đối với mọi tín đồ.
1. Hết thảy chúng ta đang ở trên hai bàn chân khác của chuyến hành trình trong đời sống của chúng ta. Chúng ta là thanh niên, là trung niên, là lão niên.
2. Chịu khổ luôn luôn là một phần chuyến hành trình trong cuộc sống. Hết lúc nầy sang lúc khác, hết thảy chúng ta đều sẽ chịu khổ từ tổn thương đến tật bệnh. Hết thảy chúng ta đang gánh chịu nỗi đau khổ về tình cảm từ những cảnh ngộ như sự chết của một người thân hay từ chỗ bị mất công ăn việc làm. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đang sử dụng những nỗi khổ của đời nầy để làm vững mạnh chúng ta. II Côrinhtô 4:17 chép: "Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên".
3. Chịu khổ vì Đấng Christ và Tin lành là một đặc ân rất lớn. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 5:10: "Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!"
4. Philíp 1:29 chép: "Ngài nhân Đấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Đấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa".

5. Phaolô đã cầu nguyện trong Philíp 3:10: "cho đến nỗi tôi được biết Ngài, và quyền phép sự sống lại của Ngài, và sự thông công thương khó của Ngài, làm cho tôi nên giống như Ngài trong sự chết Ngài".
6. Mặc dù có nhiều, nhiều phân đoạn trong Tân ước nói về thái độ của người tin Chúa đối với sự chịu khổ, có lẽ câu Kinh Thánh yên ủi nhất về sự chịu khổ là Rôma 8:18: "Vả, tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bày ra trong chúng ta".
7. Có người nói:"Một cái bình bằng đất sét dưới ánh mặt trời luôn luôn là cái bình bằng đất sét. Nó luôn luôn nếm trải hơi nóng của lò lửa để trở thành đồ sứ".
II. Theo đuổi sự hầu việc (các câu 20-28).
A. Một đòi hỏi phục vụ cho cái tôi (các câu 20-23).
1. Trong khi trên đường về quê nhà, đang khi "đi lên thành Jerusalem", "mẹ của các con trai Xêbêđê" (Giacơ và Giăng) đến gần Chúa Jêsus. Bà "lạy Ngài" rất tôn kính.
2. Trong sách Mác, Bà Xêbêđê không được nhắc tới. Chúng ta giả định ba người họ đã ngấm ngầm dự định mưu chước nầy. Bà đến đặng "hỏi một chuyện". Trong Mác 10:35, họ nói: "Lạy thầy, chúng tôi muốn thầy làm thành điều chúng tôi sẽ xin". Giống như trẻ con lo sợ lời cầu xin của chúng bị từ chối, họ đã nhờ mẹ của mình đến xin một ân huệ từ Chúa Jêsus.
3. Chúa Jêsus đã hỏi: "Ngươi muốn chi?" Bà nói chẳng chút bối rối: "Xin cho hai con trai tôi đây ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài". Thật là kiêu ngạo!
4. Thật trẻ con làm sao! Hai "con trai của sấm sét" đã dạn dĩ không chút bối rối cầu xin một sự đề bạt như thế. Thật là khó tưởng tượng vị sứ đồ cao tuổi đã viết ra thư tín Giăng I, II, III, lại có thể núp ở đàng sau chiếc tạp dề của mẹ mình với một thái độ tự phụ như thế. Họ sống giống như hạng người Pharisi: "…ưa ngồi đầu trong đám tiệc, thích ngôi cao nhất trong nhà hội" (Mathiơ 23.6).
5. Chúa Jêsus bảo họ: "Các ngươi không hiểu điều của mình xin". Ngài đã hỏi họ, không biết họ có dám uống "chén mà ta hầu uống" không!?! Uống như vậy có nghĩa là "uống cạn". Cái "chén" là cái chén thương khó mà Ngài mới vừa mô tả. Ngài sẽ bị nhúng vào sự thương khó vì ích cho chúng ta!
6. Thái độ kiêu ngạo của họ vẫn không giảm bớt, họ đáp: "Chúng tôi uống được". Chúa Jêsus quyết chắc với họ là thật họ sẽ "uống chén ta". Trong Công vụ Các Sứ Đồ 12:2 Giacơ là vị sứ đồ đầu tiên trở thành một người tuận đạo bởi gươm. Cuộc sống chịu khổ lâu dài của Giăng sẽ kết thúc  trong một cuộc lưu đày ở đảo Bátmô (Khải huyền 1:9).
7. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã khẳng định rằng hai chỗ vinh dự bên cạnh Ngài không thuộc quyền ban hiến của Ngài, mà đúng hơn, "ấy là cho những người nào mà Cha ta đã sửa soạn cho". Những địa vị cao quí đó sẽ không được ưng ban trên nền tảng được ưu đãi, mà là do quyền tể trị của Đức Chúa Cha.
8. Thật là dễ hiểu, "mười" người kia đã "giận" hay căm phẫn Giacơ và Giăng.
B. Một nguyên tắc tự nguyện (các câu 24-28).
1. Chúa Jêsus đã phán rằng "các vua dân Ngoại thì ép dân phải phục mình". Họ ra lịnh hay "cai trị" trên dân chúng. Các môn đồ vốn quen thuộc với những nhà cầm quyền bạo ngược rồi.
2. Ngài phán: "còn các quan lớn thì lấy quyền thế mà trị dân". Sát nghĩa câu nầy có nghĩa "là kẻ bạo ngược".
3. Trong hệ thống thế gian, người ta bò lết, tranh đấu và vận động đường lối của họ để lên đến đỉnh thang danh vọng. Rồi ở đó, họ lo bảo hộ địa vị cao của họ theo cách xấu xa chống lại tất cả những người muốn lên tới đó. Tuy nhiên, Chúa Jêsus phán: "Trong các ngươi thì không như vậy". Không có một chỗ nào cho những kẻ độc tài và bán chác quyền lực trong Hội Thánh.
4. Phierơ đã cảnh cáo các vị Mục sư trong I Phierơ 5:3: "…chẳng phải quản trị phần trách nhiệm chia cho anh em, song để làm gương tốt cho cả bầy". Ở trong III Giăng 9, chính Giăng đã viết về: "… Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội thánh không muốn tiếp rước chúng ta".
5. Kế đó Chúa Jêsus ban ra nguyên tắc cao cả của vương quốc nói tới sự cao trọng: "kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi". Nếu quí vị muốn làm lớn, hãy lo phục vụ đi. Nếu quí vị muốn sống chín chắn, hãy hành động trong tình yêu thương.
6. Chúa Jêsus đưa ra lẽ đạo trong thí dụ mới nhất của Ngài (các câu 1-16) khi Ngài nói thêm: "còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi các ngươi". Tại sao vậy? Vì "kẻ rốt sẽ nên đầu và người đầu sẽ nên rốt".
Vị cố vấn thân cận nhứt của Franklin Roosevelt trong suốt thời gian làm Tổng thống của ông là một người có tên là Harry Hopkins. Trong suốt Đệ II Thế Chiến, Hopkins chẳng giữ một địa vị then chốt nào và sự gần gũi của ông với Tổng thống đã khiến cho nhiều người xem ông là một nhân vật hắc ám, chỉ mang lại tai hoạ. Một nhà chính trị đối lập từng thắc mắc: "Sao ông cứ giữ Hopkins gần gũi ông như thế? Ông chắc biết rõ là người ta chẳng tin cậy ông ta và bực tức về ảnh hưởng của ông ta". Roosevelt đáp: "Một ngày kia có thể ông sẽ ngồi ở đây, ở chỗ mà hiện nay tôi là Tổng thống của nước Mỹ. Rồi khi ông ngồi ở đó, ông sẽ nhìn qua cánh cửa bên kia và biết ngay mọi người đi ngang qua nó chẳng muốn một chút gì về ông cả. Ông sẽ học biết đây là một công việc đơn độc duy nhứt, và ông sẽ khám phá ra nhu cần phải có một người như Harry Hopkins, ông ta chẳng xin xỏ một thứ gì ngoại trừ được phục vụ cho ông mà thôi". Winston Churchill đã đánh giá Hopkins là một trong nửa tá những con người có quyền lực nhất trên thế giới vào đầu thập niên 1940. Nguồn gốc uy lực của Hopkins là thái độ bằng lòng phục vụ của ông.
7. Kế đó Chúa Jêsus đã đưa ra câu nói chủ định, động lực chính của Ngài. Ngài phán: "Ấy vậy, Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người".
Trong cuộc Cách mạng của người Mỹ, một người ăn mặc theo dân sự lái xe ngang qua một tốp lính đang sửa chửa lại chiếc hàng rào phòng thủ kia. Cấp chỉ huy của họ đang hô to những lịnh lạc, nhưng chẳng làm một việc gì để giúp đỡ họ cả. Khi người nầy hỏi lý do tại sao, ông ta trịnh trọng nói: "Thưa ông, tôi là cai đội ạ!" Người khách lạ kia bèn xin lỗi, xuống xe, rồi tiến đến phụ giúp mấy người lính đã kiệt sức kia. Công việc đã làm xong, ông bèn trở lại với viên cai đội rồi nói: "Ông cai đội ơi, lần tới ông có một công việc y như thế nầy và không đủ người để làm, hãy đến gặp vị Tổng tư lệnh của ông, và tôi sẽ đến mà giúp đỡ cho ông đấy nhé". Đó là George Washington!
8. Đừng quên cụm từ "ấy vậy" ở phần đầu câu 28. Chúa Jêsus đã lìa bỏ sự vinh hiển của thiên đàng để "hầu việc" và trả "giá chuộc" để mua lấy chúng ta ra khỏi khu chợ nô lệ cho tội lỗi. Toàn bộ chuyến hành trình của Chúa Jêsus là một chuyến đi truyền giáo. Ngài đã trở nên tôi tớ. Chúng ta cần phải làm "giống Ngài như vậy". Hầu việc phải trở thành điểm ưu tiên một của chúng ta.
9. Có phải quí vị đang tìm kiếm những phương thức để hầu việc hay có phải ao ước của quí vị là được người ta phục vụ cho? Có phải quí vị đang hành động trong sự kiêu ngạo giống như Giacơ và Giăng hay phục vụ với thái độ khiêm nhường giống như Chúa Jêsus?
III. Cung ứng cái thấy về mặt thuộc linh (các câu 29-34).
A. Chúa Jêsus dừng lại để mở mắt cho người mù thuộc thể.
1. Chúa Jêsus, các môn đồ và đoàn dân đông đang di chuyển ngang qua “thành Giêricô”. Thành phố cổ xưa nầy vẫn còn là một món trang sức đẹp đẽ trong vùng đồng vắng trơ trọi. Nó có một ốc đảo đầy nước tươi mát và rừng cây xinh đẹp ai cũng biết là "thành cây chà là".
2. Bên vệ đường là "hai người mù". Những gã ăn mày mù loà là bối cảnh rất thông thường đã lôi cuốn chút ít sự chú ý. Tuy nhiên, hai gã nầy "kêu lên" với Chúa Jêsus theo cách riêng.
3. Mác và Luca chỉ nhắm vào một gã mù có tên là Batimê. Có lẽ ông ta là phát ngôn viên cho cặp người mù nầy. Họ nói: "Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!" "Lạy Chúa" là cụm từ rất phổ thông cho bất kỳ một người đặc biệt nào. Tuy nhiên, "Con cháu Vua David" là một tước hiệu nói tới Đấng Mêsi. Hai người mù nầy đã công nhận Chúa Jêsus là Đấng chịu xức dầu!
4. "Kêu lên" có ý nói tới một tiếng kêu la đau khổ thường mô tả những lời rủa sả của kẻ mất trí và tiếng kêu la của người đờn bà khi sanh con. Đoàn dân đông lấy làm mệt vì cớ họ và "rầy hai người ấy, biểu nín đi". Hai người mù từ chối không chịu im lặng và đã "kêu lớn hơn nữa".
5. Thậm chí hôm nay, những ai có vật chất và thuộc linh nhiều, họ vừa dửng dưng và cố chấp đối với những tiếng kêu la của những kẻ khó khăn về vật chất và về thuộc linh.
6. Chúa Jêsus "dừng lại""gọi" họ đến. Ngài đã nghe tiếng kêu la của họ lần đầu tiên, nhưng đã đứng đợi trước khi đáp ứng. Mác nói Batimê đã phấn khởi lắm, ông ta liền "bỏ áo ngoài" (10.50). Chẳng có một thứ gì có thể ngăn trở ông ta!
7. Khi Chúa Jêsus hỏi họ muốn Ngài làm chi cho họ, họ đáp "xin cho mắt chúng tôi được sáng".
8. Trong sự “thương xót” cả thể của Ngài, Ngài đã "rờ đến mắt họ""tức thì hai người thấy được”.
B. Tin lành mở mắt kẻ bị mù về mặt thuộc linh.
1. Tình trạng mù thuộc linh, bị mất mát còn tệ hại hơn tình trạng bị mù về mặt thuộc thể. Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 6:22-23: "Con mắt là đèn của thân thể. Nếu mắt ngươi sáng sủa thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu sự sáng láng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường bao!"
2. II Côrinhtô 4:4 nói về người không tin Chúa: "chúa đời nầy đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời".
3. Họ đã nhận lãnh cả hai cái thấy về thuộc thể lẫn thuộc linh vì "họ đi theo Ngài". Chúng ta không thể cung ứng cho cái thấy thuộc thể, nhưng chúng ta có thể được Chúa đại dụng để truyền đạt cái thấy về mặt thuộc linh.

***