Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Bài 73: Mathiơ 19:16-30: "RẮC RỐI VỚI TIỀN BẠC"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Rắc rối với tiền bạc
Mathiơ 19:16-30

1. Kinh Thánh dạy rằng lòng yêu mến tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác. Tôi có nghe nói tới một cụ già 81 tuổi, ông cụ muốn lên một chiếc máy bay (loại hai tầng cánh) tại một phiên hội chợ. Việc nầy phải trả giá tới 10$US và vợ ông nói. "10$ là 10$". Ông nói với bà rằng có lẽ ông sẽ không bao giờ có cơ hội một lần nữa đâu, nhưng bà đáp ngay "10$ là 10$". Sau cùng viên phi công lên tiếng. "Nếu ông có thể chịu nổi toàn bộ chuyến đi mà chẳng nói một câu nào, thì tôi sẽ không lấy tiền của ông đâu. Nếu ông nói ra bất cứ một câu gì, ông phải trả 10$US”. Họ nhất trí và viên phi công đưa họ lên máy bay, gần chỗ cánh quạt. Sau cùng viên phi công nói với ông cụ. "Tôi đã làm mọi sự tôi biết để làm cho ông phải la lên, thế nhưng ông chẳng hề nói một lời nào hết". Ông cụ mĩm cười. "Tôi sẽ nói một câu khi bà ấy té ngã nhưng 10$ là 10$".
2.Chúng ta hãy xét qua 5 câu hỏi từ phân đoạn nầy về hình thức thiên về vật chất và sự cứu rỗi.
I. Tôi phải làm chi? (câu 16).
A. Đây là một câu hỏi có tính cấp bách.
1. Khi Chúa Jêsus rời khỏi khu vực đó, "có một người … đến hỏi Ngài". Câu 22 cũng như Mác 10:22 chép người nầy có “của cải nhiều lắm". Luca 18:23 mô tả người nầy là "giàu có lắm". Câu 20 trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay gọi người ấy là "người trẻ". Luca 18:18 chép người ấy là "một quan". Vì thế, về mặt lịch sử các học viên Kinh Thánh nhận dạng người nầy là một vị quan còn trẻ tuổi, giàu có.
2. Người nầy là một nhân vật rất hiếu kỳ, một BMOC (big man on campus) (người có tầm cỡ ngoài sân bãi). Quí vị sẽ sánh người nầy với một thiếu niên giàu sụ chuyên thiết kế thời trang đang lái một chiếc Mustang màu đỏ chói lói đời mới.
3. Có lẽ người trẻ nầy đã nghe Chúa Jêsus phán dạy và đã trông thấy Ngài chữa lành cho đoàn dân đông (các câu 2-3). Câu hỏi của người nầy phát xuất từ sự dạy của Chúa Jêsus. Có lẽ người nầy đã vật vã với sự dạy ấy trong nhiều ngày rồi.
4. Câu 15 chép Chúa Jêsus "rồi từ đó mà đi". Ngài đang ra khỏi khu vực xứ Bêrê "bên kia sông Giôđanh". Mác cho chúng ta biết rằng "người trẻ" nầy đã đến với Chúa Jêsus "khi Ngài đang ra đi".
5. Người cảm thấy đây là cơ hội cuối cùng của mình được trò chuyện với Chúa, vì vậy người đã chạy theo Ngài khi Ngài vừa rời bước ở đó. Mác cũng nói người "chạy lại". Gần như người sợ lạc mất Chúa, cho nên người đã chạy đến với một tư thế hơi vụng về ở trong một chặng đường sự sống của mình.
B. Đây là một câu hỏi thật lễ phép.
1. Tư cách của người bày tỏ ra sự kính trọng. Mác chép người nầy đã "quì" trước mặt Chúa Jêsus. Người chỉ sử dụng tư thế đó trước mặt một nhân vật ăn mặc theo lối hoàng gia mà thôi. Điều nầy tương xứng với việc quì ở trước mặt một nhân vật có chức vụ cao ngày hôm nay.
2. Lời lẽ của người bày tỏ ra sự kính trọng. Người nầy gọi Chúa Jêsus là "Thưa Thầy Nhơn Lành". Không nghi ngờ chi nữa, người trẻ nầy đã nghe Chúa Jêsus giảng dạy "như có quyền, chớ không giống các thầy thông giáo" (Mathiơ 7:29). Tâm tình của người trẻ nầy rất giống với tâm tình của Nicôđem, là người đã đến với Chúa Jêsus lúc ban đêm và nói: "Thưa thầy, chúng tôi biết thầy là giáo sư từ Đức Chúa Trời đến; vì những phép lạ thầy đã làm đó, nếu Đức Chúa Trời chẳng ở cùng, thì không ai làm được" (Giăng 3.2).
C. Đây là một câu hỏi rất quan trọng.
1. Một lần nữa, người trẻ nầy hỏi: "Thưa thầy, tôi phải làm việc lành chi cho được sự sống đời đời?" Đây là một câu hỏi có tầm quan trọng cho đến đời đời. Người không xin Chúa Jêsus ban cho quyền phép siêu nhiên của Ngài. Người không xin lời khuyên đầu tư làm ăn. Người cầu xin để biết rõ phương thức làm thế nào bảo đảm được số phận đời đời của mình.
2. Hãy lưu ý người muốn "làm" một "việc lành" nào đó để bảo đảm cho số phận đời đời của mình. Cần phải có một việc gì đó, một ân huệ, một hành động tử tế, một nghi thức tôn giáo nào đó hầu bảo đảm thiên đàng cho người trẻ đó.
3. Tôi tưởng tượng đây là một câu hỏi đã hoành hành trong lý trí của người suốt cả ngày lẫn đêm trong một thời gian. Người không chịu để cho Chúa Jêsus rời khỏi đó khi chưa tiếp thu được một giải đáp nào!
D. Đây là một câu hỏi có tính cách lặp đi lặp lại nhiều lần.
1. Người ta vẫn còn đưa ra câu hỏi nầy. Họ vẫn muốn biết họ sẽ sống đời đời ở đâu!?! Bên dưới mọi áp lực của công ăn việc làm, trường học và gia đình, trỗi hơn mọi căng thẳng của cuộc sống hàng ngày, có một điều chi đó trong linh hồn đời đời của chúng ta, nó đang thắc mắc: "Sẽ ra sao sau khi tôi chết? Tôi phải làm gì để chắc được vào trong thiên đàng?"
2. Các thành viên trong gia đình của quí vị, những người hàng xóm, các bạn cùng làm việc và bạn học cùng lớp đang đưa ra câu hỏi nầy trong những giờ phút họ nhìn lại nội tâm mình theo cách sâu sắc nhứt. Truyền đạo 3:11 chép: "Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người…". Đức Chúa Trời đã dựng nên con người như một hữu thể đời đời và điều chi đó bên trong mỗi một con người đang khao khát tìm kiếm sự đời đời đó.
3. Hết thảy họ đều muốn "làm" một "việc lành" nào đó để kiếm được sự chấp thuận cho phép bước vào thiên đàng. Họ đi nhà thờ, dâng hiến, giúp đỡ cho tha nhân khi họ đang có cần, phấn đấu để hành thiện, v.v….mọi sự với một nổ lực hư không muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
4. Tuy nhiên chẳng có một "việc lành" nào chúng ta có thể làm được mà đẹp lòng Đức Chúa Trời hết. Êsai 64:6 chép: "Chúng tôi hết thảy đã trở nên như vật ô uế, mọi việc công bình của chúng tôi như áo nhớp…" Rôma 3:23 chép: "vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời".
II. Tôi sẽ giữ những điều răn nào? (các câu 17-19).
A. Người trẻ đã hiểu sai về sự lành (câu 17).
1. Chúa Jêsus đã hỏi: "Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi". Người trẻ kia muốn trao đổi về "việc lành" và người đã gọi Chúa Jêsus là "Thưa Thầy Nhơn Lành". Chúa Jêsus muốn người hiểu cho rõ ý nghĩa của sự lành.
2. Ngài phán: “Chỉ có một Đấng lành mà thôi". Chỉ một mình Đức Chúa Trời là nhơn lành. Thi thiên 145:17 chép: "Đức Giê-hô-va là công bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công việc Ngài". Nếu chỉ một mình Đức Chúa Trời là nhơn lành, thì chẳng có ai khác là nhơn lành cả. Hết thảy chúng ta đều bị ô uế bởi tội lỗi. Rôma 3:10 chép: "Chẳng có một người công bình [hay nhơn lành] nào hết, dẫu một người cũng không".
3. Nếu chỉ có Đức Chúa Trời là nhơn lành và chúng ta không phải là nhơn lành, bất kỳ ai trong chúng ta làm sao có hy vọng làm ra "việc lành" nào để mong đẹp lòng Đức Chúa Trời cho được? Trước khi chúng ta được cứu, chúng ta phải công nhận tình trạng phá sản về sự nhơn lành ở trước mặt Đức Chúa Trời. Chúng ta phải đối diện với sự thật, là chúng ta vô vọng và bất lực không tự cứu lấy mình được. Chúng ta phải nương cậy hoàn toàn vào Đức Chúa Trời giống như một "con trẻ" vậy (18:3).
4. Phương thức duy nhứt người có thể có được "sự sống đời đời" là quên đi mọi nổ lực riêng không được tốt lo làm lành của mình rồi tin cậy vào Đấng nhơn lành duy nhứt, là Cứu Chúa đã đứng ở trước mặt người.
B. Người trẻ kia đã hiểu sai luật pháp (câu 18-19).
1. Chúa Jêsus vốn biết rõ viên quan trẻ tuổi nầy chưa sống tới mức đó. Người đã có cần thêm một ít sự dạy nữa, vì vậy Ngài đã phán: "Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn".
2. "Điều răn" có ý nói tới Luật pháp Môise, như đã được ghi lại trong Cựu ước, tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Đức Chúa Trời về đạo đức, cùng mọi cách ứng xử về mặt thuộc linh.
3. Tôi có thể hình dung được người trẻ tuổi giàu có nầy đang suy nghĩ: "Điều răn ư? Mà điều răn nào mới được? Ta đã giữ hết các điều răn suốt đời rồi. Ta đã đi nhà thờ. Ta là người nhơn đức. Ta đã làm ra nhiều việc lành. Ta không hiểu. Có thể ta đã quên một điều nào đó rồi. Có thể chúng được chôn sâu trong cuộn giấy (Kinh Thánh) mà ta chưa nhìn thấy". Vì vậy người mau mắn hỏi: "Điều răn nào?"
4. Thay vì đưa ra những điều luật lờ mờ, Chúa Jêsus đã làm cho người trẻ nầy phải giật mình bằng cách liệt kê ra sáu trong mười điều mà ai cũng biết là “điều răn”. Trong 10 điều răn đó, 6 điều nầy xử lý với các mối quan hệ giữa con người với nhau.
5. Khi Đức Chúa Trời ban ra các "điều răn" hay luật pháp, Ngài vốn biết rõ con người sẽ không bao giờ giữ được chúng. Ngài vốn biết rõ chúng ta không thể sống "nhơn lành" được và chúng ta không thể lường được luật pháp thiêng liêng của Ngài.
6. Phaolô giải thích trong Galati 3:24: "Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình". Toàn bộ mục đích của luật pháp là xác minh cho chúng ta biết chúng ta không sống "nhơn lành" được và không thể sống "nhơn đức" để nhơn đó mà tự cứu lấy mình được. Luật pháp đã được ban cho chúng ta như một dấu để chỉ cho chúng ta thấy Đấng Christ. Giống như nhiều người khác, người trẻ tuổi kia đã chẳng biết gì hết về dấu hiệu ấy.
7. Đã và không có một điều răn kín giấu nào phải lo giữ hết. Nếu việc tuân giữ các điều răn có thể cứu chúng ta, chúng ta sẽ phải giữ hết thảy và không bao giờ phá vỡ chúng. Giacơ 2:10 chép: "Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy".
III. Tôi hãy còn thiếu điều chi? (các câu 20-22).
A. Người trẻ kia đã tin mình đã giữ trọn các điều răn nầy (câu 20).
1. Bị sốc nơi cách giải đáp của Chúa Jêsus, người kia nói: "Lạy thầy, tôi đã giữ mọi điều đó từ khi còn nhỏ". Người đã nhìn xem luật pháp theo cách bề ngoài. Tuy nhiên, Chúa Jêsus đã chỉ ra rồi, ấy là chúng ta có thể phá vỡ luật pháp của Đức Chúa Trời ở trong lòng của chúng ta.
2. Mặc dù người chưa phạm vào tội "giết người", Chúa Jêsus phán ai giận anh em mình "vô cớ" thì  tương đương với tội giết người (5:22).
3. Mặc dù người chưa phạm vào tội "tà dâm" với vợ của ai khác, Chúa Jêsus dạy rằng "Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi" (5.28).
4. Mặc dù người chưa chủ ý đánh cắp cái gì của ai, không nghi ngờ chi nữa người đã đánh cắp từ Đức Chúa Trời với cách sử dụng ích kỷ mọi khả năng, thì giờ và tài nguyên của mình.
5. Mặc dù người chưa chính thức "làm chứng dối" tại toà án, những lời nói dối là một phần trong cuộc sống của người.
6. Người đã nói người chưa hề thất bại trong việc "hiếu kính" cha mẹ của mình, nhưng bất kỳ một sự bất tuân hay xấc láo nào khi còn nhỏ là một hình thái của sự bất hiếu.
7. Còn về các điều răn khác giống như không thèm muốn hay không được có bất kỳ một thần nào khác ở trước mặt Chúa. Như chúng ta sẽ thấy, tiền bạc của người là thần tượng chính của người.
B. Chúa Jêsus chỉ ra chiếc hàng rào ngăn người không đến được với ơn cứu rỗi (các câu 21-22).
1. Ngài bảo người trẻ kia phải "bán" đi mọi thứ. Hãy đi bán hết gia tài mà bố thí cho kẻ “nghèo nàn”. Khi ấy Chúa Jêsus mới phán: "Rồi hãy đến mà theo ta".
2. Bố thí mọi sự quí vị đang có không phải là một cách để quí vị được cứu đâu. Chúa Jêsus đang yêu cầu người nầy phải nhìn nhận tội lỗi của mình. Quí vị phải là hạng tội nhân trước khi quí vị được cứu.
3. Chúa Jêsus đã nói y như thế với người đờn bà ở bên giếng trong Giăng 4. Ngài nói với bà ta về chồng của bà ta. Bà ta phải xử lý với tội lỗi của mình rồi bước đi cách vui mừng. Ngược lại, người trẻ tuổi nầy đã "đi, bộ buồn bực lắm" vì người không thể gánh nổi phần hành nầy vì “của cải người nhiều lắm”.
IV. Thế thì ai sẽ được cứu? (các câu 23-26).
A. Chúa Jêsus đưa ra một lời tuyên bố đáng ngạc nhiên (các câu 23-25).
1. Khi người trai trẻ bỏ đi rồi, Chúa Jêsus đã xây qua các môn đồ Ngài rồi phán: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người giàu vào nước thiên đàng là khó lắm". Thậm chí Ngài còn đưa ra một minh hoạ rõ nét về một con "lạc đà" đang chui qua một "lỗ kim", một thành ngữ quen thuộc của người Do thái trước một việc khó.
2. Lối lý luận nầy đã làm cho các môn đồ phải kinh ngạc. Câu 25 chép họ "lấy làm lạ lắm". Điều nầy phát xuất từ một chữ có nghĩa là "làm cho ngạc nhiên". Giống như họ đang nói: "Hãy ra khỏi đây!" vậy.
3. Trong cách lý luận lòng vòng của truyền khẩu Do thái, ai cũng nghĩ người giàu đang có nhiều ơn phước của Đức Chúa Trời trên đời sống của họ trong khi kẻ nghèo bị xem là đang gánh chịu hình phạt. Vì thế họ đã hỏi: "Nếu người giàu không được cứu … vậy thì ai sẽ được cứu?"
4. Chúa Jêsus chỉ ra người giàu có khuynh hướng tin vào sự giàu có của mình hơn là tin nơi Đức Chúa Trời. Họ có khuynh hướng thờ lạy mọi ơn phước của họ hơn là thờ lạy Đấng đã chúc phước cho họ. Trong một phân đoạn tương ứng ở Mác 10:24, Chúa Jêsus phán: "Hỡi các con, những kẻ cậy sự giàu có vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào!"
5. Đây là một manh mối để tìm biết lý do tại sao truyền giáo là khó trong xã hội của chúng ta. Bởi các tiêu chuẩn theo Kinh Thánh và thậm chí bởi tiêu chuẩn của hầu hết phần thế gian còn lại, mọi người đang sống ở đây đều giàu có.
6. Chúng ta hãy đọc I Timôthê 6:6-11.
B. Chúa Jêsus đưa ra phần đáp ứng rất khích lệ (câu 26).
1. Ngài "ngó các môn đồ".
2. Chúa Jêsus tiếp tục phán với các môn đồ: "Điều đó loài người không thể làm được, song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được".
3. Không phải là Đức Chúa Trời không cứu người giàu đâu. Ápraham là một người rất giàu có khi ông bắt đầu bước đi với Đức Chúa Trời. Nicôđem và Giôsép người Arimathê, cả hai đều là hạng người giàu có, họ đã bước theo Chúa Jêsus. Tuy nhiên, người nào chọn của cải mình cao hơn Chúa Jêsus sẽ không bao giờ được cứu đâu.
4. Giống như con "lạc đà" không thể chui qua "lỗ kim", người nào đang nắm giữ thế gian không thể đến với Đấng Christ được. I Giăng 2:15 chép: "…nếu ai yêu thế gian, thì sự kính mến Đức Chúa Cha chẳng ở trong người ấy".
5. Đức Chúa Trời có quyền làm được việc "khó". Ngài có thể làm những gì con người không thể làm được. Trong quyền tể trị tối cao của Ngài, Ngài có thể thay đổi một tấm lòng ích kỷ thiên về vật chất thành một tấm lòng biết yêu thương giàu ơn và ham thích sự cứu rỗi.
6. Đây là lý do tại sao Kinh Thánh chép: "Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục, dùng cách mềm mại mà sửa dạy những kẻ chống trả, mong rằng Đức Chúa Trời ban cho họ sự ăn năn để nhìn biết lẽ thật" (II Timôthê 2:24-25).
V. Chúng ta sẽ được gì? (các câu 27-30).
A. Các môn đồ đưa ra một câu hỏi rất ích kỷ (câu 27).
1. Phierơ, là phát ngôn viên từng nói với Chúa Jêsus "chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo Ngài". Ông cho rằng họ sống chẳng giống như viên quan trẻ nầy. Họ muốn biết: "chúng tôi sẽ được gì?"
2. Mấy đứa con của tôi thường hỏi: "Ba ơi, chúng con sẽ nhận được điều gì?"
B. Chúa Jêsus ban ra một lời giải đáp rất giàu ơn (các câu 28-30).
1. Chắc chắn với một nụ cười, Chúa Jêsus đã dịu dàng dạy cho họ biết rằng đến "kỳ" hay thời điểm thế giới sẽ được sanh lại hay được làm nên mới, họ sẽ "ngồi trên mười hai ngôi" để xét đoán Israel. Thực vậy, Khải huyền 3:21 dạy rằng hết thảy các tín đồ sẽ ngồi trên ngôi của Chúa Jêsus.
2. Chúa Jêsus còn dạy thêm rằng bất cứ thứ chi chúng ta dâng cho Chúa Jêsus trong thời đại nầy sẽ được hoàn trả lại cho chúng ta "trăm lần hơn" trong thời hầu đến.
3. Sau cùng, Chúa đưa ra một nguyên tắc quan trọng: "Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu". Nói cách khác, nhiều người lúc bây giờ có rất nhiều sẽ có rất ít trong đời hầu đến. Điều nầy đã được minh hoạ trong chương kế tiếp.


***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét