Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

Bài 74: Mathiơ 20:1-16: "ÂN ĐIỂN DƯ DẬT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Ân điển dư dật
của Đức Chúa Trời
Mathiơ 20:1-16
1. Trong bài học vừa qua của chúng ta trong sách Mathiơ, chúng ta đã xem xét trường hợp làm tổn thương tấm lòng của người kia mà ai cũng biết là vị quan trẻ tuổi giàu có (19:16-22). Nhà quí tộc trẻ tuổi giàu có nầy muốn "sự sống đời đời" nhưng không muốn xây khỏi vị thần “của cải nhiều lắm” của riêng mình. Vì vậy chàng ta đã ra "đi, bộ buồn bực lắm".
2. Sự cố nầy làm loé lên một số sự dạy quan trọng từ Chúa Jêsus liên quan tới nỗi khó về sự giàu có và về mặt thuộc linh. Phierơ đã nói: "Nầy chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?" (câu 27). Nói cách khác: "Lạy Chúa, chúng tôi đã nghe theo sự kêu gọi và đã đi theo Ngài. Người nầy đã xây khỏi Ngài. Cho dù anh ta có đến với Ngài ở giờ thứ 11 của đời mình, chúng tôi đã đến ở giờ đầu tiên. Vậy chì chúng tôi sẽ được chi?"
3. Chúa Jêsus nói chọ họ biết bất cứ thứ chi họ cung hiến cho Ngài, họ sẽ lãnh lấy "bội phần hơn" và Ngài quyết chắc với họ là họ sẽ "được hưởng sự sống đời đời". Tuy nhiên, Ngài đã đáp lại thắc mắc của Phierơ bằng một câu nói thật kỳ lạ ở câu 30: "Song có nhiều kẻ ở đầu sẽ nên rốt, và nhiều kẻ ở rốt sẽ nên đầu". Phân đoạn Kinh Thánh chúng ta hiện đang nghiên cứu đây là một thí dụ làm sáng tỏ và bàn bạc rộng rãi câu nói kỳ lạ ấy.
4. Trong Kinh Thánh, thí dụ là một câu chuyện thông thường có ý làm sáng tỏ lẽ thật thuộc linh. Đối với người không tin Chúa, các thí dụ của Chúa Jêsus rất giống với các bức tường bằng đá. Đây là những gì Chúa Jêsus muốn nói trong Mathiơ 11:15: "Người nào có tai để nghe, hãy để cho người ấy nghe!" Ngài đã làm ứng nghiệm lời tiên tri ở Thi thiên 78:2: "Ta sẽ mở miệng ra nói thí dụ, bày ra những câu đố của đời xưa" (Mathiơ 13:35).
5. Đối với người tin Chúa, các thí dụ của Chúa giống như các cánh cửa sổ cho phép chúng ta trông thấy nước của Đức Chúa Trời một cách rõ nét hơn. Chúng giống như những tấm gương vậy. Thay vì giải thích Lời của Đức Chúa Trời, Lời của Đức Chúa Trời giải thích cho chúng ta khi chúng ta nghiên cứu các thí dụ.
6. Một lần nữa, thí dụ nầy ai cũng biết là Thí Dụ nói tới những người làm công trong Vườn Nho là một chuỗi minh hoạ liên tục về câu nói của Chúa Jêsus ở 19.30. Thí dụ nầy dạy cho chúng ta biết về ân điển phủ lút, tràn ngập, dư dật của Đức Chúa Trời dành cho hết thảy những người nào tin. Thứ nhứt, chúng ta sẽ xem xét thí dụ trong từng chi tiết và rồi chúng ta sẽ rút tỉa được một vài nguyên tắc thực tế.
I. Thí dụ nói tới ân điển dư dật của Đức Chúa Trời.
A. Bối cảnh của câu chuyện (câu 1a).
1. Như với hầu hết các thí dụ của Chúa Jêsus, thí dụ nầy cho chúng ta biết "nước thiên đàng giống với cái gì". Trong trường hợp nầy nước thiên đàng giống như "người chủ nhà kia", là người có một "vườn nho" lớn lắm.
2. Các vườn nho của người Palestine vào thời buổi ấy đòi hỏi lao động khó nhọc, đặc biệt trong việc gầy dựng. Các vườn nho được gầy dựng trên các nấc thang dọc theo sườn đồi. Đá sỏi đã được đào lên khỏi đất rồi được sử dụng để sắp thành các bức tường làm ranh giới. Đất tốt từ bên dưới thường được đem lên trên các sườn đời để nuôi dưỡng vườn nho.
3. Vào mùa hè, cả vườn nho cũ và mới đều được tỉa sửa cẩn thận để chúng sẽ kết quả nhiều thêm. Đây là phần việc rất vất vả, lắm mệt mõi.
4. Câu chuyện dường như nói tới mùa gặt hái. Vào cuối tháng Chín, khi ban ngày kéo dài và nóng bức (đối chiếu câu 12), người ta thu thập nho lại trước khi mùa mưa bắt đầu. Mỗi ngày là một cuộc chạy đua với mặt trời để thu thập toàn bộ vụ mùa trước khi nho bị hư đi. Đây là vụ mùa có nhiều đòi hỏi nhất trong vườn nho.
B. Các nhân công được thuê mướn (câu 1b).
1. Câu 1 cũng nói cho chúng ta biết về "những người làm công", người ta thấy họ đứng trong khu "chợ" ở giữa làng (đối chiếu câu 3). Ở đây "tảng sáng" người chủ vườn nho đã đi ra đặng thuê mướn các nhân công làm việc trong ngày.
2. Hầu hết những người chủ đều không có đủ tôi tớ để lo thu gặt vụ mùa, thành thử rất là cần thiết cho họ phải đi thuê thêm “những người làm công” cho phần việc. Những người nầy là những công nhân không thạo việc, họ là thành phần tận cùng đáy xã hội, giống như hạng nông dân di trú ở bang California vậy.
3. Họ được thuê làm trong ngày không có một sự bảo đảm nào cho công việc sắp tới. Vì họ không thạo việc và thường liều lĩnh, những người làm chủ thường lợi dụng họ. Luật pháp Môise đã bảo hộ cho họ. Phục truyền luật lệ ký 24:15 chép: "Phải phát công giá cho người nội trong ngày đó, trước khi mặt trời lặn; vì người vốn nghèo khổ, trông mong lãnh công giá ấy. Bằng không, người sẽ kêu đến Đức Giê-hô-va về ngươi, và ngươi sẽ mắc tội" (đối chiếu Lêvi ký 19:13).
C. Tiền công đã được giao kết rồi (câu 2).
1. Sau khi tìm kiếm số nhân công, người chủ "đã định giá với người làm công, mỗi ngày một đơniê". Dường như là họ đã mặc cả với nhau về giá cả nhưng rồi thì đồng ý với một giá rất rộng rãi.
2. "Một đơniê" là tiền công mỗi ngày rất phổ thông đối với binh lính La mã và không nghi ngờ chi nữa là một công giá rất hời đối với hạng công nhân chưa thạo việc. Vì vậy người chủ "sai họ vào vườn nho mình", ở đó họ vui vẻ làm việc với giá cả đã định sẵn rồi như thế.
D. Công việc của ban ngày (các câu 3-7).
1. Câu 1 nói rằng những người làm công nầy được tìm thấy vào lúc “tảng sáng”. Trong xứ của chúng ta, tảng sáng nầy tương đương với 6 giờ sáng. Họ có mặt rất sớm và sốt sắng muốn làm việc.
2. Có lẽ vì mùa gặt rất lớn hay có lẽ sợ trời đổ mưa sớm, "người chủ nhà" quyết định, ông rất cần thêm nhiều “người làm công”. Vì vậy ông đã đi ra khu "chợ" vào "giờ thứ ba" hay 9 giờ sáng.
3. Lần nầy ông "thấy những kẻ khác", thêm nhiều công nhân đang "rảnh việc". Điều nầy không nhất thiết có nghĩa là họ biếng nhác, mà là họ chưa được thuê vào làm công việc. Họ đang đợi để được làm việc.
4. Những “nhân công” nầy đã tưởng họ sẽ không nhận được trọn số công giá cho một ngày vì ba giờ đồng hồ đã trôi qua rồi. Họ sẵn lòng tin người chủ vườn trả "tiền công phải cho" vì vậy "họ đã đi vào" vườn nho.
5. Câu 5 chép: "Ước chừng giờ thứ sáu và giờ thứ chín, người chủ lại ra, cũng làm như vậy". Lúc giữa trưa và vào lúc 3 giờ chiều, ông đã trở lại khu "chợ" để tìm thêm công nhân. Có lẽ ông làm vậy là vì mùa gặt hái quá bội thu, một dấu hiệu về thời tiết xấu hay lòng thương xót của ông đối với những người đang cần công việc làm đến nỗi ông đã quay trở lại chợ để tìm thêm người giúp việc.
6. Sau cùng, "giờ thứ mười một" hay 5 giờ chiều đã đến. Còn một giờ trong lúc ban ngày để làm việc và một lần nữa người chủ vườn đã trở ra khu chợ của ngôi làng. Ở đó, ông nhìn thấy "những kẻ khác đứng trong chợ" rồi hỏi: "Sao các ngươi đứng đây cả ngày không làm gì hết?"
7. Họ đáp: "Vì không ai mướn chúng tôi". Có thể một vài người trong số họ đã lười biếng và ngủ trễ. Có thể họ quá lớn tuổi không làm được nhiều công việc. Có thể một vài người bị dị tật, họ sẽ làm cho những người khác bị trì trệ công việc. Dù là trường hợp nào, người chủ đã bảo họ "hãy đi vào vườn nho ta".
8. Trong câu 7 một lần nữa chúng ta đọc thấy ông bảo nhóm người nầy: "Các ngươi sẽ nhận được tiền công phải cho". Một vài bản thảo Kinh Thánh xưa nhất về sách Mathiơ không ghi lại câu nói nầy. Có thể là người chủ chẳng hứa gì với họ hết. Họ chỉ mong một mẫu bánh hay tiền bạc đủ để mua một bữa ăn cho bữa tối mà thôi. Dù là trường hợp nào, họ đã được thuê vào giờ cuối trong ngày.
E. Trả công (các câu 8-15).
1. "Đến tối" hay khi mặt trời oi bức tháng Chín sau cùng đã lặn về Tây, "người chủ" bảo "người giữ việc" hay quản đốc "gọi những người làm công mà trả tiền công cho họ". Tuy nhiên, ông ta đã làm một việc khác rất bất thường. Ông nói họ phải được trả công "khởi từ người rốt cho đến người đầu". Nói cách khác, những ai được thuê sau cùng sẽ được trả công trước hết. Còn nhớ 19:30 không?
2. Những nhân công yếu đuối, họ được thuê "vào giờ thứ mười một" đã sắp hàng đứng trước mặt viên đốc công. Hãy tưởng tượng nổi kinh ngạc của họ xem, thay vì một mẫu bánh hay một đồng xu nhỏ, ông ta trao vào tay mỗi người đang xoè ra "một đơniê", tiền lương cho cả một ngày công! Tôi đoán rằng họ đã chạy đi thật nhanh như họ có thể với nổi lo sợ người chủ sẽ đổi ý hoặc có sơ sót gì đó chăng!?!
3. Mặc dù phân đoạn Kinh Thánh không nói ra điều đó, chúng ta giả định rằng những kẻ đã đến vào giờ giấc khác trong ngày cũng đã nhận được "một đơniê" cho công lao động của họ.
4. Sau cùng, "người đầu đến". Hãy tưởng tượng họ xem! Họ rất nóng nực, bẩn thỉu, và mệt mõi. Họ đã lao động toàn bộ 12 giờ đồng hồ cả thảy. Họ đã trông thấy những người khác đã đến muộn trong ngày ấy. Giờ đây họ nhìn thấy được trả công hậu hỉ cho lao động chưa đầy trọn một ngày. Tất nhiên họ đã "tưởng lãnh được nhiều hơn". Nếu người chủ trả công lao động cho người làm việc một giờ "một đơniê" thì họ sẽ được trả nhiều hơn, có phải không? Mười hai đơniê? Họ đã hồi hộp với tư tưởng ấy!
5. Dù vậy, "họ cũng lãnh mỗi người một đơ-ni-ê". Khi họ nhận ra điều nầy, họ đã "lằm bằm" hay than phiền "cùng chủ nhà". Sự việc dường như quá bất công. Họ nói: "Những người rốt ấy chỉ làm một giờ, mà chủ đãi cũng như chúng tôi, là kẻ đã chịu mệt nhọc cả ngày và giang nắng".
6. Người chủ bèn nói với đầu công của họ: "Bạn ơi [một cách nói quen thuộc, chớ chẳng phải là bạn thân thiết gì đâu], ta không xử tệ với ngươi đâu; ngươi há chẳng đã định với ta một đơ-ni-ê sao?" Ông nhắc cho nhân công nhớ rằng họ đã hợp đồng làm việc vì  "một đơniê" từ sáng sớm hôm ấy.
7. Người chủ bảo họ: "Hãy lấy của ngươi mà đi đi". Ông hỏi họ: "Ta há không có phép dùng của cải ta theo ý muốn ta sao?" Nói cách khác, ông trả công cho người ta bao nhiêu thì chẳng phải là việc của họ.
8. Vấn đề không phải là sự bất công từ phía chủ vườn, mà là tánh ganh tỵ về phía những người làm công. Ông đã hỏi: "Hay là ngươi thấy ta ở tử tế mà lấy mắt ganh sao?"
F. Toàn bộ lẽ thật (câu 16).
1. Khi ấy Chúa Jêsus mới lặp lại: "Đó, những kẻ rốt sẽ nên đầu và kẻ đầu sẽ nên rốt là như vậy. Vì nhiều kẻ được gọi, song kẻ được chọn thì ít".
2. Tôi nghĩ Chúa Jêsus đang chỉ ngược trở lại thắc mắc của Phierơ ở 19.27. Ân điển dư dật của Đức Chúa Trời không đến từ chỗ nắm giữ chức vụ đâu.
II. Các nguyên tắc của ân điển dư dật của Đức Chúa Trời.
Rõ ràng "vườn nho" tiêu biểu cho "nước thiên đàng" (câu 1). "Người chủ vườn" là Đức Chúa Cha. "Người giữ việc" hay đốc công là Đức Chúa Con, là Chúa Jêsus. "Nhân công", họ được kêu gọi là những tín đồ. Đồng "đơniê" là sự sống đời đời chúng ta sẽ lãnh tương đương với nhau. Ngày công lao động là trọn đời sống chúng ta và buổi tối là cõi đời đời.
A. Trong sự tể trị của Ngài, Đức Chúa Trời khởi xướng và hoàn tất sự cứu rỗi của chúng ta.
1. Hãy nhớ rằng người chủ đi ra chợ để tìm kiếm nhân công lao động cho mình. Họ không đến với ông ta, ông đến gặp họ. Ông khởi xướng mối quan hệ.
2. Con người tội lỗi không thể và không tìm kiếm Đức Chúa Trời. Roma 3.11 chép: "Chẳng có một người nào hiểu biết, chẳng có một người nào tìm kiếm Đức Chúa Trời".
3. Những người nào tin Chúa, họ đều đã được Đức Chúa Cha tìm kiếm rồi trao cho Đức Chúa Con. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 6:39: "Vả, ý muốn của Đấng đã sai ta đến là hễ sự gì Ngài đã ban cho ta, thì ta chớ làm mất, nhưng ta phải làm cho sống lại nơi ngày sau rốt".
4. Chúng ta có thể tin quả quyết vào lẽ thật của I Giăng 4:19: "Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước".
B. Đức Chúa Trời chuộc lấy những ai biết sẵn lòng.
1. Khi người chủ đi ra chợ, ông đã tìm kiếm những nhân công biết sẵn lòng. Mỗi người chịu đến với ông đều nhận biết nhu cần lao động của mình. Họ đã nương theo người chủ cung ứng cho họ những gì họ không thể tự lo lấy cho bản thân mình.
2. Mặc dù Đức Chúa Trời kêu gọi người ta đến để được cứu, con người phải có trách nhiệm đáp ứng lại. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 6:37: “Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu".
C. Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục kêu gọi loài người nên vào trong Nước của Ngài.
1. Người chủ cứ giữ việc quay trở lại với khu chợ hết lần nầy tới lần khác, thậm chí tới giờ thứ mười một để tìm kiếm những ai chịu đến lao động cho ông ta.
2. Đức Chúa Trời cứ tiếp tục đi ra khu chợ thế gian kêu gọi người ta đến với chính mình Ngài. Ngài sẽ làm vậy cho tới giờ cuối cùng của thời đại. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 5:17: "Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy".
3. II Phierơ 3:9 dạy rằng Chúa đang "lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn".
D. Người ta đáp ứng khác nhau đối với lời kêu gọi của Đức Chúa Trời ở những thời điểm khác nhau.
1. Một số người trong chúng ta là những người nam người nữ lúc bình minh. Chúng ta đến với Đấng Christ ở một độ tuổi rất sớm và luôn luôn tin cậy vào mối giao thông của chúng ta với Ngài. Mới đây, tôi có đọc bài làm chứng của John MacArthur cho thấy ông đã đến tin Chúa ở một độ tuổi rất sớm, ông chưa thể nói rành ngay khi ông đã được cứu nữa là.
2. Một số người trong chúng ta đã đến với Chúa Jêsus vào giờ thứ ba, ở độ tuổi niên thiếu hay còn trẻ trung. Chúng ta đã dâng cho Ngài hầu hết đời sống của chúng ta. Tôi đã đến với Đấng Christ ở tuổi 14.
3. Nhiều người khác, là những người nam người nữ lúc giữa trưa, họ đã đến lúc tuổi trung niên. Tôi nghĩ tới C.S. Lewis một giáo sư văn chương thuộc trường phái bất khả tri ở độ tuổi trung niên tại đại học đường Oxford và Cambridge. Qua lời lẽ của ông, ông rất đỗi "ngạc nhiên vui mừng" ở tuổi lưng chừng xuân đó.
4. Nhiều người khác đã đến với Đấng Christ vào giờ thứ chín, ở độ tuổi khi đời sống họ chẳng còn bao lăm nữa.
5. Sau cùng, có những người tin cậy Chúa Jêsus vào giờ thứ mười một, khi mặt trời sắp lặn đi trên đời sống họ. Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới tên cướp trên thập tự giá.
6. Sự thật cho thấy rằng chẳng có ai biết khi nào giờ thứ mười một sẽ đến với mình (nam hay nữ). Chúng ta chẳng có một lời hứa nào về sự sống thọ cả.
E. Ân điển của Đức Chúa Trời được ưng ban như nhau.
1. Bất luận họ đã khởi sự làm việc vào lúc nào, người chủ đã trả công cho từng lao động như nhau.
2. Đức Chúa Trời ban sự sống đời đời cho hết thảy những ai chịu đến với Ngài bất chấp họ đến vào lúc nào. Chúng ta không kiếm được sự sống đời đời do nắm giữ chức vụ hay nhiều năm tháng phục vụ. Đây là ơn ban của ân điển dư dật của Đức Chúa Trời!
3. Trong chương đứng trước, Phierơ đã hỏi: "Chúng tôi sẽ được chi?" Dù Kinh Thánh hứa các phần thưởng cho những tín đồ trung tín, sự sống đời đời không phải là một phần thưởng, mà đó là một ân ban!
F. Đức Chúa Trời sẽ cung ứng những gì Ngài đã hứa.
1. Những nhân công nào đã làm việc trọn ngày đã đem lòng ganh tỵ với những kẻ đã lao động dù chỉ có một giờ đồng hồ thôi! Họ tưởng họ đáng được nhiều hơn. Người chủ trả công còn nhiều hơn họ đáng được!
2. Đức Chúa Trời luôn luôn ban ra những điều Ngài đã hứa. Những điều Ngài đã hứa luôn nhiều hơn chúng ta đáng được!
G. Sự cứu rỗi của chúng ta đặt duy nhứt trên ân điển dư dật của Ngài.

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét