Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

Bài 86: Mathiơ 24:43-51: "SẴN SÀNG HAY CHƯA?"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Sẵn sàng hay chưa?
Mathiơ 24:43-51
Hầu hết chúng ta đều biết chơi trò "Trốn Tìm" khi chúng ta còn nhỏ. Đứa nào “bị” phải nhắm mắt lại rồi đếm đến 10 trong khi những đứa khác đều chạy tìm nơi để ẩn nấp. Khi đứa trẻ “bị” đếm xong rồi, thường thì nó hô lớn tiếng lên: "Sẵn sáng chưa, tớ đến đây!"
Mathiơ 24 là cách đếm ngược từ 10 xuống 0 của Chúa Jêsus đối với sự tái lâm của Ngài. Phân đoạn nầy sắp từng chi tiết nhiều dấu hiệu khẳng định sự tái lâm huy hoàng của Ngài "với đại quyền đại vinh" (câu 30). Mấy câu sau cùng nầy của chương 24 là một lời cảnh cáo. Trong câu 42, Ngài phán: "Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến". Dường như Chúa Jêsus đang nói với những người thuộc thế hệ sau rốt: "Sẵn sàng chưa, ta đến đây!" Trước khi tôi đào sâu vào các câu 43-45, chúng ta hãy ôn lại những gì chúng ta đã tiếp thu.
· Mathiơ 24-25 ai cũng biết là Bài Giảng Trên Núi Ôlive vì Chúa Jêsus đã giảng cho các môn đồ Ngài trên “Núi Ôlive” khi đáp ứng lại mấy câu hỏi của họ liên quan tới "dấu lạ" chỉ về sự tái lâm của Ngài và "kỳ tận thế".
· Khi ấy Chúa Jêsus nói cho họ biết về "kỳ đại nạn" trong những ngày sau rốt, là thời kỳ mà tiên tri Đaniên và sách Khải huyền mô tả kéo dài trong 7 năm. Tôi tin từ nhiều bằng chứng theo Kinh Thánh rằng Hội Thánh sẽ được cất lên ngay lúc bắt đầu thời kỳ nầy trong Sự Cất Lên.
· Ba năm rưỡi đầu là "đầu sự tai hại" hay "những cơn đau đẻ" (câu 8) trong đó sẽ có nhiều đấng mêsi giả, nhiều cuộc chiến tranh, đói kém, cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên khác. Sẽ có nhiều bạo lực và nhiều kẻ tuận đạo giữa vòng những người đã được cứu trong suốt thời kỳ nầy. Tuy nhiên trong sự bắt bớ và "tình trạng phi luật pháp" nầy, Chúa Jêsus đã phán: "Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân".
· Ba năm rưỡi sau được gọi là "kỳ đại nạn". Antichrist sẽ phạm vào "sự tàn nát gớm ghiếc" rồi tự tôn mình lên làm một vị thần để cho người ta thờ lạy trong đền thờ.
· Chúa Jêsus cảnh cáo thế hệ tín đồ sau rốt nầy phải "trốn đi" và ẩn mình vì địa ngục sẽ lộng hành ở trên đất.
· "Ngay sau kỳ đại nạn", lúc cuối của 7 năm, Chúa Jêsus sẽ "lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống" và sẽ phán xét tất cả nhân loại.
· Trong các câu 32-35, chúng ta thấy "ví dụ về cây vả", về cơ bản, ví dụ nầy cho chúng ta biết rằng tất cả các dấu lạ có ý nói tới sự đến của Chúa Jêsus đang ở "gần – ngay trước cửa".
· Mặc dù có nhiều người biết gần đúng thời điểm tái lâm của Ngài, không một ai, thậm chí cả thiên sứ cũng không biết chính xác "ngày và giờ" nữa. Đối với hầu hết thế giới, sự tái lâm nầy sẽ rất đột ngột và bất ngờ, giống như khi nước lụt đến đùa đi những kẻ vô tín trong thời của Nôê.
Rõ ràng mọi điều Chúa Jêsus dạy ở đây đều nhắm vào những người tin Chúa, là những người sẽ được cứu trong những ngày sau rốt, có một số ứng dụng ở đây dành cho số người trong chúng ta sẽ được cất lên trong Sự Cất Lên. Chúng ta cần phải sẵn sàng vì Ngài sẽ ngự đến và chúng ta không biết chính xác vào lúc nào!?! Thực vậy, chúng ta hãy lưu ý hai thuộc tính sẽ rất thực của những người tin Chúa đang sống trong những ngày sau rốt.
I. Hạng tín đồ cần phải được SỬA SOẠN cho sự đến của Đấng Christ (các câu 43-44).
A. Một ví dụ (câu 43).
Chúa Jêsus bắt đầu tiểu đoạn nầy bằng câu nói: "Hãy biết rõ…" Nói cách khác: "Hãy nghĩ tới sự tái lâm ấy theo chiều hướng nầy, cho phép tôi nói theo cách thật đơn giản nhé".
Ngài phán: "Nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến, thì tỉnh thức, không để cho đột nhập nhà mình".
Chúng ta hãy giả sử có một một băng trộm đang hoạt động ở vùng phụ cận. Chúng đột nhập vào từng nhà trên con đường quí vị đang ở với lịch trình hẳn hoi. Chúng đột nhập vào từng nhà đúng vào khoảng 1 giờ sáng. Chúng mới vừa gõ cửa nhà kế bên đêm qua. Nếu mọi sự ấy là thực, quí vị sẽ khoá cửa nhà mình rồi cứ tiếp tục kỳ nghĩ ngoài thành phố hôm nay chăng? Không dám đâu! Nếu quí vị tin nhà mình sẽ bị ăn trộm đột nhập vào lúc 1 giờ sáng nay, quí vị phải lo sửa soạn chứ. Quí vị sẽ kiểm tra mọi cánh cửa, cửa cái hay cửa sổ. Quí vị sẽ báo cho cảnh sát biết về các điểm nghi ngờ rồi yêu cầu họ canh chừng dùm ngôi nhà của quí vị. Quí vị phải mượn ổ khoá Rotweiler mà một người bạn mua của công ty bảo hiểm Smith & Wesson! Nếu quí vị biết sẽ có một vụ trộm tại chính nhà cửa của quí vị tối nay, quí vị cần phải lo sửa soạn.
Cũng một thể ấy, ngay trong thế kỷ thứ nhứt, Chúa Jêsus đã phán: "nếu người chủ nhà đã hay…thì tỉnh thức, không để cho đào ngạch nhà mình". Người ấy phải cẩn trọng và sẵn sàng đón "tên trộm" ấy.
B. Một nguyên tắc (câu 44).
"Vậy thì", dựa theo sự hiểu biết đó, người tin Chúa cũng phải "sẵn sàng" để đón sự tái lâm của Chúa.
Giống như quí vị phải lo thực thi một số biện pháp phòng ngừa trong sự biết trước về tên trộm, quí vị phải sửa soạn và phải tỉnh thức cho một “giờ” nào đó sẽ đến vì "vì Con người sẽ đến trong giờ các ngươi không ngờ".
Thế hệ sau rốt trước khi Chúa Jêsus đến sẽ không biết thời điểm chính xác sự đến của Ngài, nhưng vì cớ những dấu lạ cho biết trước sự đến đó, họ sẽ biết thì giờ cách chung chung mà thôi. Họ sẽ biết rằng "tên trộm" không bao lâu nữa sẽ đột nhập vào ngôi "nhà" và họ cần phải lo sửa soạn.
Khi Chúa Jêsus sánh mình với "tên trộm", tất nhiên sự ví sánh nầy không có ý nói tới bổn tánh của Ngài đâu. Mà đúng hơn, giống như "tên trộm" đến một cách bất ngờ và lén lút, thì sự đến của Ngài cũng một thể ấy.
Hình ảnh "kẻ trộm trong ban đêm" được thấy vài lần trong cả Tân ước. I Têsalônica 5:2 chép: "vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy". II Phierơ 3:10 chép: "Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm…". Khải huyền 3:3 chép: "Vậy hãy nhớ lại mình đã nhận và nghe đạo thể nào, thì giữ lấy, và ăn năn đi. Nếu ngươi chẳng tỉnh thức, ta sẽ đến như kẻ trộm, và ngươi không biết giờ nào ta đến bắt ngươi thình lình". Khải huyền 16:15 chép: "Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ gìn áo xống mình, đặng khỏi đi lõa lồ và người ta không thấy sự xấu hổ mình!"
Có một điều, trong đó Chúa Jêsus rất giống với một "kẻ trộm". Khi Ngài đến, Ngài sẽ lấy đi và cất hết mọi sự mà hạng vô tín xem là quí giá. Tất cả tiền bạc, của cải, quyền thế của họ sẽ bị quét sạch hết và họ sẽ đối diện với Ngài trần trụi, không một xu trong ngày phán xét.
"Vậy thì" Chúa Jêsus phán: "hãy chực cho sẵn". Quí vị sẽ nghĩ: "Dân sự trong thời buổi đó không sẵn sàng như thế nào? Họ sẽ nhìn thấy các dấu lạ kinh khủng nầy, chẳng lẽ họ không biết điều chi sẽ xảy ra sao?" Vì quyền lực của Satan sẽ hoàn toàn được mở ra, loài người sẽ bị mù quáng bởi tội lỗi và sự thù hận của chính họ đối với Đức Chúa Trời đến nỗi họ sẽ từ chối không chịu tin theo cho tới khi họ gặp Ngài. Đừng quên câu 37: "Trong đời Nô-ê thể nào, khi Con người đến cũng thể ấy". Họ sẽ chế giễu và nhạo báng, cho tới khi đã quá trễ đối với họ.
“Hãy chực cho sẵn” có nghĩa gì? Có nghĩa là muốn được cứu, người ta phải sửa soạn để gặp Chúa là Vua và Quan Án. Có phải quí vị đang sẵn sàng hôm nay? Có phải quí vị đã tin cậy nơi một mình Đấng Christ để được cứu chăng?
II. Hạng tín đồ cần phải sống TRUNG TÍN cho tới chừng Chúa đến (các câu 43-44).
A. Đầy tớ khôn ngoan và trung tín (các câu 45-47).
Giờ đây trong câu 45 Chúa Jêsus đang mô tả theo thể ngụ ngôn một "đầy tớ khôn ngoan và trung tín" đã được lập làm "người cai trị" trên "nhà" của chủ mình. Công việc chính của người nầy là phải trở thành một viên quản lý và phải lo "đồ ăn" cho các thành viên ở trong "nhà".
Mỗi Cơ đốc nhân là một "đầy tớ" hay là một nô lệ của Chúa. Hết thảy chúng ta đều có chức năng quản lý. Hết thảy chúng ta đều được ban cho các ân tứ, ta lâng và trách nhiệm sử dụng chúng theo cách khôn ngoan và trung tín trong sự phục vụ Chủ của chúng ta.
Kế đó trong câu 46, Chúa Jêsus phán: "Phước cho đầy tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy!" Người sẽ được "phước" vì chủ "sẽ đặt kẻ ấy coi sóc cả gia tài mình".
Hãy chú ý lúc ban đầu khi chủ đi xa, đầy tớ cần phải "cho họ đồ ăn đúng giờ". Người chỉ có một phần việc mà thôi, một chức năng quản lý cần phải trung tín trong đó. Khi chủ người nhìn thấy sự trung tín của người trong một việc nhỏ, chủ bèn đặt người "coi sóc cả gia tài mình". Chúng ta hết thảy hãy sống thật trung tín trong tất cả các việc nhỏ!
Điều nầy nhắc cho tôi nhớ tới hai viên quản gia trong ví dụ nói tới các ta lâng ở Mathiơ 25. Chủ của họ nói với mỗi người trong số họ: "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi".
B. Đầy tớ xấu, không khôn ngoan (các câu 48-51).
Để đối chiếu, Chúa Jêsus khi ấy mới mô tả tên "đầy tớ xấu" tiêu biểu cho hạng người vô tín trong những ngày sau rốt. Tất cả mọi người, dù được cứu hay chưa được cứu đều là hạng quản gia của Đức Chúa Trời và phải chịu trách nhiệm trước mặt Ngài. Một số tỏ thái độ thù nghịch Ngài cách công khai. Một số dửng dưng vô ý vô tứ. Một số biết rõ nhu cần một Cứu Chúa của họ, nhưng cứ nghĩ mình không có nhiều thì giờ. Đây là trường hợp của tên đầy tớ trong câu chuyện của Chúa Jêsus. Hắn nói: "Chủ ta đến chậm".
Thay vì sử dụng thì giờ của mình cách khôn ngoan và trung tín, hắn "đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu". Rõ ràng là không phải mỗi người không tin Chúa đều là kẻ nghiện rượu và bạo lực cả đâu. Tuy nhiên, nói chung quan điểm nầy chỉ ra những kẻ nào đang sống đời sống của họ trong sự bê tha ích kỷ mà tội lỗi đã giục giã họ. Khoái lạc là thần của họ.
Dĩ nhiên, trong câu chuyện của Chúa Jêsus có một sự tính toán. Chủ về tới nhà vào cái ngày mà tên đầy tớ "không ngờ và giờ nó không biết". Ngài đến mà chẳng có ai ngờ hết.
Hãy chú ý phần tương ứng trong các câu 36, 39, 42 25:13. Giống như tên đầy tớ xấu không biết "ngày và giờ" thì cũng vậy, hạng người vô tín loạn nghịch kia cũng không mong đợi sự tái lâm của Ngài. Khi Ngài đến "mọi chi tộc ở trên đất sẽ than khóc" khi họ nhìn thấy Đức Chúa Con "ngự trên mây trời mà đến".
Khi người chủ đến, người sẽ "đánh xé xương nó", sát nghĩa "cắt làm hai mãnh". Đây là lối nói quen thuộc khi dâng một con sinh làm của lễ ở Xuất Êdíptô ký 29:17. Nó có ý nói tới sự chết và sự huỷ diệt.
"Phần" của nó đồng với "kẻ giả hình". Vì Chúa Jêsus nói tên "đầy tớ xấu" sẽ bị kể chung với "kẻ giả hình" cho thấy rằng bản thân hắn chẳng phải là kẻ giả hình. Hắn không làm bộ hầu việc Đức Chúa Trời, mà rất thành thực về sự không tin của hắn. Trong ngày đó, tất cả những kẻ vô tín, cả những kẻ đang sinh sống trong sự loạn nghịch công khai với Đức Chúa Trời cùng những kẻ nào có đức tin giả dối, đạo đức giả sẽ bị quăng vào sự trừng phạt đời đời.
Ở đây Chúa Jêsus cung ứng cho chúng ta thấy một trong các phần mô tả của Ngài về địa ngục, một nơi có "khóc lóc và nghiến răng".
Một trong những phần việc khó khăn nhất dành cho vị Mục sư là phải yên ủi và đôi khi phải chịu lấy các tin tức về cái chết bất ngờ của một người thân yêu. Tôi luôn luôn nhớ tới việc “khóc than” của một bà mẹ khi bà hay tin con gái nhỏ mình đã mất. Địa ngục cũng giống y như thế. Sẽ có tiếng rên la mãi mãi trong sự hối hận triền miên.
"Nghiến răng" luôn luôn được gắn chặt với nỗi đau khổ lớn lao. Khi đau khổ bắn ngang qua thân thể của quí vị, quí vị sẽ cắn chặt răng mình lại. Nỗi hình khổ trong địa ngục sẽ kéo dài liên tục. Sẽ không có sự khuây khoả, không một cơ hội nào cho các cơ bắp của hàm được lơi lỏng, chỉ có cắn chặt lại không ngừng và "nghiến răng".
Có người từ chối không chịu hình ảnh ghê gớm nầy là sự trừng phạt đời đời. Họ cho rằng những câu nói như vầy chỉ là cách nói bóng mà thôi. Tôi không biết. Tuy nhiên, nếu những câu nầy chỉ là lối nói bóng, tôi chẳng tìm được điều yên ủi nào trong cách nói ấy. Vì họ phải chỉ ra một tình trạng tồi tệ hơn về sự hình khổ mà lý trí con người có thể nghĩ ra được.
Một lần nữa, quí vị sẵn sàng chưa? Có phải quí vị đã chuẩn bị rồi? Phải chăng quí vị đang trung tín? Chúng ta hãy để ra vài phút sau cùng, cùng nhau bàn luận một thắc mắc quan trọng. Tại sao Chúa Jêsus lại chờ quá lâu như thế mà không tái lâm chứ? John MacArthur đề nghị hai lý do theo Kinh Thánh:
· Thứ nhứt, Chúa Jêsus đang chờ đợi Điều Ác xổ ra trên đường chạy của nó.
Giăng ghi lại ở Khải huyền 14:15-16: "Có một thiên sứ khác ở đền thờ đi ra, cất tiếng lớn kêu Đấng ngồi trên mây rằng: Hãy quăng lưỡi liềm xuống và gặt đi; vì giờ gặt hái đã đến, mùa màng dưới đất đã chín rồi. Đấng ngồi trên mây bèn quăng lưỡi liềm mình xuống đất, và dưới đất đều bị gặt".
Mùa gặt là sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng trên con người. Mãi cho tới khi nào thiên sứ thông báo cho Chúa Jêsus biết rằng mùa gặt đã "chín" rồi, thì Ngài sẽ tái lâm. Đức Chúa Trời, theo quyền tể trị tối cao của Ngài đang cho phép tội lỗi leo lên đến tận những giới hạn không thể tránh được của nó.
· Thứ hai, Chúa Jêsus đang chờ đợi tất cả những kẻ đã được cứu, Danh của họ đã được ghi vào sổ sự sống.
Rôma 11:25-26 là câu chìa khoá ở đây: "Vả, hỡi anh em, tôi không muốn anh em chẳng biết sự mầu nhiệm nầy, e anh em khoe mình khôn ngoan chăng: ấy là một phần dân Y-sơ-ra-ên đã sa vào sự cứng lòng, cho đến chừng nào số dân ngoại nhập vào được đầy đủ; vậy thì cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp".
Trong kỷ nguyên Hội Thánh nầy, Đức Chúa Trời đang nhóm lại trong một thân, gồm số tín đồ từ hết thảy các dân Ngoại cũng như những người Do thái nào sẽ trở lại cùng Ngài (Êphêsô 2-3). Kỳ Đại Nạn là kỳ chuộc lấy Israel. Sẽ có nhiều người Do thái khi ấy chịu tin theo và tất cả người Do thái có lòng tin đều sẽ được cứu.
Êphêsô 2:20-22 phác hoạ kẻ được chuộc của Đức Chúa Trời như một toà nhà "đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” với “chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà". I Phierơ 2:5 chép rằng chúng ta từng Cơ đốc nhân là "đá sống, được xây nên nhà thiêng liêng". Toà nhà đó sẽ không trọn vẹn cho tới chừng mỗi căn phòng đã được hoàn tất và từng hòn đá "được chọn từ khi sáng thế" ở đúng vào vị trí của nó.
Mãi cho tới khi ấy, chúng ta hãy nhìn vào sự Cất Lên. Rôma 13:11-14 chép: "Hãy ăn ở như vậy, vì biết thời kỳ đang lúc chúng ta đây: giờ anh em từ ngủ thức dậy đã đến, bởi sự cứu hiện nay đã gần chúng ta hơn lúc chúng ta mới tin. Đêm đã khuya, ngày gần đến; vậy chúng ta hãy lột bỏ những việc tối tăm mà mặc lấy áo giáp sáng láng. Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét; nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó".

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét