Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Bài 89: Mathiơ 25:31-46: SỰ PHÁN XÉT CHIÊN-DÊ


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Sự phán xét Chiên-Dê
Mathiơ 25:31-46
"Ông Vua của những nhà truyền đạo", Charles Spurgeon, từng viết về phân đoạn Kinh Thánh tối nay như sau: "Cứu Chúa của chúng ta có một loạt tương phản trải qua trước mắt Ngài khi Ngài thốt ra lời tiên tri tối thượng nầy. Trong vòng ba ngày, Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá; Ngài đã phán về thời điểm ‘khi Con Người ngự đến trong sự vinh hiển của Ngài’. Ngài đã có một số nhỏ các môn đồ, một trong số họ sẽ phản Ngài, kẻ khác sẽ chối bỏ Ngài, và tất cả sẽ quên Ngài; tuy nhiên, bởi đức tin của Ngài,  đoàn tuỳ tùng thiên thượng sẽ phục vụ Ngài khi Ngài tái lâm ‘và hết thảy các thiên sứ thánh cùng ở với Ngài’. Bị mệt nhọc và quá nhiều công việc, và buồn rầu bởi sự cứng lòng của con người cùng số phận không tránh được của thành Jerusalem, Ngài đã ngồi bên sườn núi Ôlive; nhưng các tư tưởng của Ngài phóng qua các thời đại khi Ngài nói với các khán thính giả của Ngài về ngôi vinh hiển mà Ngài sẽ có được trong ngày mà Ngài sẽ tái lâm làm Quan Án cho cả nhân loại".
Khi Chúa Jêsus ngồi với các môn đồ Ngài trên Núi Ôlive, nhìn xuống thành Jerusalem, Ngài chia sẻ phần cuối của Bài Giảng Trên Núi Ôlive. Ngài nói cho họ biết rằng sau kỳ đại nạn rộng khắp kia, sau khi Ngài "ngự đến trên đám mây với đại quyền đại vinh" (24:30), Ngài sẽ ngồi phán xét tất cả các dân các nước trên thế giới.
Sự phán xét của Đức Chúa Trời là một lẽ đạo rất phổ thông xuyên suốt Kinh Thánh. Sự phán xét của Đức Chúa Trời trong Cựu ước dường như là tạm thời và chỉ ra sự trừng phạt trong kinh nghiệm còn ở đây trên đất. Ngược lại, sự phán xét của Đức Chúa Trời trong Tân ước là đời đời như hậu quả và chỉ ra sự trừng phạt ở bên kia mồ mả.
Chúa Jêsus khép lại sự dạy riêng lẽ nầy về kỳ tận thế với phần mô tả một trong những lời cảnh cáo nghiêm trọng nhất trong cả Kinh Thánh. Ngay trước khi Ngài thiết lập Vương quốc Thiên Hi Niên của Ngài trên đất, Ngài sẽ chia người tin với kẻ không tin ở bên tả và bên hữu, giống như chiên với dê vậy. Chỉ có những ai thuộc về Nhà Vua mới bước vào Vương Quốc ấy, phần còn lại sẽ đối diện với sự hình phạt đời đời.
Lẽ đạo của sách Mathiơ là Chúa Jêsus, Vua của các vua. Trong sách Mathiơ, chúng ta học biết nhiều về lần đến thứ hai hơn bất kỳ một sách Tin lành nào khác. Sự phán xét chiên-dê không được nhắc đến trong các sách tin lành khác. Có lẽ sở dĩ như vậy là vì sự phán xét nầy là một bức tranh lên tới điểm cao nhất về đặc quyền vương giả của Chúa Jêsus.
Chúng ta hãy xem xét bức tranh của Đấng Christ vương giả rồi kế đó xét tới tiến trình phán xét của Đấng Christ.
I. Bức tranh nói tới sự Vương Giả của Đấng Christ (các câu 31-32a).
A. Chúa Jêsus sẽ ở trong sự vinh hiển của Ngài (câu 31a).
Chúa Jêsus, "Con Người" sẽ trở thành Quan Án. Ngài công bố trong Giăng 5:22: "Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con". Đức Chúa Cha đã uỷ thác mọi sự phán xét loài thọ tạo cho Con của Ngài.
Thời điểm sự phán xét nầy sẽ là "khi Con Người ngự trong sự vinh hiển mình mà đến". Mặc dù chúng ta không biết "ngày cũng không biết giờ" (câu 13), chúng ta biết Chúa Jêsus sẽ tái lâm "ngay sau sự tai nạn của những ngày đó" (24:29). Ngài sẽ "hiện ra ở trên trời, mọi dân tộc dưới đất sẽ đấm ngực, và thấy Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống".
"Vinh hiển" ra từ chữ doxa và có sự ứng dụng rất rộng. Tôi nghĩ từ nầy có thể nói tới loại chói lọi mà ba người thuộc vòng trong cùng đã trông thấy trên Núi Hẹt-môn nơi sự hoá hình. Mathiơ 17:2 chép: "Ngài biến hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng". Chúng ta quay trở lại với Khải huyền 1:12-17 để thấy cái điều mà Giăng đã nhìn thấy trong sự hiện thấy của ông trên đảo Bát-mô.
Khi "các dân các nước" nhìn xem Ngài trong ngày ấy, họ sẽ không còn thấy Cứu Chúa chịu thương khó hoặc Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá nữa, mà họ sẽ nhìn thấy Nhà Vua đang đắc thắng (đối chiếu Khải huyền 19:11-16).
B. Chúa Jêsus sẽ có tất cả các thiên sứ thánh đi kèm (câu 31b).
II Têsalônica 1:7-8 mô tả: "…trong khi Đức Chúa Jêsus từ trời hiện đến với các thiên sứ của quyền phép Ngài, giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta". Mathiơ 24:31 chép về ngày đó: "Ngài sẽ sai thiên sứ mình dùng tiếng kèn rất lớn mà nhóm lại những kẻ đã được lựa chọn của Ngài ở khắp bốn phương, từ cuối phương trời nầy cho đến tận phương kia".
Trong sự tưởng tượng của Chúa Jêsus về Thí dụ nói tới lúa mì và cỏ lùng (13:24-30) và trong phần giải thích ở các câu 36-43: “mùa gặt, là ngày tận thế; con gặt, là các thiên sứ" (câu 39).
Mặc dù không được nhắc tới ở đây, tôi tin rằng những ai đã chịu chết trong Đấng Christ cũng sẽ có mặt nữa. Côlôse 3:4 chép: "Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em, sẽ hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển". Các thánh đồ từ những thời kỳ quá khứ cùng những người tuận đạo trong Kỳ Đại Nạn sẽ có mặt ở đó.
C. Chúa Jêsus ngồi trên ngôi trong sự vinh hiển của Ngài (câu 31b).
Nhiều thế kỷ trước Êsai đã nói tiên tri về Chúa Jêsus: "Quyền cai trị và sự bình an của Ngài cứ thêm mãi không thôi, ở trên ngôi Đa-vít và trên nước Ngài, đặng làm cho nước bền vững, và lập lên trong sự chánh trực công bình, từ nay cho đến đời đời. Thật, lòng sốt sắng của Đức Giê-hô-va vạn quân sẽ làm nên sự ấy!" (Êsai 9:6). Thiên sứ nói với Mary trong Luca 1:32: "Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao; và Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài". Giống như David đã trị vì từ ngôi của ông tại thành Jerusalem, cũng một thể ấy Con Đức Chúa Trời sẽ trị vì trong suốt Kỹ Nguyên của Vương Quốc.
Đây sẽ là một ngôi theo nghĩa đen, chớ không phải một Nước được thuộc linh hoá theo nghĩa bóng. Kế đó các thiên sứ nói với những môn đồ trong lúc Ngài thăng thiên về trời: "Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy" (Công vụ Các Sứ Đồ 1:11). Giống y như cách Ngài thăng thiên về trời, Ngài sẽ ngự xuống y như thế.
Hãy hình dung bối cảnh ấy. Hãy tưởng tượng doxa, sự chói lọi của nét vinh quang Ngài. Hãy tưởng tượng các thiên sứ đang đứng với sự kính sợ Ngài. Một thành phần khác làm cho bức tranh ra hoàn toàn.
D. Chúa Jêsus sẽ có mọi dân mọi nước cùng nhóm lại với Ngài (câu 32a).
"Muôn dân nhóm lại trước mặt Ngài". "Muôn dân" là chữ ethna ra từ chữ ethnos từ đó chúng ta có chữ "ethnic" (chủng tộc) có ý nói tới các nhóm sắc tộc. Trong trường hợp nầy, chữ nầy đề cập tới các dân theo cách riêng, từng người một còn sống bị để lại khi Đấng Christ tái lâm.
Mặc dù Hội Thánh sẽ được cất ra khỏi thế gian trước thời kỳ 7 năm Đại Nạn. Kinh Thánh nói rõ ràng trong thời kỳ đó sẽ có công cuộc truyền giáo mạnh mẽ lắm. Chính mình Chúa Jêsus đã phán trong 24:14 rằng: "Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến". Sẽ có một sự bắt bớ khủng khiếp và nhiều người tin Chúa sẽ phải tuận đạo.
Khi Chúa Jêsus tái lâm sẽ có hai hạng người sinh sống ở trên đất, những người tin Chúa và các kẻ không tin Chúa. Những người với dầu trong đèn và những kẻ chẳng có dầu trong đèn, hạng tôi tớ trung tín và hạng bất trung.
Hãy tưởng tượng ra bối cảnh đó khi tất cả dân cư còn sống của thế giới đang đứng trước mặt Chúa Jêsus ngồi trên ngai. Chắc chắn như chúng ta đang ngồi ở đây tối nay, chúng ta  sẽ thấy việc ấy bằng chính mắt của mình!
Quí vị chưa bao giờ vào trong Nhà Trắng. Quí vị chưa hề đến tham quan Điện Buckingham. Quí vị chưa hề dán mắt mình vào sự vương giả của đời nầy, nhưng là một tín đồ tin theo Chúa Jêsus, là chi thể của "chức thầy tế lễ nhà vua" của Ngài, quí vị sẽ cùng đứng với Ngài trong ngày ấy "trong mọi vinh quang của Ngài".
II. Tiến trình sự phán xét của Đấng Christ (các câu 32b-46).
A. Sự phân chia chiên và dê (các câu 32b-33).
Khi tôi còn ở tuổi thiếu niên, tôi nhớ đã phụ giúp tách mấy con bò mẹ ra khỏi bầy bê để cho thôi bú. Tôi nhớ  tới việc tách bầy bê đực để đem thiến chúng. Với bầy gia súc mà tôi nghĩ là bầy chiên, có những thời điểm cần phải tách bầy ra.
Trong thời buổi mà Chúa Jêsus phán đoán với cả đại dương nhân từ, Ngài sẽ "chia người nầy với người khác ra". Ngài sẽ làm thế "như kẻ chăn chiên chia chiên với dê ra". Chiên tượng trưng cho loài thọ tạo dễ sai dễ bảo và dê là thứ nóng nảy, khó dạy. Vì chúng không sống tốt với nhau, người chăn trong vùng Trung đông thường phân chia chúng ra lúc ban đêm.
Trong một hình thức tương tự, Chúa Jêsus sẽ phân chia người được cứu "bầy chiên của đồng cỏ Ngài", ra khỏi những kẻ vô tín, là "những con dê" ngoan cố, cứng đầu.
"Ngài sẽ để chiên ở bên hữu và dê bên tả". Khi Giô-sép đem hai con trai mình là Ép-ra-im và Ma-na-se đến để Gia-cốp chúc phước cho, Manase là con lớn và ông đã được đặt ở bên phải Gia-cốp, vì bên phải là chỗ của ơn phước. Giacốp đã đặt tay chéo rồi chúc phước cho Ép-ra-im hơn cả anh mình. Chúa Jêsus không ngồi ở bên "tay hữu Đức Chúa Trời" (đối chiếu Công vụ Các Sứ Đồ 7:55...). Được ở bên "tay hữu" của Chúa Jêsus là ở đúng vào chỗ của ơn phước.
B. Cơ nghiệp của người tin Chúa (các câu 34-40).
Đừng quên chi tiết quan trọng nầy. Chúa Jêsus là "Con Người" đang ngự ở trên ngôi. Trong câu 34 Ngài được nhắc tới trong vai trò của "nhà Vua".
Đối với người tin Chúa được cứu trong những ngày sau rốt nầy, họ sống để nhìn thấy Sự Tái Lâm, bầy "chiên", những người "ở bên tay hữu", "Hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất".
Rõ ràng là từ câu nầy, cơ nghiệp của vương quốc nầy không phải là phần thưởng của những việc làm, mà là sự dư dật của ân điển dành cho kẻ không đáng được. Họ sẽ không "nhận lấy nước" dựa theo các việc lành của họ vì Nước đã được sắm sẵn cho họ "từ khi dựng nên trời đất" từ lâu trước khi họ có cơ hội để làm bất kỳ một việc lành nào! Họ "nhận lấy nước" vì họ là người được "phước" của Đức Chúa Cha và vì ân điển rời rộng của Ngài, Ngài đã "sắm sẵn" nơi nầy cho họ "từ khi dựng nên trời đất".
Chúng ta hãy để ra một phút rồi nói về quyền tể trị của Đức Chúa Trời. Tể trị có nghĩa là Đức Chúa Trời đang điều khiển muôn vật. Ngài đang nắm quyền chủ động. Ngài đang lựa chọn. Kinh Thánh nói về hết thảy những người thật tin Chúa, rằng "trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta" (Êphêsô 1:4). Trong cõi quá khứ đời đời, trước Sáng thế ký 1:1, Đức Chúa Trời vốn biết trước từng Cơ đốc nhân chơn chính. Rôma 8.29: "Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em". Tôi đã chọn Đấng Christ làm Cứu Chúa tôi từ khi Đức Chúa Trời đã chọn tôi làm Con của Ngài.
Không một ai trong số người tin Chúa đó còn sống trong những ngày sau rốt sẽ lấy làm kinh ngạc về Đức Chúa Trời. Ngài sẽ không lầm chiên với dê đâu. Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 6:37: "Phàm những kẻ Cha cho ta sẽ đến cùng ta, kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoài đâu". Đức Chúa Cha vốn biết rõ họ cả thảy từ cõi quá khứ đời đời. Ngài đã chọn họ và đưa vào làm con nuôi trong gia đình đời đời của Ngài. Nếu chúng ta có thể xâm nhập vào tâm trí của Đức Chúa Trời ngay lúc bây giờ, chúng ta có thể đọc hết tên tuổi của họ dù khi họ chưa ra đời nữa. Đây là tầm mức rộng lớn sự cả thể của Đức Chúa Trời chúng ta.
Tôi nghĩ Chúa Jêsus phán ra mấy lời theo cách nầy để không có nhầm lẫn nào về mấy câu đứng kế. Công việc mà chúng ta cần phải đọc là BÔNG TRÁI, chớ không phải GỐC RỄ của ơn cứu rỗi của họ. Đây là BẰNG CHỨNG của sự cứu rỗi, chớ không phải NGUYÊN NHÂN của ơn cứu rỗi đó.
Kế đó Chúa Jêsus liệt kê ra sáu lãnh vực của nhu cần, bị "đói", "khát", "khách lạ", "trần truồng", "đau", "bị tù". Một Cơ đốc nhân chân chính là một người không thể nhìn thấy anh chị em mình đang ở trong một tình huống như thế rồi xây lưng lại với họ.
Giacơ 2:15-17 chép: "Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần dùng về phần xác, thì có ích gì chăng? Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết". I Giăng 3:17 chép: "Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được!"
Hãy tưởng tượng cuộc sống sẽ như thế nào trong thời kỳ bắt bớ của Cơn Đại Nạn. Sẽ có cơ hội rộng rãi cho hạng tín đồ chân chính để tỏ ra mỗi ngày công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của họ. Sẽ có vô số các tín hữu khác, họ đang "đói", "khát", "khách lạ", "trần truồng", "đau","bị tù".
Khi người tin Chúa thắc mắc lúc nào thì họ làm những việc đó cho Chúa, Ngài bèn đáp: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy".
Hêbơrơ 2:11 chép: "Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em". I Côrinhtô 6:17 chép: "Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tánh thiêng liêng cùng Ngài". Chúng ta có thể lần theo tư tưởng nầy xuyên suốt Tân ước thì thấy rằng các tín hữu đều làm một với Chúa. Vì vậy chúc phước cho một anh chị em là chúc phước cho Chúa. Thậm chí ngày nay, khi chúng ta phục vụ nhau, chúng ta đang phục vụ Chúa Jêsus.
C. Án phạt của người không tin (các câu 41-46).
Đối với hạng vô tín nhóm lại ở bên tả của Ngài, Chúa Jêsus sẽ phán: "Hỡi kẻ bị rủa, hãy lui ra khỏi ta; đi vào lửa đời đời đã sắm sẵn cho ma quỉ và những quỉ sứ nó". Một lần nữa, chúng ta xem thấy những lời cảnh báo liên tục của Chúa Jêsus về địa ngục. Đây là chỗ của "khóc lóc và nghiến răng" (24:51). Đây là chỗ "tối tăm" (25:30).
Khi ấy Chúa Jêsus sẽ nói cho họ lý do tại sao họ bị đẩy vào một chỗ như vậy. Sở dĩ như vậy là vì họ đã nhìn thấy Ngài "đói", "khát", "khách lạ", "trần truồng", "đau","bị tù". Chúa Jêsus không xét đoán hạng người nầy vì họ đã thất bại không phục vụ Ngài mà vì họ đã chối bỏ Ngài. Sự thật cho thấy rằng họ không phục vụ Ngài là bằng chứng họ không nhận biết Ngài. Vì họ không nhận biết Ngài họ không phục vụ con cái của Ngài.
PHẦN KẾT LUẬN. Quí vị có thể sẽ không đứng trước mặt Chúa Jêsus trong ngày đó lúc Ngài tái lâm, nhưng quí vị sẽ đối diện với sự phán xét của Ngài. Quí vị có mang những dấu hiệu của một tín đồ chân chính không? Quí vị có thực sự trở thành một Cơ đốc nhân chưa?
Từ lúc nầy đến lúc khác, khi tôi tham dự các đám tang, tôi nghe thấy người quá cố được khen ngợi giờ đây đã ở trong thiên đàng, khi chẳng có dấu hiệu nào rõ ràng cho thấy họ đi theo Đấng Christ trong suốt cuộc đời của họ cả. Có thể đó là một người rất nhơn đức, một người chồng chung thủy, một người cha hiền từ hay một người bạn có tiếng tốt. Đấy có thể là điều nói tốt cho chúng ta, nhưng nó sẽ chẳng ăn nhằm gì trước sự phán xét thánh khiết của Đức Chúa Jêsus Christ. Quí vị có dâng cho Ngài đời sống của mình chưa?

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét