Thứ Tư, 14 tháng 1, 2015

Bài 88: Mathiơ 25:14-30: TRUNG TÍN CHO ĐẾN CUỐI CÙNG


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Trung tín cho đến cuối cùng
Mathiơ 25:14-30
Khi chúng ta tiếp tục bài nghiên cứu qua Mathiơ 24-25, Bài Giảng Trên Núi, chúng ta đến với một phân đoạn khá quen thuộc, một câu chuyện được gọi là Thí dụ nói tới các ta lâng. Tôi đã dạy phân đoạn nầy nhiều lần và đã giảng vài sứ điệp khác nhau từ phân đoạn nầy qua nhiều năm thi hành chức vụ. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi dạy thẳng từ văn mạch của sách Mathiơ. Thay vì rút ra từng mảng từ thí dụ, chúng ta sẽ xét thí dụ như một tổng thể.
Như quí vị biết đấy, Bài Giảng Trên Núi Ôlive đề cập tới sự dạy dỗ mà Chúa Jêsus đã đưa ra từ "Núi Ôlive" khi đáp ứng với thắc mắc của các môn đồ về sự tái lâm của Ngài và "kỳ tận thế".
Thí dụ nói tới các ta lâng giống như Thí dụ nói tới các nữ đồng trinh khôn và dại mà chúng ta đã nghiên cứu trong bài học vừa qua về sự cần phải sẵn sàng và sửa soạn cho sự Tái Lâm của Chúa Jêsus. Thí dụ trước xử lý với việc TRÔNG ĐỢI sự tái lâm của Chúa trong khi thí dụ nầy quan tâm nhiều về LÀM VIỆC cho tới khi nào Chúa tái lâm.
Suốt cả Kinh Thánh chúng ta được thúc giục phải làm việc cho Chúa đang khi chúng ta có cơ hội, cần phải sống trung tín trong đời nầy. Truyền đạo 11:1 chép: "Hãy liệng bánh ngươi nơi mặt nước, vì khỏi lâu ngày ngươi sẽ tìm nó lại". Êsai 55:6 chép: "Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va đang khi mình gặp được; hãy kêu cầu đang khi Ngài ở gần!" Chúa Jêsus phán trong Giăng 9:4: "Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Đấng đã sai ta đến; tối lại, thì không ai làm việc được". Êphêsô 5:15-16 chép: "Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy lợi dụng thì giờ, vì những ngày là xấu".
Thí dụ nầy vốn có phần ứng dụng cho từng thế hệ kể từ khi Chúa Jêsus thốt ra nó lần đầu tiên. Tuy nhiên, theo văn mạch, thí dụ chủ yếu áp dụng cho những tín đồ thuộc thế hệ sau cùng, là những người sẽ được cứu trong "kỳ đại nạn" họ sẽ trông mong Chúa bất ngờ "lấy đại quyền đại vinh ngự đến trên đám mây".
I. Trách nhiệm của hàng tôi tớ (các câu 14-15).
A. Hiểu rõ Nước thiên đàng (câu 14a).
Mệnh đề "nước thiên đàng" đã được in nghiêng ở đây phải được hiểu như một sự liên tục từ câu 1
"Nước thiên đàng" chủ yếu đề cập tới quyền tể trị của Chúa Jêsus trong tấm lòng của con người. Tuy nhiên, như trong phân đoạn Kinh Thánh ở trước mặt chúng ta, nó có một phần ứng dụng rất đặc biệt. Ở đây giống như trong phân đoạn Kinh Thánh trước đó, nó đề cập tới Hội Thánh hữu hình. Trong vòng những người tự xưng mình là môn đồ của Đấng Christ có cả lúa mì và cỏ lùng. Giuđa đã được gọi là một môn đồ và thậm chí là một sứ đồ thế nhưng ông ta thực sự chưa được cứu. Có những tín đồ chân chính và những kẻ thực sự chưa được cứu chuộc. Giống như năm "nữ đồng trinh dại" họ sẽ bị trục xuất ra khỏi thiên đàng.
B. Hiểu rõ sự giáo hoá của thí dụ (các câu 14b-15).
Chúa Jêsus ví "nước thiên đàng" với một người sắp sửa đi "đến một xứ xa". Rõ ràng ông ta là một người rất giàu có với một gia tài rất lớn, và bận rộn kinh doanh ở một xứ xa.
Một trong những điều quan trọng nhất trong xã hội ngày nay là sự thông tin. Hết thảy chúng ta đều có điện thoại bàn, điện thoại di động, máy nhắn tin, máy fax, email, v.v… Chúng ta có thể lo liệu việc kinh doanh từ bất cứ đâu trên thế giới bởi ưu điểm của khả năng thông tin của chúng ta. Ở thế kỹ đầu tiên, họ chẳng có một trong các phương tiện nầy. Thậm chí một bức thư gửi về nhà phải mất đi mấy tháng trời. Người chủ đã trở về nhà trước khi bức thư về tới.
Vì ông ta không thể quản lý được gia tài của mình từ chỗ "xứ xa" đó, nhân vật trong thí dụ "đã giao của cải mình" cho "các đầy tớ mình". Hãy chú ý rằng ông ta không BAN CHO họ "của cải" mà là "giao" cho họ. Chúng vẫn còn là "của cải của ông". Những người "đầy tớ" vốn có chức năng quản lý đối với số của cải đó. Họ phải quản lý của cải của chủ vì ích của ông ta trong khi ông ta đi đường xa.
Từ ngữ chỉ về "đầy tớ"doulos, đây là một từ phổ thông nói tới hạng nô lệ hay hàng tôi tớ. Từ nầy có ý nói tới mỗi đầy tớ quán xuyến ở trong nhà hay một viên quản lý có trình độ cao. Văn mạch cho thấy rằng ba "đầy tớ" đã được nhắc tới ở đây đều là các đốc công có đẳng cấp cao giống như Giôsép ở trong nhà của Phôtipha vậy.
Ba đầy tớ nầy đã tiếp nhận các chức năng quản lý khác nhau. Người đầu tiên đã nhận lãnh "năm ta lâng". Người thứ hai đã nhận được "hai" và người thứ ba đã nhận được "một" ta lâng. Một "talâng" là một số tiền. Người chủ đã lượng tính cho mỗi đầy tớ một số tiền "tùy theo tài mỗi người". Người chủ vốn biết rõ ba "đầy tớ" nầy. Ông ta vốn biết rõ ai có thể giữ được bao nhiêu và sắp sẵn trách nhiệm rất phù hợp. Khi ấy "đoạn, chủ lên đường".
C. Hiểu rõ hình ảnh của thí dụ (các câu 14b-15).
Thứ nhứt, người chủ có ý nói tới Chúa Jêsus. Việc ông ta đi "đường xa" có ý nói tới thời điểm giữa lần đến thứ nhứt và lần đến thứ hai của Ngài.
Thứ hai, các "đầy tớ" tiêu biểu cho nhóm tín đồ hữu hình. Chúng ta là "đầy tớ" của Ngài và Ngài giao phó cho chúng ta thì giờ, talâng, ân tứ, khả năng và các thứ tài nguyên. Những gì chúng ta có đều không thuộc về chúng ta mà là thuộc về Ngài. Chúng ta có một chức năng quản lý đối với các tài nguyên của Đức Chúa Trời.
Thứ ba, mỗi người đều được giao cho trách nhiệm "tùy theo tài của mỗi người". Đức Chúa Trời đã ban cho nhiều người nam người nữ một chuỗi lớn các ta lâng và ân tứ. Có người, giống như người đầy tớ đầu tiên đã được ơn rất nhiều. Họ rất lỗi lạc và có nhiều, nhiều cơ hội. Những người khác, giống như người đầy tớ thứ hai đã được một số ân tứ nào đó. Họ có một số cơ hội. Vẫn có nhiều người giống như đầy tớ sau cùng, chỉ có một khả năng nhỏ nhoi và một ít cơ hội. Vấn đề, ấy là chúng ta sẽ thấy không phải chúng ta có nhiều bao nhiêu mà là chúng ta sẽ làm gì với tài năng chúng ta đang có.
Chúng ta sẽ được ban thưởng không phải vì những gì chúng ta chưa có mà vì chúng ta sẽ sử dụng thế nào những gì chúng ta đang có. I Côrinhtô 3:8 chép: "…ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm".
II. Phản ứng của đầy tớ (các câu 16-18).
Người đầy tớ đầu tiên với "năm talâng" đã đi "làm lợi ra". "Làm lợi" có nghĩa là người đã đầu tư chúng trong một phương thức kiếm được nhiều tiền hơn. Thực vậy, người "được năm talâng khác" trong sự đầu tư của mình. Thật là món đầu tư sinh lãi! Một món lãi tới 100%! Tôi thích có một người như vậy để làm môi giới, còn quí vị thì sao!?! Có lẽ Chúa Jêsus muốn nói rằng qua thời gian người nầy "đã làm lợi" và cứ làm lợi như thế bao lâu chủ đi vắng. Đến lúc chủ trở lại, người đầy tớ trung tín đã làm lợi gấp bằng hai số đầu tư của chủ mình.
Người đầy tớ thứ hai đã lãnh chỉ có "hai" talâng, ít hơn phân nửa của người thứ nhứt. Thế mà người không những đã trung tín mà còn rất khôn khéo trong công việc kinh doanh của mình. Giống như người thứ nhứt, người nầy đã lãnh được 100% lãi hay "hai talâng nữa", gấp bằng hai số đầu tư của chủ mình. Một lần nữa, không phải là quí vị có bao nhiêu, mà là quí vị sử dụng như thế nào những gì quí vị đang có!
Người đầy tớ thứ ba, là người "nhận được một talâng" chẳng nỗ lực chi hết để đầu tư ta lâng đó. Thay vì thế, người "đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ". Khi giấu một vật có giá trị trong một cái lỗ dưới đất là một việc rất phổ thông trong thời Tân ước như đã được minh họa trong Thí dụ nói tới của cải kín giấu trong Mathiơ 13:44. Chẳng hề có một thứ két an toàn nào trong xứ Palestine, vì vậy đem giấu một món của cải thường là phương thức an toàn nhất để giữ lấy của cải đó. Tuy nhiên, ông chủ đã không giao cho đầy tớ nầy để giữ cho an toàn mà là để đầu tư. Trong trường hợp nầy, đem giấu của cải dưới đất là phung phí một thứ tài nguyên có giá trị. Mặc dù đầy tớ nầy có ít hơn hai người kia, lẽ ra ông ta phải đầu tư "một" talâng của mình và cũng phải nhận lại một ta lâng khác nữa.
III. Sự tính toán của các đầy tớ (các câu 19-27).
“Cách lâu ngày”, một thời gian dài trôi qua "chủ của những đầy tớ ấy" trở về nhà. Mạng lịnh đầu tiên của chủ về công cuộc làm ăn là phải "tính sổ với họ". Họ biết chủ sẽ trở về, nhưng họ không biết ngày và giờ, lúc nào chủ sẽ trở lại. Cũng một thể ấy, những ai đang sinh sống trong thế hệ sau cùng sẽ không biết thời điểm nào về sự tái lâm của Chúa.
Cũng vậy, chúng ta không biết khi nào Chúa sẽ kêu gọi chúng ta về lại quê hương. Chúng ta không biết vào lúc nào Chúa sẽ muốn "tính sổ" với chúng ta. Đây là lý do tại sao chúng ta cần phải lo làm việc cho Ngài, tận dụng cơ hội tốt nhứt và thực thi phần đầu tư tốt nhứt các tài nguyên mà Ngài đã giao thác cho chúng ta. II Côrinhtô 5:10 chép: "Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt".
Hãy tưởng tượng bối cảnh lúc bấy giờ người đầy tớ đầu tiên bước vào văn phòng của chủ mình xem. Ông ta nói khi đứng đối diện với bàn giấy có chủ mình đang ngồi ở đó: "Lạy chúa, chúa đã cho tôi năm ta-lâng; đây nầy, tôi làm lợi ra được năm ta-lâng nữa". Hãy hình dung nét vui thích hiện lên trên ánh mắt của chủ khi 10 "talâng" đã được đặt trên bàn của ông ấy.
Người đầy tớ không khoe khoang, mà chỉ thực thi một sự bày tỏ ra chức năng quản lý tốt của mình mà thôi. Chúa Jêsus phán trong Luca 17:10: "Các ngươi cũng vậy, khi làm xong việc truyền phải làm, thì hãy nói rằng: Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm". Ồ, chúng ta ao ước muốn lo tròn bổn phận của mình đối với Chúa dường bao! Phaolô đã nói trong II Timôthê 4:6-8: "Về phần ta, ta đang bị đổ ra làm lễ quán, kỳ qua đời của ta gần rồi. Ta đã đánh trận tốt lành, đã xong sự chạy, đã giữ được đức tin. Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài".
Cách đây khá lâu, tôi có nghe nhà văn và là diễn giả Steve Farrar chia sẻ câu nói chứng đạo cá nhân của ông như sau: "Đừng sống tồi nữa!" Phaolô đã có một sứ mệnh tương tự. Ông đã nói trong I Côrinhtô 9:27: "song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng". Cái điều tôi e dè nhất, ấy là trong một phút yếu đuối và dại dột, tôi có thể phạm vào việc sẽ làm đắm chìm đức tin của tôi và chẳng xứng chi với mọi sự tôi đã lo làm trong chức vụ. Tôi muốn đánh trận tốt lành và xong cuộc chạy và rồi tin cậy Đấng thành tín của tôi xét đoán mọi hành vi của tôi.
Ông chủ rất lấy làm vui thích. Ông ấy nói trong câu 21: "Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi". Ồ, một ngày kia hãy mong mỏi nghe được lời nầy ra từ nơi Chúa!
Phần thưởng thiên thượng của quí vị dành cho sự phục vụ trung tín sẽ đến trong hai chi tiết. Thứ nhứt, quí vị sẽ trở thành một "người đồng trị" với Đấng Christ "trên nhiều việc". II Timôthê 2:12 chép: "lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị". Khải huyền 5:10 chép về người tin Chúa: "và Ngài đã làm cho những người ấy nên nước, và thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời chúng ta; những người ấy sẽ trị vì trên mặt đất". Khải huyền 20:6 nói tới Vương Quốc trong thời kỳ Thiên hy niên: "Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhất! Sự chết thứ nhì không có quyền gì trên những người ấy; song những người ấy sẽ làm thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ, cùng sẽ trị vì với Ngài trong một ngàn năm".
Chi tiết thứ hai của phần thưởng, ấy là chúng ta sẽ "bước vào" trong sự "vui mừng" hay Chúa Jêsus của chúng ta! Chúng ta sẽ chia sẻ sự trọn lành và tri thức của Ngài, nhưng quan trọng hơn, chúng ta sẽ chia sẻ sự "vui mừng" của Ngài.  Hêbơrơ 12:2 bảo chúng ta phải: "nhìn xem Đức Chúa Jêsus, là cội rễ và cuối cùng của đức tin, tức là Đấng vì sự vui mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập tự giá, khinh điều sỉ nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời". Chúng ta sẽ chia sẻ trong sự nhận biết đầy đủ sự "vui mừng" đã khiến cho Chúa Jêsus phải bước lên thập tự giá!
Tường trình của người đầy tớ thứ hai tất nhiên rất giống với báo cáo của người thứ nhứt. Ông ta cũng báo cáo 100% lãi trên phần đầu tư của chủ. Ông ta có ít hơn phân nửa so với người kia, nhưng đã lo làm ăn với những gì ông ta đã có.
Khi tôi còn trẻ, tôi đã mơ tới việc trở thành một nhà truyền đạo nổi tiếng. Tôi nghĩ tôi sẽ đảm nhận một chức vụ truyền giáo sâu rộng trên đài phát thanh, đi đó đi đây rao giảng khắp mọi nơi mọi chốn và in ấn thật nhiều sách báo. Tôi muốn trở thành người kế vị Chuck Swindoll hay John MacArthur. Khi tôi lớn tuổi thêm, tôi nhận ra rằng tôi không có "năm ta lâng". Trong nền kinh tế của Đức Chúa Trời, tôi chỉ có "hai" hay có lẽ chỉ có "một" ta lâng mà thôi. Cái tôi có hay không có không thành vấn đề với việc tôi làm gì với những gì tôi đang có. Tôi đã học biết rằng rốt lại, tôi phải trung tín sử dụng mọi điều mà Đức Chúa Trời đã giao thác cho tôi ngay ở đây hôm nay rồi để cho Ngài chăm sóc cho ngày mai.
Hãy lưu ý người đầy tớ thứ hai ĐÃ NHẬN ĐƯỢC CÙNG MỘT PHẦN THƯỞNG. Câu 23 cũng y như câu 21. Có những ân tứ khác nhau, nhưng có cùng sự thành tín và cùng phần thưởng! Phần thưởng không dựa vào các thành tựu của con người song dựa vào sự phục vụ thật trung tín.  
Sau cùng, người đầy tớ thứ ba bước vào văn phòng của chủ. Dường như ông ta bối rối lắm. Tôi hình dung ông ta đã lo đào mấy cái lỗ trong sự dại dột, rồi lại ra sức cách dại dột tìm kiếm ở chỗ mình đem giấu ta lâng đó. Với bụi đất dính đầy mấy ngón tay của mình, ông ta lết tới bàn của chủ.
Xoay đồng tiền quay trên bàn, ông ta mau chóng thốt ra câu chuyện rất hay: "Lạy chúa, tôi biết chúa là người nghiêm nhặt, gặt trong chỗ mình không gieo, lượm lặt trong chỗ mình không rải ra, nên tôi sợ mà đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả cho chúa".
Người đầy tớ nầy đại diện cho những ai trông giống như môn đồ mà phải chứng minh bởi việc làm của mình rằng họ không phải là môn đồ. Ông ta không ăn cắp tiền của chủ hoặc lừa gạt chủ dù là cách nào, nhưng ông ta chẳng làm gì với tiền bạc đó. Có nhiều người đang ngồi trong nhà thờ, lắng nghe bài giảng, tương giao với dân sự của Đức Chúa Trời, mà chẳng làm gì để hầu việc Đức Chúa Trời cả. Chính trong sự bất trung của họ, họ đã bày tỏ ra thái độ không thành thật của đức tin họ. Giacơ 2:17 chép: "Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết". Việc làm không phải là phương tiện của sự cứu rỗi, mà là bằng cớ của sự cứu rỗi đó.
Trong việc trở thành một đầy tớ có đẳng cấp cao, điều nầy chỉ ra có nhiều người là lãnh đạo trong Hội Thánh, thậm chí là Mục sư, là trưởng lão, họ thực sự chưa được cứu.
Việc tính sổ của chủ tuy rất khó chịu, nhưng xứng đáng. Ông ta nói: "Hỡi đầy tớ dữ và biếng nhác kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và lượm lặt trong chỗ ta không rải ra; vậy thì ngươi phải đưa bạc của ta lại cho người buôn bạc, rồi khi ta trở về, sẽ lấy vốn và lời". Ít nhất người đầy tớ ấy cũng có được một món lời nho nhỏ khi ông ta đem gửi tiền vào nhà băng.
IV. Phần thưởng của các đầy tớ (các câu 28-30).
Phần thưởng của ông chủ là lấy một ta lâng của đầy tớ "biếng nhác" rồi "cho kẻ có mười ta-lâng". Thêm nữa, ông còn tuyên bố: "Vì sẽ cho thêm kẻ nào đã có, thì họ sẽ dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì cũng cất luôn điều họ đã có nữa". Người nào chứng tỏ họ được cứu bằng sự trung tín sẽ nhận được nhiều hơn, còn kẻ nào cho thấy họ chưa thuộc trọn vẹn về Chúa sẽ mất hết những gì họ đã có.
Có những tín đồ chân chính mà lại bất trung. Khi bị thử bằng lửa, họ sẽ chịu lấy sự mất mát. I Côrinhtô 3:15: "Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy". Người đầy tớ nầy không phải là bất trung mà là không có đức tin. Kết quả là, ông ta bị "quăng vào chỗ tối tăm", hình ảnh về sự hình phạt đời đời của Chúa Jêsus trong hoả ngục. Một lần nữa Ngài cung ứng cho chúng ta hình ảnh về chỗ nầy đã đầy dẫy với "khóc lóc và nghiến răng".
Có phải quí vị là đầy tớ trung tín, đầy tớ bất trung hay đầy tớ không có đức tin?

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét