Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Bài 90: Matihơ 26:1-16: NHỮNG CHUẨN BỊ CHO THẬP TỰ GIÁ


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Những chuẩn bị cho thập tự giá
Mathiơ 26:1-16
Khi chúng ta đi từ các chương 24-25 qua mấy câu mở đầu của chương 26, chúng ta chuyển từ sự dạy của Chúa Jêsus trong Bài Giảng Trên Núi Ôlive sang những ngày cuối chức vụ của Ngài ở trên đất. Chúa Jêsus đã nói trước sự huỷ diệt đền thờ, các dấu hiệu của kỳ tận thế, Cơn Đại Nạn, Sự Đến Lần Thứ Hai của Ngài "trong đại quyền đại vinh" và sự phán xét của Ngài đối với toàn bộ cư dân của hành tinh quả đất, nhưng trước hết Ngài phán: "Con người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự". Chúa Jêsus đang phán: "Ta sẽ tái lâm. Ta sẽ phán xét. Ta sẽ trị vì trên đất và mở ra thời kỳ thần quyền ngàn năm. Thời kỳ ấy là thiên đàng ở trên đất. Nhưng trước hết, ta phải chịu chết…".
Giống như các chương 24-25 nói về sự tái lâm của Đấng Christ, các chương 26-27 nói tới sự chết có tính cách hy sinh, cứu chuộc của Đấng Christ. Chúng ta hãy lưu ý bốn sự chuẩn bị cho sự chết của Chúa Jêsus trên thập tự giá.
I. Sự chết của Chúa Jêsus đã được Đức Chúa Trời định trước (các câu 1-2).
A. Chúa Jêsus vốn biết rõ Ngài sẽ phải chết như thế nào.
"Vả, Đức Chúa Jêsus đã phán những lời ấy xong rồi", nghĩa là khi Ngài đã hoàn tất xong mọi sự dạy về sự tái lâm của Ngài, Ngài đưa các môn đồ trở lại với thực tại bằng cách thốt ra "còn hai ngày nữa" Ngài sẽ bị "nộp để chịu đóng đinh trên cây thập tự".
Đây là lẽ thật thứ năm Mathiơ ghi lại Chúa Jêsus phán cùng môn đồ Ngài về sự chết sắp tới của Ngài. Trong 16:21, ngay sau khi Phierơ đưa ra lời xưng nhận long trọng, Chúa Jêsus đã dứt khoát nói cho họ biết rằng Ngài không bao lâu nữa "phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại".
Trong 17:12, khi Chúa Jêsus từ Núi Hoá Hình xuống với Phierơ, Giacơ và Giăng, Ngài phán về sự tuận đạo của Giăng Báptít, là người đã đến trong vai trò của "Êli". Khi ấy Ngài nói thêm: "Con người phải chịu khốn khổ bởi họ cũng như vậy".
Một thời gian ngắn sau đó, trong 17:22-23, Chúa Jêsus phán: "Con người sẽ bị nộp trong tay người ta. Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại".
Kế đó chúng ta chuyển sang 20:17-19, ở đây Chúa Jêsus một lần nữa thốt ra lời tiên tri kinh khủng nầy: "Nầy, chúng ta đi lên thành Giê-ru-sa-lem, và Con người sẽ bị bắt nộp cho các thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, bọn đó sẽ luận giết Ngài. Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại hầu để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại”.
Đây là lần thứ năm, Chúa Jêsus nói cho các môn đồ Ngài biết Ngài sắp sửa "bị nộp để bị đóng đinh trên cây thập tự". Chúa Jêsus vốn biết rõ Ngài phải chịu chết. Ngài biết chính xác Ngài sẽ chết như thế nào nữa. Ngài biết rõ Ngài đã ra đời vì mục đích nầy.
Hết lúc nầy tới lúc khác, những con người tài trí vô tín đã lên mày lên mặt: "Jêsus là một giáo sư giỏi như thế, nhưng ông ấy chỉ là một con người. Cuộc đời của ông ấy không may đã bị định mệnh làm tiêu tan trước khi ông ấy có một cơ hội để làm tròn mọi việc phải làm cho xã hội". Đây là những lời dối trá ra từ đáy sâu địa ngục. Chúa Jêsus ra đời để chịu chết vì tội lỗi chúng ta và Ngài vốn biết rõ điều đó.
Sau Lễ Tiệc Thánh sau cùng, Chúa Jêsus phán cùng các môn đồ: "Con người đi, theo như điều đã chỉ định…" (Luca 22:22). Ở trong vườn, Ngài đã cầu nguyện: "Hiện nay tâm thần ta bối rối; ta sẽ nói gì?… Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ nầy! nhưng ấy cũng vì sự đó mà Con đến giờ nầy!" (Giăng 12:27).
Phierơ về sau đã lớn tiếng trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nói rằng Ngài đã "bị nộp theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời" (Công vụ Các Sứ Đồ 2:23). Khải huyền 13:8 mô tả Chúa Jêsus là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế". Êsai đã nói tiên tri: "Bởi vì….người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?" (53:8). Đaniên 9:26 chép: "Đấng chịu xức dầu sẽ bị trừ đi". Xachari 13:7 chép: "Đức Giê-hô-va vạn quân phán rằng: Hỡi gươm, hãy thức dậy nghịch cùng kẻ chăn của ta, và nghịch cùng người làm bạn hữu ta; hãy đánh kẻ chăn, cho những chiên tản lạc…".
Chúa Jêsus là một nạn nhân không có gì miễn cưỡng, mà cũng là một sự hy sinh sẵn lòng vì tội lỗi chúng ta. Ngài phán: "Con Người đến không phải để cho người ta hầu việc mình, mà Ngài đến để hầu việc, và để phó mạng sống mình, làm giá chuộc nhiều người". Khi Ngài bị bắt, Ngài đã nói cho các môn đồ biết nếu Ngài muốn Ngài sẽ gọi "mười hai đạo thiên sứ" (Mathiơ 26:53). Trong Giăng 10:17-18, Ngài phán: "Nầy, tại sao Cha yêu ta: Ấy vì ta phó sự sống mình để được lấy lại. Chẳng có ai cất sự sống ta đi, nhưng tự ta phó cho; ta có quyền phó sự sống, và có quyền lấy lại; ta đã lãnh mạng lịnh nầy nơi Cha ta".
B. Chúa Jêsus biết rõ khi nào Ngài sẽ chịu chết.
Chúa Jêsus phán Ngài sẽ chịu chết "sau hai ngày" và vào "Lễ Vượt Qua".
Chúa Jêsus sẽ chết vào ngày "Lễ Vượt Qua" không phải là một sự ngẫu nhiên đâu. Như trong sự giải cứu ra khỏi Ai cập, Vượt Qua là khi chiên con làm của lễ bị giết vì cớ tội lỗi của cả dân sự. Chúng chỉ là những biểu tượng cho sự hy sinh của Chúa Jêsus là "Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi" (Giăng 1:29). Như Êsai 53:7 đã nói tiên tri: "Như chiên con bị dắt đến hàng làm thịt, như chiên câm ở trước mặt kẻ hớt lông, người chẳng từng mở miệng". Phaolô đã nói trong I Côrinhtô 5:7: "Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi".
Kinh Thánh nhắc tới vài cơ hội khác khi đám dân kia định giết Chúa Jêsus. Hê-rốt đã tìm cách giết Ngài khi còn là con trẻ ở tại Bết-lê-hem. Luca 4 ghi lại cuộc viếng thăm đầu tiên ở nhà hội tại quê hương Nazarét của Ngài. Bài giảng của Ngài làm kích động dân sự đến nỗi họ đã tìm cách đẩy Ngài xuống bờ vực. Ngài đã qua khỏi họ một cách siêu nhiên và thoát đi (các câu 16-30). Lúc đầu chức vụ của Ngài, Giăng 5:18 chép: "Bởi cớ đó, dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ mình, làm ra mình bằng Đức Chúa Trời". Đối với một số người, Chúa Jêsus được biết là "Đó có phải là người mà người ta tìm giết chăng?" (Giăng 7:25). Chúa Jêsus ra đời để chịu chết, nhưng Ngài sẽ chết đúng lúc, đúng chỗ và đúng theo đường lối đã được Đức Chúa Trời định đoạt.
Thời điểm chưa đúng cho Chúa Jêsus chịu chết trong bất kỳ một cơ hội nào trong các cơ hội trên đây. Còn bây giờ, chiếc đồng hồ thiêng liêng của Đức Chúa Trời đã đúng điểm và Chúa Jêsus vốn biết rõ CÁCH NÀOKHI NÀO Ngài sẽ chịu chết vì cớ tội lỗi của chúng ta.
II. Sự chết của Chúa Jêsus đã được hoạch định bởi các cấp lãnh đạo người Do thái (các câu 3-5).
Trong khi Chúa Jêsus trò chuyện với các môn đồ trên Núi Ôlive, một hội nghị được triệu tập gồm: "các thầy tế lễ cả và các trưởng lão trong dân". Họ đã nhóm lại "trong tòa thầy cả thượng phẩm" có tên là "Caiphe". Trong buổi nhóm họ bàn với nhau làm thế nào để bắt Chúa Jêsus "dùng mưu chước" hay sự dối gạt và làm thể nào để "giết Ngài".
Bất cứ đâu "Caiphe" "thầy cả thượng phẩm" được nhắc tới trong Kinh Thánh, luôn luôn có một sự kết nối với những ham muốn giết chóc của ông ta nghịch lại Chúa Jêsus. Ông ta là hiện thân của các cấp lãnh đạo tôn giáo Israel chưa được chuộc, hư hoại và vô liêm sĩ. Với An-ne cha vợ của ông ta, cựu thầy tế lễ thượng phẩm, ông ta đã hình thành một sự cộng tác với Rôma để luôn luôn nắm lấy quyền lực. Ông ta đã xem Chúa Jêsus là một mối đe doạ cho cấu trúc quyền lực đó.
Sau khi nhóm các thành viên khác thuộc Toà Công Luận lại ở "toà" của Caiphe, họ "đã bàn" với nhau làm thế nào họ có thể bắt lấy Chúa Jêsus bằng cách "dùng mưu mẹo" [từ chữ dolos có nghĩa là ‘bẫy, mồi"]. Họ muốn tìm ra một phương thức nào đó để "giết" Chúa Jêsus mà không làm cho đoàn dân đông kia phải rối động.
Những buổi nhóm phản nghịch của họ đã làm ứng nghiệm lời tiên tri ở Thi thiên 2:2: "Các vua thế gian nổi dậy, các quan trưởng bàn nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài".
Trong một kiểu cách tiệm tiến, hơn ba năm trời Chúa Jêsus đã công khai tố giác tình trạng giả hình và bất kỉnh của họ. Họ đã có đủ. Họ đã muốn bắt lấy Ngài càng sớm càng tốt, nhưng họ nói: "Không nên làm trong ngày lễ, e trong dân chúng sanh ra điều xào xạc chăng".
Theo sử gia Do thái Josephus khoảng 256.500 chiên con đã bị giết trong kỳ Lễ Vượt Qua. Truyền khẩu cho biết cứ khoảng 10 người thì ăn một chiên con, một đánh giá số dân cư của thành phố có tới hơn 2 triệu người có mặt trong kỳ lễ. Chỉ mấy ngày trước đó, họ đã kêu lên: "Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!" (21:9).
Các cấp lãnh đạo tôn giáo gian ác, họ e sợ có một sự "xào xạc" hay nổi loạn sẽ nổ ra. Mặc dù họ đã dự trù đẩy ra một sự bắt bớ trong vòng mấy ngày, Đức Chúa Trời đã tể trị chọn lấy Lễ Vượt Qua làm thời điểm cho của lễ. Đức Chúa Trời sử dụng sự tàn ác nhất của con người để hoàn tất ý chỉ thiêng liêng của Ngài.
III. Sự chết của Chúa Jêsus đã được Mary xức dầu (các câu 6-13).
Mặc dù có những ý kiến khác nhau, tỉ như thứ tự thời gian (6 ngày trước kỳ lễ, Giăng 12:1) và về lai lịch của "Simôn người phung""người đờn bà" chắc chắn là Mary, em của Mathê và Laxarơ. Câu chuyện tương ứng được thấy có ở Mác 14 và Giăng 12.
"Bêthany" nằm ngay phía Đông của thành Jerusalem hần Núi Ôlive. Có lẽ Chúa Jêsus cùng các môn đồ đang ngủ ở đó trong suốt kỳ lễ. Trong khi ở đó, họ đã được mời đến dự bữa ăn tại nhà của "Simôn người phung". Có lẽ đây là một người đã được Chúa Jêsus chữa lành cho (đối chiếu Mác 1:40-44). Rõ ràng ông ta không còn là một người "phung" nữa vì người bị căn bịnh khủng khiếp ấy không được phép sinh sống trong các thị trấn hay gần những ai không bị bịnh đó.
Giăng cho chúng ta biết Laxarơ "là người Ngài đã khiến sống lại từ kẻ chết" đã ngồi đồng bàn với Simôn, Chúa Jêsus và các môn đồ. Đúng là họ đã có một mối thông công với nhau! Giăng 12:2 cho chúng ta biết: "Người ta đãi tiệc Ngài tại đó, và Ma-thê hầu hạ". Tất nhiên Mathê là người chị rất bận rộn của Mary và Laxarơ.
Khi họ ngồi dựa vào bàn sau bữa ăn, "một người đàn bà",  Mary "đến gần Ngài". Trong một bữa ăn khác, nàng đã ngồi dưới chơn Ngài. Khi anh nàng qua đời, nàng đã kêu la cùng Ngài. Giờ đây, nàng đã đến với một món quà quí giá.
Nàng đã cầm trong tay mình "cái chai bằng ngọc trắng đựng dầu thơm quí giá lắm". Mác 14:5 cho rằng giá trị của dầu ấy "hơn ba trăm đơ-ni-ê", là tiền lương của cả một năm. Cái "chai bằng ngọc trắng" làm cho dầu ấy ra có giá trị lắm. Chúng ta không biết dầu ấy làm bằng cách gì. Gia đình thì chẳng lấy gì giàu có lắm. Có lẽ dầu nầy là của gia truyền được truyền lại cho họ.
Mary đến gần Chúa Jêsus "mà đổ trên đầu Ngài đang khi ngồi ăn". Mác nói nàng "đập bể ra" và Mathiơ nói nàng "đổ trên đầu Ngài" khi Ngài còn ngồi ở đó. Nàng không đổ chỉ một chút dầu thôi đâu. Nàng đã đổ ra hết dầu đó. Nàng chẳng giữ lại một chút gì, nhưng đã đổ hết dầu ấy lên đầu Chúa Jêsus. Giăng 12:3 nói thêm rằng nàng cũng "xức chân Đức Chúa Jêsus, và lấy tóc mình mà lau". Dường như nàng đã khởi sự từ đầu của Ngài rồi để cho dầu chảy xuống cả thân thể cho tới chân của Ngài. Nàng đã xức dầu cho Ngài làm Đấng Tiên tri, Thầy Tế Lễ và làm Vua của chúng ta! Giăng cũng nói: "cả nhà thơm nức mùi dầu đó". Những người khác ngồi ở đấy im lặng choáng váng trong mấy phút đồng hồ.
Đột nhiên, sự quí giá của dầu xức đó đã phủ lút họ. Họ đã làm bài toán rồi "giận mà trách". Họ cho món quà của Mary là một sự "phí của", nó có thể "bán được nhiều tiền và lấy mà thí cho kẻ nghèo nàn".
Thế rồi lời quở trách ra từ nơi Chúa. Chúa Jêsus hỏi: "Sao các ngươi làm khó cho người đàn bà đó? Người đã làm việc tốt cho ta; vì các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình, song sẽ không có ta ở cùng luôn luôn". Việc giúp đỡ cho “người nghèo” và phục vụ các nhu cần thuộc thể luôn luôn là rất quan trọng như Chúa Jêsus đã dạy ở trong chương vừa qua. Những việc làm đó minh chứng cho ơn cứu rỗi chơn thật. Tuy nhiên, đây là một hành động thờ phượng. Mary đã phó thác hết phần của cải có giá trị nhất cho Chúa Jêsus.
Chúa Jêsus phán: "Người đổ dầu thơm trên mình ta là để sửa soạn chôn xác ta đó". Có thể không cứ cách nào đó, chỉ một mình Mary đã hiểu được điều gì sắp sửa xảy ra. Có thể nàng đã nhận ra cái bóng mờ của thập tự giá.
Philip Keller viết: "Dầu thơm quí giá chảy xuống từ mái tóc óng ánh và bộ râu thật dày của Ngài. Nó ươm hết cả thân thể Ngài với mùi thơm làm say mê của nó. Ngay cả áo xống bên ngoài và đồ lót bên trong đều ướt đẫm với mùi hương thơm ngát đó. Bất cứ đâu Ngài đi tới trong vòng 48 giờ đồng hồ sau đó, mùi thơm sẽ cùng đi với Ngài. Trong kỳ Lễ Vượt Qua, trong vườn Ghết-sê-ma-nê, trong nhà của thầy tế lễ thượng phẩm, trong cung điện của Hê-rốt, trong tư dinh của Phi-lát, trong bàn tay độc ác của những kẻ bắt thăm lấy áo xống của Ngài tại nơi chân thập tự giá. Việc xức dầu đặc biệt nầy đổ trên đầu và thân thể là một nghi thức chỉ dành cho bậc vua chúa mà thôi. Chúa Jêsus đã công nhận điều nầy và những kẻ ở chung quanh Ngài cũng đều công nhận như thế. Đây là giây phút có ý nghĩa quan trọng nhất".
Chúa Jêsus phán thêm nữa: "Hễ nơi nào Tin Lành nầy được giảng ra, thì cũng thuật lại việc người ấy đã làm để nhớ đến người".
G. Campbell Morgan viết: "Đây là lần duy nhứt Đấng Christ từng nhắc tới việc ghi nhớ cho một người, và sự ghi nhớ Ngài không nói tới ghi nhớ vàng hay cẩm thạch, cũng không ghi nhớ đền thờ từ lúc xây lên cho tới lúc tàn tro của nó nằm trong bụi đất. Chúa Jêsus phán hãy nhớ tới một mùi hương; và đất được ngọt ngào hơn, bầu trời được phong phú hơn, vì tình yêu của Mary và sự chấp nhận của Đấng Christ  về mùi hương dầu xức đó".
IV. Sự chết của Chúa Jêsus đã Giu-đa chuẩn bị trước (các câu 14-16).
Trước khi đào sâu vào mấy câu nầy về sự phản bội của Giuđa, hãy xem xét sự tương phản giữa ông ta và Mary. Mary là một công cụ của ân điển, Giuđa là công cụ của tội lỗi. Mary có ánh sáng của tình yêu thương, còn Giuđa bóng tối tăm của sự phản bội. Mary đã thờ phượng cách công khai; Giuđa đã phản bội cách bí mật. Nàng vốn có một thứ tình yêu vượt trỗi hơn thập tự giá bằng cách xức dầu Chúa Jêsus để chôn cất Ngài. Ông ta đã kết thúc bằng cách tự tử sau khi đã thù hận đưa Chúa Jêsus lên thập tự giá.
Có lẽ trong khi Toà Công Luận đang nhóm lại tại "toà" của Caiphe, "Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, đến tìm các thầy tế lễ cả". Có lẽ họ hiếm khi có được niềm vui sướng khi hắn ta hỏi: "Các thầy bằng lòng trả cho tôi bao nhiêu đặng tôi sẽ nộp người cho?" Họ "bèn trả cho nó ba chục bạc". Với cái giá của một tên nô lệ (đối chiếu Xuất Êdíptô ký 21:32), không những Giuđa đã bán chính Thầy và Thiết Hữu của mình, mà hắn còn bán cả Con Đức Chúa Trời, Cứu Chúa của thế gian nữa!
Câu 16 chép rằng: "Từ lúc đó, nó tìm dịp tiện để nộp Đức Chúa Jêsus". Giuđa biết rõ "cơ hội" đó sẽ đến khi Chúa Jêsus ở trong một nơi riêng biệt tránh xa các đoàn dân đông… một nơi giống như vườn Ghết-sê-ma-nê.
Điều gì đã xảy ra cho Giuđa vậy? Đấy là một thắc mắc mà các học giả Kinh Thánh đều hỏi đến trong nhiều thế kỷ. Ông ta đã dự phần cùng những kinh nghiệm giống như 11 người kia. Ông ta đã nhìn thấy nhiều phép lạ. Ông ta đã nghe sự dạy dỗ. Ông ta đã đi đó đi đây với, ăn với và sống với Chúa Jêsus trong ba năm rưỡi. Ông ta đã nhìn thật sâu vào trong đôi mắt của Chúa Jêsus. Ông ta biết tiếng của Đấng Chăn Chiên. Ông ta đã cảm nhận được vòng tay ôm của Chúa. Thế mà ông ta lại phản Ngài?
Giuđa đã phản Chúa Jêsus vì Giuđa chưa hề thực sự nhìn biết Chúa Jêsus. Giống như nhiều Cơ đốc nhân có trình độ hôm nay, ông ta tôn vinh Chúa Jêsus bằng môi miệng của mình, nhưng tấm lòng ông ta thì xa cách, xa cách lắm (15:8; Êsai 29:13).

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét