Thứ Tư, 28 tháng 1, 2015

Bài 91: Mathiơ 26:17-30: "TỪ LỄ VƯỢT QUA ĐẾN TIỆC THÁNH"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Từ Lễ Vượt Qua đến Tiệc Thánh
Mathiơ 26:17-30
Trong các câu 1-16 ở Mathiơ 26, chúng ta đã học biết về bốn sự chuẩn bị cho sự chết của Chúa Jêsus. Sự chết nầy đã được Đức Chúa Trời tiền định sau "hai ngày nữa" (câu 2). Các cấp lãnh đạo người Do thái đã âm mưu làm việc ấy (các câu 3-5). Mary đã xức dầu cho Chúa (các câu 6-13). Và Giu-đa đã chuẩn bị trước cho sự chết đó (các câu 14-16).
Trong phân đoạn Kinh Thánh ngày hôm nay, chúng ta xem xét chính mình Chúa Jêsus đã thực thi một số sự chuẩn bị sau cùng như thế nào trước khi lên thập tự giá. Ngài đã kỷ niệm Lễ Vượt Qua với các môn đồ và Ngài thiết lập Lễ Tiệc Thánh đầu tiên.
Lễ Vượt Qua là lễ xưa nhất trong các kỳ lễ của người Do thái và là lễ đầu tiên trong tờ lịch của năm (Lêvi ký 23:5). Ngày sau Lễ Vượt Qua bắt đầu bằng Lễ Bánh Không Men (Lêvi ký 23:6), lễ nầy kéo dài trong 7 ngày. Hai kỳ lễ và sự tưởng niệm trong 8 ngày có liên quan tới cả khoảng thời gian được gọi là “Lễ Vượt Qua” hay "Lễ Bánh Không Men". Từ ngữ thường được sử dụng theo cách hoán đổi lẫn nhau như chúng ta thấy trong câu 17. Câu nầy nói tới "ngày thứ nhứt ăn bánh không men" và ăn "Lễ Vượt Qua" là cùng một sự cố.
Bốn ngày trươc Lễ Vượt Qua, mỗi gia đình đều phải chọn một chiên con làm sinh tế. Vì các sự cố trong phân đoạn nầy đã diễn ra nhằm ngày thứ Năm của Tuần Lễ Thương Khó, Chúa Jêsus cùng các môn đồ không nghi ngờ chi nữa đã dự lễ nầy vào ngày thứ Hai ngay sau lần Đắc Thắng Vào Thành Jerusalem.
Những chiên con đều phải được đưa đến cho các thầy tế lễ tại đền thờ vào lúc "chiều tối" theo Xuất Êdíptô ký 12:6. Ở đó trong khoảng hai giờ đồng hồ, chúng sẽ được dâng làm sinh tế chuộc tội. Một học giả đã chú thích như sau: "Khi tất cả chiên con bị giết trong thời gian hai tiếng đồng hồ ngay trước khi chiều tối…, công việc nầy đòi hỏi phải có tới 600 thầy tế lễ, giết trung bình 4 chiên con trong một phút để hoàn tất phần việc nầy chỉ trong một buổi chiều mà thôi".
Hãy tưởng tượng số lượng huyết nhiều như thế nào từ số chiên con đó. Sử gia Josephus đã ước lượng 250.000 con đã bị giết. Các thầy tế lễ mặc áo trắng sẽ bị nhuốm đầy với huyết đó. Nền nhà đầy những huyết và dân sự sẽ đem huyết dính nơi chân mình mà lê khắp thành phố. Từ núi đền thờ huyết chảy dài xuống Trũng Kít-rôn, ở đó dòng huyết biến thành màu đỏ thẳm sáng rực trong nhiều ngày. Bối cảnh là một sự nhắc nhớ đến cái giá của tội lỗi. Hêbơrơ 9:22 chép: "Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ".
Hãy chú ý trong câu 28 của phân đoạn Kinh Thánh, Chúa Jêsus phán rằng huyết của Ngài sẽ bị "đổ ra cho nhiều người được tha tội". Tại sao chứ? Vì Hêbơrơ 10:4 chép: "Vì huyết của bò đực và dê đực không thể cất tội lỗi đi được".
Thật là thú vị khi thấy người Pharisi cũng như tất cả người Do thái xứ Galilê đếm các ngày từ lúc mặt trời mọc hôm nay đến khi mặt trời mọc ngày mai, trong khi người Sađusê và người Do thái xứ Giu-đê đếm các ngày của họ từ lúc mặt trời lặn bữa nay cho tới khi mặt trời lặn ngày mai. Vì lẽ đó ngày 14 tháng Nisan đối với người Galilê rơi nhằm ngày thứ Năm và nhằm ngày thứ Sáu đối với người xứ Giu-đê. Vì thế việc giết chiên con đã diễn ra vào cả hai ngày thứ Năm và thứ Sáu.
Chúng ta hãy xem xét từng chi tiết để học biết Chúa Jêsus đã kỷ niệm cả Lễ Vượt Qua lần cuối cùng và thiết lập Tiệc Thánh lần đầu tiên như thế nào!?!
I. Chúa Jêsus kỹ niệm Lễ Vượt Qua lần cuối cùng (các câu 17-25).
A. Những sự chuẩn bị cho Lễ Vượt Qua (các câu 17-19).
Đúng vào "ngày thứ nhứt ăn bánh không men" mà các "môn đồ đến gần Chúa Jêsus" và hỏi: "Thầy muốn chúng tôi dọn cho thầy ăn lễ Vượt qua tại đâu?" Khi ấy là sáng thứ Năm và họ có nhiều việc phải lo làm. Không những họ còn phải đem chiên con đến để cho các thầy tế lễ dâng làm sinh tế, họ cần phải mua bánh không men, rượu và rau đắng để dự lễ nữa. Thắc mắc không nằm ở chỗ Ngài muốn họ phải làm gì, mà họ sẽ dọn và ăn bữa ăn nầy ở đâu đấy thôi.
Hãy nhớ cả thành phố đã đông người lắm, khoảng 2 triệu người. Các phòng ăn lớn, không nghi ngờ chi nữa, đã được nhiều quý khách đặt với giá cao hết rồi. Có lẽ trong các kỳ lễ Vượt Qua trước đây, họ đã xúm nhau lo liệu, Chúa Jêsus đã lo liệu phòng ốc và bữa ăn cho họ.
Chúa Jêsus bảo họ "Hãy vào thành, đến nhà một người kia". Mác 14:13 và Luca 22:10 nói người nầy đang "xách vò nước". Điều nầy hơi lạ, vì thường thì phụ nữ mới là người đi xách nước. Người đờn ông là người được xem trọng hơn. Họ chỉ phải nói với người ấy: "Thầy nói: Giờ ta gần đến; ta và môn đồ ta sẽ giữ lễ Vượt qua trong nhà ngươi".
Tại sao lại có một sự tiếp cận quá giữ kẻ như thế nầy? Hãy xem, Giu-đa đã trông đợi sẵn một "dịp tiện để nộp Ngài" (câu 16). Chúa Jêsus đã lo liệu mọi sự chuẩn bị để có căn phòng bảo đảm bữa ăn sau cùng nầy cùng với các môn đồ trước khi Ngài bị bắt. Vì Phierơ và Giăng luôn làm phần việc nầy một mình (Luca 22:8), Giu-đa không có thì giờ để thông báo cho các thầy tế lễ thượng phẩm biết. Chúa Jêsus với sự toàn tri của Ngài đã cai quản từng chi tiết một.
Hãy lưu ý, đặc biệt Chúa Jêsus đã phán: "Giờ ta gần đến" (câu 18). Ở các dịp khác Chúa Jêsus phán: "Giờ ta chưa đến" và lời lẽ cho thì giờ đó (Giăng 7: 6, 8 v.v…). Bây giờ, thì giờ đã đến rồi. Giăng 13:1 chép: "Trước ngày lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng".
Chúa Jêsus phán: "Ta sẽ giữ lễ Vượt Qua". Đây không phải là một Lễ Vượt Qua bình thường đâu, mà là thời điểm mấu chốt trong chức vụ của Chúa Jêsus và trong lịch sử cứu chuộc. Luca 22:15 cung ứng sự căng thẳng nầy: "Ngài phán rằng: Ta rất muốn ăn lễ Vượt Qua nầy với các ngươi trước khi ta chịu đau đớn".
Vì vậy, họ liền ra đi và "làm y như lời Chúa Jêsus đã dạy". Người xách vò nước kia đã chỉ cho họ thấy "một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng" (Mác 14:14). Ở đó, họ "dọn lễ Vượt Qua". Chúng ta không biết Chúa Jêsus đã làm gì trong cả ngày hôm ấy. Có lẽ đấy là ngày cầu nguyện căng thẳng lắm hay phút sau cùng ra huấn thị cho các môn đồ kia.
B. Các yếu tố của Lễ Vượt Qua (câu 20).
Giờ đây "đến tối" Chúa Jêsus cùng các môn đồ kia đến tại phòng cao. Ở đó "Ngài ngồi ăn với mười hai sứ đồ" dự kỳ lễ Vượt qua theo truyền thống. Họ cùng nhau bẻ bánh.
Cung cách dự lễ Vượt Qua như thế nầy như ngược lại với lễ Vượt Qua nguyên thủy. Ở Ai cập, thế hệ của Môise đã ăn trong vội vã, đứng dậy sẵn sàng ra đi (Xuất Êdíptô ký 12:11). "Ngồi ăn" có nghĩa là "dựa lưng". Đối với các môn đồ và những người Do thái khác, Lễ Vượt Qua là một ngày lễ của sự vui mừng, giống như Lễ Giáng Sinh hay Lễ Cảm Tạ đối với chúng ta vậy.
Bữa ăn bắt đầu với việc dọn rượu ra từ một cái chén thông thường. Đây là cái chén đầu tiên trong 4 cái chén đã được trao tay. Truyền khẩu cho biết rằng họ đã đổ rượu ra để giữ cho ai đó không làm mất tính thiêng liêng bữa ăn trong tình trạng say sưa.
Kế đó, đã có việc rửa theo nghi thức, trong đó việc rửa hai bàn tay tượng trưng cho nhu cần làm sạch tấm lòng theo cách thuộc linh. Luca 22:24 ghi lại rằng phát sinh tại nơi ấy "Môn đồ lại cãi lẫy nhau, cho biết ai sẽ được tôn là lớn hơn hết trong đám mình". Chúa Jêsus "đứng dậy…cởi áo ra, lấy khăn vấn ngang lưng mình. Kế đó, Ngài đổ nước vào chậu, và rửa chơn cho môn đồ, lại lấy khăn mình đã vấn mà lau chơn cho…" (Giăng 13:4-5). Chúa Jêsus đã hành động với sự thấp hèn của một tôi tớ. Chẳng có một đầy tớ nào được thuê để lo làm công việc nầy. Các môn đồ quá kiêu ngạo không thể phục vụ nhau theo cung cách nầy. Vì vậy Con Đức Chúa Trời đã ngồi xuống rửa hai bàn chơn bẩn thỉu của con người. Làm vậy, gồm có cả sự hạ mình thanh sạch và cũng là một lời quở trách đối với sự kiêu căng của các môn đồ. Ngài phán: "Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi" (Giăng 13:15).
Tiếp đến là việc ăn rau đắng. Rau đắng và bánh không men được nhúng trong một cái đĩa charoseth, một hỗn hợp gồm các thứ trộn sau đây: lựu, táo, chà là, cá, nho khô, và giấm. Đây là biểu tượng cho gạch và hồ mà người Do thái đã sử dụng trong lao động nô lệ của họ tại Ai cập.
Cái chén thứ hai khi ấy đã được trao tay. Ở điểm nầy, theo truyền khẩu đứa con nhỏ nhất đưa ra bốn câu hỏi và trả lời phản ảnh truyện tích Xuất Ai cập.
Kế đó là ca hát các Thi thiên. Theo truyền thống các Thi thiên Hallel (Thi thiên 113-118) đã được họ hát lên. Hai Thi thiên đầu tiên thường được hát lên ở đây.
Thế rồi thịt chiên nướng sẽ được mang tới và dọn ra. Vị chủ nhà một lần nữa rửa tay mình rồi bẻ bánh không men chuyền đi và ăn với thịt nướng chiên con.
C. Kẻ phản bội không dự Lễ Vượt Qua (các câu 21-25).
Có lẽ ngay tại thời điểm nầy hay sớm hơn trong kỳ lễ, Chúa Jêsus đã phán ra một việc khiến cho một cơn ớn lạnh chạy dọc theo xương sống của từng môn đồ một. Ấy là "khi đương ăn" Chúa Jêsus phán: "một người trong các ngươi sẽ phản ta". Cho tới giờ phút nầy, đây là lúc tiệc tùng vui vẻ nhất. Dường như họ không màng tới sứ điệp của Ngài nói tới sự chết. Bối cảnh ấy liền im lặng như tờ.
Chúa Jêsus đã nói cho họ biết rằng Ngài sẽ bị "nộp trong tay người ta" (Mathiơ 17:22; đối chiếu 20:18), nhưng đây là lần đầu tiên Ngài nói rằng kẻ phản bội sẽ là một trong 12 người.
"Phản bội" là một từ Hy lạp có ý nói tới "giao tội phạm để chịu trừng phạt”. Mathiơ 4:12 sử dụng chính từ ngữ ấy để mô tả Giăng Báptít đã bị tống vào ngục tối.
Lời nói ấy làm cho họ phải quặn thắt khi nghĩ rằng kẻ phản bội đã có mặt giữa vòng họ. Thay vì chỉ ngón tay vào nhau, mỗi người đã xét lòng mình trước tiên. Họ "lấy làm buồn bực lắm”. Họ bắt đầu hỏi Chúa: "Lạy Chúa, có phải tôi không?"
Chúng ta hãy đọc hai phân đoạn Kinh Thánh nói về Đấng Mêsi từ sách Thi thiên, 55:12-1441:9. Mặc dù David đang than khóc hành động phản bội của bạn hữu mình, lời lẽ của ông đã chỉ ra Chúa Jêsus. Chúa Jêsus nói lớn tiếng lời lẽ đó ở trong Giăng 13:18: "Ta không nói về các ngươi hết thảy, ta biết những kẻ ta đã lựa chọn; nhưng lời nầy trong Kinh Thánh phải được ứng nghiệm: Người ăn bánh ta, dở gót nghịch cùng ta".
Khi ấy Chúa Jêsus phán: "Kẻ nào để tay vào mâm với ta, ấy là kẻ sẽ phản ta". Hết thảy họ đều đã làm điều ấy trong bữa ăn. Ở vùng Trung đông, ăn một bữa ăn với ai đó là công bố ra một tình bạn rất thân tình.
Sau khi bảo đảm với họ rằng mọi sự đều nằm trong kế hoạch tối cao của Ngài, Chúa Jêsus phán: "Con người đi, y theo lời đã chép về Ngài", khi đề cập tới các Thi thiên mang tính tiên tri đó. Sở dĩ như vậy không phải là vì mưu định của Giu-đa hay của người Do thái, mà là sự thể hiện lên tới tột đỉnh của lịch sử cứu chuộc.
Chúa Jêsus nói thêm: "song khốn nạn thay cho kẻ phản Con người! Thà nó chẳng sanh ra thì hơn!" Địa ngục tương lai của Giu-đa rất kinh khiếp đến nỗi tốt hơn là hắn đừng sanh ra đời (Hêbơrơ 10:26-29).
Giu-đa, kẻ bất tài đã đóng vai của mình thật trọn vẹn khi hắn lẫn tránh sự nghi ngờ bằng cách đưa ra câu hỏi: "Thưa thầy, có phải tôi chăng?" Chúa Jêsus phán: "Thật như ngươi đã nói". Những nhận xét nầy dường như đã được thốt ra bằng giọng nói thì thầm.
Chẳng có một điều gì trong cách xử sự của Chúa Jêsus đối với Giu-đa hay các hành động của Giu-đa tại điểm nầy làm chao đảo các môn đồ khác. Chúng ta hãy quay trở lại với Giăng 13:23-28. Thậm chí khi Chúa Jêsus trao mẫu bánh cho Giu-đa, họ chẳng hiểu chi hết.
Giăng 13:27 nói rất dứt khoát: "Quỉ Satan vào lòng người". Trong sự loạn nghịch, Giu-đa sau cùng trở thành quân cờ tối hậu của ma quỉ. Hắn không phải là một tín đồ đã sa ngã, mà là một công cụ của Satan, hắn chưa được chuộc!
Chúa Jêsus muốn kẻ phản bội rời khỏi phòng để Ngài có thể chia sẻ với các môn đồ chân chính của Ngài sự chuyển đổi từ bữa tiệc xưa cũ thành một giao ước mới.
II. Chúa Jêsus thiết lập Tiệc Thánh đầu tiên (các câu 26-30).
Lễ Vượt Qua đã được tưởng niệm gần 1500 năm rồi. Đây là nghi thức lễ xưa nhất trong các nghi thức của Cựu Ước. Nhưng đêm nay sẽ đánh dấu sự cuối cùng của Giao ước Cũ và phần khởi đầu của Giao ước Mới.
Câu 26 nói "khi đương ăn", nghĩa là bữa tiệc còn dang dở. Sau khi thịt chiên con được chuyền đi trên một cái chén khác, Chúa Jêsus "lấy bánh, tạ ơn rồi, bẻ ra đưa cho môn đồ mà rằng: Hãy lấy ăn đi, nầy là thân thể ta".
Đây là câu nói đáng phải giật mình, câu nói nầy rất giống với câu nói mà Ngài đã phán ở Giăng 6:53: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt của Con người, cùng không uống huyết Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi đâu". Rõ ràng Chúa Jêsus có ý nói rằng bánh và chén đều là biểu tượng của thân và huyết của Ngài. Sự dạy nầy không hề đúng với giáo lý hoá thể (transubstantiation) của Công Giáo La Mã (giáo lý cho rằng bánh mì và rượu vang trong Lễ Tiệc Thánh do cúng tế đã biến thành thân thể và máu của Chúa Giêsu, tuy bề ngoài vẫn không thay đổi).
Chúa Jêsus giáng sinh tại thành Bết-lê-hem, "thành đầy bánh". Giống như không có chút men nào trong bánh dùng cho Lễ Vượt Qua, cũng vậy, chẳng có một tội lỗi nào được thấy có nơi Ngài. Giống như mana cung ứng sự sống trong đồng vắng, Chúa Jêsus phán: "Ta là bánh của sự sống; ai đến cùng ta chẳng hề đói, và ai tin ta chẳng hề khát".
Khi chúng ta nhớ đến Ngài lúc cầm lấy bánh Tiệc Thánh, chúng ta cũng dự phần vào đời sống của nhau. I Côrinhtô 10:17 chép: "Vì chỉ có một cái bánh, chúng ta dầu nhiều, cũng chỉ một thân thể; bởi chưng chúng ta đều có phần chung trong một cái bánh". Chúng ta gặp nhau trong mối thông công tại bàn tiệc của Ngài và rao giảng ơn cứu rỗi cho người chưa tin.
Kế đó, trong câu 27: "Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi". Dường như đây là cái chén thứ ba của Lễ Vượt Qua: "cái chén phước lành" như Phaolô gọi thế trong I Côrinhtô 10:16. Ngài làm cho họ phải choáng váng bởi câu nói: "vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội". Đối với người Do thái, đây là một sự ghê tởm vì luật pháp của họ cấm ăn thịt trộn với huyết.
Những giao ước quan trọng luôn luôn được phê chuẩn bằng huyết. Một con thú bị cắt ra làm hai, để nửa mỗi con một bên đối với nhau (Sáng thế ký 15:9-18).
Trải qua nhiều năm tháng hình thái thần bí đã xoay quanh huyết của Đấng Christ. Có người đã hình dung huyết ấy có nhiều điều siêu nhiên, nhưng Kinh Thánh chẳng nói gì giống như hình thái nầy. Chúng ta không được chuộc bởi tiểu cầu và huyết tương đã đổ ra từ thân của Chúa Jêsus, mà được chuộc bởi sự chết có tính cách hy sinh của Ngài vì tội lỗi chúng ta tiêu biểu bởi huyết của Ngài.
Chúa Jêsus muốn họ phải nhìn biết khi họ trông thấy Ngài đang đổ huyết ra và chịu chết trên thập tự giá, Ngài không phải là nạn nhân của quyền lực của người Do thái hay sự áp bức của người La mã, mà Ngài "bị nộp, theo ý định trước và sự biết trước của Đức Chúa Trời" (Công Vụ các Sứ Đồ 2:23).
Ngài phán với họ: "Ta phán cùng các ngươi, từ rày về sau, ta không uống trái nho nầy nữa, cho đến ngày mà ta sẽ uống trái nho mới cùng các ngươi ở trong nước của Cha ta". Không những Ngài muốn họ phải nhìn biết rằng sự chết của Ngài là chắc chắn, mà họ còn phải biết sự tái lâm của Ngài cũng sắp tới nơi rồi nữa. Một ngày kia, Ngài sẽ uống với chúng ta trong Vương Quốc Thiên Hi Niên!
Sau cùng, họ đã hát "thơ thánh" có lẽ là Thi thiên 118 rồi "đi ra mà lên núi, Ôlive".
Từ Lễ Vượt Qua, Chúa Jêsus là tượng trưng của chiên con của người Do thái, "Chiên Con của Đức Chúa Trời". Đến Tiệc Thánh, Ngài là tượng trưng của "bánh""chén".

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét