Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Bài 87: Mathiơ 25:1-13: "SỰ CHUẨN BỊ"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Sự chuẩn bị
Mathiơ 25:1-13
Như chúng ta đã tiếp thu trước đây, Mathiơ 24-25 ai cũng biết là Bài Giảng trên Núi Ôlive vì Chúa Jêsus đã phân phát bài giảng nầy nói về kỳ tận thế và sự tái lâm vinh hiển của Ngài khi đáp ứng lại thắc mắc mà các môn đồ Ngài đưa ra khi họ ngồi trên “Núi Ôlive” (24:1-3). Sau khi đưa ra chi tiết nhiều dấu hiệu về thời kỳ 7 năm "đại nạn", Chúa đưa ra một lời cảnh báo cho các môn đồ sống trong thời kỳ ấy phải coi chừng và phải sẵn sàng cho sự tái lâm của Ngài.
Phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là 25:1-13, Thí dụ nói tới các nữ đồng trinh khôn và dại là thí dụ thứ ba trong một loạt thí dụ về sự chuẩn bị cho sự tái lâm của Chúa. Trong bài học vừa qua, chúng ta đã xem xét Thí dụ nói tới tên trộm trong 24:43-44 và Thí dụ nói tới viên quản gia trung tín và tên đầy tớ gian ác trong 24:45-51. Mỗi câu chuyện tập trung vào một ông Chủ vắng mặt và công tác chuẩn bị cho sự tái lâm bất ngờ của người.
Mỗi thí dụ làm sáng tỏ và nhấn mạnh vài lẽ thật chính. Thứ nhứt, Chúa sẽ tái lâm. Thứ hai, nhơn các dấu lạ người ta sẽ nhận biết thời điểm tái lâm của Ngài cách chung chung. Thứ ba, thời điểm đặc biệt Chúa tái lâm chẳng ai biết được và nhiều người sẽ không sửa soạn. Thứ tư, các tín đồ phải ở trong tình trạng sẵn sàng cho sự đến của Chúa.
Trong các sự dạy cơ bản, phát sinh một mối nguy hiểm của việc sẵn sàng quá nhiều trong các thí dụ. Một số giáo sư dạy Kinh Thánh nổi tiếng biến chúng ra hình bóng và tìm đủ thứ ý kín nhiệm trong các chi tiết. Mối nguy hiểm ở đây, ấy là nhiều giáo lý lạ phát sinh từ những giải thích có tính cách suy đoán và thường bỏ qua ý nghĩa trong sáng trong các câu chuyện của Chúa Jêsus.
Bối cảnh của thí dụ trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay là một tiệc cưới của người Do thái. Hai bên cha mẹ lo sắp đặt hầu hết cuộc hôn lễ và khi thực hiện một sự sắp xếp nào đó xong rồi, thì thời kỳ đính hôn bắt đầu. Sau đó đôi tân hôn sẽ được đính hôn bằng cách đưa ra những lời thề hứa trước các nhân chứng. Sau nghi thức nầy, chàng rễ dấn thân vào một chuyến làm ăn rồi lo sửa soạn một ngôi nhà. Sau cùng, thường là nhiều tháng trời sau đó lễ cưới mới được tổ chức. Chỉ trong lễ cưới nầy thì hôn nhân mới được trọn vẹn.
Lễ cưới thường kéo dài trong một tuần lễ và cả cộng đồng sẽ cùng tham dự. Tiệc cưới bắt đầu khi chàng rễ dẫn đoàn tuỳ tùng của mình qua thành phố đến nhà cha của cô dâu, ở đó nàng đang chờ đợi cùng với mấy người dâu phụ của mình.
Cả nhóm người ấy di chuyển qua các đường phố trong một đoàn người đi rước dâu công bố cho ai nấy biết rằng tiệc cưới sắp sửa khai mạc. Đám rước nầy thường diễn ra vào buổi chiều, các ngọn đuốc, ngọn đèn đã được sử dụng để thắp sáng lối đi.
Sau tiệc cưới, theo nghi thức người được chọn sẽ đặt tay cô dâu vào tay chàng rễ và kế đó họ sẽ bước vào phòng cưới để làm trọn mối quan hệ vợ chồng.
Từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta sẽ xem xét sự chuẩn bị của các cô dâu phụ, sự đến của Chàng Rễ, rồi tiếp đến là nguyên tắc hay phần ứng dụng của thí dụ.
I. Sự chuẩn bị của các cô dâu phụ (các câu 1-5).
A. Các cô dâu phụ đi ra để đón Chàng Rễ (câu 1).
Chúa Jêsus phán rằng "khi ấy", lúc Ngài tái lâm "trên những đám mây với đại quyền đại vinh" trong ngày đó "Nước thiên đàng", quyền cai trị của Chúa "sẽ giống như mười người nữ đồng trinh kia".
Sự thực cho thấy rằng "mười" là con số trọn vẹn theo Kinh Thánh, có rất ít ý nghĩa trong con số của họ. Các cô gái nầy thực sự là những "nữ đồng trinh" xác nhận họ là thành viên của tiệc cưới, các cô dâu phụ. Tục lệ cho thấy rằng chỉ có "những nữ đồng trinh" chưa lập gia đình mới được đưa vào làm dâu phụ.
Các cô dâu phụ đều có “các ngọn đèn”. Từ ngữ Hy lạp là lampas chủ yếu được sử dụng nói tới các ngọn đuốc như đã được dịch trong Giăng 18:3 khi mấy tên lính đem theo "đuốc" khi đi bắt Chúa Jêsus. Các ngọn đuốc nầy được quấn bằng  loại khăn có tẩm dầu. Mục đích của các "ngọn đèn" hay đuốc là để soi sáng lối đi cho đám rước dâu và để nhận ra các thành viên của tiệc cưới giống như các cô dâu phụ đời nay hay mặc các loại áo đặc biệt vậy.
Những "nữ đồng trinh" đi ra "để rước chàng rễ". "Rước" mang ý tưởng một cuộc tiếp đón chính thức, giống như tiếp đón kẻ quyền cao chức trọng vậy.
Tất nhiên là "chàng rễ" tiêu biểu cho Đấng Christ hầu đến. Chúa Jêsus được phác hoạ ra rất nhiều lần khắp cả Tân ước là chàng rễ hay người chồng của dân sự Ngài. "Mười người nữ đồng trinh" là những người phải thể hiện ra dáng dấp bên ngoài giống với dân sự, Hội Thánh của Ngài và vì thế chính là những người xưng nhận mình là Cơ đốc nhân. Họ đã đốt "đèn" của họ lên và đang trông đợi "chàng rễ" và bên đàng trai đến với họ rồi đưa cả thảy vào tiệc cưới.
B. Năm cô dâu phụ là khôn ngoan và năm cô dâu phụ là dại dột (các câu 2-5).
Kế đó Chúa Jêsus nói cho chúng ta biết rằng "năm" trong số các nữ đồng trinh kia là "khôn" "năm" người khác là "dại". Các cô dâu phụ "dại" chỉ đem theo "đèn" mà chẳng đem theo chút "dầu" nào. Các cô gái "khôn" "đem dầu theo trong bình mình". Họ đem theo một số “dầu” dự trữ.
Các cô dâu phụ "dại" tiêu biểu cho hạng người nào tỏ mình ra là hạng tín đồ chân chính, song bề trong chưa sẵn sàng để đi rước Chúa. Họ "mang đuốc" để đi rước Chúa nhưng chẳng có chút "dầu" Thánh Linh nào hết. Giống như ngọn "đèn" không dầu là vô dụng, một sự tuyên xưng đức tin nơi Chúa Jêsus mà không có đức tin cứu rỗi nơi Ngài cũng chỉ là vô ích thôi. Không có "dầu" của Chúa, chúng ta vẫn còn bước đi trong sự tối tăm.
Các cô dâu phụ "khôn" hay cẩn thận, tiêu biểu cho hạng Cơ đốc nhân chân chính. Họ vốn có "dầu ở trong bình mình". Họ đã sửa soạn để rước Chúa bất cứ lúc nào Ngài đến.
Điều nầy tương tự với Thí dụ nói tới tiệc cưới ở 22:1-14. Nhà Vua đã mời khách bất kỳ và mọi người đến dự một tiệc cưới với một điều kiện, mỗi khách mời phải mặc "áo lễ". Nhà Vua thậm chí đã cung cấp y phục nữa. Điều nầy làm biểu tượng cho ân điển của Đức Chúa Trời hiến cho người nào tiếp nhận sự mời gọi của Ngài. Khi có người tìm cách để vào dự tiệc mà không ăn mặc cho thích ứng, không có ân điển của Chúa, người ấy bị trói "tay chân" lại, rồi "bị quăng vào chốn tối tăm" ở đó chỉ có "khóc lóc và nghiến răng".
Có nhiều người ngày nay đầu phục Đấng Christ trên một cấp độ tôn giáo, cấp độ trí khôn hay cấp độ xã hội, nhưng họ không phục theo Ngài từ trong tấm lòng, vì tấm lòng của họ chưa hề được thay đổi và được tái tạo bởi ân sũng của Ngài. Trông họ giống như hạng Cơ đốc nhân chân chính, nhưng họ chẳng có "dầu" và họ không khoác lấy "áo xống" ân điển của Chúa Jêsus.
II Timôthê 3:5 mô tả hạng người thể ấy: "bề ngoài giữ điều nhân đức, nhưng chối bỏ quyền phép của nhân đức đó". Họ có đức tin mà không có việc làm để xác minh. Giacơ 2:17 chép: "Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết". Đây là lý do tại sao chúng ta có lời cảnh báo ở II Côrinhtô 13:5: "Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình: anh em há không nhận biết rằng có Đức Chúa Jêsus Christ ở trong anh em sao? miễn là anh em không đáng bị bỏ".
Chúa Jêsus đã ban ra lời cảnh báo nầy rất nhiều lần. Hạng tín đồ thật và hạng tín đồ giả sẽ lớn lên giống như "lúa mì""cỏ lùng". Tấm lòng của con người giống như "các lớp đất"  khác nhau vậy (đối chiếu Mathiơ 13).
Khi "mười người nữ đồng trinh kia cầm đèn đi rước chàng rễ", họ thấy rằng chàng đã đến "trễ". Chàng không đến đúng giờ mà họ đã mong đợi. Hết thảy họ đều đã mệt mõi và tất cả "mười" người đều đã "buồn ngủ và ngủ gục".
Cũng một thể ấy, khi Chúa Jêsus tái lâm trên đất "với đại quyền đại vinh", sự tái lâm nầy sẽ xảy ra vào một thời điểm rất bất ngờ. Ngài sẽ đến "như kẻ trộm trong ban đêm". Mặc dù các dấu hiệu sẽ rất là rõ ràng, Chúa Jêsus nói rõ rằng Ngài sẽ "đến trễ".
Sự đến của Chúa sẽ bị "trễ" theo nhận thức của con người, chớ không theo nhận thức của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Cha biết rõ thời điểm chính xác Đức Chúa Con sẽ tái lâm. Thì giờ đã được định ở trên trời. Không một điều gì đã được tính toán ở trên trời mà bị xem là trễ nãi hết.
Hết lúc nầy sang lúc khác, chúng ta nghe nhiều anh em khác nói: "Nếu Chúa lần lửa sự đến của Ngài…" tỉ như Đức Chúa Trời đề ra một ngày tháng nào đó, thế rồi lại huỷ đi. Đấy là sự phỏng chừng không chính xác. Sự đến của Chúa chỉ dường như là bị "trễ" mà thôi. Hêbơrơ 10:37 đặc biệt chép: "Còn ít lâu, thật ít lâu nữa, thì Đấng đến sẽ đến; Ngài không chậm trễ đâu".
Sẵn sàng hay chưa, Chúa sẽ đến đấy! Quí vị đã sẵn sàng chưa? Có "dầu" ở trong đèn của quí vị chưa? William Arnot đã viết: "Không có một cảnh quan nào lớn lao hay xinh đẹp ở trên đất hơn một sự nhóm lại đặng cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời. Không một lằn ranh nào mắt con người phân chia một hội đông kia thành hai phần; thế mà hội đông ấy bị chia ra thành hai phần. Chúa đọc thấy bản chất của chúng ta rồi đánh dấu nơi ở của chúng ta. Chúa biết người nào thuộc về Ngài và người nào không thuộc về Ngài, trong từng đoàn đông người đến thờ phượng" (trong quyển Các thí dụ của Chúa chúng ta, trang 290).
Có bao giờ quí vị là một phần của hội chúng Cơ đốc đông đúc kia chưa? Quí vị có đến dự một chiến dịch truyền giảng Tin lành, hay một sự nhóm lại nào khác không? Hãy tưởng tượng xem, ở đó, giữa sự ngợi khen và thờ phượng mọi người dường như đều có một ngọn "đèn" nhưng chỉ có Chúa mới biết ngọn đèn nào đang có "dầu" mà thôi.
Mỗi Chúa nhựt khi Hội Thánh chúng ta nhóm lại đặng thờ phượng và lắng nghe Ngôi Lời, ai nấy dường như đang có một ngọn "đèn". Ai nấy đều trông giống như một tín đồ vậy. Tuy nhiên, có một số ngọn đèn không có "dầu". Là một Mục sư lòng tôi tan vỡ khi nghĩ rằng một số người tôi yêu mến và chăn dắt sẽ không biết sửa soạn cho sự đến của "Chàng Rễ".
II. Sự đến của Chàng Rễ (các câu 6-12).
A. Chàng Rễ đến lúc đêm khuya (câu 6).
Chúa Jêsus phán: "Đến khuya, có tiếng kêu rằng: Kìa, chàng rể đến, hãy đi ra rước người!" Một lần nữa, sự tái lâm của Chúa Jêsus sẽ rất đột ngột và bất ngờ. Nói theo nghĩa bóng, Ngài sẽ đến "lúc ban đêm". I Têsalônica 5:2 chép: "vì chính anh em biết rõ lắm rằng ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm trong ban đêm vậy". Israel bắt đầu ra khỏi Ai cập lúc ban đêm.
Những người "nữ đồng trinh" gặp được Chàng Rễ đã đến trong lúc họ "thảy đều buồn ngủ và ngủ gục". Dường như là theo tục lệ, họ đã nhóm lại tại nhà của cô dâu. Họ biết rõ Chàng Rễ sắp đến. Họ biết rõ Ngài sẽ đến trong đêm hôm ấy. Tuy nhiên, họ không biết giờ nào Ngài sẽ đến và họ buồn ngủ lắm rồi.
Cũng một thể ấy, người ta sống trong ngày sau rốt sẽ biết phỏng chừng lúc nào Chúa Jêsus sẽ tái lâm, nhưng sự tái lâm của Ngài sẽ trở thành một cú sốc cho họ. Họ sẽ bị giật mình bởi "tiếng kêu… lúc ban đêm".
B. Các cô dâu phụ khôn ngoan đã sắp sẵn với đèn của họ (các câu 7-9).
Hãy tưởng tượng ra bối cảnh ở phía trước nhà của cô dâu. Mặc dù rất bồn chồn lo lắng, hết thảy các cô gái dự tiệc cưới đều buồn ngủ ở trong phòng khách. Họ đã thức tỉnh bởi một "tiếng kêu". Có người hô lên: "Kìa, chàng rễ đến, hãy đi ra rước người!"
Tất cả các cô gái đều nhổm dậy ngay lập tức. Mỗi người vói tay lấy đèn của mình. Các bấc đèn cần phải được "cắt tỉa" để giảm bớt ánh sáng chói chang và đèn phải đầy dầu. Trong trường hợp sử dụng đuốc, phải nhúng ngọn đuốc vào trong dầu rồi tề bớt phần khăn quấn cho gọn gàng.
Trong giờ phút đó, các nữ đồng trinh "dại" đã nhận ra họ không có đủ dầu. Họ đã không chuẩn bị. Đèn của họ sẽ không chiếu sáng. Họ mau mắn quay sang các nữ đồng trinh "khôn" mà nài nỉ: "Xin bớt dầu của các chị cho chúng tôi, vì đèn chúng tôi gần tắt".
Rõ ràng, các nữ đồng trinh "dại" vốn biết rõ họ sẽ cần tới dầu, thế mà họ không chịu sửa soạn. Có lẽ họ nghĩ họ sẽ đi ra mau chóng để mua một ít dầu. Có lẽ họ nương cậy vào năm người kia sẽ cho họ dầu. Họ nhắc cho tôi nhớ tới mấy đứa con của tôi, khi đến lúc đi học và chúng không tìm được quyển bài tập ở nhà hoặc đôi giày thể dục mà chúng ưa thích ở chỗ nào!?!
Dù họ có lý sự như thế nào đi nữa, họ đã không chuẩn bị. Nhiều người sẽ không chuẩn bị khi Chúa tái lâm. Nhiều người sẽ không chuẩn bị ngay sự Cất Lên. Nhiều người sẽ không sửa soạn khi sự chết gõ cửa nhà họ. Giống như các nữ đồng trinh "dại", họ sẽ nhìn vào hội của mình với các Cơ đốc nhân chân chính, với phép báptêm, với địa vị thuộc viên Hội Thánh, với các việc lành, với gia đình Cơ đốc của họ. Những hội đoàn như thế chẳng hề cứu được một ai.
Chúa Jêsus đã phán trong Mathiơ 7:22-23: "Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!"
C. Các cô dâu phụ dại dột bị bỏ ra ngoài (các câu 10-12).
Năm người bạn "khôn" nầy sẽ không giúp cho họ đâu, các cô dâu phụ "dại" kia buộc phải đi ra để "mua" dầu khi Chàng Rễ đến. Mấy cô dâu phụ "khôn" "đã sẵn sàng" đi vào dự tiệc cưới và "đi với người cùng vào tiệc cưới".
Khi những nữ đồng trinh "dại" về tới, thật quá trễ vì "cửa đã đóng lại" rồi. Khi họ đến tại bữa tiệc, họ đứng ngoài cửa rồi nói với Chàng Rễ: "Hỡi Chúa, hỡi Chúa, xin mở cho chúng tôi!" Nhưng Ngài đáp lại với họ: "Ta không biết các ngươi đâu".
Giống như Đức Chúa Trời đóng cánh cửa chiếc tàu Nôê lại và quá trễ cho các công dân của thế giới thời xưa, cũng một thể ấy đối với các cư dân trong thời tương lai. Cánh cửa từng bị "đóng lại", chẳng có một người nào khác được bước vào phía trong.
Hãy lắng nghe mọi điều Chúa Jêsus đã phán ở Luca 13:25-28: "Khi chủ nhà chờ dậy, đóng cửa lại rồi, các ngươi ở ngoài gõ cửa kêu rằng: Lạy Chúa, xin mở cho chúng tôi! Chủ sẽ trả lời rằng: Ta không biết các ngươi đến từ đâu. Bấy giờ các ngươi sẽ thưa rằng: Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Chúa, và Chúa đã dạy dỗ trong các chợ chúng tôi. Chủ lại sẽ trả lời rằng: Ta nói cùng các ngươi, không biết các ngươi đến từ đâu; hết thảy những kẻ làm dữ kia, hãy lui ra khỏi ta! Khi ấy, các ngươi thấy Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, cùng hết thảy các đấng tiên tri đều ở trong nước Đức Chúa Trời, còn các ngươi sẽ bị quăng ra ngoài, là nơi có khóc lóc và nghiến răng".
Hãy hình dung cú sốc, nỗi tiếc nuối kinh khủng giáng trên dân sự một khi họ nhìn biết cánh cửa cứu rỗi đã bị đóng lại cho đến đời đời!
III. Nguyên tắc của thí dụ (câu 13).
Một lần nữa Chúa Jêsus lặp lại: "Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày, cũng không biết giờ".
Không một ai trong chúng ta nhìn biết lúc nào chúng ta sẽ gặp lại Chúa. Nguyên tắc ấy là, chúng ta phải sửa soạn hôm nay vì chúng ta chẳng có một lời hứa nào về ngày mai cả. Quí vị có sẵn sàng chưa? Quí vị có nhìn biết Đấng Christ chưa? Có phải quí vị đã được đầy dẫy với dầu êm dịu của Đức Thánh Linh không? Quí vị có khoác lên mình chiếc áo ân điển chưa?

***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét