Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Bài 85: Mathiơ 24:32-42: TRÔNG MONG NGÀY ẤY


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Trông mong ngày ấy
Mathiơ 24:32-42
Đỉnh cao của lịch sử sẽ là sự tái lâm bằng xác thịt của Đức Chúa Jêsus Christ. Lần Đến Thứ Hai của Ngài sẽ là biến cố long trọng nhất trong mọi thời đại. Một trong các phân đoạn Kinh Thánh Tân ước tôi ưa thích nhất là Tít 2:12-13: "Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ".
Phaolô đã có niềm hy vọng nầy trong thời của ông khi ông tuyên bố trong II Timôthê 4:8: "Hiện nay mão triều thiên của sự công bình đã để dành cho ta; Chúa là quan án công bình, sẽ ban mão ấy cho ta trong ngày đó, không những cho ta mà thôi, nhưng cũng cho mọi kẻ yêu mến sự hiện đến của Ngài".
Mỗi sách trong Tân ước và hầu hết các sách trong Cựu ước đều nói với sự biết trước về sự tái lâm của Chúa. Đây là một biến cố mà vì đó "chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay" (Rôma 8:22). Là tín đồ, chúng ta với đức tin nhìn lại thập tự giá cùng ngôi mộ trống, nhưng chúng ta với đức tin nhìn tới đàng trước nhắm vào sự tái lâm của Chúa chúng ta.
Trong hết thảy mọi sự dạy về Sự Tái Lâm được thấy có xuyên suốt cả Kinh Thánh, Mathiơ 24-25 có lẽ là các phân đoạn quan trọng và đầy sức sống nhất vì chúng đến với chúng ta trực tiếp từ chính mình Chúa Jêsus. Ngài đang cung ứng cho chúng ta phần thông tin đầu tay.
Trong các bài nghiên cứu trước ở tiểu đoạn nầy của sách Mathiơ, chúng ta đã học biết rằng sự dạy của Chúa Jêsus nằm trong phần đáp ứng với các thắc mắc của môn đồ ở câu 3. Chúa đã mô tả cho họ thấy thế hệ sau cùng ở trên đất, Thời kỳ Đại Nạn 7 năm và 3 năm rưỡi sau cùng của Cơn Đại Nạn sẽ được kết thúc với "Con người lấy đại quyền đại vinh ngự trên mây trời mà xuống" (câu 30).
Chúng ta đã nhìn thấy các dấu hiệu nói tới sự đến của Ngài, phần còn lại của chương nầy xử lý với sự đoán biết trước và tình trạng sẵn sàng cho sự tái lâm của Ngài. Chúng ta sẽ nhìn thấy cả hai: một thí dụ và một nguyên tắc liên quan tới ngày trọng đại đó.
I. Một thí dụ nói tới sự tái lâm của Chúa (các câu 32-35).
A. Bài học nói tới cây vả (các câu 32-33).
Chúa Jêsus phán: "Hãy nghe lời ví dụ về cây vả". Dĩ nhiên chúng ta hiểu rằng một "ví dụ" là câu chuyện đơn sơ với phần ứng dụng về mặt thuộc linh. Chúa Jêsus đã sử dụng nhiều ví dụ để minh hoạ các lẽ thật thuộc linh quan trọng.
Từ ngữ Hy lạp nói tới "nghe" có ý nói tới "hiểu rõ và ứng dụng vào đời sống". Từ ngữ nầy hàm ý giành được tri thức làm thay đổi đời sống hoặc quyết định khuôn mẫu cho một đời sống lâu dài. Chúa Jêsus không muốn các môn đồ Ngài khi ấy hay bây giờ phải có hiểu biết ở trong đầu về sự tái lâm của Ngài. Ngài muốn hết thảy chúng ta phải để cho mọi điều chúng ta tiếp thu ở đây dầm thấm và làm thay đổi đời sống của chúng ta.
"Cây vả" đã và đang là một bối cảnh thông thường tại xứ Palestine. Không những chúng được trồng với tính cách thương mại, mà chúng còn được trồng trong các sân nhà để làm bóng mát và lấy trái nữa. Có nhiều phần tham khảo nói tới cây vả xuyên suốt Kinh Thánh.
Tiếp đến, Chúa Jêsus đã mô tả tri thức đơn sơ mà mỗi đứa trẻ trong xứ Israel đều hiểu rõ. Khi một cây vả "vừa lúc nhành non", khi nó "lá mới đâm" thì ai nấy đều biết rằng "mùa hạ gần tới". Đức Chúa Trời đã đặt loại cây mesquite mọc tại Texas vì một lý do duy nhứt (để nướng thịt liên hoan), khi chúng đâm chồi, quí vị biết ngay sẽ không còn có thời tiết lạnh giá nữa!
Các nhành non và lá mới đâm là các dấu hiệu nói tới mùa hạ gần đến. Chúa Jêsus vừa hoàn tất phần mô tả bảy năm tệ hại, các dấu hiệu sẽ đi trước sự tái lâm của Ngài. Vì thế Ngài phán: "Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy [các dấu hiệu], khá biết rằng [có lẽ, Ngài] Con người gần đến, Ngài đang ở trước cửa".
Trải qua nhiều năm tháng, có nhiều người đã ra sức làm cho ví dụ dễ hiểu thành ra khó hiểu. Có người đã ra sức biến "cây vả" thành một biểu tượng phức tạp thay vì chỉ là cách nói đơn sơ. Có người đã nói việc đâm chồi của cây vả là sự tái lập lại đất nước Israel. Có người nói sự đâm chồi đó là sự phục hưng trong Israel. Nhưng những cách giải thích nầy làm cho ý nghĩa rõ ràng bị duỗi dài ra. Khi quí vị nhìn thấy các dấu hiệu mà Chúa Jêsus đang mô tả, hãy biết rằng sự tái lâm của Ngài ở "gần" đến nỗi y như Ngài đang đứng "trước cửa" sắp bước vào bên trong rồi vậy.
B. Thế hệ sau cùng (câu 34).
Kế tiếp Chúa Jêsus phán: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi [đây là lẽ thật rất quan trọng], dòng dõi nầy chẳng qua trước khi điều kia chưa xảy đến". Câu nầy đưa đến cho chúng ta hai thắc mắc. Chúa Jêsus muốn nói tới "dòng dõi" nào vậy?  "Điều kia" sẽ "xảy đến" là điều nào?
Nhiều vị giáo sư thông thạo Kinh Thánh vào thời kỳ xa xưa, là những người không hề mơ tới những lời tiên tri mà chúng ta đã thấy ứng nghiệm trong hai dòng dõi sau cùng, họ dạy rằng cách nói nầy đề cập tới dòng dõi của các môn đồ. Họ nghĩ rằng các sự cố kinh khủng mà Chúa Jêsus đã loan báo có ý nói tới sự huỷ diệt thành Jerusalem vào năm 70SC.
Chúng ta biết rằng trước hết đây không phải là trường hợp vì các sự cố mà Chúa Jêsus mô tả là rất kinh khiếp và xoay chuyển cả thế giới, chớ không phải chỉ có một phần nhỏ xứ Trung đông đâu. Thứ hai, chúng ta biết Chúa Jêsus không có ý nói tới dòng dõi của các môn đồ vì Ngài phán rằng "ngay sau hoạn nạn của những ngày đó" Ngài sẽ tái lâm. Mặc dù thành Jerusalem đã gánh chịu đau khổ rất kinh khiếp dưới thời Titus, CHÚA JÊSUS KHÔNG TÁI LÂM VÀO THỜI ĐIỂM ẤY!
Nhiều người khác nói rằng "dòng dõi nầy" có ý nói tới xứ sở Israel và là một lời hứa cho rằng Israel sẽ không bị huỷ diệt cho tới chừng Đấng Mêsi tái lâm. Vẫn có nhiều người khác nữa, họ tin rằng Chúa Jêsus không biết rõ (đối chiếu Mác 13:32) và đưa ra lời tiên đoán không đúng.
Có nhiều cách lý giải khác nữa, nhưng dường như đối với tôi rõ ràng là Chúa Jêsus đang đề cập tới dòng dõi sau cùng, dòng dõi sau cùng của những người sẽ sống và gánh chịu thời kỳ Đại nạn. Họ sẽ nhìn thấy "mọi điều nầy" hết thảy các dấu hiệu sẽ xảy ra. Họ sẽ chứng kiến nhiều đấng christ giả, chiến tranh, thiên tai, bắt bớ, bạo lực và phi pháp cực độ, tin lành được giảng ra khắp đất, sự gớm ghiếc tàn nát bởi antichrist, cả sự tối tăm và các dấu lạ ở trên trời nữa. Khi "mọi điều nầy" xảy ra, đúng y như khi "cây vả" có nhành non và lá mới đâm, quí vị biết ngay mùa hạ gần tới, dòng dõi sau cùng sẽ nhìn biết sự tái lâm của Chúa Jêsus đang ở gần rồi. Người nào chứng kiến cơn đau đẻ sẽ chứng kiến sự ra đời của Trật Tự Thế Giới Mới!
"Dòng dõi nầy" họ sẽ nhìn thấy "mọi điều nầy", sẽ là những người đã được cứu trong kỳ Đại Nạn. Họ không được cất lên, nhưng đã có đức tin sau đó. Khi họ nghiên cứu Mathiơ 24-25 và trông đợi các dấu hiệu, họ sẽ trông đợi Đức Chúa Con!
C. Lẽ thật đời đời của Chúa Jêsus (câu 35).
Chúa Jêsus đưa ra một lời bảo đảm cho các môn đồ bị ngã lòng về kỷ nguyên tương lai đó. Ngài phán: "Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi". Ngài đang phán với họ: "Đừng mất hy vọng. Đừng nhượng bộ. Hãy vui mừng đi! Hãy ngước đầu lên! Sự cứu chuộc ngươi gần tới rồi!"
Việc qua đi của trời và đất ở đây chẳng phải là một lời tiên tri đâu, mà là một cách nói bóng. Không một điều gì sẽ làm thay đổi hay thu nhỏ lại Lời của Chúa. Tuy nhiên, sau sự trị vì ngàn năm của Đấng Christ trên đất, Kinh Thánh chép: "Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chất bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả" (II Phierơ 3:10). Giăng, tác giả sách Khải huyền, đã "thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa" (Khải huyền 21:1).
II. Nguyên tắc sự đến của Chúa (các câu 36-42).
A. Cái ngày chẳng có ai biết (câu 36).
Kế đó Chúa Jêsus cho chúng ta biết rằng "Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả". Nghĩa là, chúng ta sẽ biết thì giờ chung chung về sự đến của Ngài vào cuối kỳ Đại Nạn, nhưng chẳng có ai biết đúng giờ chính xác cả. Điều nầy rất quan trọng vì Chúa Jêsus lặp lại vấn đề nầy trong cả phân đoạn. Hãy chú ý các câu 42, 44, 50 25:13.
Không những chẳng có ai biết chính xác giờ giấc, mà cả "thiên sứ trên trời" cũng không biết nữa. Các thiên sứ đều là những linh rất đáng sợ. Họ có sự quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời và đang phục vụ trong sự hiện diện của Ngài. Họ làm theo mạng lịnh của Ngài và có sự hiểu biết rất rõ mọi công việc của loài người. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời giữ kín điều nầy dù là "thiên sứ trên trời".
Nhiều phân đoạn Tân ước cũng chứa mệnh đề "hay là Con cũng vậy", ám chỉ rằng chính mình Chúa Jêsus cũng không biết đúng chính xác thời điểm tái lâm của Ngài nữa. Mác 13:32 chép: "Về ngày và giờ đó, chẳng ai biết chi hết, các thiên sứ trên trời, hay là Con cũng chẳng biết nữa; song chỉ Cha mà thôi".
Làm thế nào Chúa Jêsus là Con toàn tri của Đức Chúa Trời mà lại chẳng biết sự nầy? Làm sao Đức Chúa Cha biết rõ một việc mà Đức Chúa Con chẳng biết một khi Con là một với Cha chứ?
Tuần nầy tôi có đọc một luận án rất hay, nó tấn công vào giáo lý Ba Ngôi và luận án đã sử dụng chính chỗ nầy để nói rằng dù Chúa Jêsus là Con của Đức Chúa Trời, Ngài không phải là Đức Chúa Cha.
Câu trả lời nằm trong lẽ mầu nhiệm sự hoá thân thành nhục thể của Đấng Christ. Ngài là Đức Chúa Trời trọn vẹn, mà cũng là con người trọn vẹn nữa. Ngài vừa là Con Đức Chúa Trời vừa là Con Người. Trong khi trở thành Con Người, Con Đức Chúa Trời đã tình nguyện lột bỏ khỏi Ngài một số thuộc tính thiêng liêng của mình. Ngài gạt qua một bên một số vinh quang và quyền phép của Ngài để khoác lấy xác thịt của con người. Như vậy, phải nói rằng Ngài chủ ý giới hạn tri thức, sự toàn tri của Ngài, y như Ngài đã giới hạn quyền phép, sự toàn tại của Ngài vậy.
Chúa Jêsus đã tiếp thu nhiều điều theo cách bất kỳ con người nào tiếp thu. Luca 2:52 chép về thiếu niên Jêsus: "Đức Chúa Jêsus khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta".
Dường như là sau sự chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Jêsus đã khoác lại hết thảy các thuộc tính thiêng liêng của Ngài. Ngài phán trong Mathiơ 28:18: "Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta".
Lúc Ngài thăng thiên, Ngài phán cùng các môn đồ: "Kỳ hạn và ngày giờ mà Cha đã tự quyền định lấy, ấy là việc các ngươi chẳng nên biết" (Công vụ Các Sứ Đồ 1:7).
B. Như trong đời Nôê (các câu 37-39).
Kế đó Chúa Jêsus cho chúng ta biết rằng những ngày ấy trong kỳ Đại Nạn đang dẫn tới Sự Tái Lâm của Ngài sẽ giống như "trước nước Lụt".
Hãy nhớ lại con người trong thời Nôê đã hành động như thế nào? Họ chẳng quan tâm gì đến Đức Chúa Trời hết. Họ bị thu hút vào lối sống riêng và chương trình nghị sự của họ. Họ đã "ăn, uống, cưới, gả như thường". Họ đã sống những đời sống đam mê theo tư kỷ, ít suy nghĩ tới sự đời đời và bất chấp Lời của Chúa.
Quí vị có biết Nôê đã được gọi là "nhà truyền đạo công bình" trong II Phierơ 2:5 không? Tôi đưa ra câu nầy có ý nói rằng trong 100 năm lo đóng chiếc tàu, ông đã giảng đạo khi ông lo làm việc. Tôi hình dung người ta đang trố mắt nhìn cách ngớ ngẩn rồi bật cười khi họ nom thấy ông lo đóng tàu.
Mặc dù Chúa Jêsus hứa rằng "Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân". Dù có nhiều người sẽ trở lại với Đấng Christ trong Kỳ Đại Nạn, hầu hết cư dân trên thế giới sẽ sống y như "những ngày trước nước lụt".
Vì cớ quyền phép không hạn chế của Satan, tấm lòng của họ sẽ càng tối tăm hơn. Họ sẽ cố giải thích hiện tượng siêu nhiên xung quanh họ theo các giới hạn của khoa học và theo lý trí. Họ sẽ tìm kiếm ở khắp mọi nơi để có được những câu trả lời trừ ra nơi Lời của Đức Chúa Trời.
Khi "Nô-ê vào tàu, và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy". "Nước lụt" ở đây ra từ chữ kataklusmos có nghĩa là nạn đại hồng thủy hay quét sạch hết. Đây là một từ mà từ đó chúng ta có từ "cataclysm" [đại hồng thuỷ] theo Anh ngữ. Quí vị có xem phim trên vô tuyến truyền hình thấy người ta bị nước lụt cuốn đi chưa? Toàn bộ cư dân trên thế giới trừ ra gia đình của Nôê đã từng kinh nghiệm sự ấy!
Chúa Jêsus phán rằng "khi Con người đến cũng như vậy". Người ta sẽ bị quét sạch hết trong sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời. Trong kỳ Đại Nạn, họ sẽ nghe thấy hết lời cảnh báo nầy đến lời cảnh báo khác. Phần nhiều người trong số đó sẽ nghe thấy nhiều lời cảnh báo trước Sự Cất Lên. Có thể ai đó nghe thấy sứ điệp nầy sẽ có mặt ở đấy trong ngày ấy. Tuy nhiên, họ sẽ làm chai cứng tấm lòng mình và không tin theo, vì vậy họ sẽ bị phán xét.
C. Một người sẽ bị đem đi (các câu 40-41).
Kế đó Chúa Jêsus vẽ ra hai bức tranh bằng lời chỉ ra sự phân chia người tin và kẻ không tin trong ngày đó. Điều nầy sẽ xảy ra "lúc ấy" hoặc ngay thời điểm Ngài tái lâm.
Thứ nhứt, "sẽ có hai người nam ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị để lại". Thứ hai, "hai người nữ đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị để lại".
Tôi hay nghe nói hai câu nầy thường được sử dụng để mô tả sự Cất Lên, trong đó người tin được “cất lên” để gặp gỡ Chúa trên không trung. Tuy nhiên, văn mạch ở đây không chỉ ra sự Cất Lên, mà chỉ vào Sự Tái Lâm. Thay vì một người được “cất lên” để ở với Chúa, người ấy sẽ bị "đùa đem đi" trong sự phán xét giống như khi "nước lụt tới" đem những kẻ không tin đi trong thời của Nôê. Chúa Jêsus đang mô tả sự phân rẽ nầy sâu sắc hơn bằng cách mô tả sự phán xét chiên và dê trong 25:31-46. Những ai bị "để lại" sẽ là những người tin rất chân thành của dòng dõi sau cùng.
D. Trông mong với sự mong đợi (câu 42).
Ở phần bắt đầu câu 39 chúng ta thấy rằng dân chúng trong thời Nôê "không ngờ chi hết" cho tới chừng quá trễ, nước lụt đến đùa đem họ đi hết thảy. Hình ảnh một người bị cất đi và một người bị để lại cũng mô tả thái độ không trông đợi Lần Đến Thứ Hai của Đấng Christ.
Đấy là lý do tại sao Chúa Jêsus đưa ra lời cảnh báo nầy cho thế hệ sau cùng: "Vậy hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chúa mình sẽ đến".
Tôi không tin bất kỳ một tín đồ nào trong đời hiện tại sẽ hiện diện trên đất trong ngày trọng thể ấy. Chúng ta sẽ qua đời và sẽ về quê hương với Chúa hoặc chúng ta sẽ được cất về quê hương trước thời điểm đó. Tuy nhiên, lời khuyên của Chúa Jêsus phải "tỉnh thức" với sự trông mong sẽ áp dụng cho cái nhìn về sự cất lên của chúng ta. Điều ấy có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào.
Tới phần kết, chúng ta hãy "tiếp thu" hay nắm bắt một số tri thức làm thay đổi đời sống ra từ Chúa Jêsus. Cho phép tôi hỏi quí vị một vài câu:
1. Quí vị bây giờ đang làm gì khiến cho quí vị xấu hổ, lúc Chúa Jêsus tìm gặp quí vị đang làm khi Ngài tái lâm để tìm quí vị?
2. Quí vị chưa làm những điều nào mà quí vị sẽ làm trước khi Ngài tái lâm tìm quí vị?
3. Quí vị biết ai thực sự cần nghe Tin lành trước khi kỳ Đại nạn bắt đầu?
4. Thái độ của quí vị là như thế nào? Quí vị đang hướng vào lúc bây giờ hay lúc đó?

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét