Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2013

Bài 62: Mathiơ 16:21-28: "Cơ Đốc Nhân - Người Vô Tình Và Người Biết Phó Thác"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA

Cơ đốc nhân –

người vô tình và người biết phó thác

Mathiơ 16:21-28
1. Chúng ta đang sống trong thời buổi "Cơ đốc giáo tùy tiện". Mới đây tôi có nghe ai đó nói rằng Hội thánh trung bình có thể giảm bớt ¼ vai trò thuộc viên và Hội thánh cũng như các thuộc viên cũng không thấy giảm bớt điều chi khác biệt.
2. Cơ đốc nhân tùy tiện là những người muốn được kể ở trong Bầy, nhưng ít quan tâm tới việc đi theo Người Chăn. Họ muốn sự tha thứ mà thập tự giá của Đấng Christ mang lại, song không muốn vác lấy thập tự giá của chính họ. Họ muốn những giây phút nồng ấm vào các buổi sáng Chúa nhựt, song không dâng một sự phó thác nào cho Chúa Jêsus vào các buổi sáng thứ hai. Nói ngắn gọn, họ muốn mão triều thiên mà không có thập tự giá kìa. Nhân vật có quyền lực nhất trong đất nước chúng ta được thấy đều đặn bước ra khỏi nhà thờ với quyển Kinh Thánh trên tay, nhưng lại bị buộc tội nói dối trước lời thệ hứa về một mối quan hệ tà dâm.
3. Nhãn hiệu Cơ đốc giáo mà Chúa Jêsus nói tới trong các sách Tin Lành là một tiếng kêu gào xa xôi từ những gì chúng ta thấy trên các đường phố, trong những nhà thờ hay thậm chí trong văn phòng kiểu oval kia nữa. Cung cách Cơ đốc giáo duy nhứt trong Kinh Thánh là Cơ đốc giáo hoàn toàn, từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa Jêsus.
4. Từ phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta, chúng ta hãy xét qua ba đặc điểm của một Cơ đốc nhân biết đầu phục.

I. Những Cơ đốc nhân biết phó thác tiếp nhận ý muốn  của Chúa Jêsus (các câu 21-23).

A. Chúa Jêsus đã hành động theo chương trình của Đức Chúa Cha (câu21).
1. Một trong những câu nói rõ ràng nhất về chính mình Ngài nằm ở Giăng 4:34: "Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài". Ở đây chúng ta thấy câu nói ấy được thốt ra.
2. Sau khi Chúa Jêsus khẳng định lai lịch của Ngài là "Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống" và đưa ra câu nói có tính cách tuyên bố về thân thể đời đời của Ngài, là "Hội thánh", Ngài cấm các môn đồ "đừng nói cho ai biết" Ngài là Đấng Mêsi.
3. Câu 21 cho chúng ta biết rằng "từ đó" Ngài mới tỏ ra nhiều về chính mình Ngài theo cách riêng cho họ hơn là công khai trước các đám dân đông.
4. Chúa Jêsus đã tập trung vào chương trình của Đức Chúa Cha. Ngài "mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải…". Hãy lưu ý chữ "phải". Đức Chúa Trời không có một chương trình phụ.
5. Thứ nhứt, Chúa Jêsus đã tỏ ra rằng "Ngài phải đi đến thành Jerusalem".
a. Câu 13 cho chúng ta biết rằng họ đã ở tại thành "Sêsarê Philíp" ở biên giới phía Bắc của xứ Israel. Họ đã được đôi chút an toàn đối với các kẻ thù của họ tại đây.
b. Có lẽ các môn đồ đã sợ xuôi Nam, không nghi ngờ chi nữa ở đó họ sẽ đối mặt với cơn thạnh nộ của các cấp lãnh đạo tôn giáo. Ở một chỗ kia, Thôma đã nói: "Chúng ta cũng hãy đi tới đó đặng chết với Ngài!" (Giăng 11:16). Họ tưởng Chúa Jêsus bị điên khi quay trở lại chính nơi rất nguy hiểm cho Ngài.
c. Tại thành "Jerusalem" là chính địa điểm mà Ápraham đã dâng Ysác con mình làm của lễ thiêu, ở đây vị tộc trưởng đã nói: "Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm sẵn lấy chiên con" (Sáng thế ký 22:8).
d. Chúa Jêsus lên thành Jerusalem vì đấy là địa điểm đã được chỉ định theo cách thiêng liêng để dâng của lễ. Ngài phán trong Luca 13:33: "… vì không có lẽ một đấng tiên tri phải chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem".
6. Thứ hai, Chúa Jêsus cũng tỏ ra rằng "Ngài phải… chịu nhiều sự khốn khó" từ tay các cấp lãnh đạo tôn giáo.
a. "Những người trưởng lão" có lẽ là các đại biểu đến từ các chi phái khác nhau. "Các thầy tế lễ cả" chủ yếu là người Sađusê. "Các thầy thông giáo" hầu hết thường là những người Pharisi, họ chuyên xu hướng theo truyền thống.
b. Mỗi một nhóm hay kình chống nhau như thế nầy đã gắn bó với nhau trong thái độ thù hằn và ao ước được giết Chúa Jêsus.
7. Thứ ba, Chúa Jêsus đã tỏ ra rằng "Ngài phải…bị giết". Từ ngữ Hy lạp nói đến "bị giết" không có ý nói tới sự hành hình của chính quyền mà là giết người.
8. Thứ tư, Chúa Jêsus đã tỏ ra rằng "Ngài phải… sống lại vào ngày thứ ba". Sau khi nghe Thầy của họ sẽ phải chịu khổ và chịu chết, thế rồi họ đã quên phứt đi phần cuối cùng. Họ đã nhìn thấy Chúa Jêsus làm cho con gái của Giairu sống lại, cũng như đứa con trai của bà goá ở Nain, thế mà họ đã kinh ngạc không biết ai sẽ làm cho Chúa Jêsus sống lại nếu Ngài phải chịu chết đi?
B. Phierơ đã nói theo sự phỏng đoán  của riêng mình (câu 22).
1. Phierơ "bèn đem Ngài riêng ra mà can rằng". Quí vị có thể hình dung ra bối cảnh ấy trong trí mình không?
2. Phierơ từng bị tai tiếng vì sự hấp tấp của mình rồi. Tuy nhiên, chúng ta có thể được yên ủi trước sự thực là Phierơ đã có một sự mật thiết với Chúa để nói với Ngài giống như một người bạn thân vậy.
3. Phierơ là một mục tiêu quá dễ dàng. Chúng ta mau mắn xét đoán mọi hành động của ông. Thế mà chúng ta lại thường hành động với sự phỏng đoán về ý muốn của Đức Chúa Trời? Thể nào chúng ta thường kêu lên: "Không công bằng đâu, lạy Chúa" hay "Lạy Chúa, sao lại là tôi?"
4. "Quở" mang nghĩa rộng của một lịnh lạc từ cấp trên. Phierơ đã nói với giọng điệu của bậc cha mẹ nói với con cái loạn nghịch. Động từ nguyên thể thì hiện tại cho thấy ông đã lặp lại câu nói đó.
5. Phierơ nói: "Còn lâu mới có sự đó" hoặc "Đức Chúa Trời ngăn cấm!" Ông nói: "Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!" Phierơ không nghĩ rằng Đấng mà ông đã tuyên bố là "Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống" sẽ bị ngược đãi và bị giết bởi các cấp lãnh đạo tôn giáo.
6. Thay vì phục theo chương trình đời đời của Đức Chúa Trời, phỏng chừng của Phierơ rất giống với các Cơ đốc nhân tùy tiện thời nay. Chúng ta muốn mão triều thiên chớ không muốn thập tự giá của Ngài.
C. Chúng ta có thể dễ dàng góp phần vào mục đích  của kẻ thù (câu 23).
1. Trong khi ở ngoài mặt, nhìn kỹ hơn thì mối lo của Phierơ dường như hợp lý và dễ thương. Phierơ và 12 sứ đồ hoàn toàn nương vào Chúa Jêsus trong mọi sự. Họ đã hỏi: "Lẽ nào đây là ý chỉ của Đức Chúa Trời sao?" Thay vì thế, họ đang hỏi: "Nếu Chúa Jêsus chết, thì điều chi sẽ xảy ra cho chúng ta?"
2. Tình cờ Phierơ đã đùa giỡn trong bàn tay của Satan. Chúa Jêsus đã "xây mặt lại" cùng ông. Hãy tưởng tượng cái nhìn trong ánh mắt của Cứu Chúa xem! Có thể cái nhìn ấy đượm chính nét sắc sảo luôn luôn có trong ánh mắt của những kẻ hay chế giễu đền thờ. Ngài phán: “Hãy lui ra đàng sau ta!"
3. Không một điều gì làm cho Phierơ rúng động hơn thế. Chúa Jêsus đã cáo ông về việc hành động y như Satan vậy. Luca 4:8 ghi lại rằng Chúa Jêsus đã phán ra cùng một việc ấy với Vua của sự tối tăm trong khi chịu cám dỗ: "Đức Chúa Jêsus bèn phán cùng nó rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, ngươi hãy lui ra! Vì có lời chép rằng: Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi".
4. Chúa Jêsus vốn biết rõ Satan đã đặt điều nầy trong Phierơ. Ở câu 17, Chúa Jêsus phán rằng Phierơ đã nói ra những gì “Đức Chúa Cha” đã “tỏ ra” cho ông biết, còn câu 23 người đánh cá to con kia đã trở thành phát ngôn viên của địa ngục. Satan phải làm một điều gì đó để giữ Chúa Jêsus đừng lên thập tự giá.
5. Chúng ta dễ bị bịp làm sao! Chúa Jêsus phán: "Ngươi làm gương xấu cho ta". Quí vị có thể tưởng tượng xem có gì tệ hại hơn nữa không? "Gương xấu" rút ra từ chữ skandalon, có nghĩa là "một cái bẫy hay một vầng đá vấp chơn". Chúng ta có từng làm ngăn trở chương trình của Đức Chúa Trời không?
6. Thể nào chúng ta thường cẩn thận thốt ra những lời lẽ tiểu xảo của kẻ thù chúng ta khi hắn thì thầm nhỏ nhẹ bên tai của chúng ta? Thể nào chúng ta thường nghĩ tới việc làm lành nhưng lại làm điều ác? Thể nào chúng ta thường tìm cách chữa lành, thay vì thế lại làm cho thương tích?
7. Có một manh mối cho chúng ta trong câu nói nầy: "vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta". Bao lâu tiêu điểm của chúng ta đặt nơi "việc người ta", chúng ta sẽ không bao giờ làm theo ý chỉ của Đức Chúa Trời đâu.
8. Chúng ta phải tránh không làm quân cờ cho địa ngục bằng cách nào? Chúng ta hãy tiếp thu từ Côlôse 3:1-17.

II. Những Cơ đốc nhân biết phó thác đối diện với những đòi hỏi của Chúa Jêsus (các câu 24-26).

A. Chúa Jêsus đòi hỏi ba hành động (câu 24).
1. Thứ nhứt, một Cơ đốc nhân biết phó thác phải "liều mình".
a. "Liều" ra từ chữ có ý nghĩa là chối bỏ hoàn toàn, phân rẽ hoàn toàn. Chúa Jêsus đã sử dụng chính từ ấy trong Mathiơ 26:34 để nói trước cho Phierơ biết sự Phierơ chối Chúa: "Quả thật, ta nói cùng ngươi, chính đêm nay, trước khi gà gáy, ngươi sẽ chối ta ba lần".
b. Một Cơ đốc nhân biết phó thác phải "chối bỏ" bản ngã cũ. Chúa Jêsus không có ý nói tới lai lịch riêng tư của chúng ta đâu, mà Ngài nói tới phương thức sống cũ, nó tội lỗi và loạn nghịch. Phaolô đã nói trong Rôma 7:18: "Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu".
c. Mặc dù chúng ta đã được xưng công bình bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn phải chối mỗi ngày và liên tục từ bỏ phương thức sống cũ.
d. Rôma 13:14 chép: "nhưng hãy mặc lấy Đức Chúa Jêsus Christ, chớ chăm nom về xác thịt mà làm cho phỉ lòng dục nó". Philíp 3.3 chép: "Vì, ấy chính chúng ta là kẻ chịu phép cắt bì thật, là kẻ cậy Đức Thánh Linh Đức Chúa Trời mà hầu việc Đức Chúa Trời, khoe mình trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ”.
2. Thứ hai, một Cơ đốc nhân biết đầu phục phải "vác thập tự giá".
a. Đối với một tín đồ "vác thập tự giá" không có ý nói tới một sự khó nhọc hay thử thách thông thường nào đó. Hỡi quí bạn, mẹ vợ của quí vị không phải là “cây thập tự” mà quí vị phải vác lấy đâu!
b. Thay vì thế, câu nầy có ý nói tới sự chúng ta bằng lòng nhịn nhục bất cứ sự bắt bớ nào hay trả bất cứ giá nào thậm chí cả tuận đạo vì Chúa Jêsus nữa.
John MacArthur viết: …thập tự giá là một thực tại rất cụ thể và sống động. Đây là công cụ hành quyết dành để cho các kẻ thù tệ hại nhất của La mã. Đây là biểu tượng của đau khổ và chết chóc đã chờ đợi những ai dám đưa bàn tay lên nghịch cùng nhà cầm quyền La mã. Không lâu lắm trước khi Chúa Jêsus và các môn đồ đến tại thành Sêsarê Philíp, 100 người đã bị đóng đinh trên thập tự giá trong khu vực. Một thế kỷ trước, Alexander Janneus đã cho đóng đinh trên thập tự giá 800 người Do thái nổi loạn tại thành Jerusalem, và sau cuộc nổi loạn tiếp theo sau cái chết của Hêrốt Đại Đế, 2.000 người Do thái đã bị đóng đinh trên thập tự giá bởi Thống đốc La mã Varus. Những lần đóng đinh trên thập tự giá ở cấp độ nhỏ đều rất bình thường, và nó được đánh giá có lẽ khoảng 30.000 lần dưới nhà cầm quyền La mã trong suốt cuộc đời của Đấng Christ.
c. Các môn đồ đều hiểu vác thập tự giá của một người là bắt đầu một cuộc diễu hành đến với cái chết. Không phải mỗi một môn đồ đều phải phó sự sống mình cho Đấng Christ, mà mỗi một môn đồ phải bằng lòng phó mọi sự cho Chúa Jêsus.
d. Khả năng vác lấy thập tự giá của chúng ta bắt rễ từ lời hứa long trọng của Chúa Jêsus rằng "cửa âm phủ" sẽ không "thắng" được chúng ta. Chúng ta có sự đắc thắng đối với sự chết!
e. Chúa Jêsus không vác lấy thập tự giá của Ngài lên Via Dolorosa trừ khi Ngài lìa bỏ thiên đàng. Quí vị có vác thập tự giá của mình chưa? Quí vị có chịu chết vì Ngài không? Quí vị có chịu sống cho Ngài không?
3. Thứ ba, một Cơ đốc nhân biết phó thác phải "theo Chúa Jêsus". I Giăng 2:6 chép: "Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm". Chúa Jêsus đã phán trong Giăng 12:26: "Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người....".
B. Đòi hỏi của Chúa Jêsus là một sự nghịch lý rất lớn (các câu 25-26).
1. "Sự sống" ở đây có ý nói tới bản ngã. "Vì ai" sống chỉ lo làm đẹp lòng mình hay "cứu sự sống mình" bằng cách theo đuổi khoái lạc và của cải sẽ "mất nó". Tuy nhiên, người nào bằng lòng "mất" hay từ bỏ mọi sự, thậm chí cả mạng sống sẽ "được lại" sự sống đời đời.
2. Hãy tưởng tượng xem nếu người kia có thể kiếm được "cả thế gian" và mọi sự giàu có của nó. Hãy tưởng tượng xem nếu quí vị có thể có được mọi sự ngay lúc bây giờ, song phải bỏ đi sự sống đời đời. Vậy thì linh hồn của quí vị giá bao nhiêu? Luca 16:19-31/Hêbơrơ 11:24-26.
3. Chúng ta không bị buộc phải chối bỏ sự sống của mình để trở thành hạng Cơ đốc nhân biết đầu phục. Chúng ta không biết. Chúng ta chỉ phải bằng lòng mà thôi.

III. Cơ đốc nhân đầu phục  biết trước các phần thưởng của Chúa Jêsus (các câu 27-28).

A. Sự đến của Chúa Jêsus là một lời hứa vinh hiển (câu 27a).
1. Chúng ta hãy xem qua lời tiên tri ở Đaniên 7:9-14.
2. Sau khi bảo đảm cho các môn đồ quả thực Ngài là "Con của Đức Chúa Trời hằng sống", sau khi nói cho họ biết rằng Ngài sẽ "bị giết và sẽ sống lại" Ngài quyết chắc với họ rằng quả thực họ sẽ nhìn thấy mọi điều mà họ hằng ao ước, phải, thậm chí còn hơn cả ao ước nữa. Họ sẽ nhìn thấy Ngài "ngự trong sự vinh hiển của Cha mình mà giáng xuống cùng các thiên sứ".
3. Sự việc kỳ diệu nói tới Đấng Christ, Hội thánh Ngài, Tin Lành và Sự Đến của Ngài hết thảy đều có trong phân đoạn ngắn ngủi nầy!
B. Sự đến của Chúa Jêsus là một lời cảnh cáo nghiêm trọng (câu 27b). Chúa Jêsus phán: "Ngài sẽ thưởng cho từng người, tùy việc họ làm". Người được cứu sẽ đối mặt với Ngai Phán Xét của Đấng Christ và người chưa được cứu sẽ đối mặt với Ngai Trắng Phán Xét.
C. Sự đến của Chúa Jêsus gồm một lời tiên tri có hai phần (câu 28).
1. Câu nầy đã gây rắc rối cho một số học viên Kinh Thánh vì Chúa Jêsus đã hứa rằng "có một vài kẻ" trong số các môn đồ sẽ không "nếm sự chết" hoặc chết cho tới chừng họ nhìn thấy "Con Người ngự đến trong Nước Ngài". Vì các môn đồ nguyên thủy đã chết trong khoảng 2.000 năm và vì Sự Tái Lâm chưa diễn ra, một số người cho rằng Chúa Jêsus vừa sai lầm lại vừa nói dối nữa.
2. Dù vậy, thật là quan trọng khi thấy rằng nhiều lời tiên tri trong Kinh Thánh đã có sự ứng nghiệm từng phần và một sự ứng nghiệm toàn phần. Thí dụ Phierơ có đề cập tới một lời tiên tri từ sách Giôên trong bài giảng của ông nhơn dịp Lễ Ngũ Tuần ở Công Vụ các Sứ Đồ 2:14-21. Lễ Ngũ Tuần là một sự ứng nghiệm từng phần, không phải hết thảy các sự cố trong lời tiên tri đó sẽ được ứng nghiệm toàn phần cho tới khi Sự Tái lâm đến.
3. Từ ngữ "Nước" ở đây ra từ chữ basilea, có nghĩa đen dịch là "vương giả" hay "oai nghi". Nói cách khác, chúng ta hiểu chữ nầy có ý nói rằng họ sẽ nhìn thấy Con Người trong sự vương giả hay nét oai nghi của Ngài là Con của Đức Chúa Trời.
4. Nếu quí vị đã xem trước chương 17, quí vị biết chính xác tôi muốn nói gì rồi. Chỉ có "sáu ngày" sau đó Chúa Jêsus đã đem theo vòng trong cùng gồm Phierơ, Giacơ và Giăng ("một vài kẻ") rồi cho phép họ nhìn thấy "Con Người" ngự trong "sự vinh hiển của Cha Ngài"  trên ngọn núi hoá hình.
5. Sự hoá hình là một sự ứng nghiệm từng phần, nhưng hết thảy chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài ngự trong sự vinh hiển của Ngài.

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét