Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bài 64: Mathiơ 17:14-21: "Đức Tin Dời Núi"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Đức Tin Dời Núi
Mathiơ 17:14-21
1. Kent Hughes viết: "Trong phòng trưng bày ở Vatican có treo bức tranh cuối cùng của Raphael, có người nghĩ đây là kiệc tác hay nhất của ông. Bức tranh ấy có ghi đề tựa là: “Sự Hoá Hình”. Phần trên cùng vẽ Chúa Jêsus với hình thái đã biến hoá, với Môise ở bên trái và Êli ở bên phải. Ở phần dưới là ba môn đồ, Phierơ, Giacơ và Giăng, họ vừa tỉnh thức và đang che mắt mình lại trước sự chói sáng làm quáng mắt của Chúa Jêsus. Trên mặt đất là cậu bé bị quỉ ám đáng thương, miệng của nó đang há ra ngáp trông rất tởm. Bên cạnh nó là người cha với vẻ mặt thất vọng lắm. Chung quanh họ là số môn đồ còn lại, một số họ tay chi lên chỗ Đấng Christ đang đứng với ánh sáng chói loà kia – Ngài mới là câu trả lời duy nhất cho cậu bé ấy. Raphael đã nắm bắt được đôi điều về sự đối ngược giữa Núi Hoá Hình vinh hiển và thế giới đau khổ đang chờ đợi ở bên dưới".
2. Trong những câu đứng trước, chúng ta đã học biết sự vinh hiển oai nghi của Chúa Jêsus trong Sự Hoá Hình, một cái nhìn trước về sự Tái Lâm của Ngài. Còn trong phân đoạn trước mặt chúng ta, chúng ta sẽ học biết về sự phục vụ trong đức tin cho một thế giới đầy đau khổ kia.
3. Đức tin tuyệt đối là cần thiết để sống đời sống Cơ đốc. Hãy xem xét ba điểm khác biệt của đức tin. Thứ nhứt, có ĐỨC TIN CỨU RỖI là ơn Đức Chúa Trời ban, là khả năng tin theo Đấng Christ để được cứu rỗi. Thứ hai, có ĐỨC TIN NÊN THÁNH, là đức tin mà chúng ta bước đi khi chúng ta được biến đổi theo ảnh tượng của Chúa Jêsus. Thứ ba, có ĐỨC TIN ĐẦY TRỌN, là đức tin để tin nơi quyền phép của Đấng Christ, chớ không phải tin vào khả năng riêng của mình. Đây là đề tài cho phân đoạn Kinh Thánh có ở trước mặt chúng ta.
4. Phân đoạn nầy là phần khởi đầu thời kỳ huấn luyện ngắn đặc biệt dành cho các môn đồ trước khi Chúa Jêsus chịu chết. Vài biến cố kế tiếp đóng vai trò như một trường đào tạo mà không có sự hiện diện của Chúa Jêsus.
5. Chúng ta hãy để ý 4  tiểu đoạn đã được phân chia tự nhiên trong phân đoạn nầy.
I. Tình trạng đáng thương của cậu bé (các câu 14-15).
A. Chúa Jêsus và Ba Môn Đồ Vòng Trong từ núi xuống.
1. Phierơ, Giacơ và Giăng mới vừa nhìn thấy bối cảnh không tưởng nổi trong đời sống của họ. Họ đã nhìn thấy Chúa Jêsus trong sự vinh hiển oai nghi của Ngài hai bên có cả Môise và Êli. Giờ đây, sau mặc khải về quyền phép của Đức Chúa Trời trên đỉnh núi nầy, họ đã đi xuống núi để học bài học về sự họ thiếu quyền năng của chính họ.
2. Bên dưới ngọn núi, có lẽ tại Sêsarê Philíp hoặc một ngôi làng lân cận nào đó, họ đã gặp một "đoàn dân", một đám đông dân chúng đang vòng quanh 9 môn đồ kia.
3. Trong một câu chuyện tương tự, Mác 9:14 chép: "Đức Chúa Jêsus với ba người đến cùng các môn đồ khác, thì thấy đoàn dân rất đông vây chung quanh, và mấy thầy thông giáo đương cãi lẽ với các môn đồ ấy". Dường như mấy thầy thông giáo đang tranh cãi với 9 môn đồ còn ở lại đó.
4. Sự thể cho thấy 9 môn đồ đồ nầy đã cố sức đuổi quỉ ra khỏi cậu bé mà không được. Tôi hình dung ra "mấy thầy thông giáo" đã chỉ ra về sự bất khả của họ, họ bị gọi là lang băm, hay đồ dỏm.
B. Một người cha đau khổ đến gần Chúa Jêsus.
1. Đám đông có lẽ đã mê mãi nhìn vào cuộc tranh luận nóng bỏng nầy đến nỗi họ không để ý Chúa Jêsus đang bước tới. Một người, là cha của đứa con bị quỉ ám kia, đã trông thấy Ngài.
2. Ông ta đến "quì  xuống” trước mặt Chúa Jêsus. Mác 9:15 thêm: "Cả đoàn dân nầy vừa thấy Ngài, liền lấy làm lạ, thảy đều chạy đến chào Ngài". Tôi  tưởng tượng họ đang nói: "Lạy Chúa Jêsus! Ngài có đây rồi! Chúng tôi đang nói về Ngài đây!"
3. Rõ ràng, người cha đau khổ nầy đã có một ý thức về đức tin và sự tôn kính dành cho Chúa Jêsus vì ông thưa với Ngài là "Lạy Chúa". Ông nài nỉ: "Xin Chúa thương đến con trai tôi".
C. Phần mô tả về cậu bé khốn khổ.
1. Thứ nhứt, người cha mô tả con của mình mắc chứng "phong điên". Bản dịch Kinh Thánh KJV sử dụng đúng từ nầy. Nói đúng ra, chứng nầy giống như bịnh “gàn dỡ” vậy. Người xưa tin theo vòng quay của mặt trăng đã khiến ra bịnh phong điên nầy. Quan niệm cho rằng cậu bé bị phong điên thời ấy, thời nay người ta nghĩ đó là chứng động kinh.
2. Thứ hai, người cha nói rằng con của ông ta "phải chịu đau đớn quá". Điều nầy cho thấy rằng tình trạng bịnh hoạn của nó là trầm trọng bất thường và có lẽ còn tệ hại thêm theo thời gian.
3. Thứ ba, người cha nói con của ông ta "thường khi té vào lửa". Thường hay có những đám lửa lộ thiên. Khi bị động kinh, cậu bé "thường" bị đốt nóng và lãnh lấy nhiều vết sẹo rất gớm ghiếc.
4. Thứ tư, người cha nói con của ông ta cũng "thường" "xuống nước". Nó té vào những cái giếng nước công cộng. Vì nó thường xuyên ở trong mối nguy hiểm dễ bị thiêu cháy hay dễ bị chết đuối, luôn luôn phải có người ở bên cạnh nó.
5. Thứ năm, Mác 9:17 thêm rằng người cha nói đứa con bị "quỉ câm ám" nên nó nói không được.
6. Một chỗ tương ứng khác trong Luca 9.39 thêm phần mô tả linh động nầy: "Một quỉ ám nó, thình lình kêu la; quỉ vật vã nó dữ tợn, làm cho sôi bọt miếng, mình mẩy nát hết, rồi mới ra khỏi".
7. Không phải ai bị chứng động kinh cũng là bị quỉ ám hết đâu. Tuy nhiên, chẵng có chút nghi ngờ gì đối với những người đang có mặt rằng một con quỉ đang gây ra nỗi khốn khổ của cậu bé nầy.
II. Nổ lực vô quyền của các môn đồ (câu 16).
A. Người cha đã đem đứa con đến với Chúa Jêsus để được chữa lành.
1. Hãy tưởng tượng tình trạng tuyệt vọng của người cha nầy xem. Giống như bất kỳ một bậc cha mẹ nào biết thương con, ông ta sẽ làm bất cứ điều gì để giúp cho đứa con của mình. Không nghi ngờ chi nữa, ông đã để ra nhiều tiền bạc và thì giờ chạy tìm ai đó có thể cứu chữa cho đứa con đáng thương của mình.
2. Ông ta nghe nói về Chúa Jêsus cùng các môn đồ của Ngài. Ông ta biết họ có quyền phép để chữa lành kẻ đau và đuổi quỉ, vì vậy với sự toan liệu hết mình, ông đem đứa con đến với họ.
3. Khi ông tìm gặp các môn đồ, Chúa Jêsus không có ở đó với họ. Các môn đồ bảo ông ta đừng lo, họ có thể giúp đỡ cho ông ta. Có lẽ họ nói: "Chúa Jêsus không có mặt ở đây, nhưng chúng tôi có thể giải quyết nan đề nầy. Chúng tôi đã từng làm việc nầy trước đây mà".
B. Các môn đồ không thể làm được việc gì.
1. Người cha tuyệt vọng kia công nhận với Chúa Jêsus: "Tôi đã đem nó cho môn đồ Chúa, nhưng chữa không được".
2. Trong 10:6-8, Chúa Jêsus đã ủy thác và mặc lấy quyền phép cho các môn đồ Ngài. Mác 6:13 chép họ: "đuổi ma quỉ, xức dầu cho nhiều kẻ bịnh và chữa cho được lành". Họ đã kinh nghiệm. Đây không phải là trường hợp đầu tiên của họ đâu.
3. Với lòng tin lớn, 9 môn đồ đã cố gắng đuổi quỉ, thế nhưng việc lại chẳng thành. Có lẽ họ lấy làm ngạc nhiên. Hãy tưởng tượng mấy thầy thông giáo mãi mắng nhiếc khiến cho họ phải tức điên lên được.
4. Thế thì đâu là vấn đề? Họ đã đuổi quỉ trước đó khi không có sự hiện diện của Chúa Jêsus. Họ đã ra sức để vận hành quyền năng của chính họ, chớ không phải quyền phép của Chúa Jêsus.
C. Không có Chúa Jêsus chúng ta không làm được việc gì hết.
1. Giống như các môn đồ, chúng ta có thể tin tưởng rất mạnh mẽ vào mọi truyền thống, những thành công trong quá khứ, các chương trình trong hiện tại đến nỗi chúng ta quên phứt quyền phép làm biến đổi lưu xuất ra từ Chúa Jêsus.
2. Chúng ta sẽ bị phân tán, tranh cạnh đến nỗi chúng ta giống như  cái thùng bị thủng nhiều lỗ, chúng ta không thể nắm lấy quyền phép của Đức Chúa Trời để thi hành chức vụ.
3. Hãy xem lại câu nầy. Ở đây là một nhu cần đúng đắn mà họ đã gặp gỡ nhưng họ "không chữa được”. Có bao nhiêu nhu cần mà chúng ta không chu toàn vì chúng ta thiếu đức tin, lòng tin cậy chúng ta đặt vào năng lực của mình hơn là đặt nơi Chúa Jêsus?
4. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng đức tin lớn đến từ việc tìm kiếm chương trình, ý muốn và quyền phép của Đức Chúa Trời.
III. Sự chữa lành có mục tiêu của Chúa (các câu 17-18).
A. Chúa Jêsus quở trách dân chúng (câu 17).
1. Bây giờ Chúa Jêsus chia sẻ đau buồn cùng với người cha. Chúng ta có thể nghe thấy trong lời lẽ của Ngài nỗi đau buồn của Ngài khi thấy họ thiếu đức tin (câu 17).
2. Đây là cái nhìn thoáng vào đời sống tư tưởng của Chúa Jêsus. Chúng ta thấy tình cảm của Con Đức Chúa Trời, mà cũng thấy có sự bực tức của Con Người nữa.
3. Chúa Jêsus đã đau buồn vì "dòng dõi không tin và gian tà kia". Ngài buồn bởi "đám đông" vô tín tiêu biểu cho cả nước Israel không có đức tin công nhận Ngài là Đấng Chịu Xức Dầu mà họ vốn chờ đợi lâu nay, là Đấng Mêsi.
4. Cái điều làm cho Chúa Jêsus phải thêm đau buồn chính là đức tin yếu đuối của các môn đồ Ngài. Thay vì quì gối xuống cầu nguyện khẫn thiết khi họ gặp phải một việc khó, họ lại bị kéo vào một cuộc tranh cãi tôn giáo với "mấy thầy thông giáo".
5. Thực vậy, Chúa Jêsus đang thắc mắc: "Các ngươi còn cần cái gì nữa, chỉ nương cậy nơi ta mà thôi?” Chúng ta thích trưng dẫn Philíp 4:13, thế nhưng chúng ta có thường thực hành lẽ thật của câu nói ấy không?
6. Chúng ta cũng nghe sự Chúa Jêsus ao ước về nhà của Cha Ngài. Ao ước của Ngài là trở lại với sự vinh hiển mà chúng ta nhìn thấy trên Núi.
7. MacArthur cho rằng Kẻ Thù đã thì thầm mấy lời không ra chi hết với Ngài: "Nếu họ không tin cậy Ngài trong khi Ngài đang ở với họ, làm thế nào Ngài trông mong họ tin cậy Ngài sau khi Ngài trở về trời chứ?"
B. Chúa Jêsus quở trách ma quỉ (câu 18).
1. Sự đau buồn của Ngài không ngăn trở tình cảm của Ngài. Ngài phán: "Hãy đem con đến đây cho ta".
2. Mác cho chúng ta biết Chúa Jêsus đã phán với người cha: "Kẻ nào tin thì mọi việc đều được cả". Người cha đã đáp lại với lời cầu nguyện thành thực đáng phải có trên môi miệng của chúng ta: "Tôi tin, xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!" Khi quí vị không dám chắc, hãy nhìn nhận sự không dám chắc đó!
3. Khi Chúa Jêsus "quở trách quỉ" tà linh đã thực hiện cuộc tấn công cuối cùng trên nạn nhân của nó. Mác 9:26 ghi lại: "Quỉ bèn la lớn tiếng lên, vật đứa trẻ mạnh lắm mà ra khỏi; đứa trẻ trở như chết vậy, nên nỗi nhiều người nói rằng: Nó chết rồi".
4. Câu 18 cũng chép: "và từ giờ đó đứa trẻ được lành". Không còn có sự ám ảnh nào nữa, không còn có sùi bọt mép nữa, không còn có cảnh té vào lửa hay vào nước nữa.
5. Luca 9:43 nói về đám dân đông: "Ai nấy đều lấy làm lạ về quyền phép cao trọng của Đức Chúa Trời".
6. Đức tin đầy trọn chỉ đến khi chúng ta chịu đầu phục, chỉ khi chúng ta xưng ra chúng ta thiếu đức tin và thiếu khả năng. Chúng ta phải làm cho mình ra trống không trước khi được đầy dẫy Chúa Jêsus.
IV. Thực tại đắc thắng của đức tin (các câu 19-21).
A. Một câu hỏi riêng tư (câu 19).
1. Sau sự cố nầy, "môn đồ bèn đến gần Chúa Jêsus". Mác cho chúng ta biết họ đã vào trong một ngôi nhà. Có lẽ họ đang vui hưởng sự mến khách của gia đình cậu bé vừa được Chúa Jêsus chữa lành cho.
2. Họ hỏi: "Vì cớ gì chúng tôi không đuổi quỉ ấy được?" Một lần nữa, họ đã đưa ra một câu hỏi theo cách riêng tư. Không nghi ngờ chi nữa cái tôi của họ đã bị bầm dập do sự bất khả của họ. Họ đã đuổi nhiều quỉ rồi mà. Chắc chắn điều thất bại vừa rồi đã cung ứng cho họ một nhận thức về uy quyền và quyền phép. Tại sao họ đã thất bại đáng thương như vậy, còn Chúa Jêsus thì lại thành công dễ dàng như thế chứ?
3. Tôi thấy rất là thú vị khi Phierơ bình thường rất sốc nổi dường như đã im lặng như tờ. Ông đã có mặt trên núi với Chúa Jêsus. Ông đã nhìn thấy sự vinh hiển.
B. Một câu trả lời khó (câu 20).
1. Câu trả lời của Chúa Jêsus thì ngắn gọn, đơn giản và đối với họ thì rất là khó nghe: "Ấy là tại các ngươi ít đức tin" hay "vì các ngươi thiếu lòng tin". Họ đã có đức tin cứu rỗi, đức tin nên thánh, nhưng chưa có đức tin trọn vẹn cho nan đề nầy.
2. Khi Chúa Jêsus quở bão yên lặng, Ngài đã hỏi: "Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ?" (Mathiơ 8.26). Sau đó khi Phierơ bắt đầu chìm xuống nước, Ngài đã hỏi: "Hỡi kẻ ít đức tin kia, sao ngươi nghi ngờ làm vậy?"
3. "Ít đức tin" có nghĩa gì chứ? Ấy là tin vào sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời khi quí vị đang có mọi sự quí vị cần rồi. "Ít đức tin" là tin cậy sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời khi con đường ở trước mặt quá rõ ràng. "Ít đức tin" là tin vào sự nhơn từ của Đức Chúa Trời khi mọi sự đang nở ra hoa hồng.
4. Đức tin lớn là tin vào sự tiếp trợ mà quí vị chưa có, nhắm vào một hướng đi mà ở đó con đường không rõ rệt hoặc tin cậy vào bổn tánh của Đức Chúa Trời khi thời thế quá khó khăn.
5. Dường như đây là một sự mâu thuẫn nhỏ khi Chúa Jêsus nói ra sự họ “ít đức tin”, nhưng tiếp đó Ngài nói tới “đức tin như hột cải nhỏ". Đức tin như hột cải tiêu biểu cho đức tin thoát ra từ chỗ rất nhỏ nhưng rồi nó lớn lên. Một hột cải là một hột giống rất nhỏ, nó mọc lên thành một cây lớn. Chúa Jêsus có ý nói rằng một đức tin tấn tới là một đức tin đầy quyền phép!
6. Chúa Jêsus nói cho các môn đồ biết rằng nếu họ có "đức tin bằng hột cải" hay một đức tin tấn tới "sẽ khiến núi nầy rằng: Hãy dời đây qua đó, thì nó liền dời qua”. Ngài còn nói thêm: “và không có sự gì mà các ngươi chẳng làm được".
7. Chúng ta biết Chúa Jêsus không nói theo nghĩa đen về việc dời đi một ngọn núi. "Có khả năng dời núi" là cách nói bóng bẩy trong thời ấy, có ý nói tới khả năng thắng hơn mọi trở ngại.
8. Khi chúng ta đối diện với những khó khăn có tầm cở của ngọn núi trong cuộc sống như các môn đồ đã gặp khi xử lý với cậu bé bị quỉ ám, chúng ta cần phải nhớ rằng đức tin là chìa khoá. Thay vì lo lắng, tranh cãi, hay than vản, chúng ta nên quì gối xuống và đầu phục trọn vẹn đối với Đức Chúa Trời.
C. Một nguyên tắc sau cùng (câu 21).
1. Chúa Jêsus thêm rằng "thứ quỉ nầy nếu không cầu nguyện không kiêng ăn thì chẳng trừ nó được”.
2. "Kiêng ăn" là một kỹ thuật rất quan trọng, một kỷ luật thuộc linh đưa chúng ta vào sự cầu nguyện. Cầu nguyện là chìa khoá. Khi chúng ta không biết phải làm gì, chúng ta nên cầu nguyện, Cầu Nguyện, CẦU NGUYỆN!!!
3. Quí vị ơi, trong nhiều thể cách chúng ta giống y như các môn đồ. Chúng ta biết rõ những truyền thống. Chúng ta có những chương trình dành cho từng loại chức vụ. Chúng ta hiểu nhu cần phải cầu nguyện. Những gì chúng ta cần chỉ là cầu nguyện mà thôi. Chúng ta cần phải đem bản ngã mình đầu phục Đức Chúa Trời rồi để cho Ngài sử dụng chúng ta.
4. Có còn nhớ bức tranh không? Các môn đồ đang chỉ tay về phía Chúa đã hoá hình kia kìa. Đấy là điều chúng ta phải làm. Hãy quì gối xuống rồi chỉ cho người ta nhìn về Chúa Jêsus.

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét