Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Bài 63: Mathiơ 17:1-13: "Một Đỉnh Cao Nơi Sự Tái Lâm"


MATHIƠ  – VUA CÁC VUA
Một đỉnh cao nơi sự tái lâm
Mathiơ 17:1-13
1. Những bộ phim mới thường đưa ra "những đỉnh cao" trước buổi trình chiếu đầu tiên cho toàn thể công chúng xem. Dân chúng sống trong các thành phố lớn được phép xem cuộn phim trước bất kỳ thành phố nào khác. Cũng một thể ấy, sự hoá hình của Chúa Jêsus trong sự vinh hiển là một “đỉnh cao” đã cung ứng cho ba môn đồ và chúng ta một cái nhìn vào sự Tái lâm của Ngài.
2. Chúng ta hãy dành một phút ôn lại phân đoạn Kinh Thánh.
A. Ở phần kết luận của chương 16, Chúa Jêsus nói cho các môn đồ biết không bao lâu nữa Ngài sẽ bị giết và sẽ sống lại. Phierơ không thể tin theo điều nầy và đã cố gắng “can” Chúa. Chúa Jêsus nói cho Phierơ biết rằng ông đang hành động giống như "Satan" và ông đã làm “gương xấu” vì lý trí ông chỉ đặt vào "việc của con người" chớ không đặt vào "việc của Đức Chúa Trời" (các câu 21-23). Đây là các thông tin rất đáng buồn.
B. Chúa Jêsus cũng nói với các môn đồ Ngài về việc bỏ đi mọi sự để có được Vương quốc. Ngài nói cho họ biết rằng một người phải "từ bỏ mình, vác lấy thập tự giá mà theo ta" (câu 24).
C. Vì họ lấy làm buồn rầu khi hay biết được rằng không bao lâu nữa Chúa Jêsus sẽ chết, Chúa đã nói cho họ biết rằng Ngài cũng sẽ "đến cùng với các thiên sứ trong sự vinh hiển của Cha mình" rồi Ngài sẽ "thưởng cho mỗi người tùy việc họ làm" (câu 27).
D. Trong một câu nói lúc đầu dường như là kỳ lạ, Chúa Jêsus bảo đảm với nhóm môn đồ rằng "một vài người" trong số họ sẽ "không chết" cho tới chừng họ trông thấy Chúa Jêsus "đến trong Nước của Ngài". "Nước" ở đây có nghĩa là "oai nghi" hay "vương giả". Tuần rồi tôi đã chỉ cho quí vị thấy câu nói nầy có liên quan thể nào với phân đoạn Kinh Thánh của chúng ta ở đây trong chương 17.
3. Sự chết, sự chôn và sự sống lại của Chúa Jêsus chẳng phải là tình cờ đâu. Chúa Jêsus nói rằng chúng "phải" xảy ra (16.21). Chắc chắn là như thế. Chúa Jêsus là "Chiên Con bị giết từ lúc lập nền thế gian" (Khải huyền 13). Chúng ta hãy xét qua bốn minh chứng rất thuyết phục cho chúng ta thấy Chúa Jêsus đang làm theo ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời.
I. Chúa Jêsus được biến hoá trong sự vinh hiển (các câu 1-2).
A. Chúa Jêsus và ba môn đồ vòng trong lui vào nơi hẻo lánh (câu 1).
1. Thỉnh thoảng Chúa Jêsus sẽ đem riêng Phierơ, Giacơ và Giăng tẻ ra đối với các môn đồ khác. Có lẽ Ngài làm vậy là vì họ là cấp lãnh đạo và cần huấn luyện đặc biệt hơn.
2. Hết thảy các môn đồ đều quan trọng như nhau đối với Chúa Jêsus, song ba người nầy có các phần việc đặc biệt phải lo làm. Hết thảy họ đều quan trọng đối với Chúa Jêsus. Ngài đã ban cho họ mỗi người các ân tứ để hầu việc Ngài. Chúng ta đừng nên ganh tỵ nhau về các ân tứ, các khả năng và địa vị, mà phải vui vẻ phục vụ Ngài.
3. Chỉ võn vẹn có “sáu ngày” sau khi Chúa Jêsus đã nói cho họ biết rằng một vài người sẽ "không chết". Họ đã trông mong được nhìn thấy nét oai nghi của Ngài, nhưng họ không mong nhìn thấy điều đó cách mau chóng đâu.
4. Họ đã tự "trèo lên một hòn núi cao". Chúng ta thấy rõ ràng Chúa Jêsus thường đem riêng cấp lãnh đạo nầy tẻ ra đặng cầu nguyện. Tôi dám chắc Phierơ, Giacơ và Giăng đã nghĩ đây sẽ là một buổi nhóm cầu nguyện bình thường thôi.
5. Hòn "núi cao" có lẽ là Núi Hẹt môn trong khu vực Sêsarê Philíp. Hẹt môn cao tới 9.000 feet trên mực nước biển trung bình và 11.000 feet cao đối với thung lũng sông Giôđanh. Trong một ngày trời trong, từ thành Jerusalem có thể nhìn thấy tuyết phủ trên đỉnh núi. Đúng là một nơi vinh hiển cho sự cầu nguyện.
6. Tôi muốn đề xuất bốn lý do tại sao Chúa Jêsus đã cho phép ba người nầy chứng kiến sự hoá hình của Ngài.
a. Thứ nhứt, họ sẽ trở thành những chứng nhân quyết chắc về sự vinh hiển của Ngài. Luật pháp chép trong Phục truyền luật lệ ký 19:15: "…cứ theo lời của hai hay ba người chứng, thì sự mới định được". Khi biến cố quan trọng nầy về sau được tỏ ra, cả ba người đều nói về cùng một việc.
b. Thứ hai, mấy người nầy vốn có mối quan hệ mật thiết nhất với Chúa Jêsus. Họ đã sống gần gũi nhất với Ngài. Họ đã dự phần sâu sắc trong sự thương khó của Ngài và cũng rất là thích ứng khi họ cũng sự phần vào sự vinh hiển của Ngài nữa. Chúng ta luôn luôn chia sẻ những tin tức tốt lành trước tiên với những người mà chúng ta yêu thương nhất.
c. Thứ ba, là cấp lãnh đạo được công nhận, họ có thể trình bày rõ ràng mọi điều mà họ đã nhìn thấy với người khác. Họ được kính trọng và nhiều người khác sẽ tin theo họ.
d. Thứ tư, họ có thể giữ kín sự việc cho riêng họ. Bổn tánh tự nhiên của con người vốn là vậy, nếu 12 môn đồ đã chứng kiến sự cố nầy, toàn bộ khu vực có lẽ đều biết rõ sự cố đó. Chúa Jêsus chưa sẵn sàng để được tỏ ra cách trọn vẹn đâu (câu 9).
7. Thật thú vị thay, một phân đoạn tương ứng trong Luca 9.32 cho chúng ta biết rằng khi Chúa Jêsus cầu nguyện: "Phi-e-rơ cùng đồng bạn mình buồn ngủ lắm". Gần như họ đã ngủ suốt Sự Hoá Hình ấy! Tôi lấy làm lo là không biết có ai đó ngủ gục trong khi tôi giảng hay không, nhưng rồi tôi nhận ra rằng các môn đồ đã ngủ với Chúa Jêsus, Môise và Êli!
B. Chúa Jêsus tỏ ra sự vinh hiển Ngài cho Ba Môn Đồ vòng trong thấy (câu 2).
1. Câu 2 nói Chúa Jêsus đã "biến hoá trước mặt các người ấy". Từ “biến hoá” ra từ chữ metamorphoo, từ đây mới có chữ "metamorphosis" trong Anh ngữ (có nghĩa là “biến hoá”). Nó có nghĩa là "được biến đổi sang một hình thái khác". Chúng ta suy nghĩ tới sâu bướm và con bướm.
2. Luca 9:29 nói sự biến hoá diễn ra "khi Ngài đương cầu nguyện". "Diện mạo Ngài khác thường, áo Ngài trở nên sắc trắng chói-lòa".
3. Chúa Jêsus khi ấy trông thế nào? Thứ nhứt: "mặt Ngài sáng loà như mặt trời". Thời điểm nầy trong năm, mặt trời luôn luôn chiếu thẳng vào mặt tôi khi tôi lái xe đến văn phòng mỗi sáng. Tôi sử dụng nón lưỡi trai và kính mát, song vẫn còn thấy chói lắm. Khi tôi đang lái xe vào buổi sáng kia tuần nầy, mặt trời dọi vào tôi giống như điều các môn đồ đã nhìn thấy khi họ nhìn vào mặt của Chúa Jêsus trong suốt Sự Hoá Hình
4. Gương mặt của Chúa Jêsus tràn đầy với vẽ chói lói sáng rực của vinh hiển Shekinah của Đức Chúa Trời! Có còn nhớ gương mặt của Môise không? Sự sáng rực của thần tánh Ngài đã chiếu rạng qua nhân tánh của Ngài. Hêbơrơ 1:3 chép Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời là "sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài".
5. Thứ hai, câu 2 chép: "áo Ngài trắng như ánh sáng". Mác 9:3 sử dụng ngôn ngữ linh động hơn: "Áo xống Ngài trở nên sáng rực và trắng tinh chói lòa, đến nỗi chẳng có thợ phiếu nào ở thế gian phiếu được trắng như vậy". Sự vinh hiển rực rỡ như thế, nó chiếu sáng cả áo xống của Ngài!
6. Về sau Giăng đã viết về Ngài: "Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha" (Giăng 1:14).
7. Chúng ta hãy xem những điều Phierơ đã nói trong II Phierơ 1:16-19.
8. Chúa Jêsus đã cho phép ba môn đồ nhìn thấy một “đỉnh cao”, một tiên vị của những gì cả thế gian sẽ nhìn thấy nơi Sự Tái Lâm của Ngài.
II. Chúa Jêsus đã hiện ra với các Thánh đồ (câu 3).
A. Một lần nữa Luca cung ứng cho chúng ta thêm một vài chi tiết nữa. Ấy là "đương khi cầu nguyện" thì sự vinh hiển của Ngài mới rạng rỡ ra như thế. Ngài đã được "biến hoá" khi Ngài cầu nguyện.
B. Ở một thời điểm, "Môise và Êli đã hiện ra" trước mặt các môn đồ đã ngủ vùi. Làm sao họ biết đấy là Môise và Êli? Họ đang "nói chuyện với Ngài".
C. Giờ đây hãy tưởng tượng mấy cái đầu ngủ gà ngủ gật kia xem. Họ đã tốn rất nhiều công sức để trèo lên hòn núi nầy. Phần nhiều người trong chúng ta, những ai từng dành thì giờ ở trên các ngọn núi đều biết rõ rằng không khí mỏng có thể làm mất nhiệt lượng nơi chúng ta. Khi họ quì gối đặng cầu nguyện với Chúa Jêsus, họ đã ngủ gà ngủ gật. Tôi đã nhìn thấy dân sự ngủ gà ngủ gật trong các buổi nhóm cầu nguyện sáng sớm. Tôi phải thừa nhận, tôi cũng đã cầu nguyện trong trạng thái ngủ như vậy nữa đấy.
D. Luca 9:32 chép: "Phi-e-rơ cùng đồng bạn mình buồn ngủ lắm, nhưng vừa tỉnh thức ra, thấy vinh hiển của Đức Chúa Jêsus và hai đấng ấy đứng gần Ngài". Họ đã tỉnh không những chỉ trông thấy sự vinh hiển Shekinah của Đức Giêhôva thôi, lại còn trông thấy các vị anh hào quan trọng nhất của Do thái giáo nữa.
E. MÔISE tiêu biểu cho phần Cựu Ước mà ai cũng biết rõ là luật pháp. Ông được gọi là "đấng ban luật pháp". Đức Chúa Trời đã dùng ông để lãnh đạo dân sự Ngài vào Đất Hứa rồi ban cho họ luật pháp thiêng liêng của Ngài.
F. ÊLI tiêu biểu cho phần Cựu Ước mà ai cũng biết là Các Sách Tiên Tri. Ai cũng biết ông là "vua của các tiên tri". Ông là nhân vật tình cảm nhất trong các nhân vật của Cựu Ước. Đức Chúa Trời đã dùng ông trong các phương thức thật lạ lùng để cảnh cáo dân sự Ngài về tội lỗi của họ và chỉ cho họ hướng đến Đấng Christ hầu đến.
G. Hãy nhớ, họ đang "nói chuyện" với Chúa Jêsus. Họ đang nói chuyện gì thế? Luca 9:31 nói họ "về sự Ngài qua đời, là sự sẽ phải ứng nghiệm tại thành Giê-ru-sa-lem". "Qua đời" lẽ ra phải dịch hay hơn là "ra đi". Từ chữ nầy trong tiếng Hy lạp, chúng ta mới có chữ exodus (Xuất Ai cập). Giống như Môise đã lãnh đạo các nô lệ Hêbơrơ xuất ra khỏi Ai cập, Chúa Jêsus sẽ lãnh đạo nhiều người ra khỏi vòng nô lệ cho tội lỗi trên một chuyến đi đến sự vinh hiển.
H. Họ đang nói về chính đề tài mà Chúa Jêsus mới vừa chia sẻ với các môn đồ, ấy là Ngài "đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại".
I. Thật là thú vị dường bao khi ở đỉnh cao nầy của Sự Tái Lâm, Chúa Jêsus hiện ra cùng với hai thánh đồ Cựu Ước. Khi Ngài tái lâm, hết thảy các thánh đồ của Đức Chúa Trời sẽ cùng hiện ra với Ngài!
III. Chúa Jêsus được chứng thực bởi Đức Chúa Cha (các câu 4-9).
A. Ao ước của Phierơ  (câu 4).
1. Phierơ, không nghi ngờ chi nữa đã bị sốc trước khi ông nói: "Lạy Chúa, chúng ta ở lại đây thì tốt lắm; ví bằng đẹp ý Chúa, thì tôi sẽ đóng ba trại tại đây, một cái cho Chúa, một cái cho Môi-se và một cái cho Ê-li". Luca 9:33 thêm vào phần  Phierơ đã nói bằng câu nầy "Vì Phi-e-rơ không biết mình nói chi”.
2. Trước mặt ông, Phierơ đã nhìn thấy vẽ oai nghi vương giả của Vua các vua. Ông đã chứng kiến cuộc trò chuyện giữa Chúa Jêsus và hai vị thánh đồ trong sự vinh hiển liên quan tới chương trình của Đức Chúa Trời dành cho Ngài tại thành Jerusalem, một sự khẳng định những điều Chúa Jêsus đã nói rồi với các môn đồ. Trong chỗ bối rối, mọi sự ông có thể suy nghĩ phải lo làm là "đóng ba trại" hầu cho họ có thể ở lại trên núi mà chẳng phải bước vào số phận khủng khiếp kia.
3. Một số học giả cho rằng sự cố nầy đã diễn ra trong Lễ Lều Tạm, khi người Do thái sinh sống trong chỗ nương náu tạm thời để nhắc cho họ nhớ về sự xuất Ai cập.
4. Một lần nữa, Phierơ đã "không nghĩ tới việc của Đức Chúa Trời, mà chỉ nghĩ tới việc của con người". Có thể ông đã nghĩ rằng nếu họ có thể ở lại đây trên hòn núi, Chúa Jêsus sẽ không phải chết. Tuy nhiên, sự chết của Ngài mới là chương trình của Đức Chúa Trời.
B. Đáp ứng của Đức Chúa Cha (câu 5).
1. Hãy lưu ý rằng lần nầy Chúa Jêsus không trả lời Phierơ, mà Đức Chúa Cha trả lời. Một "đám mây sáng rực". Những đám mây có thể mau chóng kéo phủ trên các ngọn núi cao. Đây không phải là mây tuyết, mà là một đám mây vinh hiển!
2. Giọng nói của Đức Chúa Trời vang lên: "Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường". Đức Chúa Cha đã phán ra câu nói đó trong lúc Chúa Jêsus chịu phép báptêm. Tuy nhiên, hãy lưu ý câu thứ hai đã được dự trù để nói cho Phierơ: "hãy nghe lời Con đó!”
3. Trong cách nói khác: "Nếu Con Ta bảo Ngài phải đi đến thành Jerusalem để chịu chết, hãy tin nơi Ngài! Nếu Ngài bảo ngươi Ngài sẽ sống lại, hãy tin nơi Ngài! Nếu Ngài bảo ngươi phải vác lấy thập tự giá mình mà đi theo, hãy tin theo Ngài! Nếu Ngài bảo ngươi Ngài sẽ tái lâm trong vẽ oai nghi, hãy tin theo Ngài!" Đức Chúa Cha luôn luôn khẳng định cho Đức Chúa Con.
C. Các môn đồ sợ hãi (các câu 6-8).
1. Khi ba người nghe được giọng nói kinh khủng nầy, họ "té sấp xuống đất, và sợ hãi lắm". Tâm thần họ bị tổn thương trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
2. Tôi rất thích phần nầy: "Song Đức Chúa Jêsus lại gần, rờ môn đồ". Quí vị có thấy sự tử tế của Ngài không? Ngài đã nhìn qua chỗ đức tin yếu đuối của họ và vẫn yêu thương họ. Ngài thì thầm trong tình yêu thương đó: "Hãy đứng dậy, đừng sợ".
3. Họ ngập ngừng: "ngửa mặt lên" rồi nhìn quanh. Đám mây đã trôi đi mất rồi. Môise và Êli đã đi đâu mất rồi. "Họ chỉ nhìn thấy một mình Chúa Jêsus mà thôi". Trông Ngài đã bình thường trở lại.
4. Phierơ về sau đã viết trong II Phierơ 1:16: "Vả, khi chúng tôi đã làm cho anh em biết quyền phép và sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, thì chẳng phải là theo những chuyện khéo đặt để, bèn là chính mắt chúng tôi đã ngó thấy sự oai nghiêm Ngài".
D. Mạng lịnh của Chúa Jêsus (câu 9).
1. Đi xuống núi thì dễ dàng hơn là đi lên núi. "Khi ở trên núi xuống" họ đã bàn bạc mọi điều mà họ đã chứng kiến. Thế rồi Chúa Jêsus "ra lịnh" cho họ.
2. Ngài bảo họ "chớ thuật lại cùng ai, cho đến khi Con người từ kẻ chết sống lại".
3. Tại sao vậy? Hãy suy nghĩ xem giữ họ ở xa 9 người bạn kia quả là khó dường bao.
4. Trong một vài dịp khác, dân chúng đã tìm cách ép Chúa Jêsus rồi lập Ngài làm vua để phu phỉ mọi sự ham muốn ích kỷ của họ. Chúa Jêsus không đến để trị vì trên Israel lúc bấy giờ, mà để trị vì trên tấm lòng của loài người. Nếu câu chuyện nầy được đồn ra, nó sẽ làm hỏng chương trình của Đức Chúa Cha.
5. Có một vài kinh nghiệm mà chúng ta sẽ có với Chúa trong giờ phút đó có thể được giữ kín cho riêng mình.
IV. Chúa Jêsus được kết với người tiền khu (các câu 10-13).
A. Thắc mắc của các môn đồ (câu 10).
1. Khi họ đang trên đường xuống núi, các môn đồ đã đưa ra một thắc mắc không nghi ngờ chi nữa đã bị giục giã bởi sự hiện diện của Êli lúc Hoá Hình.
2. Họ đã hỏi: "Vậy thì sao các thầy thông giáo nói rằng Êli phải đến trước?" Các thầy thông giáo đã dạy lẽ thật trong Kinh Thánh ở Malachi 4:5-6, câu nói trong Cựu Ước: "Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê-li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê-hô-va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy".
3. Nói cách khác: "Lạy Chúa Jêsus, chúng tôi biết rằng Ngài là Đấng Mêsi, nhưng tại sao Êli chưa xuất hiện với dân sự?"
B. Câu trả lời của Chúa (các câu 11-13).
1. Chúa Jêsus đã khẳng định lẽ thật trong sự dạy nầy bằng cách nói rằng: "Thật Êli phải đến trước". Tuy nhiên, Ngài tiếp tục phán rằng: "Êli đã đến rồi, và người ta không nhận biết".
2. Thực ra, họ "đã xử với người theo ý mình". Chúa Jêsus phán rằng "Con Người phải chịu khốn khổ bởi họ cũng như vậy".
3. Khi ấy các môn đồ "bèn hiểu". Họ vốn biết rõ Ngài đang nói về Giăng Báptít.
BA TƯ TƯỞNG KẾT LUẬN.
1. Đức Chúa Trời kêu gọi mọi người phải được biến đổi.
2. Nhìn thoáng qua sự vinh hiển của Đức Chúa Trời khiến cho chúng ta cứ đi tới.
3. Chúa Jêsus không kêu gọi chúng ta xây đền tạm, mà là xây dựng con người.

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét