Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Bài 67: Mathiơ 18:10-14: "Ngược Đãi Con Cái Đức Chúa Trời"


MATHIƠ – VUA CÁC VUA
Ngược đãi con cái Đức Chúa Trời
Mathiơ 18:10-14
1. Tôi thích một đoạn trích ngắn được gọi là “Những luật lệ riêng của trẻ con”. Một số người trong quí vị có thể thuật lại rất dễ dàng. 1. Nếu tôi thích món đó, thì nó là của tôi. 2. Nếu cái gì ở trong tay tôi, thì đó là của tôi. 3. Nếu tôi lấy cái đó từ tay bạn, thì cái đó là của tôi. 4. Nếu tôi cầm cái đó một chút thôi, thì cái đó là của tôi. 5. Nếu cái đó là của tôi, thì không bao giờ là của bạn đâu. 6. Nếu tôi đang làm hay đang dựng lên một việc gì, hết thảy các chi tiết đều là của tôi tất. 7. Nếu cái gì đó giống của tôi, thì nó là của tôi. 8. Nếu tôi nhìn thấy cái đó trước, thì đó là của tôi. 9. Nếu bạn đang chơi với cái gì đó mà để nó xuống đất, thì tự nhiên cái đó là của tôi. 10. Nếu cái gì đó bị hư hỏng, thì cái đó là của bạn.
2. Ai nấy đều biết những đứa trẻ mới biết đi chúng sống rất nhẫn tâm. Nếu một đứa trẻ dư cân một chút, nó có mụn trứng cá rất xấu xí, hai lỗ tai thật to hay một dáng dấp bất thường nào đó dễ trông thấy, những đứa khác sẽ thường dằn vặt nó một cách rất tàn nhẫn. Có thể quí vị là đứa trẻ đó. Có thể quí vị không phải là một phần tử trong "băng". Có thể quí vị đã cảm thấy sự khinh rẻ của những đứa trẻ khác khi còn là trẻ con, một thiếu niên hay thậm chí là một người lớn. Bị xem khinh là một cảm xúc rất cô đơn.
3. Là bậc cha mẹ, nhiều người trong chúng ta không những nhớ những lần vật vã ở lứa tuổi thanh niên, nhưng chúng ta đang nếm trải chúng một lần nữa với con cái của mình. Nhìn thấy chúng bị tổn thương, chúng ta cũng thấy bị thương tổn. Trong phân đoạn Kinh Thánh, chúng ta có một cái nhìn thoáng vào lòng của Đức Chúa Cha khi con cái Ngài bị xem khinh và bị chối bỏ.
4. Nội dung của chương nầy là mối quan hệ của chúng ta trong vai trò con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời. Chúng ta thuộc về gia đình đời đời của Ngài: "anh em chúng ta trong đức tin" (Galati 6.10). Khi Chúa Jêsus bằt đầu phần dạy dỗ nầy, Ngài "gọi một đứa trẻ đến". Tôi tưởng tượng đứa trẻ nầy đang ngồi bên hông Chúa Jêsus khi Ngài giải thích trở nên con cái Ngài có ý nghĩa như thế nào!
A. Thứ nhứt, Chúa Jêsus dạy rằng chỉ khi nào chúng ta "đổi lại [được thay đổi] và nên như đứa trẻ" thì chúng ta sẽ "được vào Nước thiên đàng" rồi được làm con nuôi trong gia đình của Đức Chúa Trời.
B. Thứ hai, mặc dù Chúa Jêsus đang dạy về "những đứa trẻ", cũng có thể được áp dụng đúng cho những kẻ đang là con trẻ theo phần xác, phần ứng dụng thực sự là cho con cái về mặt thuộc linh, là những tín đồ.
C. Thứ ba, vì con cái của Đức Chúa Trời là rất quan trọng đối với Ngài, Chúa Jêsus đã dạy về mối nguy hiểm của việc gây cho chúng phải sa vào tội lỗi.
5. Trong phân đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta sẽ xem mạng lịnh trực tiếp và phần giải thích chi tiết về việc không nên xem khinh bất kỳ ai thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời.
I. Mạng lịnh trực tiếp về con cái của Đức Chúa Trời (câu 10a).
A. Phần định nghĩa về việc xem khinh các tín đồ khác.
1. Với "con trẻ" kia, có lẽ vẫn còn ngồi trên gối của Ngài đóng vai trò như một minh hoạ, Chúa Jêsus phán: "Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy".
2. Chúa Jêsus phán: "Hãy giữ…" hay "Phải cẩn trọng". Trong Tân ước Hy lạp, điều nầy đề nghị tính cách gắt gao. Đây là một lời cảnh cáo mà Đức Chúa Trời sẽ không đẹp lòng nếu chúng ta "khinh dể" bất kỳ một con cái nào của Ngài.
3. Cho phép tôi đóng ngoặc đơn: "Hãy lắng nghe cho kỹ và hãy chú ý. Đức Chúa Trời rất nghiêm ngặt về cách thế chúng ta đối xử với con cái của Ngài". Đừng quên hình ảnh ở trong câu 6.
4. Từ ngữ "khinh dể" sát nghĩa là "suy nghĩ thấp kém". Nó có ý nói tới việc đối xử với một Cơ đốc nhân theo cách ráng sức làm cho người ấy ra đáng khinh.
5. Các môn đồ đang cãi nhau giữa vòng họ xem ai là lớn nhất đã làm bật ra sự dạy nầy. Trong tham vọng ích kỷ của họ muốn leo lên tới đỉnh cao, họ sẵn lòng hạ thấp nhau.
6. Chúa Jêsus đang phán rằng không nên để mắt dưới cái mũi kiêu căng của mình để nhìn bất kỳ một tín hữu nào khác. Trong nước của Đức Chúa Trời, chúng ta ngang bằng nhau. Chúng ta không nên xem khinh nhau. Điều nầy phản văn hoá… thậm chí trong Hội Thánh!
B. Một số trường hợp về việc xem khinh các tín hữu khác.
1. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta KHOE KHOANG VỀ SỰ TỰ DO của chúng ta. Chúa Jêsus đã đến để khiến cho chúng ta "thực được tự do". Tôi xuất thân từ một lai lịch xứng đáng và thật là kỳ diệu khi học biết quyền tự do của mình trong Đấng Christ. Tuy nhiên, chúng ta từng thấy quyền tự do của chúng ta có một sự cám dỗ rất tinh vi khiến cho chúng ta trở nên kiêu ngạo về mặt thuộc linh rồi nhìn xuống hay "khinh dể" các Cơ đốc nhân khác. I Phierơ 2:16 chép: "Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời".
2. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta ĐƯỢC MẾN CHUỘNG. Trong bất kỳ một Hội Thánh nào, ai ăn mặc đẹp, chỉnh tề sẽ nhận lãnh một sự tiếp đón nồng hậu nhiều hơn kẻ ăn mặc xoàng xỉnh và không sạch sẽ. Có nhiều tín hữu bị lôi cuốn theo dáng dấp bề ngoài. Hãy chú ý Giacơ 2:2-8.
3. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta KHÔNG GIÚP ĐỠ ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC KHI HỌ CÓ CẦN. Phaolô đã trách cứ Hội Thánh Côrinhtô vì những kẻ có dư dật, họ đã từ chối không chia sẻ với những kẻ túng ngặt. Hỡi Hội Thánh, tôi lấy làm tự hào về quí vị trong phương thức quí vị phục vụ lẫn nhau. I Giăng 3:17-18 chép: "Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đang cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.
4. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta CHẾ GIỄU BỀ NGOÀI CỦA HỌ. Một số tín hữu thành Côrinhtô đã chế giễu bề ngoài của Phaolô. Ông trách cứ họ về thái độ nhỏ nhen ấy. "Có người nói rằng các thơ của người nặng lời và bạo mạnh; nhưng đến khi có mặt thì người yếu đuối và lời nói chẳng có giá gì" (II Côrinhtô 10:10). Trong Galati 4:14, Phaolô khen ngợi người thành Galati vì ơn của họ: "vì xác thịt tôi yếu đuối sanh ra sự rèn thử cho anh em mặc dầu, anh em cũng chẳng khinh tôi, chẳng chối tôi, mà lại tiếp rước tôi". Sở dĩ như thế là vì người ta nhìn xem hay hành động khác nhau không có nghĩa là chúng ta được tự do "khinh dể" họ. Hãy nhớ, họ là con cái của Đức Chúa Trời.
5. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta XEM HỌ LÀ KHÔNG CÓ HY VỌNG. Khi một Cơ đốc nhân vấp ngã và sa vào tội lỗi, nơi họ rất dễ thối lui. Có phải quí vị từng nói: "Ông ta biết nhiều quá và giờ đây ông ta chịu lấy điều ông ta đáng chịu"? Galati 6:1-2 chép: "Hỡi anh em, ví bằng có người nào tình cờ phạm lỗi gì, anh em là kẻ có Đức Thánh Linh, hãy lấy lòng mềm mại mà sửa họ lại; chính mình anh em lại phải giữ, e cũng bị dỗ dành chăng. Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ”. Hãy nhớ bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể vấp ngã lắm đấy, bất cứ lúc nào.
6. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta BỰC TỨC MỘT TÍN HỮU ĐANG ĐỐI ĐẦU VỚI CHÚNG TA. Khi chúng ta phạm tội, dù cố ý hay không cố ý và một anh em đến đối mặt với chúng ta, đánh trả lại họ là điều rất dễ dàng. Hết thảy chúng ta đều cần sự quở trách trong tình yêu thương và sửa chữa từ từ. Khi điều ấy xảy ra, phải cảm tạ người có lòng quan tâm. Phaolô nói với Tít: "Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con" (Tít 2:15).
7. Chúng ta "khinh dể" các tín hữu khác khi chúng ta CHIẾM ƯU THẾ TRÊN HỌ. Trong I Têsalônica 4:6 Phaolô cảnh cáo rằng "Chớ có ai phỉnh phờ anh em mình, …, vì Chúa là Đấng báo oán…". Chúng ta cần phải yêu thương nhau, phục vụ nhau, cầu nguyện cho nhau, giúp đỡ nhau, khích lệ nhau nhưng không hề lợi dụng nhau.
II. Phần giải thích chi tiết về con cái của Đức Chúa Trời (các câu 10b-14).
A. Chúng ta không nên khinh dể các tín hữu khác vì Đức Chúa Trời sai thiên sứ đến phục vụ họ (câu 10b).
1. Trong phân nửa thứ nhì của câu 10, Chúa Jêsus phán: "vì Ta bảo các ngươi…" Câu nầy có tính cách nhấn mạnh. Giống như Chúa đã chiếm lấy một chỗ đứng để làm chứng và khẳng định thực tại của thiên đàng.
2. Chúa Jêsus đã khẳng định, nhấn mạnh điều gì? Ngài phán rằng "các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời".
3. Có một sự hấp dẫn với thiên sứ trong nền văn hoá của chúng ta. Một trong những chương trình được ưa thích trên TV là “được thiên sứ chạm đến”. Rủi thay, phần lớn cốt chuyện được viết và được nói về các thiên sứ trong thời buổi ấy không song hành với Kinh Thánh.
4. Hêbơrơ 1:14 nói tới vai trò của các thiên sứ thánh khi chép: "Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?" Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã chỉ định các thiên sứ phải làm thoả mãn mọi nhu cần của con cái Ngài, hết thảy các tín đồ. Thiên đàng chỉ biết cách thức họ lo bảo hộ và tiếp trợ cho mỗi một người chúng ta trong sự thầm lặng và theo cung cách không thấy được bằng mắt thường.
John Paton là một giáo sĩ ở quần đảo New Hebrides. Một tối kia, những người bản xứ có vẻ thù nghịch đã đến bao vây trạm truyền giáo, họ tính thiêu cháy gia đình Paton rồi giết chết họ. Paton cùng vợ mình đã cầu nguyện suốt buổi tối kinh khiếp ấy, họ xin Đức Chúa Trời giải cứu họ. Khi sáng ra, họ lấy làm kinh ngạc khi thấy những kẻ tấn công ấy đã bỏ đi. Một năm sau, viên tù trưởng của bộ lạc đã trở lại đạo cùng Đấng Christ. Sau khi nhớ lại những gì đã xảy ra, Paton đến hỏi vị tù trưởng điều gì đã giữ tay ông ta lại không  đốt cháy ngôi nhà và giết chết họ. Vi tù trưởng đáp trong nỗi kinh ngạc: "Những người ở với ông là ai vậy?" Paton biết rõ chẳng có ai hiện diện ở đấy – nhưng viên tù trưởng nói ông ta lấy làm sợ hãi không dám tấn công vì ông ta đã trông thấy hàng trăm người cao lớn với áo xống sáng láng cầm gươm trần đứng vây quanh trạm truyền giáo (Today in the Word, MBI, October, 1991).
5. Nhiều người xem mệnh đề "thiên sứ của chúng nó" là khả thi vì mỗi tín đồ đều có một hay nhiều thiên sứ bảo vệ. Đây là một đề tài rất thú vị dành cho một thời điểm khác.
6. Hãy xem kỹ lời lẽ của Chúa Jêsus: "các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời". Tôi tin Chúa Jêsus đang nói cho chúng ta biết rằng các thiên sứ không hề dời mắt khỏi Đức Giêhôva. Họ đang chăm chú nhìn vì  Ngài đang điều khiển họ theo cách cá nhân phải ra đi và phục vụ vì ích cho chúng ta.
7. Nếu mỗi một tín đồ là rất quan trọng đối với Đức Chúa Trời đến nỗi các thiên sứ đã được giao cho phần việc làm thoả mãn mọi nhu cần của họ, thì chúng ta là ai mà dám "khinh dể" và xem thường họ chứ?
Nhà truyền đạo lỗi lạc G. Campbell Morgan đã viết: "Đừng quên rằng các thiên sứ không khinh dể con cái [của Đức Chúa Trời] đâu. Thiên sứ quan phòng và canh chừng họ, rồi đứng biện hộ trước toà án trên trời cho họ … Và nếu quí vị phiêu bạt xa cách Đức Chúa Cha dịu dàng kia, thiên sứ của quí vị vẫn đang đi theo quí vị, và nếu không có âm thanh gì hết, một lần nữa quí vị xây lại cùng Đức Chúa Trời, hết thảy các thiên sứ sẽ hiệp với niềm vui của thiên sứ ấy, là Đấng công bố sự quí vị quay trở lại… Những đứa nhỏ đều có các thiên sứ trong tư thế chờ đợi".
John MacArthur trình bày điều nầy như sau: "Sự thực cho thấy rằng Đức Chúa Trời Toàn Năng vốn quan tâm về sự chăm sóc con cái yêu dấu của Ngài đến nỗi Ngài có những đoàn đông các thiên binh thiên sứ trong sự hiện diện của Ngài sẵn sàng chịu sai đi hầu sự vùa giúp của họ bày tỏ ra rõ ràng cho thấy các tín đồ có giá trị là ngần nào và kẻ ác sẽ chịu những người mà Đức Chúa Trời đánh giá cao xem khinh".
B. Chúng ta không khinh dể các tín hữu khác vì Đức Chúa Trời đang chăm sóc cho họ như một Đấng Chăn cho Dân Ngoại (các câu 11-13).
1. Một số bản Kinh Thánh Tân ước xưa nhất bỏ sót câu 11 và các bản dịch hiện đại cũng không có ghi câu nầy. Tuy nhiên, lẽ thật của nó không bị bỏ sót. Luca 19:10 chép: "Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất".
2. Đây là phương châm cho sứ mệnh của Chúa Jêsus. Mỗi tín hữu chân chính đều là một với Đấng Christ. Hãy xem lại câu 5: "Hễ ai vì danh ta chịu tiếp một đứa trẻ thể nầy, tức là chịu tiếp ta". Chúa Jêsus phán trong Luca 10:16: "Ai nghe các ngươi, ấy là nghe ta; ai bỏ các ngươi, ấy là bỏ ta; còn ai bỏ ta, ấy là bỏ Đấng đã sai ta". Vì lẽ đó "khinh dể" bất kỳ một Cơ đốc nhân chân chính nào tức là "khinh dể" chi thể của thân Đấng Christ và khinh dể chính mình Đức Giêhôva.
3. Trong thời buổi của Chúa Jêsus giống như hôm nay, phần tinh tuý tôn giáo hay xem khinh các giai cấp thấp kém hơn. Ngược lại, Chúa Jêsus yêu thương họ. Êsai 42:3 nói tiên tri về Ngài: "Người sẽ chẳng bẻ cây sậy đã giập, và chẳng dụt tim đèn còn hơi cháy. Người sẽ lấy lẽ thật mà tỏ ra sự công bình".
4. Kế đó Chúa Jêsus chia sẻ Thí dụ nói tới con chiên lạc. Một người chăn có "một trăm con chiên" "một con bị lạc mất". Người chăn nhơn lành kia mới "để chín mươi chín con" lại "trên núi rồi đi tìm con đã lạc mất". Khi người tìm được con chiên lạc, người "lấy làm vui mừng về con đó hơn chín mươi chín con không lạc".
5. Chúa Jêsus đã sử dụng thí dụ ấy trong Luca 15 để dạy về mối quan tâm của Đức Chúa Trời đối với người chưa tin Chúa. Tuy nhiên, ở đây, thí dụ nầy phác hoạ ra một trong các con cái của Đức Chúa Trời đã bị lạc cách xa bầy. Chúa Jêsus theo đuổi người, xử lý với các vết thương rồi đem người về ràng trở lại.
6. Nét đẹp của hình ảnh nầy, ấy là một người trong chúng ta đi lạc không thành vấn đề, Chúa Jêsus quan tâm đồng đều với mỗi một người chúng ta!
7. Dù khi chúng ta dại dột, theo ý riêng và loạn nghịch, tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta không bị cắt giảm đi. Ngài không chờ đợi chúng ta trở lại bằng sức riêng của mình, nhưng Ngài khôn khéo theo đuổi chúng ta!
Hơn hai năm rồi, chúng ta có hai con cái trong Hội Thánh của chúng ta bị nhiễm hình thức ung thư khác nhau. Một trong hai người đã về nước Chúa, còn người kia dường như đã được chữa lành. Một số người trong chúng ta nhớ lại thể nào cả Hội Thánh nhóm lại với hai gia đình nầy trong lúc họ có cần. Đấy là những gì Chúa Jêsus làm khi một người trong chúng ta đi lạc.
Có nhớ cách đấy mấy năm khi bé Jessica té giếng ở Midland, Texas không? Trong mấy tiếng đồng hồ, cả thế giới đều hướng về sự giải cứu cho bé. Mọi người đều vui vẻ khi nó được cứu thoát. Có phải nó quan trọng hơn bất kỳ một đứa trẻ nào khác không? Không, nhưng nhu cần của nó là rất lớn.
8. Nếu Chúa Jêsus bước đi với lòng thương xót rất lớn dành cho một trong "những đứa trẻ" của Đức Chúa Trời, chúng ta là ai mà dám "khinh dể" họ hay xem thường họ chứ?
C. Chúng ta không hề xem khinh các tín hữu khác vì Đức Chúa Trời không muốn bất kỳ ai trong số họ bị hư mất (câu 14).
1. Chúa Jêsus phán "Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư mất". "Hư mất" ra từ chữ Hy lạp có thể được sử dụng theo hai cách. Nó có ý nói tới bị huỷ diệt hoàn toàn hoặc đổ nát hay hư mất.
2. Ở đây "hư mất" có ý nói tới sự lớn lên về mặt thuộc linh nơi đời sống của một cá nhân. Đức Chúa Trời không muốn bất kỳ ai trong các "con trẻ" của Ngài phải bị thiệt hại theo một phương thức ngăn chận sự lớn lên của họ.
3. Còn đối với một tín đồ làm cho một tín đồ khác bị "hư mất" hay bị huỷ diệt về mặt thuộc linh có nghĩa là tuyệt đối vi phạm ý chỉ của "Cha chúng ta ở trên trời".
4. Chúng ta đã xem khinh hay coi thường ai?
Cách đây mấy năm, một người có tánh hay giận chạy đến một viện bảo tàng ở Amsterdam cho tới khi ông ta đến đứng trước bức tranh nổi tiếng của Rembrandt là “Nightwatch”. Ông ta rút ra con dao rồi rạch lấy rạch để bức tranh trước khi ông ta ngừng tay lại. Một thời gian ngắn sau đó,  một kẻ quẩn trí, có tánh thù nghịch nhào đại vào Thánh đường St Peter ở Rome với một cây búa rồi bắt đầu bổ vào bức tượng xinh đẹp của Michelangelo. Hai tác phẩm nghệ thuật nầy đã bị thiệt hại trầm trọng. Thế rồi giới chức có thẩm quyền đã làm gì? Ném bỏ rồi quên các tác phẩm ấy chăng? Tuyệt đối không! Sau khi sử dụng các chuyên gia, họ đã lao động với toàn bộ sự quan tâm và độ chính xác, họ đã đưa ra từng nổ lực để phục hồi các tác phẩm quí giá đó. Bởi ân điển kỳ diệu của Ngài, Đức Chúa Trời đang phục hồi thậm chí những đời sống bị tàn phá ghê gớm nhất. Chúng ta là ai mà dám "khinh dể" người khác chứ?

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét